Toàn văn Họp báo của Đức Thánh Cha trên chuyên cơ giáo hoàng từ Slovakia

0

Pope Francis
Chuyên cơ giáo hoàng, 15 tháng Chín, 2021 / 12:00 pm

Đức Giáo hoàng Phanxicô hạ cánh tại Rôma ngày 15 tháng Chín sau hành trình bốn ngày đến Hungary và Slovakia. Độc giả đọc bản dịch [ND: tiếng Anh] của CNA cuộc họp báo 30 phút của Đức Thánh Cha Phanxicô trên chuyến bay trở về Rôma từ thủ đô Bratislava của Slovakia.

Ông Matteo Bruni, giám đốc văn phòng Báo chí Tòa Thánh: Xin chào Đức Thánh Cha, cảm ơn người vì những ngày này đã được mở ra bằng nghi thức chầu Thánh Thể ở Budapest và kết thúc bằng việc cử hành và cầu nguyện cùng nhau, sáng nay ở Šaštin. Giữa những thời khắc này, có rất nhiều hình ảnh, nhiều lời nói, nhiều cuộc gặp gỡ, và thật vui khi người có thể trực tiếp ở giữa mọi người. Sự tham gia và niềm vui của dân Chúa trong những ngày này cũng thật đẹp. Chúng ta lược lại những ngày vừa qua bằng những câu hỏi của các nhà báo, nhưng có thể người muốn … 

ĐTC Phanxicô: Không, không.

Ông Bruni: Vâng, câu hỏi đầu tiên đến từ một nhà báo người Hungary, anh István Károly Kuzmányi, của tờ Magyar Kurír.

Anh Istávan Kuzmányi: Thưa Đức Thánh Cha, chúng con cảm ơn người đã đến thăm Budapest, nơi người đã dẫn lời Đức Hồng y đáng kính József Mindszenty, ngài đã nói: “Nếu có một triệu người Hungary cầu nguyện, tôi không còn sợ ngày mai”. Và đây là câu hỏi của con: tại sao người lại quyết định tham dự Đại hội Thánh Thể Quốc tế với tư cách là Giáo hoàng sau 21 năm, bắt đầu từ sự kiện này? Người nhìn thấy tương lai của Kitô giáo Châu Âu như thế nào và người nghĩ người Hungary chúng con có thể làm gì với điều đó? Cảm ơn người.

ĐTC Phanxicô: Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều. Lúc đầu thì không rõ ràng lắm: “Nhưng ngài chỉ đến dâng lễ, và còn người Hungary chúng tôi, không đến thăm chúng tôi sao?” Và có người nghĩ không tốt. Không. Tôi giải thích rằng chuyến thăm Slovakia đã được lên chương trình – nhưng mới là trong đầu – và tôi bắt đầu nó về sau. Tôi đã hứa với ngài Tổng thống của các bạn, người mà tôi đã gặp – đây là lần thứ ba tôi gặp ông – tôi hứa sẽ đến thăm vào năm tới hoặc năm khác nếu có thể, bởi vì có rất nhiều giá trị của Hungary. Chẳng hạn, tôi rất ấn tượng đối với ý thức về tính đại kết của các bạn với một sự sâu sắc rất rất rất lớn. Và điều này tạo cho tôi ấn tượng rất lớn. 

Nói chung, Châu Âu – tôi luôn luôn nói điều này, tôi xin lặp lại – rằng Châu Âu phải theo đuổi những giấc mơ của những vị tiền nhân vĩ đại sáng lập ra Liên minh Châu Âu. Liên minh Châu Âu không phải – chúng ta tạm dùng cách gọi – là một cuộc họp để làm mọi thứ …, nó là một thực tại về tinh thần, có một tinh thần làm nền tảng cho Liên minh Châu Âu, điều mà ngài Schuman, Adenauer, De Gasperi, những con người vĩ đại đó, đã mơ ước: quay trở lại vấn đề đó. Vì có một mối nguy hiểm: rằng nó sẽ chỉ trở thành một văn phòng quản lý, tức là Liên minh Châu Âu, và điều này là không đúng, nó phải đi sâu [vào tinh thần], để tìm kiếm những cội nguồn của Châu Âu và đưa những cội nguồn đó tiến bước. Và tôi tin rằng tất cả các quốc gia phải tiến tới. Đúng là có một số lợi ích, có lẽ không phải của Châu Âu, cố gắng sử dụng Liên minh Châu Âu để thực dân hóa ý thức hệ, và điều này là không tốt. Không, EU phải độc lập cho chính mình, và tất cả các nước ở cùng cấp, được truyền cảm hứng bởi giấc mơ của các vị sáng lập vĩ đại. Đây là ý tưởng của tôi. Và các bạn người Hungary: tôi đã đến với các bạn vào năm ngoái [hai năm trước]ở Transylvania. Thánh lễ bằng tiếng Hungary rất đẹp.

