Tình yêu là tất cả – Suy niệm Chúa Nhật 31 TN, Năm B

0

Suy niệm: Mc 12, 28-34

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su lặp lại lời cầu nguyện của Israel: “Nghe đây, hỡi Israel: Đây là giới luật trọng nhất: Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình”. Và Chúa kết luận điều luật này tốt hơn mọi của lễ. Chúa muốn chúng ta yêu Chúa với trọn con người của mình và yêu tha nhân như chính mình. Điều này không dễ thực hiện. Nhưng đó lại là đòi hỏi tiên quyết của Thiên Chúa. Chúng ta biết trong Cựu ước đôi khi Thiên Chúa được diễn tả như một Thiên Chúa hà khắc, ghen tương, chiến tranh và đáng sợ. Nhưng trong Tân Ước Chúa Giê-su đã mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa yêu thương, giầu lòng từ bi, nhẫn nại và hay thương xót…Thiên Chúa này đòi chúng ta phải nên giống Ngài trong tình yêu.

Dẫu thời Cựu Ước đôi khi Thiên Chúa được diễn tả cách hà khắc nhưng trong sách xuất hành đã cho chúng ta biết khi dân Do thái lang thang trong sa mạc thì Thiên Chúa luôn đồng hành với dân, chăm sóc, nuôi dưỡng, dẫn dắt Israel như người mẹ chăm sóc con thơ. Và ngôn sứ Hôsê và Jerêmia không do dự so sánh sự tương quan của Thiên Chúa và con người như mối tình điên rồ của hôn phu đối với hôn thê. Mối tình này được diễn tả qua những vần thơ trữ tình trong sách Diễm Ca. Như thế cả Cựu ước và Tân Ước đều cho chúng ta thấy mệnh lệnh tình yêu là quan trọng. Thánh Phaolo nói: “Dù làm được tất cả những việc lẫy lừng to tát nhưng thiếu đức ái cũng là vô ích”.

Tôi hiện diện trong một xứ đạo truyền thống kia có tiếng là đạo đức vì nhiều người tham gia ít nhất là ba, bốn hội đoàn và tham dự thánh lễ mỗi ngày với những giờ kinh nguyện sáng chiều rất sốt sáng. Điều đáng khen nữa là họ thực hành mệnh lệnh yêu thương của Chúa bằng cách nấu cơm từ thiện và chôn cất các thai nhi. Nhìn họ cầu nguyện mà tôi vui. Một xứ đạo không phải nhắc nhở con chiên đi lễ như các xứ truyền giáo, tưởng như thế là ngon rồi. Nhưng một ngày kia, các bà đạo đức đến nói với tôi: “Dì nói với Cha xứ không cho Ông A kia phục vụ Bàn Thánh. Chúng con không chấp nhận khi thấy ông đi đi lại lại gian cung thánh”. Tôi hỏi: “Tại sao vậy?” Các bà đồng loạt nói: “Ông có một quá khứ đen tối. Ông không xứng đáng đến gần Chúa”. Nghe các bà nói tôi tò mò tìm hiểu. Thì ra ông A trước đây đúng là một mày râu có đủ bốn điểm đáng trách: “tứ đổ tường” như ông cha ta thường nói: trai gái, hút sách, cờ bạc, rượu chè. Nhưng ngày nay thì khác hẳn, ông đã thay đổi. Ông phục vụ bàn thánh sáng chiều, đi sớm về khuya. Ngày có bao nhiêu lễ là ông hiện diện, không phải để che mắt thiên hạ nhưng là để phụng sự Chúa và phục vụ giáo xứ. Ngày nào ông vắng mặt là ngày ấy có vấn đề trong phòng áo cũng như ngoài bàn thánh. Một điều đáng khen hơn nữa là ông giúp đỡ người nghèo. Gia đình ông chỉ đủ ăn nhưng ông đã đưa những người điên cô đơn cô độc về nhà nuôi dưỡng. Tôi đã đến nhà ông và thăm một ông già điên được ông rước về nuôi. Vợ ông than phiền vì phải vất vả phục vụ những con người như thế. Những con người không tự làm gì cho mình, luôn luôn gây phiền hà nhức nhối về mọi mặt. Ông luôn động viên vợ giúp ông thực hiện giới răn yêu thương của Chúa.

Sau khi tìm hiểu, tôi biết ông, biết lòng thống hối chân thành của ông và biết ông là một người thánh thật. Tôi đã ca tụng ông với những người cho mình là giữ luật Chúa, không chấp nhận anh em mình.

