Mỗi ngày, hàng ngàn Thánh Lễ Misa được cử hành khắp thế giới, và Kinh Lạy Cha được đọc lên trong mỗi Thánh Lễ.
Mỗi ngày, hàng triệu chuỗi Kinh Mân Côi cũng được đọc khắp thế giới, và Kinh Lạy Cha được đọc lên với mỗi chục kinh Kính Mừng.
Lời cầu nguyện này cũng được đọc trong giờ cầu nguyện sáng và tối, và thường được đọc vào giờ Chầu Thánh Thể. Nó được cầu nguyện một cách tự nhiên vào vô số thời điểm khác nhau và có thể là lời cầu nguyện được các tín hữu nhớ nhiều nhất.
Mặc dù Kinh Lạy Cha nổi tiếng này thật đơn giản, nhưng nó lại chứa đựng những lời ca tụng và cầu xin rất sâu sắc. Một lời cầu xin thường ít được chú ý hơn những lời cầu xin khác là “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Chúng ta có xu hướng liên kết những lời nguyện này với Sự tái lâm của Chúa Giêsu, và đúng như vậy. Chúng ta nên cầu nguyện rằng nước Chúa sẽ đến trong sự vinh quang trọn vẹn. Tuy nhiên, lời nguyện này còn có nhiều điều hơn là lời cầu xin cho một sự kiện trong tương lai. Ý muốn của Chúa Giêsu trong những lời này là tất cả chúng ta đi đến việc tìm hiểu những gì đang xảy ra trên Thiên đàng hiện nay. Rốt cuộc, chúng ta đang cầu xin rằng điều gì đang xảy ra trên trời cũng sẽ xảy ra trên trái đất, ngay tại đây và ngay bây giờ.
Vậy chúng ta hãy xem xét một vài khía cạnh của cuộc sống trên Thiên đàng. Hãy xem làm thế nào chúng ta có thể mở những cánh cửa cho sự sống trên trời xâm nhập vào Giáo hội, vào gia đình, và thậm chí vào cả tâm hồn của chúng ta.
Cuộc sống trên Thiên đàng ra sao? Kinh thánh không cho chúng ta biết nhiều về Thiên đàng. Ngược lại, Kinh thánh cho chúng ta biết rằng: “mắt chưa hề thấy” và “tai chưa hề nghe” những gì mà Thiên Chúa đã sắm sẵn cho những ai yêu mến Ngài” (1Cor 2,9). Nhưng chúng ta cũng không hoàn toàn không biết gì về Thiên đàng. Kinh thánh cung cấp cho chúng ta một vài manh mối, vừa đủ để khơi dậy trí tưởng tượng của chúng ta và khơi dậy trong chúng ta khát vọng về vương quốc này sẽ đến.
Trước hết, chúng ta biết rằng mọi người trên Thiên đàng đều nhận biết Thiên Chúa và sống trong tình yêu thương vâng phục các ý muốn của Ngài. Không có một tiếng nói phản đối. Không có một điểm chống đối hay phản kháng nào. Sự hiệp nhất và hòa bình là tiêu chuẩn, mọi ngày và mỗi ngày.
Nhưng sự hiệp nhất không phải là điều duy nhất. Kinh thánh còn cho chúng ta biết rằng Thiên đàng là nơi “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21,4).
Bạn có thể tưởng tượng một thế giới không có cám dỗ, tội lỗi hay sự chết không? Bạn có thể tưởng tượng một thế giới không có giết người, bệnh tật hay nghèo đói không? Bạn có thể tưởng tượng một thế giới không có nỗi buồn, phiền muộn hay tổn thương không? Một thế giới mà tất cả mọi người đều biết Chúa Giêsu, chấp nhận Ngài là Chúa, và sống như Ngài đã dạy chúng ta phải sống không? Bạn có thể tưởng tượng một thế giới sẽ như thế nào khi tất cả các thụ tạo được bao trùm bởi hòa bình và tình yêu không? Đây là cảnh Thiên đàng hiện nay, và đó cũng là cảnh mà Chúa Giêsu muốn thể hiện trên trái đất này. Đó là lý do tại sao Ngài đã đến với chúng ta vào dịp Giáng sinh.
