Như chuối chín cây – Mồng 2 tết 2019

0

Anh chị em thân mến,
Dân tộc Việt nam trọng Đạo Hiếu, cho nên trong những ngày Tết vui vẻ, chúng ta vẫn không quên cha mẹ, ông bà, tổ tiên của mình còn sống và đã qua đời, để đền đáp công ơn trời bể của các ngài đã dành cho chúng ta.

Không phải ngẫu nhiên mà Giáo hội Việt nam chọn ngày Mồng Hai Tết để kính nhớ ông bà tổ tiên, nhưng là một sự suy tư chín mùi từ hai chữ Đạo Hiếu, là sự khôn ngoan của Thánh Thần ban cho để chúng ta – những con cháu của các bậc anh hùng tiền nhân – nhớ đến những công lao khó nhọc và ngay đến cả xương máu của các ngài đổ ra để chúng ta có được ngày hôm nay.

Trong Thánh lễ Mồng Hai Tết hôm nay, chúng ta đặc biệt cầu nguyện cho các ngài; đồng thời cũng cầu xin Chúa giúp chúng ta sống tốt để làm các ngài vui lòng, đó chính là cách thể hiện lòng hiếu đúng nhất.

I. TẢN MẠN VỀ CÂY CHUỐI

Người Việt nam chúng ta có thói quen, hằng ngày và nhất là những ngày Tết hay giỗ chạp, thường thắp nhang, dâng hoa tươi, một mâm cơm hay một mâm hoa quả trên bàn thờ để cúng ông bà tổ tiên với tất cả lòng thành kính và biết ơn.

Trong mâm hoa quả, chúng ta thấy có nhiều loại, rất đa dạng. Mỗi thứ quả có một ý nghĩa riêng. Trong mâm hoa quả đó có một thứ quả rất quen thuộc, rất phổ biến đến nỗi ai cũng biết, đã từng được ăn nhiều lần, đó là quả chuối. Vậy cây chuối và quả chuối có ý nghĩa gì?

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu sơ qua về cây chuối cùng với ý nghĩa của nó, ít ra là với ý nghĩa chủ quan mà chúng ta gán cho nó.

Chuối có nguồn gốc trong vùng nhiệt đới ở vùng Đong Nam Á và Úc châu. Ngày nay, nó được trồng khắp nơi vùng nhiệt đới, ít nhất là ở 107 quốc gia.

Ở Việt nam chúng ta có khá nhiều loại chuối, rất đa dạng. Đặc biệt ở Lâm Đồng có chuối Laba, được trồng nhiều nhất ở Phú Sơn huyện Lâm hà. Quả chuối có màu vàng đốm trứng quốc, ruột dẻo, ngọt và có mùi thơm nhẹ. Nhiều người muốn đi du lịch Đà Lạt để được ăn loại chuối này.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chuối là một thức ăn tráng miệng và bổ dưỡng nhất trong các loại quả. Chuối có nhiều công dụng như bổ não, nhuận tràng, giảm bệnh thiếu máu, tốt cho dạ dày, giàu vitamin và khoáng chất, giảm chứng ợ nóng, giảm stress và dùng để chữa được một số bệnh khác.

Chuối là một loại quả cung cấp nhiều vitamin và chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Ăn chuối có nhiều cái lợi cho sức khỏe đến nỗi có người nói một cách khôi hài rằng: “Nếu mỗi ngày ăn hai quả chuối thì bác sĩ không có tiền bỏ túi” !

II. Ý NGHĨA TƯỢNG TRƯNG CỦA CÂY CHUỐI

Chuối là một loại cây quả có rất nhiều ở Việt nam, hầu như ở đâu cũng có, cho nên trong mâm hoa quả cúng tổ tiên đều có nải chuối. Vậy chuối có ý nghĩa gì không ? Cái đó tùy ở mỗi người. Nếu suy nghĩ thì chúng ta có thể nói: “chuối tượng trưng cho sự hy sinh của cha mẹ đối với con cái”. Ca dao Việt nam có câu :

Mẹ già như chuối chín cây
Gió rung mẹ rụng, con rầy mồ côi.

Cây chuối ở quanh vườn nhà chúng ta, mỗi nhà không nhiều cũng trông vài ba bụi để lấy quả mà ăn, đôi khi có thể dùng được cả hoa , thân cây và củ chuối nữa. Hằng ngày ta vẫn ăn chuối và nhìn thấy bụi chuối mà không hay biết cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh đẹp về sự hy sinh.