Có thể tôi cũng rơi vào trường hợp này: tôi cho mình là đạo đức, sống yêu thương nhưng tôi kết án anh em mình. Tôi hãnh diện vì mình giữ luật, rao truyền Lời Chúa, đưa được nhiều anh em về với Chúa nhưng tôi lo cho bản thân mình hơn lo cho anh em.

Hôm nay Chúa nhắn nhủ tôi điều răn thứ nhất phải là tiền đề dẫn đến điều răn thứ hai. Yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn để rồi yêu anh em như chính mình.

Tôi rất thán phục những mẫu gương xả thân vì anh em. Có nhiều gương sáng đi qua cuộc đời tôi đã cật vấn tôi. Điển hình là cuộc đời mẹ Tê-rê-sa Calcutta: Mẹ đã dành 40 năm cuộc đời cùng với các con cái Mẹ chăm sóc cho người nghèo khổ, bệnh tật và khốn cùng nhất. Tấm gương biết nói đó đã thức tỉnh lương tâm và trái tim của cả thế giới. Tác giả Con Chiên Nhỏ đã viết về Mẹ: “Qua đời sống của Mẹ, người ta cảm nhận được hình ảnh của một Thiên Chúa hiền dịu, yêu thương, xót xa trước cảnh khốn cùng của con người giữa bầu khí tục hóa vô thần vốn dị ứng với niềm tin tôn giáo, với sự vô cảm càng ngày càng gia tăng khắp nơi, và khi cuộc sống con người rất bất an vì loay hoay với biết bao xâu xé bạo lực của con người trong thế kỉ XX. Cuộc đời, hành động và lời nói của Mẹ là một ánh sáng tỏa rạng giữa đêm đen hoảng loạn mà bao người đang phải đối diện, gợi hứng cho bao người tìm thấy lẽ sống và hạnh phúc khi tìm thấy niềm vui trong sẻ chia và phục vụ thay vì chỉ lo hưởng thụ và đau đáu sống riêng cho mình.”

Sống trong thế giới hưởng thụ chúng ta dễ dàng tách hai giới luật mến Chúa và yêu người, và hình như chúng ta thấy mến Chúa dễ hơn là yêu người. Mến Chúa chúng ta tìm được sự an toàn, chỗ dựa dẫm tinh thần trong lúc phong ba bão tố. Yêu người đòi chúng ta phải ra khỏi mình sống vị tha, quên mình hy sinh vì anh em.

Chúa ban cho chúng ta khả năng yêu thương khi Ngài dựng nên chúng ta giống hình ảnh Ngài, nhưng khổ thay chúng ta đã không dùng nó.

Một câu truyện phải làm chúng ta suy nghĩ: Một người ăn xin nọ đói khát lê bước gõ cửa từng nhà, anh đến nhưng họ đóng cửa và xua đuổi anh cách thậm tệ. Một ngày kia khi đi ăn xin dưới trời mưa dầm, anh bị trượt té và bị gãy chân. Thấy thế, người trong phố đưa anh đến nhà thương chữa trị. Nghe anh bị hoạn nạn người ta đến an ủi, mang thức ăn quần áo. Khi xuất viện họ cho anh quần áo và một số tiền nhỏ để dưỡng bệnh. Trước khi rời thành phố đó anh viết thư cho vợ: Em yêu dấu, hãy tạ ơn Chúa. Một phép lạ đã xảy ra: anh bị gẫy chân! Anh đã được người ta giúp đỡ. Nhưng tiếc thay người ta giúp một người bị ngã hơn là giúp một người khỏi ngã!

Nhiều khi trong cuộc sống chúng ta thương xót một người lâm cơn cùng khốn dễ hơn giúp một người tránh sự cùng khốn. Cha ông chúng ta vẫn thường nói: “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Vực một người sắp lâm nguy dễ hơn là chữa lâm nguy.

Lời Chúa hôm nay phải thức tỉnh mỗi người chúng ta: yêu Chúa và yêu tha nhân. Yêu là bản chất của con người nên khi yêu là chúng ta tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Khi yêu, tình yêu của Chúa luân chuyển trong chúng ta đưa chúng ta vào Gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Lúc đó chúng ta có thể thực hiện được điều Chúa đòi hỏi là yêu như Chúa yêu, yêu cả kẻ thù, trở thành anh em của mọi người không trừ ai.

Xin Chúa cho chúng ta thực thi được giới răn yêu thương như Chúa muốn!

Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon