Cách đây 50 năm, vào ngày 30 tháng 4 năm 1970 (lễ thánh Catarina Siena theo lịch phụng vụ lúc ấy), cha Bề trên tổng quyền Aniceto Fernandez mời gọi tất cả các anh chị em Gia đình Đa Minh mừng kỷ niệm 800 năm ngày sinh của vị tổ phụ, bắt đầu từ ngày 7/5/1970 cho đến ngày 4/8/1971 (lễ kính thánh Đa Minh theo lịch phụng vụ thời đó)[1]. Thật đáng ngạc nhiên, khi năm nay, Dòng không nhắc gì đến 850 năm ngày sinh mà chỉ lo chuẩn bị mừng 800 năm ngày tạ thế (từ ngày 6/1/2021 đến ngày 6/1/2022). Tại sao không mừng ngày chào đời (birthday) mà chỉ mừng ngày lìa đời (dies natalis)? Phải chăng vì muốn theo sát tinh thần Kitô giáo, không mừng ngày “oe oe tiếng khóc chào đời” mà chỉ mừng ngày về cõi hạnh phúc bất tận? Nói đúng ra, lý do không phải là thần học mà chỉ là sử học.
Trước hết, chúng ta hãy nhìn lại cuộc cử hành cách đây 50 năm. Sau đó, chúng ta thử tìm hiểu lý do tại sao năm nay không nhắc lại nữa.
I. Những buổi lễ cách đây 50 năm
Tục truyền, thánh Đa Minh chào đời ngày 24 tháng 6 năm 1170 (trùng với lễ sinh nhật thánh Gioan Tẩy giả) tại Caleruega. Vì thế mới có chuyện tổ chức kỷ niệm 800 năm.
Lễ nghi khai mạc long trọng diễn ra ngày 7/5/1970 tại tu viện San Pedro Martir (học viện của tỉnh dòng Mân côi) ở Madrid, với thánh lễ đồng tế do bề trên tổng quyền Aniceto Fernandez chủ sự. Hiện diện trong thánh lễ này, về phía giáo quyền, có Đức Cha Morcillo, tổng giám mục Madrid và chủ tịch Hội đồng giám mục Tây ban nha; về phía chính quyền, có bà Carmen Polo de Franco, phu nhân của Quốc trưởng, Hoàng thân Juan Carlos và phu nhân, ba bộ trưởng chính phủ và nhiều nhân vật cao cấp đạo đời. Tiếp theo đó là những buổi lễ mang tính cách văn hóa được tổ chức tại Madrid, Burgos, Segovia, Caleruega, và nhiều nơi khác trên thế giới[2].
Tại Roma, buổi khai mạc diễn ra ngày 30/5/1970 tại Santa Sabina, với thánh lễ do Hồng Jean Villot Quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ sự, trước sự hiện diện của 12 hồng y, 5 bề trên tổng quyền, và đông đảo linh mục, tu sĩ, giáo dân.
Dù sao, các “lễ nghi” rồi cũng qua đi, còn các “di tích” thì mới tồn tại lâu dài, trong đó thiết tưởng phải nhắc đến một di tích pháp lý và một di tích vật thể.
1/ Di tích pháp lý là Thư của ĐTC Phaolô VI viết ngày 24/5/1970, gửi cho bề trên tổng quyền “Cum in eo est” (bằng tiếng Latinh) nhân kỷ niệm 800 năm sinh nhật thánh Đaminh[3].
2/ Di tích vật thể là pho tượng thánh Đaminh cất trên núi Monserrat (nơi có đan viện nổi tiếng của Dòng Biển đức), gần Barcelona. Tượng cao 3 thước, được ghép bởi 8 khối đá (tượng trưng cho 800 năm), được thực hiện bởi nhà điêu khắc José M.Subirachs. (Xem hình ở cuối bài).
Đó là vài kỷ niệm ghi nhận ở Tây-ban-nha, quê hương của thánh Đa Minh, và Rôma chứ không nói đến những nơi khác. Chúng ta cũng đừng quên là vào ngày 4/10 cùng năm ấy, Dòng hân hoan mừng ngày tuyên phong tiến sĩ Hội thánh cho thánh nữ Catarina Siena.
