Chủ đề: “Chắc chắn được lắng nghe” (Bài trích Phúc âm: Mc 5: 22-24, 35-36).
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Có một sự phản đối quyết liệt đối với việc cầu nguyện, xuất phát từ một nhận xét mà tất cả chúng ta đều đưa ra: chúng ta cầu nguyện, chúng ta cầu xin, nhưng đôi khi lời cầu nguyện của chúng ta dường như không được lắng nghe: những gì chúng ta đã xin – cho bản thân hoặc cho người khác – không được đáp lời. Chúng ta có kinh nghiệm này, rất thường xuyên… Nếu lý do mà chúng ta cầu nguyện là cao đẹp (chẳng hạn như cầu cho sức khỏe của một người bệnh, hoặc cầu xin chấm dứt chiến tranh), thì việc không được ứng nghiệm có thể làm thất vọng. Chẳng hạn, đối với các cuộc chiến tranh: chúng ta đang cầu nguyện cho các cuộc chiến tranh kết thúc, những cuộc chiến ở rất nhiều nơi trên thế giới hiện nay. Hãy nghĩ đến Yemen, hãy nghĩ đến Syria, những quốc gia đã trải qua nhiều năm chiến tranh, suốt nhiều năm, bị tàn phá bởi chiến tranh, và chúng ta cầu nguyện, nhưng chúng vẫn không đi đến hồi kết. Nhưng làm sao lại có thể như vậy? “Có người thôi không cầu nguyện nữa, vì nghĩ rằng Thiên Chúa không nhận lời mình cầu xin” (Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2734). Nhưng nếu Thiên Chúa là Cha, tại sao Người lại không lắng nghe chúng ta? Người đã bảo đảm với chúng ta rằng Người ban những điều tốt lành cho những đứa con cầu xin với Người (xem Mt 7,10), tại sao Người không đáp lại lời cầu xin của chúng ta? Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm về điều này: chúng ta đã cầu nguyện, và cầu nguyện, cho căn bệnh của một người bạn, của cha, của mẹ, và mọi việc vẫn chẳng thay đổi. Nhưng Chúa đã không ban ơn như chúng ta cầu xin! Đó là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta đều có.
Sách Giáo lý cung cấp cho chúng ta một bản tóm tắt về vấn đề này. Nó giúp chúng ta biết đề phòng nguy cơ không sống kinh nghiệm thật sự về đức tin, mà biến mối tương quan với Thiên Chúa thành một điều gì đó như pháp thuật. Cầu nguyện không phải là một cây đũa thần: nó là cuộc đối thoại với Chúa. Thật vậy, khi cầu nguyện, chúng ta có thể buông xuôi và nguy cơ không trở thành những người phụng sự Thiên Chúa, nhưng mong chờ Người phục vụ chúng ta (xem 2735). Do đó, đây là lời cầu nguyện luôn luôn đòi hỏi, muốn hướng các sự việc theo bản thiết kế riêng của chúng ta, không chấp nhận bất kỳ chương trình nào khác ngoài những mong muốn của riêng chúng ta. Mặt khác, Chúa Giêsu vô cùng khôn ngoan khi dạy chúng ta Kinh Lạy Cha. Như chúng ta biết, đó là lời kinh chỉ gồm những câu cầu xin, nhưng những câu đầu tiên chúng ta thốt lên đều thuộc về phía Thiên Chúa. Chúng không xin sự hoàn thành cho kế hoạch của chúng ta, nhưng là cho ý của Người đối với thế giới. Tốt hơn là phó thác cho Người: “Nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha được thể hiện” (Mt 6, 9-10).
