Lặng!

0

Thế giới ngày nay đang bị vây bủa bởi nhịp sống ồn ào, vội vã. Con người không còn thời gian cho mình và cho nhau. Chính trong sự hỗn tạp ấy, không còn chỗ đứng cho sự thinh lặng. Thật khó để ai đó có thể ngồi tĩnh lặng một mình mà không có một chiếc Iphone hay một ai đó bên cạnh. Vì thế, thinh lặng trở thành nỗi ám ảnh cho con người. Một thực tế cho thấy, trước đây, người ta chỉ tổ chức tiệc vào những dịp quan trọng trong cuộc đời như: sinh nhật, đám cưới, đám giỗ… Còn ngày nay, những bữa tiệc được tổ chức nhan nhản mọi nơi, mọi lúc và dưới mọi hình thức mà chẳng cần có lý do quan trọng nào. Như câu nói mà người ta vẫn truyền tai “rảnh thì đi nhậu thôi”.

Giữa một thế giới đầy rẫy những nguy cơ làm hủy hoại nét đẹp nhân văn, những giá trị chân chính về đạo đức, người tu sĩ dấn thân vào đời ít nhiều cũng bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống thế tục ấy. Trước những làn sóng cám dỗ của thời đại này, người tu sĩ cần tìm cho mình một cõi lặng thẳm sâu trong tâm hồn. Chính trong cõi lặng người tu sĩ sẽ gặp được Chúa, đi sâu vào mối tương quan mật thiết với Ngài để từ đó nhìn nhận chân giá trị của bản thân, giữ mình khỏi vũng lầy của cuộc sống thế tục.

Lặng để tâm an

Ngày nay, con người thường cảm thấy bất an. Bất an vì công việc làm ăn bấp bênh, gia đình xáo trộn, nhiều rủi ro về thiên nhiên, hoàn cảnh xã hội xảy đến bất ngờ. Như thế, bất an có mặt trong mọi ngóc ngách của đời sống con người và len lỏi vào cả đời sống tu trì.

Chỉ có sự tĩnh lặng trong tâm hồn là giải pháp thiết thực nhất giúp chúng ta thoát khỏi cạm bẫy của sự bất an này. Lặng ở đây không có nghĩa là một tình trạng không có âm thanh, không hành động, không nói năng, không cảm nghĩ. Nhưng sâu xa hơn, lặng chính là thái độ giữ chừng mực trong cách nói năng: không nói to, không kêu lớn. Nói cách khác, lặng chính là một tình trạng thanh thản, từ tâm, hoan lạc toát ra từ sâu thẳm bên trong giúp con người luôn giữ được sự bình an trước những biến động khôn lường của cuộc sống. Vì thế, sự tĩnh lặng thật cần thiết để con người nhìn nhận, làm chủ chính mình. Từ đó, ta có cơ hội tìm về nội tâm, tìm về với chính con người thật của mình để nhìn lại, tìm hiểu và suy xét bản thân… sẵn sàng đối diện với cuộc sống với cái tâm mới, một cái tâm “bất biến giữa dòng đời vạn biến”

Lặng để niệm cảm giá trị sự hiền lành và khiêm nhường

Cuộc đời người tu sĩ là một hành trình tìm kiếm cõi phúc vĩnh hằng. Trong cuộc lữ hành ấy, người tu sĩ phải chiến đấu để chu toàn hai sứ mệnh: sứ mệnh thiêng liêng với Chúa qua các giờ kinh nguyện, đời sống phụng vụ, cộng đoàn và sứ mệnh dấn thân vào đời để đem Chúa đến cho mọi người. Luôn có đó một cuộc chiến đấu nội tâm dai dẳng giữa cuộc sống thế tục và đời sống tu trì. Sẽ có lúc người tu sĩ cảm thấy một sự trống rỗng, khao khát Thiên Chúa không thể lấp đầy. Bởi tâm hồn họ luôn bị xâm chiếm bởi những lắng lo của cuộc sống sứ vụ cùng những mời gọi của đam mê trần thế. Để đứng vững trong cuộc chiến đấu cam go này, người tu sĩ cần bén rễ sâu trong Chúa để đủ sức mạnh và vững vàng khi bước đến vùng ngoại biên với những cảnh vực riêng của hoàn cảnh xã hội. Từ trong những thăng trầm của cuộc sống, người tu sĩ sẽ học biết lắng nghe; lắng nghe tiếng lòng và lắng nghe tiếng Chúa bằng một trái tim hiền lành và khiêm nhường. Không có sự khiêm nhường, con người đang sống ngoài lề của chính mình và dần thu hẹp mọi mối tương quan với người khác. Bởi người hiền lành, khiêm nhường cũng là đầu mối của sự khôn ngoan như trong sách thánh vịnh 36 có viết “miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan” và sản nghiệp của người hiền là vĩnh cửu “người hiền được Nước Thiên Chúa làm gia nghiệp” (Mt 5, 4).