Ông Matteo Bruni: Cảm ơn tiến sĩ. Câu hỏi thứ hai của anh Bohumil Petrik, đến từ tờ Dennik Standard:

Anh Bohumil Petrik, Denník Štandard: Việc tiêm vaccine đã chia rẽ những người Kitô giáo, thậm chí ở Slovakia cũng vậy. Đức Thánh Cha nói rằng việc chủng ngừa là một hành động yêu thương. Vậy nếu Đức Thánh Cha không chủng ngừa, thì người sẽ gọi nó là gì? Vì một số tín hữu cũng cảm thấy bị phân biệt đối xử. Cũng có những cách tiếp cận khác nhau về điểm này ở các giáo phận: ngay cả trước chuyến thăm của Đức Thánh Cha, chỉ những người đã chích vaccine mới có thể tham dự các sự kiện của Giáo hoàng, rồi sau đó nó đã được thay đổi, cả những người đã làm xét nghiệm nhanh cũng có thể tham dự, v.v. Vì vậy, tất cả chúng con đều muốn biết: bằng cách nào để đến với nhau, làm thế nào để hòa giải về vấn đề này.

ĐTC Phanxicô: Việc này là quan trọng. Nó hơi lạ, vì nhân loại có một lịch sử là bạn hữu với các loại vaccine: khi còn nhỏ, thậm chí bệnh sởi, bệnh khác, bệnh bại liệt…. Tất cả các trẻ em đều được tiêm phòng và không ai nói gì. Bây giờ lại xảy ra chuyện này. Có lẽ, vấn đề là do độc lực và sự không chắc chắn không những của đại dịch mà còn về các loại vaccine khác nhau, và cả tai tiếng về một số loại vaccine không phù hợp hoặc chẳng khác gì nước cất. Điều này đã tạo ra sự sợ hãi trong mọi người. Rồi có những người nói rằng đó là một sự nguy hiểm bởi vì tiêm vaccine là vaccine đi vào trong người bạn, và rất nhiều tranh cãi đã tạo ra mối chia rẽ này. Ngay cả trong Hồng y đoàn cũng có một số “người từ chối”, và một trong số những vị này, thật tội nghiệp, đã phải nhập viện vì virus. Sự đời trớ trêu… Tôi không biết phải giải thích thế nào cho rõ ràng. Một số người giải thích nói rằng vì sự đa dạng về nguồn gốc của các loại vaccine, không được kiểm nghiệm đầy đủ và họ sợ. Nhưng chúng ta phải làm rõ, làm rõ và nói về điều này một cách bình tĩnh. Ở Vatican, tất cả mọi người đều được tiêm phòng, trừ một nhóm nhỏ đang nghiên cứu cách giúp đỡ họ.

