Sau một tháng rưỡi được sống trong vòng tay yêu thương của Hội dòng tại nhà Trung ương Tam Hiệp, để dự tháng tĩnh huấn chuẩn bị cho ngày mừng Kim khánh Khấn dòng, tôi cảm nhận sâu xa tình Chúa luôn đong đầy trên tôi, trên từng chị em trong Hội dòng, cách riêng trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam.
Trong khoảng thời gian này, Bề trên Tổng quyền đã sắp xếp cho các chị em mừng Ngân – Kim khánh Khấn Dòng được ở trên lầu 1 của nhà An dưỡng để thuận lợi cho việc hồi tâm. Nhờ vậy tôi thường xuyên được tiếp xúc với chị nhà An dưỡng, đặc biệt mỗi sáng trước giờ ăn sáng tôi đã cùng tham gia tập thể dục buổi sáng với các chị. Hơn thế nữa, sau ngày tôi tiêm vaccine thì chị Bề trên Tổng quyền lại cho nhóm “cao niên” chúng tôi được sinh hoạt chung với các chị Nhà An dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho các chi nhà An dưỡng cũng như của chính chúng tôi. Chính vì thế, hằng ngày tôi được nhìn tận mắt những hình ảnh rất đẹp nơi các chị nhà An dưỡng và đã để lại nơi tôi nhiều suy nghĩ, nhiều cảm xúc…
Hình ảnh đẹp đầu tiên đó là việc các chị đến với Chúa
Mặc dù có những chị phải đi xe lăn, chị thì chống gậy để bước cho vững và rồi phải đi thang máy nhưng các chị đã dành rất nhiều thời giờ để ngồi với Chúa, đặc biệt nhất là chị Maria Phạm Thị Ngọc Hưởng. Có thể nói, hầu như ngoài giờ ăn, giờ ngủ và những sinh hoạt cá nhân thì lúc nào đi qua nhà nguyện An dưỡng tôi cũng thấy hình ảnh nhỏ bé của chị hoặc đang quỳ chầu Thánh Thể hay ngồi lần chuỗi Mân côi. Sáng, trưa, chiều, tối chị luôn là người đến với Chúa sớm nhất. Bên cạnh đó, dù tuổi cao sức yếu, chị vẫn muốn phục vụ trong nhà nguyện của nhà An dưỡng như bật điện, đốt nến các tòa… Hơn ai hết các chị đã thấu hiểu được lời của Chúa Giêsu nói với bà Matta: “Maria đã chọn phần tốt nhất và không ai có thể lấy đi” (Lc 10, 42)
Chăm chỉ đọc sách, đó là hình ảnh đẹp thứ hai
Trong nhà An dưỡng, hầu như tất cả các chị đều đã mừng Kim Khánh Khấn Dòng thế nhưng việc đọc sách của các chị thật đáng cho đàn em noi theo. Chiều chiều, khoảng 4 giờ tôi thường đi qua phòng các chị để xuống chỗ phơi quần áo. Hầu như lúc nào tôi cũng thấy phòng hai chị Maria Nguyễn Thị Khiết và chị Lucia Đoàn Thị Xuân Hương sáng đèn. Hai chị đang ngồi ở bàn và chăm chú đọc Tin Mừng hay sách thiêng liêng, vì với các chị “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 118), không chỉ lúc còn trẻ nhưng nhất là trong tuổi già.
Nói đến văn hóa đọc, người trẻ hôm nay không thích lắm! Có chăng là đọc trên mạng. Còn tuổi già thì lại càng ít hơn vì mắt kém, phải đeo kính… Tôi quyết tâm sẽ noi theo các chị duy trì việc đọc sách mỗi ngày để khi về nhà An dưỡng tôi vẫn thực hiện được điều này.