Và Thánh Tông đồ Phaolô nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thậm chí không biết mình phải cầu nguyện thế nào cho phải (xem Rm 8, 26). Chúng ta xin những thứ cần thiết, những nhu cầu của chúng ta, những thứ mà chúng ta muốn: “Nhưng điều này có tiện hơn hay không?” Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng, chúng ta thậm chí không biết phải cầu xin điều gì cho phải. Khi cầu nguyện, chúng ta cần phải khiêm tốn: đây là thái độ đầu tiên khi đi cầu nguyện. Cũng giống như thái độ ở nhiều nơi khi đi cầu nguyện trong nhà thờ: phụ nữ đội khăn che mặt hoặc lấy nước thánh để bắt đầu cầu nguyện, theo cách này, chúng ta phải tự nhủ trước khi cầu nguyện rằng đó là cách phải phép; rằng Chúa sẽ ban cho tôi những gì là cần. Người biết rõ. Khi cầu nguyện, chúng ta phải khiêm tốn, để những lời của chúng ta thực sự là lời cầu nguyện chứ không phải chỉ là lời nói vu vơ mà Thiên Chúa không chấp thuận. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện cho những lý do sai lầm: chẳng hạn như xin để đánh bại kẻ thù trong chiến tranh, mà không tự hỏi bản thân rằng Thiên Chúa nghĩ thế nào về một cuộc chiến như vậy. Thật dễ dàng để viết câu “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” trên một biểu ngữ; nhiều người hăng hái đảm bảo rằng Chúa ở với họ, nhưng ít người bận tâm đến việc kiểm tra xem họ có thực sự ở với Chúa hay không. Trong cầu nguyện, chính Thiên Chúa là Đấng hoán cải chúng ta, chứ không phải chúng ta là người hoán cải Thiên Chúa. Đó là sự khiêm tốn. Con đi cầu nguyện nhưng lạy Chúa, xin Người hãy hoán cải tâm hồn con để nó biết cầu xin điều gì phải phép, điều gì là tốt nhất cho sức khỏe thiêng liêng của con.
Tuy nhiên, sự thất vọng vẫn còn đó: khi con người cầu nguyện với tấm lòng chân thành, khi họ cầu xin những điều phù hợp với Nước Thiên Chúa, khi một người mẹ cầu nguyện cho đứa con bị bệnh của mình, tại sao có lúc dường như Thiên Chúa không lắng nghe họ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tĩnh tâm suy gẫm các Tin Mừng. Các trình thuật về cuộc đời của Chúa Giêsu đầy những lời cầu xin: nhiều người bị những thương tích về thể xác và tinh thần cầu xin Ngài để được chữa lành; có những người cầu nguyện cho một người bạn không còn đi được; có những người cha, người mẹ mang đến những đứa con trai, con gái bệnh tật … Tất cả đều là những lời cầu nguyện thấm đẫm đau khổ. Đó là một dàn hợp xướng đông đảo cất lên tiếng: “Xin thương xót chúng con!”
Chúng ta thấy đôi khi phản ứng của Chúa Giêsu đến ngay lập tức, trong khi ở một số trường hợp khác, nó bị trì hoãn: dường như Chúa không trả lời. Hãy nghĩ đến người đàn bà Canaan van xin Chúa Giêsu cho đứa con gái của bà: người phụ nữ này phải nài xin rất lâu để được lắng nghe (xem Mt 15,21-28). Bà ấy thậm chí còn khiêm tốn khi nghe thấy một lời từ Chúa Giêsu có vẻ hơi xúc phạm đối với bà: chúng ta không được ném bánh cho những chó con, cho những con chó. Nhưng sự sỉ nhục này không quan trọng đối với người phụ nữ: sức khỏe con gái của bà mới là điều quan trọng. Và bà ấy tiếp tục: “Đúng vậy, nhưng ngay cả những con chó cũng được ăn các mảnh vụn rơi xuống từ bàn của chủ chúng”, và Chúa Giêsu thích điều đó. Hãy can cảm trong lời cầu nguyện. Hoặc hãy nghĩ đến người bại liệt được bốn người bạn của anh ta khiêng đến: Chúa Giêsu ban đầu tha tội cho anh ta và về sau mới chữa lành thân xác anh ta (xem Mc 2: 1-12). Vì thế, trong một số trường hợp không có ngay giải pháp cho vấn đề. Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, mỗi người chúng ta ai cũng có kinh nghiệm này. Chúng ta hãy nhìn lại một chút: không biết bao nhiêu lần chúng ta cầu xin một ơn, một phép lạ, và rồi chúng ta nói rằng chẳng có chuyện gì linh nghiệm. Nhưng sau đó, theo thời gian, mọi thứ được thực hiện theo cách của Thiên Chúa, theo cách của Chúa, không theo những gì chúng ta muốn trong thời điểm đó. Thời gian của Chúa không phải là thời gian của chúng ta.