Ông Matteo Bruni: Cảm ơn anh Bohumil, cảm ơn Đức Thánh Cha. Câu hỏi thứ ba đến từ anh Daniel Verdú Palay của nhật báo El Pais:

Ông Daniel Verdu, El País: Xin chào Đức Thánh Cha, người khỏe không? Vào sáng Chủ nhật, Đức Thánh Cha đã gặp Thủ tướng Viktor Orbán; một số điểm khác biệt về các vấn đề chẳng hạn người di cư, Châu Âu, người theo chủ nghĩa dân tộc đã được biết đến hoặc hiểu rõ… Chúng con muốn hỏi người và muốn biết cuộc họp đã diễn ra như thế nào, không biết Đức Thánh Cha có chạm đến vấn đề người di cư, và điều này bây giờ một lần nữa đang trở nên rất quan trọng do cuộc khủng hoảng ở Afghanistan, và Đức Thánh Cha nghĩ gì về đạo luật mà ông đã ban hành về người đồng tính. Chúng con cũng hỏi người vì chúng con nghĩ người đã yêu cầu ông ta không để cho người Kitô giáo Hungary phải chết, nhưng nghe những bài diễn từ của người trong những ngày qua, có vẻ như đôi khi chính những chính sách này đang giết các giá trị Kitô giáo.

ĐTC Phanxicô: Rất hay. Tôi đã được đến thăm, vì ông Tổng thống đến thăm tôi, ông rất lịch thiệp, nhã nhặn, ông đã đến – đây là lần thứ ba tôi gặp ông – và ông đến cùng với ngài Thủ tướng và Thứ trưởng. Họ có ba người. Nhưng chỉ có Tổng thống trao đổi. Chủ đề đầu tiên là sinh thái học. Thật vậy, […] Rất ấn tượng. Ý thức sinh thái của người Hungary thật ấn tượng. Ông giải thích về cách họ làm sạch các dòng sông, … rất nhiều điều mà tôi chưa biết! Và đây là vấn đề chính. Sau đó, tôi hỏi về độ tuổi trung bình, tại sao tôi lo lắng về mùa đông nhân khẩu học. Ở Ý, nếu tôi không lầm, độ tuổi trung bình là 47 và tôi nghĩ Tây Ban Nha thậm chí còn tệ hơn. Nhiều ngôi làng bỏ trống, hoặc chỉ có khoảng 10 người già … một vấn đề đáng lo ngại… Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Và đến đó, ông tổng thống giải thích cho tôi – luôn luôn là ông Tổng thống – ông giải thích cho tôi về luật rằng họ phải giúp các cặp vợ chồng trẻ kết hôn, sinh con. Và điều đó thật thú vị. Thật thú vị. Nó là một luật … tôi không biết nữa … nó khá giống với luật của Pháp, nhưng phát triển hơn. Đó là lý do tại sao người Pháp không gặp các vấn đề như Tây Ban Nha, và như chúng tôi ở Ý. Họ đã giải thích điều này cho tôi và đến đó họ thêm vào ít chuyên môn, cả Thủ tướng và Thứ trưởng, về luật này như thế nào. Và rồi … họ còn nói về những vấn đề gì nữa nhỉ? Về nhập cư thì không có gì, không, không có chút gì đề cập đến nó. Và rồi chúng tôi quay trở lại vấn đề sinh thái, và, à, về gia đình, và anh có thể thấy rằng có rất nhiều người trẻ, rất nhiều thiếu nhi. Nhưng ở Slovakia cũng vậy: tôi thật sửng sốt: rất nhiều thiếu nhi và rất nhiều cặp vợ chồng trẻ, và điều này thật hứa hẹn. Bây giờ thách thức đó là tìm việc làm, để sau này họ không ra ngoài, vì nếu không có việc làm, họ sẽ phải bỏ ra ngoài và tìm việc làm. Đó là mọi điều. Tổng thống là người nói chính và cả hai ngài bộ trưởng bổ sung thêm dữ liệu chính xác. Nó là một bầu không khí tốt. Và nó kéo dài đủ lâu. Tôi nghĩ là 35 hoặc 40 phút.

Ông Matteo Bruni: Xin cảm ơn Đức Thánh Cha, cảm ơn anh Daniel. Câu hỏi thứ tư đến từ anh Jerry O’Connell, anh đặt câu hỏi cho một tạp chí của Mỹ:

Ông Gerard O’Connell, Tạp chí Hoa Kỳ: Trước hết, tất cả chúng con rất vui vì cuộc giải phẫu đã có kết quả ngoạn mục, và người được trẻ lại.

