Đức Tổng Giám mục Auza: Cần có ‘sự đoàn kết liên thế hệ’ để chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta

0

Đức Tổng Giám mục Auza:
Cần có ‘sự đoàn kết liên thế hệ’ để chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta

‘Những khát khao của tuổi trẻ và tính cấp bách của khí hậu’

15 tháng Bảy, 2019 12:36

ZENIT STAFF

Ngày 11 tháng Bảy, Đức Tổng Giám mục Bernadito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc, đọc bài diễn văn chủ đạo tại một sự kiện bên lề, ‘Những khát khao của tuổi trẻ và tính cấp bách của khí hậu’ được tổ chức bởi Don Bosco Green Alliance (Liên minh Xanh Don Bosco) và đồng tổ chức bởi Phái bộ Thường trực của Samoa. Sự kiện diễn ra tại Văn phòng Commonwealth Joint ở New York là một phần của Diễn đàn Chính trị Cấp cao về Sự Phát triển Bền vững được tổ chức hàng năm bởi Hội đồng Kinh tế và Xã hội.

Trong diễn văn, Đức Tổng Giám mục Auza phản ánh lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxico trong tông huấn Laudato Si’ của ngài nói về tính cần thiết phải có “sự đoàn kết liên thế hệ” để chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

ĐGM Auza thừa nhận sự gắn kết ngày càng nhiều của người trẻ vào việc thúc đẩy ý thức về các vấn đề môi trường và ca ngợi những nỗ lực của họ tại một thời điểm khi mà “quá nhiều người sống chỉ biết đến hiện tại, trong đó lối sống tiêu dùng hưởng thụ thúc đẩy một văn hóa lãng phí và sự thờ ơ ngày càng lớn trước những nỗi đau khổ của quá nhiều người, người trẻ đóng một vai trò ngôn sứ vô cùng quan trọng.”

Ngài kết bài diễn văn bằng sự lặp lại những lời của Đức Thánh Cha Phanxico, thúc giục chúng ta phải chú ý đến từng bước mỗi lần. “Một sinh thái học toàn diện” bao gồm một “con đường yêu thương bé nhỏ,” không bỏ qua một “lời nói nhã nhặn, một nụ cười hoặc một cử chỉ nhỏ gieo rắc hòa bình và tình bạn,” và nhắc chúng ta nhớ rằng mọi việc đều tạo ra một sự khác biệt.

Toàn diễn văn của Đức TGM Auza

Diễn văn chính của Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, 

Khâm sứ, Quan sát viên Thường trựccủa Tòa Thánh tại Liên Hợp quốc tại Phiên Thảo luận Những Khát khao của Người Trẻ và tính Cấp bách của Khí hậu

Văn phòng Joint Office (685 Second Avenue at 44th) – 11 tháng Bảy, 2019

Kính thưa quý vị, thưa quý Tham luận viên, thưa các bạn,

Tôi rất vui được đến đây chiều nay để tham dự vào phiên thảo luận này dành riêng để nói với Liên minh Xanh Don Bosco và vai trò và công cuộc then chốt của người trẻ trong việc đạt được SDG 13 và trên bình diện lớn hơn là sự chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Tôi xin cảm ơn Cha Thomas Pallithanam và Phái bộ Sa-lê-diêng về lời mời đến đây chiều nay để chia sẻ một số suy tư về những thách thức được Đức Giáo hoàng Phanxico đưa ra, vừa là cho người trẻ và cho cộng đồng quốc tế, để thực hiện được một sinh thái học toàn diện — và thực hiện với ý thức về tính cấp bách.

Trong quá trình tôi tham gia các hội nghị quốc tế, như COP21, với kết quả của nó là Thỏa thuận Paris, hay COP24dẫn đến kết quả của nó với tên gọi là “Quy tắc của Hiệp định Paris”, một loại sách hướng dẫn vận hành sẽ chỉ dẫn tất cả các quốc gia thành viên trong Thỏa thuận, qua sự quan sát liên tục tôi đã và đang nhìn thấy sự hiện diện của những người trẻ đại diện cho xã hội dân sự hoặc các tổ chức phi chính phủ và những người lớn tuổi thì thực hiện các cuộc đàm phán! Chuyện rất nghiêm túc, trong các hội nghị quốc tế có rất nhiều người trẻ trong các phái đoàn chính thức tham gia đàm phán, và cũng có những người không còn trẻ trong số các đại diện của xã hội dân sự. Vào tháng 12 năm ngoái tại COP24 ở Katowice, Ba Lan, hơn một trăm thanh niên Công giáo đã tham dự Thánh lễ và một hội nghị do chúng tôi cử hành, đại diện cho nhiều phong trào và tổ chức thanh niên Công giáo.