II. 50 năm sau: sao không còn nhắc đến ngày sinh nữa?
Suốt bao thế kỷ, các sách tiểu sử thánh Đaminh đều lặp lại lưu truyền về ngày sinh (24/6/1970), về nơi sinh (Caleruega), thậm chí những “dấu lạ” trước và sau khi sinh nữa. Trước khi sinh, thân mẫu Gioanna Aza đi viếng đan viện dòng Biển đức ở Silos để cầu cho thai nhi, và bà đã đặt tên cho con là Dominicus để tôn kính vị thánh viện phụ Dominicus đã hiện ra với bà. Bà cũng nhận được trong giấc mơ một điềm lạ tiên báo tương lai của con trẻ: một con chó ngậm bó đuốc chạy đốt cháy cả hoàn cầu[4]. Vào lúc rửa tội, bà mẹ (hay bà vú đỡ đầu) thấy một ngôi sao chiếu sáng trên trán của em bé, và ánh sáng đó khiến cho khuôn mặt của Đaminh suốt đời luôn rạng sáng.
Thế nhưng, các chi tiết đã bị xét lại trong những năm gần đây[5], không những về ngày tháng năm sinh, mà cả tông ti họ hàng nữa. Vấn nạn được nêu lên là: dựa vào đâu mà quả quyết thánh Đaminh sinh ngày 24/6/1970? Song thân của ngài có phải là Felix de Guzman và Juana de Aza không? Anh em của ngài có phải là Antôn và Mannes không?
1/ Năm sinh. Người đầu tiên cho biết thánh Đaminh sinh vào năm 1170 là cha Dietrich (Theodoricus) Apolda trong Libellus de vita et obitu et miraculis S. Dominici et de ordine quem instituit khoảng năm 1298. Vấn nạn: tác giả dựa vào đâu mà khẳng định như vậy, vì ông vừa xa cách nguồn gốc vừa về không gian (sống bên Đức) vừa về thời gian (sinh khoảng 1228 và qua đời khoảng 1302)? Tại sao các tác giả trước đó (trong đó có những người đồng hương với cha Đaminh như Ferrandus và Rodriguez) lại không đả động gì? Nhất là cha đã cung cấp một dữ kiện quý báu, đó là song thân kết hôn vào năm 1170, mà không ngờ mình rơi vào nghịch lý: chẳng lẽ hai ông bà vừa mới lấy nhau mà đã sinh con? Mặt khác, chúng ta biết được là hai ông bà có ba người con, mà Đaminh không phải là con cả! Vì thế ta phải xích năm sinh muộn hơn (khoảng 1272-74), nhưng đừng muộn quá, kẻo không ăn khớp với các dữ kiện khác của cuộc đời (chẳng hạn muốn gia nhập kinh sĩ đoàn Osma thì phải hội đủ điều kiện về tuổi).
2/ Anh em. Đaminh có bao nhiêu anh em? Theo tục truyền, gia đình Đaminh có ba người con trai, và tất cả đều làm linh mục: Antôn, Mannes và Đaminh. Câu hỏi: Mannes (có khi viết là Mames) là anh hay là em của Đaminh, hay là anh em sinh đôi? Cha Giorđanô viết rằng Mannes là uterinus frater với Đaminh. Thế nhưng “uterinus” có nghĩa là gì? Phải chăng là “anh em ruột, hay là anh em cùng một dạ, nghĩa là cùng mẹ mà khác cha? Có phải cha Giorđanô muốn nói rằng: Mannes và Đaminh không chỉ là anh em trong dòng mà còn là anh em ruột thịt nữa? Hay là phải giải thích rằng: Mannes và Đaminh chỉ là anh em cùng mẹ (cùng một dạ) chứ không phải là cùng cha? Nếu hiểu như thế, phải chăng bà Juana đã có con với chồng trước (và sinh ra Mannes), rồi chồng chết, bà tái giá với ông Felix Guzman (và sinh ra Đaminh)? Nếu theo giả thuyết này, Mannes là anh của Đaminh. Nhưng biết đâu Mannes là em thì sao? Thật vậy, cha Đaminh qua đời năm 1221, còn Mannes thì đến năm 1234 vẫn còn sống (để ghi dấu việc Đaminh được phong thánh, Mannes đã cất một nhà nguyện ở nơi sinh quán Caleruega). Anh mà sống lâu hơn em 15 năm hay sao? Hay phải nói ngược lại: Đaminh sinh trước Mannes? Câu chuyện còn thêm phần ly kỳ khi mà Gérard de Frachet (Vitae fratrum, p.II, c.1) nói rằng Đaminh có hai người cháu trong Dòng: hai cháu này là con ai? Nếu trong gia đình có ba anh em trai đều làm linh mục, phải chăng cần phải thêm có một chị (hay em gái) lập gia đình nữa thì mới có thể có con (và gọi Đaminh là cậu)?