ĐTC Phanxicô: Có người nói với tôi rằng anh ta muốn có cuộc phẫu thuật, tôi không biết người đó là ai, tôi đã nghe được … Nhưng nó không phải là vấn đề thẩm mỹ.

Ông O’Connell: Thưa Đức Thánh Cha, người thường nói rằng tất cả chúng ta đều là tội nhân và Bí tích Thánh Thể không phải là một phần thưởng cho những người hoàn hảo, nhưng là một liều thuốc và lương thực cho những người yếu đuối. Như người biết, ở Hoa Kỳ sau cuộc bầu cử gần đây, nhưng cũng kể từ năm 2004 trở đi, đã có sự bàn cãi giữa các giám mục về việc cho Rước Lễ đối với các chính trị gia ủng hộ luật phá thai và quyền lựa chọn của phụ nữ. Và như người biết, có những giám mục muốn từ chối cho tổng thống và những viên chức cấp cao khác Rước Lễ, có những giám mục khác chống lại điều đó, có một số giám mục nói rằng: “Chúng ta không được sử dụng Bí tích Thánh Thể như một vũ khí.” Thưa Cha, câu hỏi của con là: Cha nghĩ gì về tất cả thực tế này, và người có khuyến nghị gì với các giám mục? Và tiếp đến là câu hỏi thứ hai: với tư cách là giám mục trong suốt bao nhiêu năm, có bao giờ người công khai từ chối trao Thánh Thể cho ai chưa?

ĐTC Phanxicô: Không. Tôi chưa bao giờ từ chối trao Mình Thánh cho bất cứ ai, không một ai. Tôi không biết có ai đến trong hoàn cảnh này không, nhưng tôi chưa bao giờ, chưa từng từ chối trao Thánh Thể. Và việc này kể cả khi là linh mục. Chưa bao giờ. Nhưng tôi chưa bao giờ ý thức được rằng có một người ở trước mặt tôi như anh mô tả, thật như vậy. Một lần duy nhất tôi gặp chuyện nhỏ … thú vị, là khi tôi đến cử hành Thánh lễ trong viện dưỡng lão và chúng tôi đang ở trong phòng khách và tôi nói: “Ông bà ai muốn Rước lễ, xin giơ tay lên.” Mọi người, các cụ ông, cụ bà, mọi người đều muốn Rước Lễ, và khi tôi trao Mình Thánh đến một cụ bà, bà nắm lấy tay tôi và nói, “Cảm ơn Cha, cảm ơn, tôi là người Do Thái.” Tôi nói: “Không … Thậm chí thứ mà tôi trao cho bà cũng là của Do Thái…”. Điều kỳ lạ duy nhất, nhưng bà cụ đã chịu lễ trước, sau đó bà mới nói với tôi. Không. Rước lễ không phải là một phần thưởng cho những hoàn hảo. Chúng ta hãy nghĩ đến Port Royal, đến vấn đề của Angélique Arnaud, đến chủ nghĩa Jansen: người hoàn hảo có thể Rước Lễ. Rước Lễ là một ân tứ, một ân tứ, là sự hiện diện của Chúa Giêsu trong Giáo hội của Người và trong cộng đoàn. Đây là thần học. Vậy những ai không ở trong cộng đoàn thì không thể Rước Lễ, như bà cụ người Do Thái đó; nhưng Chúa muốn ban thưởng cho bà ấy mà tôi không biết. Vì sao? Tại sao họ ở ngoài cộng đoàn, bởi vì? Tại sao họ ở ngoài cộng đoàn, phạt vạ – người bị phạt vạ tuyệt thông, họ được gọi là vậy. Đó là một thuật ngữ nặng nề, nhưng nó có nghĩa là họ không ở trong cộng đoàn, hoặc là vì họ không thuộc về cộng đoàn, họ không được rửa tội, hoặc họ đã lạc mất một số điều.