Một tiêu chuẩn bất khả thi? Kinh thánh không chỉ cho chúng ta biết Thiên đàng ra sao; nó cũng cho chúng ta biết cảm giác về những người sẽ không thể vào Thiên đàng. Nếu chúng ta lập danh sách, nó có thể bao gồm những người không được “sinh ra từ trên cao” trong nước Rửa tội và bởi quyền năng của Thánh Thần (Ga 3,3); kẻ ích kỷ không chú ý tới người nghèo (Lc 16,19-31); “những kẻ gian dâm, thờ ngẫu tượng và ngoại tình” (1Cor 6,9); “những kẻ dâm ô, những kẻ giết người, … và tất cả những ai yêu thích và thực hành sự gian dối” (Kh 22,15). Đó là một danh sách đáng buồn, phải không? Nó có thể khiến chúng ta cùng với các Tông đồ tự hỏi rằng: “Vậy thì ai có thể được cứu độ?” (Mt 19,25).
Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Đối với loài người thì điều này là không thể, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể” (Mt 19,26). Điều này cũng có thể nói về cách chúng ta sống mỗi ngày. Không có Thiên Chúa, cuộc sống của Thiên đàng trên trái đất là không thể; nhưng có Thiên Chúa, thì câu chuyện lại rất khác. Với Thiên Chúa, mọi điều đều có thể xảy ra, bao gồm cả cuộc sống trên trời sau khi chúng ta chết và cuộc sống trên trái đất ở đây và bây giờ cũng giống như trên trời vậy. Với Thiên Chúa, bạn có thể tìm thấy vẻ đẹp của Thiên đàng và vẻ huy hoàng của Thiên đàng ngay cả ở đây trên trái đất này.
Sự hoàn hảo của đức mến. Có lẽ đó là một trong những chương hay nhất trong Kinh Thánh, thánh Phaolô nói về đức mến (1Cor 13). Sau khi mô tả rất cảm động về đức mến là như thế nào, thánh Phaolô tiếp tục đưa ra hai điểm quan trọng. Trước hết, ngài nói rằng khi sự hoàn hảo đến, sự không hoàn hảo của chúng ta sẽ biến mất. Nói cách khác, khi Chúa Giêsu tái lâm với tình yêu trọn vẹn của Ngài, thì những cách yêu thương bất toàn của chúng ta sẽ mất đi, và chúng ta sẽ được hoàn thiện trong Ngài. Và thứ hai, thánh Phaolô thúc giục người Côrintô bỏ đi những đường lối trẻ con và bất toàn của họ (13,10-12). Hai điểm này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách chúng ta có thể thấy khả năng niềm vui từ Thiên đàng đến với gia đình chúng ta ngay bây giờ.
Chúa Giêsu là Đấng trọn lành, và qua phép Rửa tội, chúng ta đã được sống lại với Ngài. Ngài đã làm cho chúng ta có thể “trọn lành như Cha chúng ta trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Nghe có vẻ không thể, nhưng chúng ta càng cảm nghiệm được ân sủng của Ngài chữa lành chúng ta và trao quyền cho chúng ta, chúng ta sẽ càng được khuyến khích, và điều đó thực sự sẽ càng trở nên khả thi hơn!
Trong chương này dành riêng cho đức mến, thánh Phaolô nói rõ rằng chúng ta có khả năng yêu thương nhau một cách trọn vẹn khi chúng ta cho phép mình được Đấng yêu thương cách hoàn hảo dạy biết cách yêu thương. Về bản chất, những cách yêu thương không hoàn hảo của chúng ta có thể giảm đi khi chúng ta cảm nghiệm được tình yêu thương của Chúa Giêsu dành cho mình. Và ngay cả khi không yêu mến cách hoàn hảo, chúng ta luôn có thể đứng dậy, hội nhập lại, sám hối và cố gắng cộng tác với Chúa Giêsu nhiều hơn.