Hình ảnh cây chuối mang một quầy chuối có khi tới 30 nải và nặng tới 30-50 ký là một hình ảnh quen thuộc , nhưng có bao nhiêu người nghĩ rằng cây chuối chính là hình ảnh người mẹ hiền. Ta chỉ chú trọng vào buồng chuối to béo, nõn nà mà quên đi những thân chuối xác xơ, héo tàn…

Tìm trên mạng internet, tình cờ tôi tìm được một bài không có tên tác giả với tựa đề “Câu chuyện về cây chuối” rất hay và rất có ý nghĩa. Câu chuyện ấy như thế này:

Tôi là một cậu bé sinh ra và lớn lên ở thành phố nên không biết nhiều về cây chuối. Có một lần nhìn thấy một cây chuối có buồng, tôi hỏi bố tôi:
– Bố, trong cuộc đời của một cây chuối nó sinh ra được bao nhiêu buồng?
Bố tôi trả lời:
– Chỉ một buồng duy nhất thôi con ạ.
Tôi ngạc nhiên về câu trả lời của bố. Tôi cứ đinh ninh trong cuộc đời của mình, một cây chuối ít nhất cũng phải cho vài buồng quả.
Bố tôi nói thêm:
– Khi buồng chuối chín cũng là lúc cây chuối mẹ chết đi.

Về sau, tôi có dịp được nhìn một cây chuối mang một buồng quả chín. Lá của cây chuối mẹ héo rũ, xác xơ và thân của nó oằn xuống như sắp gẫy vì nó phải mang trên mình một buồng chuối nặng trĩu. Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, khi buồng chuối chín hoàn toàn, cây chuối mẹ sẽ gục hẳn xuống.

Trong quá trình nuôi buồng chuối, cây chuối mẹ đã hy sinh những phần tinh túy nhất của mình – chất dinh dưỡng trong gốc, thân và lá – để dồn cho những quả chuối được chín, để dâng cho đời những trái chuối ngon ngọt.

Hóa ra, lâu nay hằng ngày tôi vẫn ăn chuối và thỉnh thoảng vẫn nhìn thấy một bụi chuối mà không hề hay biết cây chuối tượng trưng cho một hình ảnh đẹp về sự quên mình hy sinh.

Và bạn biết không, dưới gốc cây chuối mẹ sắp chết đi, tôi nhìn thấy chồi non của một cây chuối mới. Một cuộc sống mới, một sự hy sinh mới lại bắt đầu…

Ngày Mồng Hai Tết là dịp để chúng ta nhớ tới bao hy sinh của những bậc làm cha mẹ đã quên mình vì chúng ta. Họ đã đánh đổi cuộc đời của mình để cho chúng ta sự sống. Họ đã hiến cuộc đời mình như cây chuối chỉ mong mang lại cho đời trái chín thơm ngon và chấp nhận gục ngã theo số phận an bài.

Khi nói đến cha mẹ, chúng ta không thể nào quên những hy sinh mà các ngài đã dành cho chúng ta. Công đức của cha mẹ thật là cao dầy, ai nào dám quên :

Công cha đức mẹ cao dầy
Cưu mang trứng nước những ngày còn thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ
Trưởng thành con phải biết thờ song thân.

Nếu được sinh ra trong những gia đình giầu có thì con cái ít nghĩ đến những sự hy sinh gian khổ cha mẹ đã làm cho mình, vì ở thành phố có nhiều phương tiện hơn, cha mẹ bớt phải khó nhọc với con cái. Nhưng những ai sinh ra trong những gia đình nghèo khó ở miền quê mới thấy rõ sự hy sinh của cha mẹ lớn lao đến chừng nào khi cha mẹ phải đầu tắt mặt tối để kiếm từng ký gạo nuôi con :

Nuôi con buôn tảo bán tần
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời
Con đau làm mẹ đứng ngồi không yên.
Trọn đời vất vả triền miên
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con.

Ở Việt nam chúng ta, chữ “Hiếu” được đề cao, nhắc nhở con cái đạo làm con. Đó là căn bản của đạo đức gia đình, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Nhắc chữ “Hiếu” có khi người ta còn nói tới “đức cù lao”, “chín chữ cù lao” là do câu “Cửu tự cù lao” có nghĩa là nhắc nhở đến chín điều cha mẹ nuôi nấng gánh chịu vì con.

Trong Kinh Thi có câu: “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao”, có nghĩa là : thương xót thay cha mẹ sinh ta khó nhọc.

Trong bài thơ thứ năm, dạy học trò ở cho phải đạo, sách Gia huấn ca của cụ Nguyễn Trãi có viết:

Chữ rằng sinh ngã cù lao
Bể sâu khôn ví, trời cao khôn bì.

Đã chẳng phải mẹ đã ru ta bằng những lời ca dao ngọt ngào trên chiếc võng của những buổi trưa hè :

Chim xa rừng còn thương nhớ cội
Người xa người tội lắm người ơi!

