Thập Giá Đời Tôi – Suy niệm Chúa Nhật 23 TN, Năm C

0

Suy niệm: Lc 14, 25 – 33

Ông cha ta thường nói: “Một người cười, mười người khóc” hay câu: “Ruột đau nỗi ruột, gan mòn nỗi gan” để chỉ cuộc đời đầy khổ đau mà con người đã bộc bạch diễn tả nó dưới nhiều hình thức. Đau khổ của gia đình, của bản thân, nỗi đau về cơm áo gạo tiền… Cái khổ của cuộc sống ba chìm bảy nổi  chín cái lênh đênh ấy luôn bám sát cuộc sống này, cái nỗi đắng cay không hẹn mà đến ấy làm chúng ta choáng váng. Chúng ta sợ hãi né tránh nhưng nó vẫn đến đến nỗi người ta đã thầm trách Chúa sao Chúa quyền năng và yêu thương Ngài không ra tay ngăn chặn chúng để đời chúng con bớt cay đắng. Và Chúa đã trả lời chúng ta qua cuộc sống và cái chết của Ngài. Chúa không muốn hành hạ, nhưng vì yêu thương, Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc viên mãn đời sau chứ không phải hạnh phúc tạm bợ đời này. Để đạt được điều này, thì đây là con đường cần thiết để dẫn tới vinh quang mà hôm nay Chúa mời chúng ta bước theo Ngài: “Ai không vác thập giá mà theo Tôi thì không thể là môn đệ Tôi được.”

Dẫu thuộc lòng lời mời gọi của Chúa nhưng chúng ta thật khó đón nhận nó. Khi đến thăm các anh em, tôi luôn được nghe những dòng tâm sự đầy nước mắt, có khi hàm ý sự thất vọng. Những câu chuyện không mong muốn này diễn đi diễn lại trong cuộc sống: người khổ vì chồng, người đau vì con, người thất bại trong công việc làm ăn…Tất cả như một dòng thác lũ dập dồn trên cuộc sống của con người không phân biệt người giàu người nghèo nên một cuốn phim kia đã mang tựa đề: “người giàu cũng khóc” là vậy.

Tôi còn nhớ mãi cái bài học bố dạy trước khi đi tu. Khi chiều buông, bóng tối bao phủ, bố tôi đến đầu giường tôi trao cho tôi những bài học quí giá về thập giá vì ngài biết khi vào dòng tôi sẽ được thử luyện như vàng trong lửa. Ngài không muốn tôi quên bài học này để phải mang số phận: “Đứt gánh giữa đường” như Chúa nói hôm nay: người xây tháp không toan tính trước nên bỏ cuộc. Một ông vua sắp giao chiến mà không bàn tính xem mình có thể đối đầu với đối phương được không thì sẽ thất bại.

Còn tôi thì rất khổ sở khi phải đón nhận bài học đắng đót từ lòng yêu thương của bố. Bài học này đã theo tôi trong suốt cuộc đời tu hành đến nỗi tôi luôn thưa với Chúa: Sao Chúa không để con lặng yên mà cứ khuấy lên những cơn bão tố vậy. Chúa vẫn thì thầm bên tai tôi: hãy nhìn xuống dấu chân của con, có phải Ta đang bế con trên tay Ta đó sao? Thế nhưng trong lúc thử thách tôi không dễ nhận ra điều này, ngọn đèn đức tin lúc này hầu như mờ nhạt để nhận ra đây là con đường tình yêu Chúa muốn tôi đi. Tôi chưa cảm nghiệm được vị ngọt sau vị đắng.  Chắc chắn chúng ta từng có cái kinh nghiệm khi ăn mướp đắng rừng hay rau đắng đồng: sau khi nuốt cái đắng rồi thì một vị ngọt thanh mát đọng lại nơi cửa họng.

 Thập giá cũng tương tự như cái đắng ấy. Thập giá mà tôi vừa chạm phải cũng giống như cái đắng của rau đắng nó rất khó nuốt đấy, nhưng khi chấp nhận, chịu đựng, thì tôi cảm được một sự bình an sâu lắng của tình yêu Chúa ân thưởng cho tôi. Cái đắng của thập giá vẫn rất đắng đót nhưng tình yêu sẽ cho người mang nó được mạnh mẽ hơn, trưởng thành hơn, Chúa nói: “Ách Ta êm ái, gánh Ta nhẹ nhàng”.

