Tiền của – Suy Niệm Chúa Nhật 28 TN, Năm B

0

Suy Niệm: Mc 10, 17-30

Ngày nay đồng tiền, của cải chiếm ưu thế, nó chi phối đời sống con người cách mãnh liệt. Chả thế mà người ta thường nói: “Tiền là tiên là phật, là sức bật tuổi trẻ, là sức khỏe tuổi già, là cái đà danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý, tiền thật hết ý”. Người ta đánh đổi mọi sự để có tiền. Trước giá trị được thượng tôn như thế hôm nay Chúa Giê-su lại mời gọi anh thanh niên bán tất cả để giúp người nghèo khổ. Lời mời của Chúa đi ngược lại với quan niệm trần gian. Đây là một thách đố không dễ nuốt với con người ở mọi thời. Thế nhưng Chúa vẫn đề nghị với những ai muốn lên cao hơn, muốn nên trọn lành.

Chắc chắn người thanh niên giàu có này chưa tìm được hạnh phúc nơi của cải nên anh mới tìm đến với Chúa Giê-su xin Ngài chỉ vẽ để tìm một đời sống hạnh phúc hơn: “Tôi phải làm gì để được sống đời đời”. Và Chúa Giê-su đã đưa ra những điều kiện giúp anh được hạnh phúc là giữ giới luật. Nhưng những giới răn này người thanh niên đã giữ nó từ khi còn nhỏ. Đây là một mẫu người ngay chính, tốt lành mà cha mẹ nào cũng mong ước nơi các con cái mình. Chúa Giê-su nhìn anh cách âu yếm, rồi Ngài đề nghị với anh một cuộc sống cao hơn nghĩa là không phải chỉ tránh điều dữ nhưng còn phải làm điều lành nữa: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy bán những gì anh có, phân phát cho người nghèo, rồi đến theo Tôi. Anh sẽ được kho tàng trên trời.”

Đòi hỏi này của Chúa Giê-su là muốn người thanh niên thanh thoát đối với của cải bằng cách chia sẻ cho người nghèo với tấm lòng cảm thông. Nhưng anh không thể vì của cải anh đang sở hữu là chiếc lọng che thân của anh, là cái đà danh vọng để anh thăng tiến. Tiền là tiên là phật để anh đổi trắng thay đen:

 “Trong tay sẵn có đồng tiền,
Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì!”
 (Nguyễn Du)

Cái của mà anh tích lũy từ lâu bằng mồ hôi nước mắt phòng hờ khi “trái gió trở trời”.

Cái của mà anh canh cánh bên lòng không cho nó bay xa vì anh sợ “hết tiền hết của hết ông tôi”. Đồng tiền ấy giúp anh dương dương với thiên hạ, được thiên hạ nể vì:

“Thế thái nhân tình gớm chết thay.
Lạt nồng trông chiếc túi vơi đầy
Hễ không điều lợi, khôn thành dại
Ðã có đồng tiền dở cũng hay”
    (Nguyễn Công Trứ)

Anh buồn rầu bỏ đi vì thách đố mà Chúa Giê-su đưa ra với anh quá lớn, quá khó, anh không thể chấp nhận. Anh trở lại với đời sống cũ, với những tiện nghi và an sinh mà anh đang được hưởng. Cuộc sống của anh sẽ vững chắc hơn, an tâm hơn. Nhưng đó lại là lý do Chúa Giê-su muốn các môn đệ và những người theo Ngài phải từ bỏ. Từ bỏ để họ chỉ cậy dựa vào một mình Chúa, phó thác hoàn toàn cho Chúa như nguồn an sinh duy nhất.

Khi Chúa Giê-su nói: “Hãy bán những cái anh có…” không có nghĩa là một môn đệ phải chịu thiếu thốn, phải cùng cực, phải trắng tay, nhưng là siêu thoát với những của đời này.

Đời sống nghèo nàn với sự thử thách gay go và đau khổ không đặt ra như một tư tưởng trừu tượng cho người môn đệ của Chúa Ki-Tô. Nhưng là ước muốn sống: không đam mê tiền bạc, không ao ước làm giàu, không tích lũy của cải và sống nghèo như Thầy mình: “Cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8,20).

Tiếc thay người thanh niên trẻ này mơ ước trở thành người Ki-Tô hữu tốt nhưng không muốn thực hành. Việc giữ các giới luật mới chỉ là bước khởi đầu, còn phải tiến lên nữa, và Chúa Giê-su biết người thanh niên này có thể tiến xa hơn, anh có thể trở nên môn đệ. Nên Ngài mời gọi anh: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện hãy bán những cái anh có, phân phát cho người nghèo và đến theo Ta.”