Quả thật, khó có ai có thể vượt qua Đức Giáo hoàng Phanxico khi nhấn mạnh đến vai trò nền tảng của người trẻ trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, và truyền cảm hứng cho họ cam kết mạnh mẽ hơn và tích cực hơn trong vai trò và sứ mạng đó. Đức Giáo hoàng biết rằng người trẻ thật sự có thể được truyền cảm hứng và trở thành những người phát ngôn đầy truyền cảm, như chúng ta sẽ được chứng kiến trong số những tham luận viên của hội thảo hôm nay.

Trong Tông huấn Laudato Si’ và trong nhiều bài diễn từ khác, Đức Giáo hoàng Phanxico cho chúng ta biết lý do “tài năng và sự tham gia của mọi người là rất cần thiết” (LS 14) để đương đầu với những thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Ngài nói về sự cần thiết phải có một “tình đoàn kết liên thế hệ” trong đó mọi người thuộc các thế hệ khác nhau cùng hợp tác. Nhưng ngài đặc biệt lên tiếng kêu gọi người trẻ. Ngài viết trong Tông huấn Laudato Si’, “Người trẻ đòi hỏi sự thay đổi.” Ngài nói, họ không chấp nhận một tình trạng khi mà con người “đòi xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn nhưng lại không suy nghĩ đến sự khủng hoảng môi trường và những đau khổ của người bị loại trừ” (LS 13). Ngài ca ngợi họ vì có một “sự nhạy cảm sinh thái sâu sắc và một tinh thần quảng đại” nói chung và lưu ý rằng “một số người đang có những nỗ lực đáng khâm phục để bảo vệ môi trường” (LS 209). Hôm nay tôi xin ghi nhận công việc đang được thực hiện bởi những người trẻ trong Liên minh Xanh Don Bosco, cả những người có mặt ở đây cũng như trên toàn thế giới. Chúng ta cũng biết về công việc của những người góp nên một phần của Thế hệ Laudato Si’, sự ủng hộ của Greta Thunberg, và rất nhiều người trẻ táo bạo khác đang dẫn dắt những người đồng niên của họ và làm thức tỉnh ý thức và hành động về môi sinh nơi những người lớn tuổi hơn họ.

Đối với việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta, điều cần thiết là ngày càng phải có nhiều sự tham gia của giới trẻ. Vào một thời điểm khi mà quá nhiều người sống chỉ biết đến hiện tại, trong đó lối sống tiêu dùng hưởng thụ thúc đẩy một văn hóa lãng phí và sự thờ ơ ngày càng lớn trước những nỗi đau khổ của quá nhiều người, người trẻ đóng một vai trò ngôn sứ vô cùng quan trọng. Một trong những đặc điểm quan trọng của tuổi trẻ là hướng tới tương lai. Người trẻ giúp mọi người nắm bắt được rằng hạt giống chúng ta gieo trồng hôm nay thì chúng ta sẽ gặt vào ngày mai. Đức Giáo hoàng Phanxico viết trong Tông huấn Laudato Si’, câu hỏi cơ bản đặt ra không phải là về môi trường trong tình trạng cô lập, nhưng là “chúng ta muốn để lại cho những thế hệ đến sau chúng ta, cho những đứa trẻ đang lớn lên, một thế giới như thế nào?” (160).

Các bạn trẻ không muốn đứng bên lề khi câu hỏi đó đã được trả lời. Họ muốn được tham gia vào việc đưa ra các quyết định, và họ đáng được như vậy. Đức Giáo hoàng Phanxico nói rằng để trả lời câu hỏi đó về thế giới ngày mai có liên quan đến việc phải can đảm nêu lên những câu hỏi khác, những câu hỏi sâu sắc mà giới trẻ liên tục hỏi về ý nghĩa của cuộc sống con người, chẳng hạn như: “Mục đích của cuộc sống của chúng ta trên trần gian này là gì? Tại sao chúng ta lại ở đây? Mục tiêu của công việc và tất cả những cố gắng của chúng ta là gì?” Đây là những câu hỏi nền tảng, vì như ngài nói, điều đang có nguy cơ không phải là về tương lai của hành tinh chúng ta nhưng về “phẩm giá của chúng ta” và “ý nghĩa chung cuộc của cuộc đời tạm của chúng ta nơi dương thế” (160). Người trẻ giúp cho mọi người không quên những câu hỏi này. Họ nhắc mọi người nhớ đến tầm quan trọng của việc không từ bỏ sự kiên trì để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này.