Nói thế không phải là tôi thuộc trường phái thích đau khổ hay là người thích làm cho người khác đau khổ. Đau khổ vẫn là đau khổ và tự bản chất nó đã làm cho nhiều người sợ hãi. Từ ngàn xưa người ta vẫn thắc mắc tại sao Thiên Chúa tình yêu muốn cho con người hạnh phúc mà sao đau khổ vẫn tồn tại?

 Triết gia Epicure đã lý luận như sau: “Thiên Chúa muốn khai trừ sự dữ và Ngài không thể, thì Ngài không quyền năng. Hay Thiên Chúa không muốn và Ngài cũng không có thể, như thế Ngài không phải là Thiên Chúa. Hay Ngài có thể hủy diệt nó nhưng Ngài không muốn, thế thì Ngài là kẻ gian ác. Hay Ngài có thể và Ngài muốn, thế thì Thiên Chúa đó ở đâu và sự dữ từ đâu đến?

Con người có đức tin trả lời: “ Đau khổ là do tội lỗi con người gây ra như chiến tranh, khủng bố, ô nhiễm v.v…” Nhưng còn biết bao đau khổ thiên tai, hạn hán v.v… không do con người gây ra thì sao?

Cha Rey Mermet nói: “Chúa Kitô, người công chính , Ngài không đến để chiến đấu chống lại nó. Ngài đến để hủy diệt nó. Ngài chiến thắng nó. Sự nổi loạn của con người cũng chính là sự nổi loạn của Ngài. Ngài chữa bệnh, phục sinh kẻ chết, tha tội là nguồn gốc mọi đau khổ”. Nhưng Ngài nhìn đau khổ dưới khía cạnh tích cực và Ngài đi vào đau khổ như một con đường cần thiết để cứu độ nhân loại và đi vào vinh quang: “ Thật, Ta nói cho các con biết: Nếu hạt lúa miến không rơi xuống đất và không chết đi, nó sẽ trơ trụi một mình, nhưng nếu nó chết đi nó sẽ mang nhiều bông hạt khác” (Ga 12, 24).

Như thế con đường thập giá mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta bước theo Ngài không phải là ngõ cụt nhưng là cửa bước vào vinh quang. Chúa muốn những người theo Chúa phải lựa chọn rõ ràng và dứt khoát. Phải mang thập giá và đi vào con đường của Ngài. Ngài không muốn chúng ta ảo tưởng vì chúng ta không thể hơn Thầy mình được. Con đường tước bỏ mà Chúa Giêsu đòi hỏi không phải để làm chúng ta đau khổ hay nghèo nàn nhưng  để cho chúng ta được giầu có, sự giàu có của Nước Trời.

Thập giá và vinh quang là hai mặt của một thực tại. Thập giá là con đường duy nhất để đến vinh quang. 

Thế nên đau khổ không phải là một hình phạt, là một sự kết án, nhưng nó là một sự chuyển hóa, một luật chung… Con sâu róm phải lột cái ghê gớm của mình để biến thành con bướm đẹp. Quả trứng phải vỡ ra để cho gà con xuất hiện. Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi luôn luôn mang trong mình cuộc thương khó của Chúa Giêsu, để sự sống của Chúa Giêsu được biểu lộ trong thân xác hay chết của chúng tôi”. (Cr 4, 10-11)

Thiên Chúa không làm khổ chúng ta nhưng không còn con đường nào khác để đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Ngài biết tất cả những nghiệt ngã của con đường này nên đã phải đi trước để làm gương và dẫn bước chúng ta vượt qua những đường hầm tăm tối mà tự sức chúng ta không nuốt nổi.

Xin Đấng đã tự nguyện đi vào con đường thập giá cách hiên ngang và can đảm giúp chúng ta đi trọn đường Thập giá mà Chúa luôn mời gọi chúng ta bước theo với lòng tin yêu và phó thác, để cây đắng kia trở nên nguồn cứu độ cho chính chúng ta và cho toàn thế giới.

Nữ tu Faustina Lý Thị Báu

Comments are closed.

phone-icon