Anh và những người trẻ mọi thời sống giữa một xã hội đề cao tiền của vì nó đáp ứng lại những hưởng thụ của họ: vợ đẹp, con khôn, nhà lầu, xe hơi, công việc… Những mơ ước  không cùng đó đã đẩy họ vào việc kiếm tiền, làm tiền, rửa tiền, cướp tiền, bất chấp công lý. Người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay hiểu rõ lời Chúa Giê-su nhưng anh không thể vào trong thế giới mới khi phải nói tạm biệt với thế giới cũ. Anh lưỡng lự, anh nghĩ về nó với những gì anh đang sở hữu. Anh bắt đầu so sánh và tự hỏi: Ta phải bỏ lại tất cả những gì mà ta đã tích lũy từ trước, không được hưởng thụ những gì ta đã làm ra chăng?

 “Tiết kiệm sẵn có đồng tiền.
Phòng khi túng lỡ không phiền lụy ai.”
( ca dao)

 Anh không thể bỏ nó. Anh đã từ chối lời mời gọi của Chúa Giê-su.

Hầu hết chúng ta không muốn mất cái gì thuộc quyền sở hữu của mình dẫu để được một cái gì mới hơn. Nếu chúng ta sợ mất niềm vui cũ thì không thể nào được nếm hưởng niềm hạnh phúc mới.

Chúa Giê-su xin những điều tốt nhất nơi chúng ta cũng như Người đã làm điều đó với người thanh niên. Người không cho phép chúng ta bám trụ vào bất cứ cái gì kém hơn. Nhưng thách đố đó là: “Nếu con muốn nên hoàn thiện”. Câu hỏi đặt ra cho chúng ta nữa. Hãy nhìn vào trái tim mình để xem phải bỏ điều gì? Có nhiều điều mà Chúa Giê-su đang xin chúng ta. Ngài xin chúng ta như Đức Phanxicô mời gọi: “Tôi mời gọi toàn thể Giáo Hội, những người nam nữ thiện chí trong ngày này hãy nhìn vào những người nghèo là những người đang giơ tay kêu cứu và xin tình liên đới của chúng ta. Họ là những người anh chị em được Chúa Cha duy nhất trên trời tạo dựng và yêu thương. Ngày này trước tiên nhắm đến khích lệ các tín hữu để họ chống lại nền văn hóa gạt bỏ và phung phí, để đón nhận nền văn hóa gặp gỡ. Đồng thời, tôi mời gọi tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, hãy cởi mở chia sẻ với người nghèo trong mọi hình thức liên đới như dấu chỉ tình huynh đệ.” (Trích thông điệp “Ngày Thế Giới Về Người Nghèo)

Ngài tha thiết mời gọi chúng ta cùng một ưu tư như Ngài về tình trạng nghèo đói hiện nay: “Hằng ngày, nơi gương mặt đã bị đánh dấu bởi nỗi thống khổ, sự loại trừ, áp bức, bạo lực, tra tấn và tù đày, chiến tranh, tước đoạt tự do và phẩm giá, sự ngu muội và mù chữ, những thiếu thốn về y tế và thiếu việc làm, nạn buôn người và nô lệ, lưu đày, nghèo cùng cực và di dân ép buộc”.

Và ông Matthew D. Edward cũng đưa ra phương pháp hiện sinh là hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người nghèo khổ để thấy họ cần được giúp nhiều đến mức nào. Cuộc sống của họ không chỉ thiếu thốn về vật chất mà còn về tinh thần nữa.

Người nghèo hằng ở bên chúng ta ngửa xin lòng xót thương, sự sẻ chia và cảm thông. Những người bệnh tật cần sự yêu thương nâng đỡ, những người thất vọng cần chúng ta dẫn về bến đỗ…Mọi người đau khổ đang bị dằn dặt bởi cơn đau thể lý cũng như tinh thần rất cần đến chúng ta. Trước nhu cầu này Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm dâng hiến những gì đang ràng buộc mình để tiến cao hơn trên đường phục vụ anh em.

Mong rằng lời mời gọi của Chúa Giê-su với chàng thanh niên hôm nay làm dạy lên nơi chúng ta tình liên đới sâu sa với người nghèo, để chúng ta can đảm bỏ đi những quyến luyến không dễ dứt, quảng đại trao ban, hào phóng chia sẻ, giúp người nghèo bớt đi  sự lo lắng, tủi thân và mất hi vọng vào cuộc sống.

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu, O.P

Comments are closed.

phone-icon