Thứ hai là vấn đề phá thai. Phá thai không đơn thuần là một vấn đề. Phá thai là giết người. Phá thai … nói thẳng ra là: người nào phá thai là giết người. Hãy lấy bất kỳ quyển sách nghiên cứu về phôi học nào của sinh viên các trường y. Ở tuần thứ 3 thụ thai, tuần thứ 3, nhiều lúc trước khi người mẹ chú ý cảm nhận được, tất cả các cơ quan đều đã có. Tất cả các cơ quan. Ngay cả DNA. Không phải là một con người ư? Đó là sự sống của một con người, chấm hết. Và sự sống con người này phải được tôn trọng. Nguyên tắc này quá rõ ràng, và với những người không thể hiểu điều đó, tôi muốn đặt hai câu hỏi: Giết một mạng người để giải quyết một vấn đề thì có đúng đắn không? Về mặt khoa học, đó là sự sống của một con người. Câu hỏi thứ hai: Thuê một sát thủ để giải quyết vấn đề thì có đúng đắn không? Tôi đã nói điều này một cách công khai khi tôi trả lời [phỏng vấn] …, tôi đã nói điều đó tại COPE [đài phát thanh Công giáo Tây Ban nha], tôi muốn lặp lại điều đó… và chấm hết. Đừng tiếp tục với những tranh luận kỳ cục: Về mặt khoa học, đó là sự sống của một con người. Các sách dạy chúng ta điều đó. Tôi hỏi: có đúng không khi phá bỏ nó đi, để giải quyết một vấn đề? Đây là lý do tại sao Giáo hội rất nghiêm khắc đối với vấn đề này, bởi vì nếu Giáo hội chấp nhận điều này thì cũng giống như chấp nhận việc giết người hàng ngày. Một vị nguyên thủ quốc gia đã nói với tôi rằng sự giảm sút dân số đã bắt đầu từ thời kỳ phá thai, bởi vì trong những năm đó có luật phá thai rất mạnh đến mức có tới sáu triệu ca phá thai, họ ước tính, và việc này đã để lại một sự suy giảm rất lớn trong xã hội của đất nước đó. Bây giờ chúng ta quay lại với người không ở trong cộng đoàn, và người đó không thể Rước Lễ, vì người đó ở ngoài cộng đoàn, và đây không phải là một hình phạt. Không, bạn ở ngoài cộng đoàn. Rước Lễ là hiệp thông cộng đoàn.

Nhưng vấn đề không thuộc về thần học, nó là vấn đề đơn giản, vấn đề thuộc về mục vụ, như các giám mục chúng tôi giải quyết nguyên tắc này về mặt mục vụ. Và nếu chúng ta nhìn vào lịch sử của Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi khi các giám mục không giải quyết một vấn đề trong vai trò là người chủ chăn, họ đã đứng về phía đời sống chính trị, về vấn đề chính trị. Vì không giải quyết tốt một vấn đề mà họ đã đứng về phía chính trị. Chúng ta hãy nghĩ về đêm Lễ Thánh Batôlômêô: “Dị giáo! Vâng, dị giáo rất là nghiêm trọng, chúng ta hãy cắt cổ tất cả!” Không, đó là một sự kiện chính trị. Chúng ta hãy nghĩ về Jeanne d’Arc, đến tầm nhìn này, chúng ta hãy nghĩ đến việc săn phù thủy… luôn luôn. Chúng ta nghĩ về quảng trường Campo de’ Fiori, Savonarola, tất cả những người này: khi Giáo hội làm như vậy để bảo vệ một nguyên tắc nhưng không theo đường hướng mục vụ, thì nó đi theo hướng chính trị. Và đây luôn luôn là vấn đề, chỉ cần nhìn vào lịch sử. Và người mục tử phải làm gì? Hãy là một người mục tử. Hãy là một người mục tử và đừng lên án, đừng lên án: nhưng hãy là một mục tử. Nhưng cũng là người chủ chăn của người bị vạ tuyệt thông chứ? Đúng vậy, ngài là một mục tử và ngài phải là người mục tử của người đó, là một người mục tử theo phong cách của Chúa. Và phong cách của Chúa là sự gần gũi, lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Toàn bộ Kinh thánh nói điều đó. Sự gần gũi trong sách Đệ Nhị luật, trong đó Chúa nói với dân Israel: “Có dân tộc nào được thần minh ở gần, như ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa chúng ta, ở gần chúng ta?” Sự gần gũi, lòng trắc ẩn. Chúa là Đấng thương xót chúng ta. Chúng ta đọc sách Êdêkien, chúng ta đọc sách Hôsê. Ngay từ ban đầu là sự dịu dàng. Hãy xem Tin mừng và những việc Chúa Giêsu làm. […]