Đôi lúc khi chúng ta nghĩ về những thách thức phải đối mặt với ngôi nhà chung của chúng ta, chúng ta có thể tập trung quá nhiều vào những câu hỏi thuộc phạm vi kỹ thuật và khoa học hạn hẹp hơn mà một số người tranh luận rằng chúng cấp bách hơn. Nhưng tôi mong mọi người nên chống lại khuynh hướng đó vì nhiều vấn đề chúng ta đang phải đối mặt là hiện tượng của những nguyên nhân sâu xa hơn nhiều và cần phải nhận được sự quan tâm cấp bách. Thường thường, nhiều người nhìn vào những lời nói của Đức Giáo hoàng về việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta bằng những ống kính hạn hẹp này, chẳng hạn như cố gắng đóng khung cho Tông huấn Laudato Si’ chỉ là “tông huấn về sự biến đổi khí hậu” của Giáo hoàng Phanxico, mặc dù Đức Giáo hoàng Phanxico chỉ đề cập đến sự biến đổi khí hậu trong ba đoạn trong tài liệu gồm 246 đoạn. Họ tập trung vào những điểm khoa học khác nhau mà ngài đã nêu lên về sự ô nhiễm, văn hóa loại bỏ, và sự mất mát của hệ sinh thái; những khẳng định về kinh tế ngài đưa ra về sự tiêu dùng hưởng thụ, nợ xã hội, người nghèo phải chịu đau khổ vì sự suy thoái môi trường như thế nào và nếu chỉ dựa trên các thị trường thì không đủ để giải quyết các vấn đề lo lắng về môi trường; và ngài nói rằng các ý kiến về chính trị cho đến nay vẫn còn thiếu sự lãnh đạo phù hợp và các chính trị gia phải ngừng đưa ra những sự bào chữa và bắt đầu hành động theo những cách thức mà các thế hệ tương lai sẽ tán thưởng cho hành động của họ khi tình hình đã trở nên vô cùng cấp bách và rất cần thiết; và dừng lại ở đó.

Nhưng mục đích thật sự của Laudato Si’, như Đức Giáo hoàng Phanxico nói, vượt ra ngoài những cân nhắc về khoa học, công nghệ, chính trị và kinh tế. Ngài nói rằng mục đích của nó là đưa “mọi người sống trên hành tinh” đi vào một “cuộc đối thoại với tất cả các dân tộc về ngôi nhà chung của chúng ta” (3). Và sự đối thoại đó phải vượt xa hơn việc giữ nhiệt độ tăng ở mức dưới 2.0 độ C, “hướng đến mức 1,5 độ C” so với các mức độ trước thời công nghiệp, hoặc chuyển sang năng lượng tái sinh, hoặc giảm ô nhiễm và sự lãng phí. Đối với ngài, nó phải bao gồm tất cả các yếu tố có trong cụm thuật ngữ mà ngài sử dụng là “sinh thái học toàn diện”, không những tập trung vào ngôi nhà chung của chúng ta mà còn tập trung vào tất cả những người bạn bè cùng chia sẻ trong ngôi nhà chung đó, là những người chúng ta được kêu gọi cư xử như anh chị em.

Khi Đức Giáo hoàng Phanxico phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp quốc vào tháng 9 năm 2015, một trong những chủ đề chính trong diễn từ của ngài là về mối tương quan chặt chẽ giữa hệ sinh thái môi trường và con người. Theo ngài, làm hại môi trường là làm hại con người. Ngài nhấn mạnh, chúng ta nhìn thấy điều này trong việc phá hủy môi trường “luôn luôn tạo ra một tiến trình loại trừ liên tục … đối với những người yếu đuối và thua thiệt,” những người bị đối xử gần như đồ thừa cần phải loại bỏ trong một “‘văn hóa lãng phí’ rộng khắp và âm thầm phát triển.”