Tóm lại, không thể biết chắc năm sinh của thánh Đaminh (ngày sinh thì lại còn mù mờ hơn nữa)[6]. Các sử gia thường chỉ chú ý đến các dữ kiện về cuộc đời “công khai” của ngài, đặc biệt kể từ khi tháp tùng phái đoàn của đức cha Diego sang Pháp. Gần đây, mới có người tò mò khai thác tài liệu về cuộc đời “ẩn dật” của ngài (tuổi thơ ấu, những năm học ở Palencia, kinh sĩ ở Osma). Các độc giả hiếu kỳ có thể tìm đọc trong : Kyle C. Lincoln, A Canon From Castile: The Early Life of St. Dominic of Osma (1170/4-1207), [A Thesis Presented to the Graduate Faculty of Saint Louis University in Partial Fulfillment of the Requirements for the Degree of Master of Arts, 2012], có thể tải từ địa chỉ trên mạng https://media.musicasacra.com/dominican/Studies/lincoln.pdf
Kết luận
Như đã nói ở đầu, bài viết này muốn tìm hiểu lý do vì sao năm nay không ai nhắc đến kỷ niệm 850 năm ngày sinh của thánh Đaminh, mà chỉ chuẩn bị mừng 800 năm ngày tạ thế. Lý do hoàn toàn lịch sử, dựa trên chứng tích của các văn kiện (hay nói đúng hơn: chẳng có chứng cớ văn kiện nào hết). Nên nhớ là giá trị của các chứng cứ lịch sử không giống như chân lý toán học. Biết đâu ngày nào đó, người ta lại khám phá thêm một tài liệu nào đáng tin cậy hơn, và lật ngược lại tình thế? Dù sao, trong phụng vụ riêng của Dòng, vào ngày 8 tháng 8, người ta chỉ nói trống rằng “Thánh Đaminh sinh khoảng năm 1172-1173 (chứ không xác định năm nào).
Dù sao, cũng nên biết rằng không chỉ riêng gì thánh Đaminh mà cả thánh Tôma và nhiều vị thánh khác đều chịu chung một số phận, nghĩa là chúng ta biết được ngày qua đời, chứ ngày sinh thì lơ mơ! Kể cả ngày sinh của Chúa Giêsu cũng còn là đầu đề của các cuộc tranh luận, mặc dù hằng năm chúng ta vẫn cử hành lễ phụng vụ vào ngày 25/12[7].
Trở lại với thánh Đaminh, ngoài kỷ niệm ngày sinh, chúng ta còn nhiều kỷ niệm khác:
1/ Ngày 22/12/1216: ngày “xác nhận” (confirmatio) dự án lập dòng. Chúng ta đã mừng kỷ niệm 800 năm.
2/ Ngày 6/8/1221: ngày “sinh về trời” (dies natalis in caelo). Như đã nói, chúng ta sẽ mừng vào năm tới. Cách đây 100 năm, nhân dịp kỷ niệm 700 năm về trời, ĐTC Bênêđictô XV đã gửi một thông điệp Fausto appetente die cho toàn thể Hội thánh để nhắc nhớ biến cố này (ban hành ngày 29/6/1921). Nguyên văn đăng trong Acta Apostolicae Sedis, vol. XX, pp. 329-335.
3/ Ngày 9/7/1234: lễ phong thánh (canonizatio) tại Rieti do Đức thánh cha Grêgôriô IX, với sắc chiếu Fons sapientiae. Trước đó Tòa Thánh đã mở vụ án điều tra (Acta canonizationis sancti Dominici), nhờ đó người ta thu thập được nhiều nhân chứng “mắt thấy” về cuộc đời của thánh Đaminh. Hồ sơ đã được dịch ra tiếng Việt: Tiến trình phong thánh cho Cha Đa Minh, Học viện Đa Minh 2012. Vào dịp kỷ niệm 750 năm biến cố (tháng 9 năm 1984), cha tổng quyền Damian Byrne có viết một bức thư cho toàn dòng, đào sâu ý nghĩa của ba công tác quen làm trong mùa chay đối với việc nên thánh: cầu nguyện, chay tịnh, bố thí.
