“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” – SN ngày 29.5.2021

0

I. LỜI CHÚA: Mc 11, 27-33

27 Đức Giê-su và các môn đệ lại vào Giê-ru-sa-lem. Người đang đi trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người và hỏi:28 “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy? “

29 Đức Giê-su đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.30 Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta? Các ông trả lời cho tôi đi! “

31 Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?32 Nhưng chẳng lẽ mình nói: “Do người ta”? ” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. 33 Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

(Bản dịch của Nhóm CGKPV)

II. SUY NIỆM

1. Ý định loại trừ

Các thượng tế, kinh sư và kì mục đã có ý định giết Đức Giê-su (x. Mc 11, 18), khi chứng kiến Ngài đuổi tất cả những người mua bán, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu, và nhất là khi nghe Ngài nói: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (c. 17). Một cung cách đã khơi dậy nơi người chứng kiến ý định loại trừ, loại trừ Đức Giê-su, Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, thì hẳn phải là một cung cách có tầm mức rất lớn, tầm mức lịch sử cứu độ.

Thật vậy, qua hành động “thanh tẩy”, Đức Giê-su không chỉ phá đổ cái trật tự đang có của Đền Thờ, nhưng còn đụng đến “quyền lợi” của các thượng tế và kì mục. Hơn nữa, Ngài còn gọi cái “trật tự” đang có của Đền Thờ là cái hang trộm cướp! Nhưng đó vẫn chưa phải là tầm mức lịch sử cứu độ.

2. “Nhà Ta là nhà cầu nguyện”

Đức Giê-su đến không phải để hủy bỏ, nhưng còn để hoàn tất, hoàn tất mọi sự liên quan đến lịch sử cứu độ, trong đó có việc thờ phượng Thiên Chúa Cha (x. Ga 4, 22-24). Vì thế, Đức Giê-su còn muốn thay thế cơ chế lễ tế của Đền Thờ bằng Lời của Ngài, bằng sự hiện diện của Ngài và bằng chính thân mình Ngài, làm của lễ hoàn thiện dâng lên Chúa Cha, vì loài người chúng ta. Đó là chính là Thánh Lễ Tạ ơn mà chúng ta cử hành mỗi ngày.

Việc Đức Giê-su hoàn tất lịch sử cứu độ còn có tầm ảnh hưởng lớn hơn nữa, khi chúng ta khám phá ra rằng, tình trạng của Đền Thờ mặc khải sự thật sâu xa và rất đau lòng về thế giới của chúng ta, về xã hội, về cả Giáo Hội, và cộng đoàn của chúng ta nữa, về chính con người của chúng ta, nhất là nội tâm của chúng ta. Đó phải là những nơi tôn nghiêm, là nơi Chúa hiện diện, là nơi vang vọng Lời của Chúa, là nơi cầu nguyện, nhưng có lúc chúng ta đã biến nó thành “hang trộm cướp”, nghĩa là nơi của những tính toán bất chính và nơi của bạo lực, loại trừ. Xin Chúa thanh tẩy và biến đổi tâm hồn chúng ta và cả thế giới chúng ta đang sống nữa, như tác giả Tv 50 (51) kêu xin:

Xin dùng cành hương thảo
rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền;
xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.

(c. 9)

3. “Ông lấy quyền nào?”

Hiểu như vậy, chúng ta không lạ gì khi các thượng tế và kì mục đến chất vấn Chúa về quyền hạn: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” Câu hỏi này là một câu hỏi liên quan đến căn tính của Đức Giê-su, bởi vì đụng chạm tới tương quan duy nhất của Ngài với Thiên Chúa Cha: quyền của Ngài đến từ Chúa Cha, bởi vì Ngài đến từ Chúa Cha, Ngài là Con Duy Nhất của Chúa Cha.

Câu hỏi quan trọng như thế, nhưng tại sao Ngài không trả lời? Bởi vì họ không đi tìm chân lí, thì chân lí không thể tỏ mình cho họ. Hay đúng hơn, Ngài trả lời bằng một câu hỏi, làm bộc lộ ra toan tính có ở trong nội tâm của họ. Thật vậy, ông Gioan là một dấu chỉ lớn Thiên Chúa ban cho con người, vậy mà họ không nhận định ra nguồn gốc để đưa ra một lựa chọn dấn thân; họ bằng lòng với thái độ trung dung, với tình trạng không biết, không phán đoán, không quyết định:

Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: ‘Do Trời’, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?” Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ”. Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” (c. 31-32)

Câu trả lời “không biết”, bề ngoài là vô thưởng vô phạt, nhưng bên trong ẩn dấu cả một sự tính toán, lấy mình làm trung tâm. Thực vậy, như Tin Mừng mặc khải cho chúng ta, thái độ trung dung bên ngoài của họ, lại che dấu một dự án nhằm bảo vệ cho sự an toàn của họ.

*  *  *

Xin cho Lời Chúa được trao ban cho chúng ta mỗi ngày, giải thoát chúng ta khỏi thái độ “không biết” thiêng liêng, để chúng ta ra khỏi mình, ra khỏi sự an toàn, ra khỏi những toan tính để đi tìm kiếm sự hiện diện của Chúa, vì Ngài là ánh sáng, là chân lí, là sự sống và là đường đi, là niềm hi vọng, là niềm vui đích thật.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Comments are closed.

phone-icon