Lời khuyên thực hành khi việc cầu nguyện dường như khó khăn.
Cầu nguyện không phải là một phương cách cuối cùng.
Đó không phải là những gì chúng ta làm sau khi chúng ta đọc những cuốn sách tự lực, sau khi chúng ta đi đến các chuyên viên, hoặc sau khi chúng ta lướt internet. Cầu nguyện là dây sự sống của chúng ta với Thiên Chúa. Đây là lý do tại sao Chúa Giêsu đã nói: “Trước tiên, anh em hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ được thêm cho” (Mt 6,33). Đó là lý do tại sao Người nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).
Vậy tại sao việc cầu nguyện thường có vẻ khó khăn? Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu là có thật. Chúng ta tin rằng Người hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta tin rằng mọi người đã được rửa tội đều là một “đền thờ của Thiên Chúa” và Thần Khí của Thiên Chúa sống trong chúng ta (1 Cr 3,16). Chúng ta tin rằng cầu nguyện thì rất quan trọng đối với cuộc sống Kitô hữu chúng ta. Vậy thì tại sao chúng ta lại thấy khó khăn khi cầu nguyện? Tại sao đôi lúc chúng ta trở nên phân tâm khi chúng ta cố gắng cầu nguyện? Đây là một số khản năng:
Có phải tôi đã đánh mất tình yêu thuở ban đầu? Trong Sách Khải Huyền, Chúa Giêsu cảnh báo các tín hữu Êphêsô rằng: “Ta biết các việc ngươi làm, nỗi vất vả và lòng kiên nhẫn của ngươi; … đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,2-4).
Những lời này nói với gợi nhắc chúng ta rằng có thể chúng ta đang làm việc rất chăm chỉ vì Nước Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại để mất tình yêu với Đấng mà chúng ta đang vất vả vì Người. Những người mà Chúa Giêsu đang nói tới ở đây là những thành viên tích cực của hội thánh Êphêso, nhưng họ đã đánh mất cái nhìn về điều gì là trọng tâm đối với lòng tin của họ: đó chính là tình yêu dành cho Chúa Giêsu.
Thật dễ dàng biết bao để có thể sử dụng một phương pháp tiếp cận theo chức năng và trách nhiệm đối với đức tin của chúng ta và để cho tình yêu mà chúng ta đã từng biết đối với Chúa Giêsu biến mất! Giống như một đôi vợ chồng, đã cưới nhau được nhiều năm, nhưng họ đã đặt trách nhiệm của cộng việc, nuôi dạy con cái và tham gia cộng đồng mà quên đi những giây phút lãng mạn mà họ đã từng có với nhau.
Có phải các mối ưu tiên của tôi đã bị đảo lộn? Đó có thể là một câu châm ngôn cổ xưa, nhưng nó vẫn đúng: thời gian là một lời tuyên bố về những mối ưu tiên của chúng ta. Chúa Giêsu đã kể một dụ ngôn về những người được mời dự tiệc nhưng đã không đến dự (x. Lc 14,16-24). Thay vào đó, một người được mời đã lựa chọn đi kiểm tra các bất động sản thực sự của mình. Người khác lại muốn đi xem cái ách mới của con bò mà anh ta mới mua. Và người thứ ba vừa mới kết hôn và quá bận rộn với hôn nhân của mình. Tất cả ba người đều để cho những mối bận tâm cá nhân trở thành trung tâm – ngay cả nếu nó tốt và cần thiết – đã che khuất sự cao quý của lời mời mà họ đã lãnh nhận.
Lời mời của Thiên Chúa được xếp ở vị trí nào trong danh sách các mối ưu tiên của chúng ta? Chúa Giêsu không muốn những thứ dư thừa của chúng ta, những lời cầu nguyện thêm vào hoặc chỉ là thời gian rảnh rỗi của chúng ta. Người muốn chúng ta chấp nhận lời mời của Người và đặt Người lên trước hết. Nhưng nhu cầu và trách nhiệm đối với thế giới này thì rất thực tế, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta cho phép mình gạt lời mời của Chúa Giêsu qua một bên.
Chúa Giêsu muốn dùng thời gian quý giá để ở với chúng ta mỗi ngày. Nhưng khi chúng ta kiểm tâm cặn kẽ chính mình trước tương quan với Chúa, chúng ta thực sự thú nhận rằng tương quan của chúng ta với Thiên Chúa chưa được ưu tiên.
Tại sao tôi cảm thấy quá khô khan? Việc cầu nguyện khô khan làm chúng ta nản lòng. Điều đó có thể khiến chúng ta đặt câu hỏi về đức tin của mình, hoặc thậm chí chất vấn chính Thiên Chúa. Vào một thời điểm trong lịch sử của mình, dường như những người Ítrael đã có một thái độ tương tự. Nói qua vị ngôn sứ của mình, Thiên Chúa đã phàn nàn về họ: “Ngày lại ngày chúng kiếm tìm Ta và chúng ao ước biết đường lối của Ta… Chúng xin Ta ban những điều luật công minh… ‘Chúng tôi ăn chay, sao Ngài không thấy, chúng tôi hãm mình, sao Ngài chẳng hay?’” (Is 58,2-3). Giống như dân Ítraen, chúng ta có thể nói với Chúa Giêsu: “Con cố gắng tránh xa tội lỗi, con cố gắng làm điều tốt. Con đã trung thành với Chúa. Nhưng Chúa vẫn không đáp lời con”.
Vấn đề của những người Ítraen này – và nó có thể cũng là tình trạng của chúng ta – là cho dẫu họ tham dự vào những nghi thức tôn giáo bên ngoài của Ítraen xưa, nhưng họ vẫn tiếp tục làm theo ý họ (Is 58,3). Có lẽ, giống như những người Ítraen, sự khô khan của chúng ta trong cầu nguyện xuất hiện bởi vì chúng ta không mở lòng mình ra với Thiên Chúa như chúng ta vẫn nghĩ. Có lẽ, chúng ta quá tin tưởng vào những kế hoạch dành cho cuộc sống của mình và kết quả là tất cả những gì chúng ta quan tâm không phải là những gì Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta.
Thánh Giacôbê nói: “Anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc” (Gc 4,3). Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy đến với Người với một tâm hồn trong sạch và khiêm tốn. Người muốn chúng ta nói với Người: “Lạy Chúa Giêsu, con muốn những gì Chúa muốn; con sẽ làm những gì Chúa nói. Con không muốn làm theo ý con nhưng là theo ý Chúa”.
Mặt khác, có thể là trong những lúc cầu nguyện khô khan, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta tin tưởng vào Người cách sâu sắc hơn. Không tin tưởng vào Người vẫn sẽ là một câu hỏi tự vấn chúng ta. Và câu trả lời cho sự nghi ngờ ấy là đừng từ bỏ cầu nguyện. Trái lại, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là kiên trì, biết rằng chúng ta sẽ tìm thấy một sự đột phá nếu chúng ta giữ vững niềm hy vọng cho đến cùng.
Hãy Tin Tưởng Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý” (Mc 11,24). Chúa Giêsu muốn chúng ta biết rằng Người sẽ đáp lại lời chúng ta nguyện xin bởi vì Người muốn hướng dẫn chúng ta trong mọi sự. Người là Đấng trung tín và Người sẽ thực hiện điều đó!
Theo Word Among Us, Prayer Resources
Nguồn:https://wau.org/resources/article/the_logic_of_love/
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương