Kỷ Hợi, tản mạn về Heo – Lợn

0

Tết Nguyên Đán sắp đến. Lợn (Kỷ Hợi) sẽ được cậu Chó (Mậu Tuất) bàn giao công việc dân gian trong 12 tháng năm mới.

Tản mạn đôi nét về chú lợn, con vật rất gần gũi được nuôi trong nhiều gia đình thôn quê và các trang trại.

1. Lợn và Heo

Người miền Bắc kêu là “con lợn”, còn miền Nam gọi là “con heo”. Có người giải thích đơn giản là: Lợn ăn ngô, heo ăn bắp.

Paulus Huỳnh Tịnh Của là một học giả người miền Nam, trong “Đại Nam Quốc Âm Tự Vị”, ông đã giải nghĩa Lợn là con Heo. Theo ông: người miền Nam phần lớn là những di dân từ miền Trung, tiếng nói của họ nặng, khi phải bẩm trình với quan lớn, họ lại phát âm thành “quan lợn”. Chẳng hạn như họ phát âm: trò chơi lợn (lớn), ăn quỵt (quýt), ông Giacọp (Giacóp). Quan cho là vô phép nên sai lính lấy hèo phạt, ai bẩm “quan lợn” là phải đòn 10 hèo. Nhiều người bị phạt hèo như vậy, nên khi thấy con lợn họ hình dung ngay ra những cây hèo vút vào mông họ, họ bèn mỉa mai gọi con lợn là “con hèo”. Rồi để khỏi lầm lẫn con lợn với cây gậy quái ác ấy, họ bớt đi dấu huyền, còn lại là con heo. Con lợn từ miền Bắc đi xuống miền Nam thành con heo là như thế.

Lợn, heo là một loại gia súc được nuôi bằng thức ăn tạp, nó cung cấp thịt cho người dùng. Có nhiều loại lợn: lợn sề, lợn nái, lợn giống, lợn cấn, lợn sữa, lợn choai, lợn tháu, lợn ỷ… Heo thì có heo nhà, heo ruộng, heo bông, heo lang, heo cỏ, heo bò, heo đen, heo nọc, heo nái, heo nưa, heo lứa, heo mọi… Đó là các loại heo nuôi trong nhà, còn loại heo hoang dã như heo lăn chai, heo rừng hay lợn lòi… là loài hung dữ, nhanh nhẹn.

Ngành chăn nuôi heo ngày nay đã công nghiệp hóa trong các trang trại quy mô hiện đại. Nhiều giống thuần chủng nhập khẩu như: heoYorshire, heo Landrace, heo Chester White, heo Duroc, heo Hampshire…

2. Hình ảnh con lợn trong văn hóa dân gian

Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi, con chó khóc đứng khóc ngồi, mẹ ơi đi chợ mua con đồng riềng. Vì sao chó phải có riềng, lợn có hành?

Triết lý Việt nam theo triết lý Trung hoa, chủ trương âm dương hoà hợp. Quan niệm đó được thể hiện trong lãnh vực ăn uống. Thịt gì món gì phải ăn với rau thơm hay gia vị nào đều có quy định cả. Người Việt ăn nhiều thứ rau mà các nước khác không có: rau mùi, rau răm, lá sung, lá xoài, củi tỏi, gừng riềng…Gà luộc cần có lá chanh, thịt lợn cần có củ hành, chó phải có củ riềng lá mơ.

Ba con vật này đứng chót trong thứ tự 12 con giáp. Gà lợn và chó là ba con vật nuôi rất thông dụng trong hầu hết các gia đình nông thôn Việt nam.

Theo cổ tích Việt Nam, tiền thân của lợn là một vị tiên trên trời, vì ham ăn, lại lười biếng chẳng chịu làm việc gì, nên Ngọc Hoàng đày xuống dương gian làm kiếp gà, bắt phải bới rác kiếm ăn. Vị tiên ấy chê giống gà nhỏ bé, đến con mèo con chó cũng bắt nạt được. Trời thương tình, cho làm kiếp bò. “Bò tuy lớn, nhưng chỉ được ăn cỏ mà còn phải vất vả kéo xe, kéo cày…”, nghĩ thế, nên vị tiên ấy lại năn nỉ:

– Xin Ngọc Hoàng cho con cái chức gì không phải làm lụng, mà được cơm bưng nước rót đến tận miệng…

– Vậy Ta cho người làm kiếp Lợn, người ta sẽ đem thức ăn đến tận mõm, chỉ việc ăn no ngủ kỹ, càng ăn lắm ngủ nhiều người ta càng thích, để thân xác béo mẫm ra cho người ta nhờ.

Thế là vị tiên đó hí hửng lạy tạ, xuống trần làm thân con lợn, không để ý đến hậu quả. Tới lúc lợn béo nùng nục, bị người ta lôi ra làm thịt, mới té ngửa ra, đòi xin hóa kiếp. Một tiên ông đến mách bảo “xin người ta thêm hành vào xào nấu với thịt thì ngươi được hóa kiếp”. Từ đó “con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi” là để mong được hóa thân kiếp khác vậy.

Sống chung với loài người ở khắp nơi, đặc biệt thịt lợn có mặt trên các mâm cỗ, bàn tiệc và là thức ăn ít nhiều đều có trong bữa ăn gia đình ở thành thị cũng như thôn quê, từ đó hình ảnh con lợn đã đi vào nếp sống dân dã trên nhiều lãnh vực qua các câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ tiếng Việt cũng thường nhắc đến động vật hữu ích này.

Ca dao Việt Nam từ rất xa xưa đã có những câu dí dỏm, tình tứ, nhân bản về việc cưới gả. Trong đó con heo cũng đóng vai trò quan trọng. Chẳng hạn một chàng trai đã “phải lòng” một cô thiếu nữ, nhưng lại vờ vĩnh hứa giúp “đằng ấy” khi “đằng ấy” lấy chồng:

Giúp em một thúng xôi vò,
Một con lợn béo một vò rượu tăm.

Nghe vậy, nàng cũng bắt được ý chàng, tuy tim nàng rung động nhưng cũng trấn tĩnh, ngúng nguẩy trả lời:

Anh về thưa với mẹ cha,
Bắt lợn đi cưới, bắt gà đi cheo.

Nói gà bắt gà đi cheo, chứ thật ra chàng trai phải nộp cheo cho làng bằng thủ lợn. Bởi vì:

Sọ lợn lớn hơn đầu mèo,
Làng ăn không hết làng treo cột đình.

Tục lệ ở Việt Nam xưa là như thế. Nạp cheo để chứng minh cho cả làng biết là chúng tôi thành vợ thành chồng đàng hoàng. Biên nhận nạp cheo là một thứ giấy giá thú. Nếu không có nó thì:

Có cưới mà chẳng có cheo,
Dẫu rằng có giết mười heo cũng hoài.

Cưới mà giết mười heo thì chỉ có con nhà phú hộ, còn nhà bình dân thì làm mâm cơm cúng ông bà cũng đủ:

Nhà họ giàu thì đầu heo nọng thịt,
Đôi mình nghèo thì cặp vịt với bông tai.

Số phận người con gái thời phong kiến xưa, chưa hẳn đã tự chọn cho mình được người bạn đời như ý. Vì chưng:

Mẹ em tham thúng xôi dền,
Tham con lợn béo, tham tiền Cảnh Hưng.
Em đả bảo mẹ rằng đừng…
Mẹ em tham thúng bánh chưng,
Tham con lợn nái, em lưng chịu đòn.

Người Việt hay dùng hình ảnh ví von: Ngu như lợn. Bẩn như heo. Chỉ biết ăn no lại nằm như heo. Nói toạc móng heo. Mượn đầu heo nấu cháo. Cám treo heo nhịn đói. Gió heo may đã về?

3. Hình ảnh con lợn trong Thánh Kinh

Trong lịch sử niềm tin đạo giáo, hình ảnh loài heo được nhìn theo nhiều khía cạnh gần như trái ngược khác nhau.Thời xa xưa thượng cổ, người Ai Cập nhìn con heo là hình ảnh biểu tượng của mặt trăng. Vì thế, họ giết heo vào những ngày có trăng. Ở bên Syria con heo là con vật thánh, dùng để tế nữ Thần sinh sôi nẩy nở Astarte.