Giuse Phan Tấn Thành, O.P
Phụ thêm. Những nguồn sử liệu về thánh Đaminh
Một nguyên tắc làm việc của sử học là “nói có sách, mách có chứng”. Càng gần với nguồn thì chứng cớ khả tin hơn là những chứng tích nghe thuật lại mấy chục năm sau, nhất là khi tác phẩm được viết nhằm “tuyên dương” vị thánh (hagiographia). Những nguồn sau đây được viết trong thế kỷ XIII, với những cấp độ chính xác khác nhau.
Acta Canonizationis Sancti Dominici (1233-1234).
1/ IORDANUS DE SAXONIA, Libellus de Principis Ordinis Preadicatorum (1234-35),
2/ PETRUS FERRANDI, Legenda sancti Dominici (1235).
3/ COSTANTINUS DE URBERVETERI, Legenda sancti Dominici (1245/46).
4/ HUMBERTUS DE ROMANIS, Legenda sancti Dominici (1255/56).
5/ GERARDUS DE FRACHETO, Vitae fratrum ordinis praedicatorum (1259).
6/ RODRIGO DE CERATO, Vitae sanctorum (k.1270-1282).
7/ CECILIA CESARINI, Miracula beati Dominici (1288).
8/ THEODORICUS DE APOLDA, Libellus de vita et obitu et miraculis S. Dominici et de Ordine Praedicatorum quem instituit (k.1298).
Bức tượng kỷ niệm 800 năm sinh nhật thánh Đaminh trên núi Monserrat
========
[1] Bản văn đăng trong Analecta Sacri Ordinis Fratrum Praedicatorum, 78 (1969-70), trang 544-548.
[2] Xem: Analecta Sacri Ordinis Fratrum Praedicatorum, 79 (1971-72), trang 255-264.
[3] Có thể đọc trên mạng của Vatican: http://www.vatican.va/content/paul-vi/la/letters/1970/documents/hf_p-vi_let_19700524_frati-predicatori.html
[4] Giấc mơ được cha Giorđanô kể lại trong Libellus chương 2. Trước đó một thế kỷ, bà thân mẫu của thánh Bênarđô (1090-1153) cũng đã có một giấc mơ tương tự: X. Guglielmus, Sancti Bernardi Abbatis Clarae-Vallensis Vita et Res Gestae Libris Septem Comprehensae, in: Patrologia Latina, vol.185, col. 227; Alanus, Vita Secunda Sancti Bernardi, in: Patrologia Latina, vol.185, col. 470.
[5] SimonTugwell, Notes on the life of St Dominic. IV. St Dominic’s date of birth. In: Archivum Fratrum Praedicatorum 67 (1997) 27-79.
[6] Khỏi nói ai cũng đoán được: việc để cho thánh Đaminh ra đời vào lễ thánh Gioan Tẩy giả nhằm nêu bật sự tương đồng về sứ mạng. Gioan là “tiền hô” dọn đường cho Đấng Cứu thế; Đaminh là “ngôn sứ” dọn đường cho Chúa Quang lâm. Giấc mơ của bà mẹ về con chó ngậm bó đuốc đã chẳng muốn nói đến điều ấy hay sao?
[7] Chúa Giêsu sinh ngày 25 tháng 12. Tính lùi lại 6 tháng là sinh nhật thánh Gioan (24/6) là hợp logic lắm rồi! Tuy nhiên ngày nay có người đặt ra giả thuyết mới. Theo ông Shemarjahu Talmon (giáo sự đại học Jerusalem), dựa theo lịch Giubileum của Do thái, khám phá ở Qmran, thì phiên tiến hương của ông Zacaria, thuộc dòng Abia, nhằm vào ngày 23 tháng 9. Cho đến 9 tháng sau đó, ông Gioan ra đời là chuyện bình thường. Nhiều giáo hội bên Đông phương mừng lễ truyền tin cho ông Zacaria trong khoảng 23 và 25 tháng 9.