Lặng để nhận ra tiếng Chúa qua các dấu chỉ thời đại

Thế giới của chúng ta đang thay đổi nhanh chóng  từng ngày. Chỉ một tích tắc đồng hồ cũng có biết bao sự kiện, biến động xảy đến. Dựa trên những tin tức hàng ngày, thật khó để không lo lắng về ảnh hưởng của tất cả những thay đổi này cho chính mình và cho những người thân của chúng ta. Sự lo lắng và hồi hộp là những vấn đề phổ biến thậm chí trở thành nỗi ám ám cho thời đại hôm nay. Đó có thể là lo lắng về sự rạn nứt trong đời sống gia đình, sự thờ ơ, lạnh nhạt trong đời sống huynh đệ cộng đoàn và cả những cuộc chiến đấu với thiên tai bão lụt. Một cảnh báo cho các Kitô hữu hôm nay là có những làn sóng ngầm đang đe dọa sự đổ vỡ trong đời sống đức tin cũng như cuộc sống hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, gia đình và xã hội. Từng ngày, từng ngày chúng ta được chứng kiến không biết bao nhiêu những thảm họa của thiên nhiên, và cả những trận chiến trên chiến trường kinh tế, chính  trị. Điển hình là hiện nay, chúng ta đang phải đối diện với một cuộc hủy diệt tàn khốc của chủng virus Covid-19. Đây không đơn thuần là một cuộc chiến đấu về với một con virus bé nhỏ mà sâu xa hơn là một cuộc chiến trong tương quan giữa con người với con người.

Có thể nhận thấy một thực tế là từ khi xuất hiện chủng virus này, nhân loại chúng ta bắt đầu rơi vào tình trạng hoang mang, lo sợ, e dè lẫn nhau. Chúng ta không dám đến gần nhau, ngay cả với những người thân yêu của mình. Con người luôn nhìn nhận mình là loài thông minh nhất quả đất với một trí tuệ không giới hạn, có thể khuất phục cả những hành tinh ngoài trái đất. Đã có những lúc con người nuôi khát vọng chinh phục những vùng đất mới, vượt ra ngoài thực tại trái đất này. Nhưng trải qua biết bao nhiêu thế kỷ, những khát vọng đó cũng chỉ nằm trong ảo tưởng. Phải chăng, việc quá đề cao trí tuệ khiến con người dần quên đi quyền năng của Đấng tác tạo nên mình. Họ khao khát bá chủ lẫn nhau, làm chủ trái đất và mọi người yếu thế hơn mình, họ lao vào những cuộc chiến trên tất cả chính trị để khẳng định quyền lực của mình. Nhưng cuối cùng họ lại thất bại trước sức mạnh quyền năng của Đấng tạo hóa. Thực trạng con người bất lực trước một con virus bé nhỏ chính là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho xã hội hôm nay nhìn lại thân phận mỏng giòn, bé nhỏ, yếu đuối của mình “Con người có là chi mà Chúa phải nhớ đến, Phàm nhân là gì mà Chúa phải lưu tâm” (Tv 8,5 ).

Thực trạng thế giới hôm nay mời gọi con người trở về với khoảng lặng của sự khiêm tốn, để nhận ra mình cần làm gì? Chúa đang muốn nói gì với nhân loại trong bối cảnh hôm nay? Những thử thách chúng ta đang trải qua phải là một cơ hội để chúng ta chứng tỏ lòng tín thác vào tình yêu Thiên Chúa quan phòng nhiều hơn. Thiên Chúa không hề nín lặng nhưng Ngài đang thực hiện một chương trình vĩ đại của mình. Chỉ trong cõi lặng của sự khiêm tốn, hiền lành, chúng ta mới có thể nghe được tiếng thì thầm của Thiên Chúa./.

Nt. Têrêsa Nguyễn Thị Trang (HVTT)

Comments are closed.

phone-icon