Do thái giáo và Hồi giáo cấm các tín hữu của họ đụng đến bất cứ món gì có liên quan đến con heo. Họ thà chết chứ nhất định không bao giờ đụng đến những món ăn có thịt heo. Có lối giải thích là hai tôn giáo này ghét con heo là vì vào thời Hy Lạp cổ đại, heo là con vật mà dân ngoại dùng để hiến tế cho nữ thần Demeter, nữ thần này yêu heo cho nên phần mở đầu của các lễ hiến tế Eleusis bao giờ cũng được bắt đầu bằng việc hiến tế một con heo to béo.

Người Do thái liệt heo vào loài thú vật dơ không thanh sạch. Ăn thịt heo đối với người Do thái là một tội vì như thế là phản đạo. Bởi vậy người Do thái cấm nuôi heo.

Trong Kinh Thánh Cựu ước, con heo cũng là con vật dơ bẩn: “Con heo, vì nó có chân chẻ làm hai móng, nhưng không nhai lại: các ngươi phải coi nó là loài ô uế. Thịt của chúng, các ngươi không được ăn, xác chết của chúng, các ngươi không được đụng đến; các ngươi phải coi chúng là loài ô uế” ( Lv11,7; Ds 14,8).

Trong các dịp cúng thần, dân Israel bị Vua Hylạp là Antiôkhô ép buộc phải ăn thịt heo. Cụ Êlêasa, tuy đã 90 tuổi nhưng phương phi đẹp lão. Cụ bị bắt phải há hàm để nhét thịt heo vào miệng, nhưng cụ thà chết vinh hơn sống nhục, đã khạc nhổ hết thịt heo ra khỏi miệng, rồi tự nguyện tiến ra nơi hành hình. Những người chủ tiệc kính thần vì quen cụ đã lâu nên đã kéo cụ ra riêng một chỗ, khuyên cụ ăn một miếng thịt khác không phải là thịt heo rồi giả vờ như đang ăn thịt heo tuân lệnh nhà vua. Làm như vậy cụ sẽ thoát chết. Nhưng cụ trả lời họ: “Ở tuổi chúng ta, giả vờ là điều bất xứng, e rằng làm gương mù cho lớp trẻ, họ sẽ bảo là ông già Êlêasa đã 90 tuổi mà còn theo dân ngoại ăn thịt heo, và họ bị lầm lạc vì tôi đã giả vờ…”. Cụ đã bị hành hình, lúc sắp lìa đời, cụ thì thào nói: “Đức Chúa là Đấng thông biết mọi sự, hẳn Người biết là dù có thể thoát chết, nhưng tôi vẫn cam chịu những cực hình nơi thân xác, mà tâm hồn tôi vui vẻ vì tuân giữ luật Chúa”. Cụ đã từ giã cuộc đời. Cái chết của cụ thật là tấm gương cao thượng chói sáng, không những cho các thiếu niên, mà còn cho phần lớn dân tộc.(x. 2 Mcb 6,18-31).

Trong sách Macacbê chương 7 kể chuyện về bữa tiệc cúng thần, có 8 mẹ con vì không chịu ăn thịt heo mà phải chịu các hình khổ tàn bạo cho đến chết.

Thánh vịnh 79 ví dân Israel như vườn nho Chúa đã vun trồng, đang xum xuê hoa trái mà sao Chúa bỏ cho hoang tàn:

Làm sao Người nỡ triệt hạ tường giậu nó
Mặc cho khách qua đường bứt quả
Mặc cho heo rừng phá phách tan hoang. (Tv 79, 13-14)

Sách Huấn ca đã phải than thở: “Với người dại chớ có nhiều lời, đừng đồng hành với con lợn”(Hc 22,13).

Sách Cách ngôn cho rằng người dại khờ khó có thể hiểu được những lời khôn ngoan hướng dẫn, họ giống như: “Đàn bà nhan sắc mà đần, khác nào vòng xuyến đeo nhầm mõm heo” (Cn 11,22)

Phúc âm Thánh Matthêu viết: “Ngọc trai chớ quăng trước bầy heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi quay lại cắn xé anh em” (Mt 7,6).