Ngài nhấn mạnh trong Laudato Si’, “Không phải chúng ta đang đối mặt với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt, một về môi trường và một về xã hội, nhưng là một cuộc khủng hoảng phức tạp cả về xã hội và môi trường.” Vì thế, “những chiến lược cho một giải pháp đòi hỏi cách tiếp cận đầy đủ để chống lại sự nghèo đói, phục hồi phẩm giá cho những người bị loại trừ, đồng thời bảo vệ thiên nhiên” (LS 139). Ngài nhấn mạnh rằng “không thể có sinh thái học mà không có nhân loại học tương xứng. … Mối quan hệ của chúng ta với môi trường không bao giờ có thể tách rời khỏi mối quan hệ của chúng ta với tha nhân và với Thiên Chúa. Bằng không, nó sẽ chẳng là gì khác hơn một chủ nghĩa cá nhân lãng mạn khoác lên mình bộ trang phục sinh thái” (LS 118-9).

Đức Giáo hoàng Phanxico cho biết đó là lý do tại sao, một mặt chúng ta phải lo lắng đến những thương tổn gây ra cho hành tinh của chúng ta và sự đối xử vô trách nhiệm đối với những sinh vật khác; tuy nhiên, về mặt khác chúng ta phải chống lại các xu hướng và những ý thức hệ hầu như chỉ tập trung vào việc bảo vệ hành tinh hoặc các chủng loài khác trong khi cho phép những sự tấn công vào nhân phẩm. Ngài đưa ra một số ví dụ tiên liệu về chủ nghĩa cá nhân khoác chiếc áo sinh thái này: đó là khi chúng ta chống lại nạn buôn lậu những loài có nguy cơ tuyệt chủng trong khi vẫn thờ ơ trước nạn buôn người (LS 91); khi chúng ta chiến đấu chống lại các sinh vật biến đổi gen nhưng lại cho phép thử nghiệm trên bộ gien người và phôi thai người (LS 136); khi chúng ta lo lắng về sự tàn ác đối với động vật trong khi lại biện minh cho hành vi phá thai ghê tởm của những người anh chị em trẻ hơn, dễ bị xúc phạm hơn (LS 117, 120); Khi chúng ta tìm cách giữ cho môi trường tự nhiên nguyên vẹn như một món quà và sự chăm sóc cho các thành viên đực và cái của các loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhưng rồi lại cho rằng chúng ta có quyền lực tuyệt đối trên cơ thể được tạo dựng của chúng ta, cố gắng loại bỏ sự khác biệt giới tính của con người thông qua hệ tư tưởng giới (LS 155).

Sinh thái học toàn diện kêu gọi chúng ta phải có sự nhất quán, vừa chăm sóc cho ngôi nhà chung và cho anh chị em của chúng ta. Người trẻ tuổi luôn có một khát khao rất lớn về tính toàn vẹn và vô cùng chán ghét sự bất nhất và đạo đức giả. Đức Giáo hoàng Phanxico rõ ràng đang hy vọng rằng người trẻ sẽ đòi hỏi tính nhất quán mà ngài đã giải thích rất rõ, khi đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

Đức Giáo Hoàng Phanxico đã cho chúng ta nhiều ý tưởng về những chiều kích khoa học, công nghệ, kinh tế, chính trị và văn hóa của hệ sinh thái toàn diện, và những điều đó được chú ý rất nhiều. Nhưng đôi khi lời của ngài nói về những chiều kích đạo đức và tinh thần không được chú trọng nhiều. Tại sự kiện này về hoạt động của Liên minh Xanh Don Bosco, tôi nghĩ cả Đức Giáo hoàng Phanxico và Thánh Gioan Bosco đều muốn tôi nhấn mạnh về chúng, không chỉ vì chúng ta sẽ đạt được một hệ sinh thái toàn diện mà không có những chiều kích đó, mà còn vì những người tham gia trong Liên minh Xanh Don Bosco sẽ có khả năng mời những người đồng niên của họ và mọi người khác tham gia cuộc đối thoại về chúng.

Tông huấn Laudato Si’ được viết để giúp mang đến những điều Đức Giáo hoàng Phanxico gọi là một “sự hoán cải sinh thái” (LS 216) để dẫn đến một “linh đạo sinh thái” đích thực.