Theo quan điểm này, việc chữa lành cho con gái của ông Giaia đáng được chú ý một cách đặc biệt (xem Mc 5: 21-33). Có một người cha đang hối hả: con gái ông bị bệnh và do đó ông cầu xin sự cứu giúp của Chúa Giêsu. Thầy ngay lập tức nhận lời, nhưng trên đường về nhà của họ lại diễn ra một sự chữa lành khác, và sau đó có tin đến cho biết rằng người con gái đã chết. Tưởng chừng như thế là chấm hết, nhưng ngược lại, Chúa Giêsu nói với người cha: “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,36). “Hãy tiếp tục có lòng tin”: vì chính lòng tin duy trì sự cầu nguyện. Và quả thật, Chúa Giêsu đã đánh thức đứa trẻ đó khỏi giấc ngủ của thần chết. Nhưng có lúc, ông Giaia phải bước đi trong bóng tối, với duy nhất ngọn lửa của niềm tin. Lạy Chúa, xin ban cho con lòng tin! Xin cho lòng tin của con ngày càng phát triển! Hãy cầu xin ơn này để có được lòng tin. Trong Phúc âm, Chúa Giêsu nói rằng đức tin di chuyển cả núi non. Nhưng, phải có niềm tin thật sự. Đứng trước lòng tin của người nghèo, của dân Ngài, Chúa Giêsu đã bị thuyết phục; Ngài cảm thấy lòng từ bi vô cùng trước niềm tin đó. Và Ngài nhận lời.
Lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu dâng lên với Chúa Cha trong vườn Giếtsêmani dường như cũng không được lắng nghe. “Lạy Cha, nếu có thể, xin cho con khỏi phải uống chén này”. Dường như Chúa Cha không lắng nghe Ngài. Chúa Con đã phải uống cạn chén thương khó. Nhưng Thứ Bảy Tuần Thánh không phải là chương cuối cùng, vì vào ngày thứ ba, ngày Chúa Nhật, là ngày Phục sinh. Ác thần là chúa tể của ngày áp chót: xin hãy ghi nhớ điều này. Ác thần không bao giờ là chúa tể của ngày cuối cùng, không: là ngày áp chót là thời điểm khi màn đêm trở nên đen tối nhất, ngay trước bình minh. Rồi vào ngày áp chót có cơn cám dỗ, khi đó ma quỷ khiến chúng ta nghĩ rằng nó đã chiến thắng: “Bạn đã thấy chưa? Tôi đã chiến thắng!”. Ác thần là chúa tể của ngày áp chót: ngày cuối cùng là ngày Phục sinh. Và ác thần không bao giờ là chúa tể của ngày sau hết: Thiên Chúa là Chúa của ngày sau hết. Bởi vì điều đó chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa, và đó là ngày khi mọi khao khát ơn cứu độ của con người sẽ được thực hiện. Chúng ta hãy học lấy tính kiên nhẫn khiêm nhường này, để chờ đợi ân sủng của Chúa, để chờ đợi ngày cuối cùng. Thường thường ngày áp chót là rất gian khổ, bởi vì những sự đau khổ của con người là rất lớn. Nhưng Thiên Chúa ở đó. Và vào ngày cuối cùng, Người giải quyết mọi việc. Cảm ơn anh chị em.
Lời chào bằng tiếng Anh
Cha thân ái chào các tín hữu nói tiếng Anh. Cùng hiệp nhất trong tháng Năm với Đức Mẹ, ước mong rằng chúng ta phát triển sự vững tin rằng Chúa Cha trên trời luôn lắng nghe lời cầu nguyện của chúng ta. Cha khẩn xin niềm vui và sự bình an của Chúa ban xuống trên anh chị em và gia đình. Xin Chúa chúc phúc cho anh chị em!
[Nguồn: vatican.va]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/5/2021]