Câu chuyện đứa con hoang đàng. Người con thứ đòi cha chia gia tài. Anh ta đem tiền của đó đi ăn chơi phung phí, đàng điếm. Lúc hết tiền, bạn bè ăn nhậu đều xa lánh. Miền đó lại gặp nạn đói, anh ta phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng, ông chủ bắt anh ta ra đồng trông coi đàn heo. Anh ta ước gì có thể lấy những thứ heo ăn mà thốn cho đầy bụng mà cũng chẳng có ai cho. Lúc ấy anh ta mới ăn năn hối hận trở về nhà và được người cha nhân hậu tiếp đón niềm nở, mở tiệc ăn mừng, vì: “con ta đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy” (x.Lc 15).

Đến thời Hy lạp La mã thống trị Israel, chuyện nuôi heo trở nên phổ biến.

Chúa Giêsu đã phá bỏ sự phân biệt vật dơ và thánh. Đối với Người cái gì dơ là từ bên trong mà ra. Vì thế không có loài vật nào là dơ cả. Thánh Phêrô thấy thị kiến và Lời Chúa phán với ông: “Những gì Thiên Chúa đã tuyên bố là thanh sạch, thì ngươi chớ gọi là ô uế” (Cv 10,9-16).

4. Năm Hợi hứa hẹn ấm no, hạnh phúc

Loại cá thông minh được Hải quân huấn luyện để chống đặc công là loại cá heo. Nước Cuba có vịnh Con Heo. Ở Đức nhiều nơi chọn hình heo con quảng cáo, như một sự may mắn phát tài. Bữa ăn tối ngày đầu năm của người Áo bao giờ cũng có món heo sữa quay, con vật tượng trưng cho mọi điều tốt lành. Con heo có một vị trí quan trọng trong ngày đầu năm ở Áo, vì họ tin rằng con heo lầm lũi bước đi với cái mũi hít đất là biểu tượng hoàn hảo nhất của sự may mắn và “sự chuyển động về phía trước” trong năm mới. Ở một số nước như Cuba, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungragy, con heo biểu trưng cho sự phát triển, tiến bộ. Người ta đều nghĩ như vậy là vì con heo không biết đi lùi. Papua New Guinea là đảo quốc ở phía tây Thái Bình Dương, đa số thổ dân ở đây đều xem heo như một bái vật giáo. Có bộ tộc lấy mỡ heo trộn với tro bếp xoa lên mặt để biểu thị sự dũng mãnh. Có một số tộc trưởng còn xâu một lỗ trên mũi mình rồi cắm chiếc răng heo rừng vào đó để tượng trưng cho uy quyền. Heo là một trong những đồ lễ quan trọng trên cỗ xin đính hôn của các đôi nam nữ. Ở đất nước này có tờ tiền thật với hình con heo mệnh giá 20 Kina do chính phủ in ấn và phát hành từ năm 1999 cho nhu cầu lưu thông tiêu dùng hàng ngày. Tờ tiền con heo Papua New Guinea được ưa chuộng làm tiền mừng tuổi tết cho năm Kỷ Hợi 2019 này, đặc biệt với người Châu Á.

Người Việt và có thể nhiều quốc gia khác cũng có loại heo đất bỏ tiền tiết kiệm.

Con heo tạo nhiều cảm hứng cho hội họa và tranh dân gian mỗi dịp Xuân sang Tết về. Làng Đông Hồ nổi tiếng về vẽ tranh dân gian con heo.

Lợn được coi như là tiêu biểu cho sự may mắn, giàu sang.

Năm Tuất đã qua, năm Hợi lại đến với mọi người qua hình ảnh tượng trưng cho sự an nhàn của chú lợn nên tục ngữ có câu: “Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”, nói đến số phận sung sướng, an nhàn của những người sinh vào năm Hợi, hình như người tuổi Hợi ít ai vất vả cho lắm thì phải!?.

Con heo được người đời nuôi dưỡng, sống nhàn hạ, sung sướng, có lẽ để trả ơn con heo đã đem lại niềm vui, hạnh phúc trong đời sống thường nhật của con người. Năm Kỷ Hợi hy vọng sẽ no đủ, đầm ấm, hạnh phúc đến với mọi nhà.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Comments are closed.

phone-icon