Ta thấm đẫm từng lời ru của mẹ và ta lớn khôn, bay đi khắp phương trời. Đúng như lời nhà thơ Nguyễn Duy viết :

Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru.

Trong đạo Hiếu, để đáp đền công ơn trời bể của cha mẹ, nhiều khi những người con dám chấp nhận hy sinh hạnh phúc, hy sinh cuộc đời riêng tư của mình, một lòng quyết chí phụng dưỡng cha mẹ :

Ơn hoài thai, to như bể,
Công dưỡng dục, lớn tợ sông!
Em nguyện ở vậy không chồng
Lo nuôi cha mẹ hết lòng làm con.

Không phải ở nhà mới phụng dưỡng cha mẹ mà ngay cả khi sang nhà chồng hay khi làm ăn nơi xa vẫn một lòng lo lắng, vẫn canh cánh bên lòng một cuộc đời già nua của cha mẹ:

Chim đa đa đậu cành đa đa
Chồng gần không lấy, để lấy chồng xa.
Mai sau cha yếu mẹ già
Bát cơm đôi đũa, kỹ trà ai dâng?

Báo hiếu đâu chỉ dừng lại ở những ngày “thắp đèn trời” kính nhớ, mà việc hiếu đạo còn dạy những người con báo hiếu ngay khi cha mẹ còn sống. Thế mới biết báo hiếu đâu chỉ là món quà, đâu chỉ là những cánh thư thăm hỏi, và cũng không chỉ là những ngày thắp nhang kính nhớ. Báo hiếu đó là cả cuộc đời, cả một tấm lòng của người con đối với cha mẹ. Sống đạo làm con như vậy thật không dễ, không dễ bởi chính cha mẹ cũng cả đời hao mòn vì con cái.

Truyện: Thảo kính cha mẹ

Trong quyển tiểu thuyết nhan đề “Cội rễ”, tác giả E. Heili viết như sau :
Ở một bộ lạc bên Phi Châu, người thanh niên khi đến tuổi trưởng thành sẽ được gọi là “chiến sĩ”. Tuy nhiên, muốn được mang danh hiệu này, anh phải trải qua một cuộc sát hạch, thường là được thả vào rừng sâu một thời gian.

Năm ấy, có ba thanh niên đến tuổi trưởng thành và rất muốn được gọi là “chiến sĩ”. Ba chàng đã đến trình diện vị tù trưởng và được ông này bảo đi vào rừng sâu trong vòng một tháng.

Sau một tháng, ba chàng trở về trình diện tù trưởng. Vị tù trưởng chúc mừng và hỏi người thứ nhất : “Trong một tháng qua, anh đã làm được những gì” ? Người thanh niên thưa : “Tôi đã giết được một con hổ dữ”.

Tù trưởng khen “tốt”, rồi bảo anh đứng sang một bên và hỏi người thứ hai : “Trong tháng qua, anh đã làm được những gì ? Anh có giết được con hổ dữ nào không”?. Người thanh niên đáp : “Thưa ngài, hổ dữ thì tôi không giết được, nhưng tôi cũng đã chém được một con trăn to”.

Tù trưởng khen “tốt”, bảo anh đứng sang một bên và hỏi người thứ ba : “Một tháng qua, anh đã làm được những gì ? Anh có chém được một con hổ dữ hay một con trăn nào không” ? Người thanh niên đáp : “Thưa ngài, hổ hay trăn thì tôi không chém được”. Thế ngươi làm được gì ? “Thưa tôi kiếm được một tảng mật ong to”. Tù trưởng hỏi : “Ngươi kiếm mật ong để làm gì” ? Người thanh niên đáp : “Thưa ngài, tôi có mẹ già, mà nhà tôi lại nghèo, nên tôi kiếm mật ong để cho mẹ tôi bồi dưỡng”.

Nghe xong, vị tù trưởng rút con dao ra trao cho anh và nói : “Ta phong anh làm chiến sĩ, bởi là người thì phải biết sống hiếu thảo với cha mẹ”.

Là người thì phải biết hiếu thảo với cha mẹ . Đó là bài học mà câu chuyện muốn nói với chúng ta. Mồng hai Tết, những người con trong gia đình nên gẫm suy điều này để tự hỏi mình đã ăn ở cư xử như thế nào với các Đấng Sinh Thành. Nếu Thập giới của Chúa dạy phải yêu người, thì cha mẹ đứng đầu những giới răn đó.

Xin cho chúng con sống luôn thảo hiếu với cha mẹ. Khi còn sống biết kính trọng vâng lời và giúp đỡ tận tình với tấm lòng thành. Khi các ngài đã qua đời luôn nhớ đến các ngài trong kinh nguyện, nhất là Thánh lễ hằng ngày.

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Comments are closed.

phone-icon