Với tôi … Tôi không muốn nói cụ thể, bởi vì anh nói đến Hoa Kỳ, vì tôi không biết rõ chi tiết, tôi chỉ đưa ra nguyên tắc. Anh có thể nói với tôi rằng: nhưng nếu cha gần gũi, đầy lòng trắc ẩn và dịu dàng với một người, cha sẽ cho họ Rước lễ chứ? Đây là giả thuyết. Hãy là một mục tử, người mục tử luôn biết mình phải làm gì trong mọi lúc, nhưng hãy là một mục tử. Nhưng nếu người mục tử đi ra ngoài con đường mục vụ của Giáo hội, ngay lập tức họ trở thành một chính trị gia. Và anh thấy điều này trong tất cả những sự tố cáo, trong tất cả những sự lên án phi mục vụ mà Giáo hội đưa ra. Với nguyên tắc này, tôi tin rằng một người chủ chăn có thể hành động tốt. Các nguyên tắc là của thần học. Việc chăm sóc mục vụ là thần học và Chúa Thánh Thần, Đấng dẫn dắt bạn thực hiện nó theo phong cách của Thiên Chúa. Tôi chỉ dám nói đến đây.

Nếu anh nói với tôi: có thể cho hay không thể cho? Đó là một nghiên cứu điển hình mà các nhà thần học nói như vậy. Tông huấn Amoris laetitia, khi chương nói về việc đồng hành với những cặp vợ chồng ly thân, ly hôn đưa ra: “Dị giáo, dị giáo!” Tạ ơn Chúa vì Đức Hồng Y Schönborn đã ở đó, ngài là một nhà thần học vĩ đại và đã làm sáng tỏ mọi thứ. Nhưng luôn luôn là sự lên án, kết án này… Đã quá đủ với vạ tuyệt thông rồi, xin đừng đặt vạ tuyệt thông nữa. Những con người đáng thương, họ là con cái Chúa, họ tạm thời ra đi, nhưng họ là con cái Chúa và họ muốn và cần sự gần gũi mục vụ của chúng ta. Rồi người chủ chăn sẽ giải quyết mọi việc như Thần Khí dạy bảo.

Ông Bruni: Cảm ơn Đức Thánh Cha. Cảm ơn anh Gerry. Câu hỏi tiếp theo, có lẽ chúng ta có thời gian cho một câu hỏi khác từ anh Stefano Maria Paci của kênh SkyTg24. Chào mừng anh Stefano.

Anh Stefano Maria Paci, kênh Sky TG24: Xin chào Đức Thánh Cha, con tin rằng thông điệp này mà con sắp chuyển đến cho người, người sẽ xem như một món quà cho người. Biết con được bay cùng với Đức Thánh Cha, nhà văn Edith Bruck đã yêu cầu con gửi nó cho người, bà đã gửi nó cho con tối hôm qua. Nhà văn Do Thái, bị trục xuất đến trại Auschwitz năm 13 tuổi, người đã đoạt giải Young Witch Prize năm nay, và thật là một điều đáng chú ý, Đức Thánh Cha đã đến thăm bà tại nhà bà ấy ở trung tâm Rôma để gặp gỡ bà. Đó là một thông điệp dài có chữ ký của bà, “Edith, em gái của cha,” trong đó bà cảm ơn đức thánh cha vì những lời kêu gọi liên tục và cử chỉ chống lại chủ nghĩa bài Do Thái trong chuyến đi này. Những lời đầu tiên là: “Trọng kính Đức Giáo hoàng Phanxicô, những lời của người về chủ nghĩa bài Do Thái, một chủ nghĩa chưa bao giờ bị xóa bỏ, phù hợp hơn bao giờ hết cho ngày nay. Không chỉ ở các quốc gia đức Thánh Cha đang ghé thăm, mà trên khắp Châu Âu.”