Sự quan tâm giúp đỡ nhau
Chị khỏe giúp chị yếu. Chị yếu giúp chị yếu hơn. Đó là hình ảnh đẹp thứ ba tôi học nơi các chị. Ngoài chị Giám đốc và 3 chị phục vụ các chị không nề hà thời gian, sức khỏe… phục vụ thuốc men, chăm sóc sức khỏe, từng bữa ăn cho các chị. Điều tôi khâm phục là các chị luôn quan tâm hỏi han, giúp đỡ nhau theo sức của mình. Sáng sáng, hai em nhà Tập đẩy xe lăn cho chị Maria Châu (Thảo), chị Maria Kim Lan và chị Maria Hoài Thu lên nhà nguyện chính để tham dự Thánh lễ. Các chị em khác một số vẫn tự đi được thì nhẩn nha lên nhà nguyện: chị chống gậy, hoặc hai chị dắt tay nhau cùng đi hoặc như chị Maria Khiết, luôn là người đồng hành cùng chị Maria Hương Hiến vì mặc dù chống gậy rồi nhưng chị đi không vững lắm. Đúng là : “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô” (Gl. 6, 2).
Vâng phục, một nét đẹp không thể thiếu
Ở nhà An dưỡng hiện nay có những chị không thể tự mình phục vụ được ngay cả trong sinh hoạt ăn uống, đang 100% trên giường bệnh. Tất cả mọi việc đều nhờ đến bàn tay chăm sóc của các chị phục vụ. Thế nhưng, điểm sáng của các chị là luôn vâng lời. Không muốn ăn, nhưng người phục vụ nói là các chị ăn ngay. Có những ngày thân thể đau đớn vì bệnh tật, các chị không muốn ra sân phơi nắng song vẫn vui vẻ vâng lời khi các em đề nghị.
Trong thời dịch bệnh, các Bề trên căn dặn các chị nhà An dưỡng phải xông mũi, uống nước chanh gừng… Các chị răm rắp tuân thủ không sai trệch. Vâng, đến tuổi này, hơn ai hết các chị càng xác tín và sống vâng phục vì “vâng lời thì trọng hơn lễ tế”.
Một hình ảnh đẹp không thể thiếu nơi các chị nhà An dưỡng nữa là tham gia lao động
Tu viện Truyền Tin thường có công việc làm thủ công như xếp hộp do các công ty hợp đồng. Ngoài các chị em trong nhà Truyền Tin, tôi luôn thấy sự tham gia của ba chị Maria Nguyễn Thị Khiết, chị Lucia Đoàn Thị Xuân Hương và chị Maria Vũ Thị Thụy. Các chị chân yếu còn đôi tay vẫn gấp rất chính xác và đẹp nữa. Ngày nào không có hộp thì các chị giúp nhà Truyền tin nhặt rau, bóc hành… Còn các chị em khác tùy theo sức khỏe làm công việc nhỏ thôi nhưng đầy ý nghĩa vì như Đức Kitô, các chị tâm niệm: “Cha Thầy làm việc, Thầy cũng làm việc” (Ga. 5, 17) và các chị cũng làm việc.
Tuổi già như các chị quả là một ân ban cho chính các chị và cho Hội dòng.
Trong cuộc sống thường ngày, chắc chắn những điều tiêu cực vẫn có, thế nhưng trên tất cả, những hình ảnh đẹp của các chị đã làm nổi bật lên rằng người thánh hiến dù tuổi cao sức yếu vẫn luôn là những người sống hết mình với Chúa, với chị em và với Hội dòng.
Còn gì đẹp hơn ở người dâng hiến, sau một thời gian dài hoạt động, bây giờ trở thành những “trẻ thơ” phải cậy nhờ vào chị em một phần lớn hay tất cả. Thật không dễ gì để chấp nhận. Thế nhưng các chị nhà An dưỡng đã đón nhận trong niềm vui, trong sự phó thác hoàn toàn vào chị em, vào Hội Dòng.
Các chị là tấm gương cho đàn em sau này trong việc cầu nguyện, sự vâng phục, nhiệt tình học hành, tích cực trong lao động và quan tâm giúp đỡ lẫn nhau để mỗi ngày Hội Dòng trở nên một mái ấm gia đình đích thực. Nơi đó, dù là một chị lớn hay một em Thỉnh sinh, dù là một chị có chức vụ cao hay một người chị em làm việc trong âm thầm vẫn luôn cảm thấy mình thuộc về Hội dòng, được quan tâm, nâng đỡ và yêu thương.