Chúng ta hãy bắt đầu với lời kêu gọi hoán cải của ngài. Đức Giáo hoàng Phanxico nói rằng “cuộc khủng hoảng sinh thái là một lời kêu gọi sám hối chân thành (LS 218), vì ngài lưu ý rằng có “những căn nguyên mang tính đạo đức và thiêng liêng của các vấn đề môi trường, là những điều đòi hỏi chúng ta tìm kiếm những giải pháp không chỉ về mặt công nghệ mà còn về một sự thay đổi của nhân loại; bằng không, chúng ta chỉ giải quyết thuần túy các hiện tượng” (LS 9). Ngài nói sự hoán cải này đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một cái nhìn chân thành vào chính con người mình, một lần nữa chọn lại sự tốt lành, vượt qua chính bản thân và những thói quen của chúng ta, và bắt đầu lại một khởi đầu mới (205).

Có ba khía cạnh của sự hoán cải sinh thái mà tôi muốn làm nổi bật lên và những người trẻ có thể trở thành chất xúc tác giữa thế giới.

Trước hết, Đức Giáo hoàng Phanxico nói, hoán cải sinh thái là bỏ đi tính ích kỷ và chủ nghĩa cá nhân lan tràn và thay thế “sự tiêu dùng hưởng thụ bằng sự hy sinh, thay thế lòng tham bằng sự quảng đại, sự lãng phí bằng tinh thần chia sẻ” (LS 9). Đức Giáo hoàng Phanxico nói rằng nhiều vấn đề của xã hội xuất phát từ “văn hóa quy ngã thỏa mãn tức thời” (LS 162) khiến chúng ta bóc lột một cách rất vị lợi, hơn là tôn trọng và bảo vệ tự nhiên và người khác.

Thứ hai, hoán cải sinh thái là làm cho lương tâm biết nhạy cảm trở lại, vì nhiều lương tâm đã và đang trở nên tê liệt, Đức Giáo hoàng Phanxico nói rằng họ không còn khả năng nghe thấy “tiếng khóc của trái đất và tiếng khóc của người nghèo” (LS 49). 

Đức Giáo hoàng Phanxico nói việc tái giáo dục lương tâm này không chỉ liên quan đến sự chẩn đoán và khắc phục những thất bại trong quá khứ, mà còn phải bác bỏ những điều được cho là giải pháp quá hời hợt hoặc các giải pháp từng phần rất phổ biến trong một số môi trường, giống như một số mâu thuẫn chúng ta đã nói đến trước đây. Ngài nói thêm, sự tái nhạy cảm của lương tâm này liên quan đến việc lắng nghe cẩn thận hơn những gì Thiên Chúa đã nói với chúng ta về sự tốt lành của thế giới và của tha nhân và biết chân nhận một thái độ biết ơn đối với món quà thế giới và tính nhưng không trong cách bắt chước lòng quảng đại của Người (LS 220-221).

Thứ ba, sự hoán cải sinh thái là công nhận rằng chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt, và sự quyết tâm mà chúng ta phải có. Đức Giáo hoàng Phanxico nói, để làm được như vậy, hãy bắt đầu bằng một nhận thức rằng cần phải có một “tình đoàn kết mới và phổ quát” để cùng nhau xây dựng lại ngôi nhà chung của chúng ta với một hệ sinh thái toàn diện (13, 14). Đức Giáo hoàng Phanxico đưa ra rất nhiều ví dụ về những nơi và quốc gia đã cho thấy sự cải thiện môi trường tuyệt vời như sông ngòi được làm sạch, rừng được phục hồi, cảnh quan được làm đẹp, và năng lượng tái sinh được cải tiến — theo ngài, tất cả những điều này cho thấy con người vẫn có khả năng can thiệp tích cực” (58).

Tôi chắc rằng tất cả quý vị có mặt ở đây đã tham gia vào nhiều hoạt động như vậy. Chúng ta thực hiện mọi hành động lớn và nhỏ vì ích lợi cho môi trường, không phải vì tấm hình lưu niệm với đôi găng tay cầm túi rác lớn, rồi đăng ảnh lên Instagram hoặc Facebook hoặc WhatsApp; cũng không phải vì có được cảm giác dễ chịu khi làm điều tốt; trên hết, chúng ta làm điều đó vì được thúc đẩy bởi niềm tin của các mệnh lệnh đạo đức và tôn giáo để là người quản lý giỏi cho công trình tạo dựng của Thiên Chúa, là người đồng sáng tạo với Người trong việc bảo tồn và chăm sóc món quà tạo vật tuyệt vời này mà Người đã giao phó cho chúng ta.

