Cầu Nguyện – Một Nhịp Sống

0

Pascal, một nhà bác học nổi tiếng và cũng là một nhà triết gia lỗi lạc, ông đã có một câu nói thời danh để đời như sau: “Con người chỉ vĩ đại khi họ biết quỳ xuống cầu nguyện”. Điều này có nghĩa con người chỉ có thể trở nên vĩ đại nhờ có một mối tương quan mật thiết với Đấng là chủ tể của mình ngang qua đời sống cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện là chiếc cầu nối giữa Thiên Chúa và con người. Cầu nguyện làm cho con người tìm ra được nguồn cội, cùng đích của cuộc đời. Cầu nguyện cũng giúp cho con người biết mình phải làm gì và khước từ điều gì. Và cầu nguyện cũng chính là ở lại trong tình yêu của Chúa để nghe Chúa nói và đáp lại tiếng Chúa.

Biến đổi đời sống để nên giống Chúa hơn là kết quả của cầu nguyện hằng ngày. Biến đổi một phần, biến đổi dần dần hay biến đổi tận căn thì còn tùy thuộc ơn thánh và lòng khao khát chìm sâu trong Chúa, tùy thuộc vào mức độ ở lại trong Người. Dù sao, cầu nguyện vẫn luôn là một cuộc hành trình tìm kiếm, gặp gỡ và khám phá không ngừng Đấng ở trong ta, nhưng cũng là Đấng ở trong mọi sự, nơi mọi người.

Thánh Luca trình bày mục đích của việc Chúa chọn các tông đồ là để học ở với Chúa, nghe Chúa nói rồi sau một thời gian “nhiễm” Lời Chúa nói, “nhiễm” cung cách sống của Chúa rồi Chúa mới sai các ngài đi làm chứng nhân. Chúa nhấn mạnh: “Phải cầu nguyện luôn mãi không ngừng nghỉ” (Lc 18,1). Bởi cầu nguyện chính là hồn sống, là thước đo để biết được người Tông đồ thi hành sứ vụ vì ai, cho ai và mục đích gì! Cho nên đời sống cầu nguyện còn là nền tảng để xây dựng đời sống Tông đồ nơi người môn đệ. Cầu nguyện còn để xác định rõ: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”. Cầu nguyện không phải để có được điều gì, nhưng là để sống với điều gì mình đang có; cũng không phải để trở nên điều mình mong ước, nhưng là mong ước điều mình sẽ trở nên. Việc cầu nguyện đích thực không bao giờ trông mong kết quả. Nhưng đó là một sự ở lại trong Chúa để nghe Chúa nói về kế hoạch của Ngài trên cuộc đời của ta, kế hoạch đó không phải như ta mong, nhưng như Ngài muốn.

Là một tu sĩ, chúng ta cần phải nuôi dưỡng và sống thật tốt đời sống cầu nguyện. Vì “cầu nguyện làm cho trái tim chúng ta lớn lên cho đến lúc nó có thể chứa đựng được cả chính Thiên Chúa” (Thánh Têrêsa Calcutta). Trái tim đó chỉ có thể được nuôi dưỡng, lớn lên và sống viên mãn nhờ cầu nguyện. Chính vì vậy mà “Cầu nguyện là thành lũy lớn nhất của trái tim” (Augustino). Trong thành lũy đó chất chứa “sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Thần” (Cv 13, 52).  Như vậy, đời tu thực sự chỉ có ý nghĩa khi được gắn liền với đời sống cầu nguyện. Điều này cũng nói lên căn tính của đời tu: đời tu là đời cầu nguyện (GL 607).

Ở lại trong Đức Giêsu, đó là tất cả ý nghĩa của việc cầu nguyện (x. Ga 15). Khẳng định này khởi đi từ kinh nghiệm kết hợp mật thiết với Đức Giêsu và cầu xin Người hiện diện với chính ta trong từng suy nghĩ và hành động. Sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống cầu nguyện của người dấn bước theo Chúa Giêsu trong đời sống thánh hiến còn là sức mạnh để chúng ta vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Hơn thế nữa Cầu nguyện giúp ta đi vào những biến cố xảy ra xung quanh ta với tâm thế của lòng cậy trông và tín thác vào Thiên Chúa Quan Phòng, Đấng luôn yêu thương và chăm sóc từng người. Đời tu của mỗi chúng ta có đẹp hay không sẽ tùy thuộc vào nhịp độ của việc chúng ta sống đời cầu nguyện tâm giao với Chúa bởi đó là nguồn sinh lực cho cuộc đời lữ hành của chúng ta.
 Maria Thanh Tuyện  (Học viện)             
                                                                        

Comments are closed.

phone-icon