Trên trời, những cách trẻ con như ủ rũ, tìm kiếm sự chú ý, và vô trách nhiệm đã là dĩ vãng. Những hình thức tình yêu trẻ con chưa trưởng thành đã biến mất. Tuy nhiên, ở đây trên trái đất, Chúa Thánh Thần muốn giúp chúng ta lớn lên để chúng ta có thể dần dần loại bỏ mọi con đường chưa trưởng thành và tội lỗi sau lưng chúng ta. Chúng ta có thể không bao giờ đạt được tình yêu thực sự hoàn hảo ở đây, nhưng chúng ta có thể tiến tới gần hơn sự hoàn hảo đó ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác.
Với ân sủng của Thiên Chúa, mỗi người trong chúng ta có thể gia tăng tình yêu của mình – và trưởng thành theo cách chúng ta yêu – về cơ bản. Hơn nữa, khi chúng ta thấy mong muốn được yêu thương của mình tăng lên – và mong muốn phục vụ bản thân giảm đi – chúng ta sẽ có bằng chứng ngày càng lớn hơn rằng chúng ta đang được biến đổi thành những người thiêng liêng, bằng chứng rằng tình yêu của Thiên đàng thực sự có thể tìm thấy trên trái đất này.
Ánh sáng hoàn thiện của Thiên Chúa. Kinh thánh cho chúng ta biết rằng thiên đàng “không cần mặt trời hay mặt trăng chiếu sáng, vì sự vinh hiển của Thiên Chúa đã ban cho nó ánh sáng, và đèn của nó là Chiên Con” (Kh 21,23). Khi còn ở trên đất, Chúa Giêsu tự xưng mình là “Ánh sáng của thế gian”. Ngài nói tiếp: “Ai theo Ta, sẽ không đi trong bóng tối, nhưng sẽ có ánh sáng của sự sống” (Ga 8,12). Nói cách khác, Chúa Giêsu muốn ánh sáng của Ngài chiếu tỏa trong chúng ta, ban cho chúng ta sự hướng dẫn và sự khôn ngoan cho cuộc sống cũng như giúp chúng ta phản chiếu ánh sáng của Ngài trong một thế giới tăm tối. Thánh Phaolô xác nhận điều này bằng cách gọi những người tin Chúa Giêsu là “ánh sáng trong Chúa”, và thúc giục họ “sống như con cái ánh sáng”, cố gắng học hỏi “những điều đẹp lòng Chúa” (Eph 5,8.10) .
Khi chúng ta cố gắng hết sức để tìm ra điều gì làm đẹp lòng Chúa và sau đó áp dụng nó vào thực tế, cuộc sống của chúng ta sẽ ngày càng được chiếu sáng bởi sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ thấy mình đang sống trong ánh sáng của Đức Kitô, cùng một ánh sáng chiếu sáng cả Thiên đàng. Và điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ cảm nghiệm được ánh sáng của Thiên Chúa đốt cháy những khuyết điểm của chúng ta, khiến chúng ta trở nên tinh khiết như vàng ròng.
Nó thực sự có thể! Thưa anh chị em, Thiên Chúa muốn chúng ta biết rằng vẻ đẹp và sự rạng rỡ của Thiên đàng có thể dành cho chúng ta ở đây trên trái đất này. Ngài muốn những ngày thánh của chúng ta và mọi ngày của chúng ta là những thời điểm vui mừng trước Ánh sáng đang “đến trong thế gian” (Ga 1,9). Ngài muốn chúng ta nhớ rằng Chúa Giêsu đã kêu gọi Giáo Hội sống trong ánh sáng và trở thành ánh sáng của Ngài – ngay cả bây giờ, dưới đất cũng như trên trời.
Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu biến giấc mơ này thành hiện thực. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, con muốn sống trong ánh sáng của Chúa. Con muốn chiếu ánh sáng của Chúa cho người khác qua những gì con nói và những gì con làm. Lạy Chúa Giêsu, xin cho ánh sáng của Chúa chiếu trên con, và để nó thanh tẩy con trong mọi cách để con có thể yêu người khác như Chúa yêu con. Con tin rằng con có thể trở thành một phần của sự thể hiện nước Chúa trên trái đất này. Lạy Chúa, xin hãy đến và giúp đỡ sự vô tín của con!”
Theo the Word Among us – Personal Spirituality Resources
Nguồn: https://wau.org/resources/article/thy_kingdom_come/
Chuyển ngữ: Br. Phaolô Vũ Đức Thành, SDD.