Một khi chúng ta từ bỏ những hành vi cũ, tự mình rèn luyện để có thái độ đúng đắn, và quyết tâm làm việc cùng nhau, Đức Giáo hoàng Phanxico muốn giúp chúng ta phát triển điều mà ngài gọi bằng thuật ngữ “linh đạo sinh thái” mà ngài hy vọng sẽ dần dần đem đến một văn hóa sinh thái thực sự.

Đối với Đức Giáo hoàng Phanxico, một linh đạo sinh thái đích thực bao gồm một số yếu tố:

Yếu tố đầu tiên là ý thức về những giới hạn của chúng ta. Đức Giáo hoàng Phanxico nói, “Chúng ta không phải là Chúa.” Trái đất đã có trước chúng ta và nó được trao lại cho chúng ta” (66). Điều này có nghĩa là chúng ta không được khẳng định quyền thống trị tuyệt đối trên tạo vật mà phải hiểu thấu đáo rằng chúng ta được trao cho quyền quản lý đối với nó. Nếu không có tinh thần nhận biết sự ưu việt của một Đấng Tạo hóa, “cuối cùng chúng ta sẽ tôn thờ các quyền lực của trần gian, hoặc của chính chúng ta thay thế vị trí của Thiên Chúa, thậm chí đến mức tuyên bố một quyền lực vô hạn để chà đạp tạo vật của Người dưới chân” (75).

Thứ hai, linh đạo sinh thái này đòi hỏi một sự đào tạo hoặc giáo dục về sinh thái thích hợp, đó là truyền đạt một lòng kính sợ và ngạc nhiên trước vẻ đẹp của món quà tạo vật (12); chân nhận rằng mọi sinh vật khác đều có giá trị và mục đích bên trong (69, 84); và một “đạo đức sinh thái”, giúp mọi người phát triển trong tình đoàn kết, tính trách nhiệm và sự chăm sóc đầy lòng trắc ẩn” (210).

Thứ ba, linh đạo sinh thái này dẫn đến một cách sống mang tính ngôn sứ và chiêm nghiệm — một cách hiểu khác về chất lượng cuộc sống — hành động theo bài học cổ xưa “ít hơn là nhiều hơn” (222). Sự đơn giản, sự điềm đạm và chừng mực như vậy cho phép chúng ta biết hài lòng với số ít, hiểu đúng giá trị những điều nhỏ bé, biết ơn và đồng thời có tinh thần buông bỏ những gì chúng ta sở hữu, để thoát khỏi tình trạng nô lệ cho mọi thứ, chúng ta có thể sống cuộc sống trọn vẹn hơn (223).

Cuối cùng, nó dẫn đến khả năng sống với nhau như anh chị em trong sự hiệp thông, biết rằng chúng ta cần có nhau và cùng chia sẻ trách nhiệm đối với ngôi nhà chung của chúng ta (228-9). Không có tình đoàn kết huynh đệ này, những nền tảng của đời sống xã hội bị xói mòn và những gì diễn ra sẽ là những cuộc chiến giữa các lợi ích đối chọi và chống lại một nền văn hóa thật sự biết chăm sóc cho môi trường và chăm sóc cho nhau (229).

Một sự hoán cải sinh thái và linh đạo như vậy là đủ sự thách thức ở cấp độ cá nhân; ở cấp độ chung, văn hóa, xã hội và toàn cầu, rõ ràng nó đòi hỏi khắt khe hơn nhiều. Nhưng Đức Giáo hoàng Phanxico kêu gọi chúng ta đừng tập trung quá nhiều vào chiều dài của hành trình bắt đầu từ vị trí hiện tại của chúng ta đến nơi mà chúng ta hy vọng sẽ đến, mà hãy tập trung vào từng bước một. Ngài nhấn mạnh, “một hệ sinh thái toàn diện bao gồm những hành động đơn giản mỗi ngày phá vỡ luận lý của tính bạo lực, sự bóc lột và tính ích kỷ” (230). Nó gồm có trong “một con đường yêu thương bé nhỏ,” không bỏ qua một “lời nói nhã nhặn, một nụ cười hoặc một cử chỉ nhỏ gieo rắc hòa bình và tình bạn” (230). Mọi thứ đều làm nên sự khác biệt.

Cảm ơn quý vị rất nhiều.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/7/2019]

Comments are closed.

phone-icon