ĐTC Phanxicô: Điều này là sự thật. Chủ nghĩa bài Do Thái đang là mốt hiện nay, nó đang hồi sinh. Đó là một điều rất xấu, rất xấu, rất xấu.

Anh Paci: Và câu hỏi của con là về gia đình, Đức Thánh Cha đã nói về gia đình với các nhà chức trách Hungary, cha đã nói về nó trong cuộc gặp gỡ giới trẻ hôm qua. Và từ Strasbourg cũng trong hôm qua có bản tin về một nghị quyết tại Nghị viện Châu Âu kêu gọi các quốc gia thành viên công nhận hôn nhân đồng tính và các mối quan hệ nuôi dạy con cái liên quan. Thưa Đức Thánh Cha, ngài nghĩ gì về điều này?

ĐTC Phanxicô: Tôi đã nói rất rõ về điều này. Hôn nhân là một bí tích. Hôn nhân là một bí tích. Giáo hội không có quyền thay đổi các bí tích vì Chúa đã thiết lập chúng. Đây là những luật để giúp đỡ hoàn cảnh của nhiều người có khuynh hướng tình dục khác biệt. Và điều này rất quan trọng, đó là giúp đỡ con người. Nhưng không áp đặt những điều mà bản chất của chúng không được phép đi vào Giáo hội. Nhưng nếu họ muốn sống với nhau, một cặp đồng tính luyến ái, các Chính phủ có khả năng dân sự để hỗ trợ họ, cho họ sự an toàn về thừa kế, sức khỏe… Người Pháp có luật về vấn đề này, không chỉ dành riêng cho những người đồng tính luyến ái, mà cho tất cả những người muốn kết giao. Nhưng hôn nhân là hôn nhân. Điều này không có nghĩa là kết án những người như vậy, không, xin làm ơn, họ là anh chị em của chúng ta. Chúng ta phải đồng hành với họ. Nhưng hôn nhân là một bí tích thì đã rõ ràng, nó rất rõ ràng. Có những luật dân sự mà … Chẳng hạn, có ba góa phụ muốn chung vào một luật để có được dịch vụ y tế, rồi sau đó là có sự thừa kế giữa họ, nhưng họ làm những điều này. Đây là Luật PACS của Pháp, nhưng không liên quan gì đến các cặp đồng tính luyến ái; những đôi đồng tính luyến ái có thể dùng nó, họ có thể sử dụng nó, nhưng hôn nhân là một bí tích giữa người nam và nữ. Đôi khi có sự nhầm lẫn về những gì tôi nói. Vâng, chúng ta phải tôn trọng tất cả mọi người, tất cả như nhau; Thiên Chúa thì tốt lành và sẽ cứu mọi người. Đừng nói to điều này [cười], nhưng Chúa muốn ơn cứu độ cho mọi người. Nhưng xin đừng làm cho Giáo hội phủ nhận chân lý của mình. Rất nhiều, rất nhiều người có khuynh hướng đồng tính luyến ái tiếp cận với Bí tích Sám Hối, và tiếp cận để xin các linh mục cho lời khuyên, và Giáo hội giúp họ tiến bước trong cuộc sống, nhưng bí tích hôn nhân thì không […]. Cảm ơn anh.

Ông Matteo Bruni: Cảm ơn Đức Thánh Cha … 

ĐTC Phanxicô: Cảm ơn tất cả. Anh chị em có muốn nghe một điều rất đẹp về một người trong anh chị em không? Tôi để lại điều này như một món quà nhỏ trước khi tôi rời đi. Người ta nói rằng có một nhà báo làm việc 24/24, và cô ấy luôn để những người khác về trước, cô ấy đi sau, và luôn nhường lời cho người khác và cô ấy giữ im lặng. Thật vui khi người ta nói điều này về một nhà báo. Và đây là điều mà Manuel Beltrán nói về chị Eva Fernández của chúng ta. Cảm ơn các bạn!

[Nguồn: vatican.va]
[Tham khảo: catholicnewsagency]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 18/9/2021]

Comments are closed.

phone-icon