Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG: Ga 8, 1-11
1 Còn Đức Giê-su thì đến núi Ô-liu. 2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa,4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? “
6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi.
Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? ” 11Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! “
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
Trong trình thuật thường được gọi là “Người Phụ Nữ Ngoại Tình”, chúng ta thường chỉ chú ý đến người phụ nữ, như tựa đề của trình thuật định hướng. Đúng là người phụ nữ sẽ đối diện với Đức Giê-su và Đức Giê-su sẽ đối diện với người phụ nữ trong một khung cảnh và bầu khi mãi mãi làm chúng ta xúc động. Tuy nhiên, trình thuật lại kể nhiều nhất về những người vừa muốn lên án người phụ nữ và vừa nhân cơ hội, muốn thử hay gài bẫy Đức Giê-su, để cũng tố cáo và lên án Ngài (c. 6). Bởi vì, rốt cuộc, những người này mới “đụng chạm” chúng ta nhiều nhất. Hơn thế nữa, chỉ khi chúng ta chú ý đến họ, tầm mức mầu nhiệm Thập Giá của trình thuật mới bừng sáng. Chính vì thế, chúng ta nêu cả “những kẻ tố cáo” ra trong tựa đề của bài suy niệm.
Chúng ta cũng đừng quên khung cảnh của hành vi tố cáo là Đền Thờ. Đền Thờ là “Nhà của Chúa Cha” (Ga 2, 15), là “Nhà Cầu Nguyện”, nghĩa là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và Dân của Người, là nơi Lời hằng sống của Thiên Chúa vang vọng, như chính Đức Giê-su nhắc nhở: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!” (Mc 11, 17). Nhưng ở đây, người ta đã biến Đền Thờ và cả Lời Chúa nữa, dưới hình thức Lề Luật, thành phương tiện tố cáo nhau, và tố cáo cả Con Thiên Chúa nữa! Và tố cáo, cũng là điểm đặc trưng của sào huyệt!
1. Người phụ nữ “đứng ở giữa” (c. 1-3)
Chúng ta hãy hình dung ra người phụ nữ, bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, bị lôi ra “đứng ở giữa” (c. 3 và 9), không chỉ ở giữa Đức Giê-su và các kinh sư và Pha-ri-sêu, nhưng ở giữa toàn dân (c. 2)!
Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa. (c. 2-3)
Chúng ta hãy tự hỏi và dừng lại để suy gẫm không phải để lên án nhưng để hiểu sâu sa và cảm thông: đâu là tâm trạng của người phụ nữ? Tại sao bà phạm tội? Tôi nhìn bà với đôi mắt nào, của đám đông, của những người lên án, của Đức Giê-su, hay của riêng tôi?
Một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, chắc chắn là một hành vi rất kín đáo. Nhưng tại sao các đấng bậc như là các kinh sư và Pha-ri-sêu lại bắt được quả tang? Cũng giống như khi họ bắt quả tang các môn đệ của Đức Giê-su bứt lúa ăn vào ngày Sa-bát ở giữa cánh đồng mênh mông! Chúng ta cứ tưởng tượng một chút (chỉ một chút thôi, vì về “chuyện này” không nên tưởng tượng nhiều quá!) quá trình kiên nhẫn theo dõi và rình chờ nhiều ngày nhiều đêm, và rốt cuộc cũng “bắt được quả tang” người phụ nữ phạm tội ngoại tình. Chỉ cần tưởng tưởng “một chút” như thế, là quá đủ, để có thể nhận ra có cái gì đó không ổn rồi. Và ai trong chúng ta cũng biết rằng, hành vi loại này tự nó có sức lôi cuốn người rình mò[1]! Dường như lẽ sống của họ là đi rình mò, nhòm ngó và dò xét người khác. Họ đi tìm sự dữ nơi người khác (qua việc vi phạm Lề Luật), nhưng sự dữ đã có ngay trong lòng họ rồi; và Đức Giê-su sẽ làm bật ra sự thật này.
Đúng là lúc nào cũng có người phạm luật, nhất là khi đi vào chi tiết, nhưng có những người thích thú với chuyện bắt quả tang người khác phạm luật, để vạch trần, kết án và giết chết. Có cái gì đó không ổn, nơi ý hướng đen tối trong lòng họ, đó là năng động hướng về sự chết. Nhưng không ai làm gì được, vì xét theo vẻ bề ngoài họ giữ luật đến từng chi tiết, họ có trong tay văn bản Lề Luật và họ “bắt quả tang” hay có những chứng cớ hiển nhiên, những người vi phạm Lề Luật. Và chỉ có Đức Giê-su mới làm lộ ra khuynh hướng chết chóc này, khi Người để cho mình bị lên án nhân danh Lề Luật. Bởi vì Ngài là Đấng Vô Tội tuyệt đối; còn chúng ta, người ta rình mò chúng ta một hồi, là tìm ra tội ra lỗi!
Và “kinh nghiệm rình mò” mách bảo cho họ rằng, chẳng ai có thể tránh được việc phạm luật; vì thế, dù đứng trước một người mà họ chưa bao giờ thấy phạm luật, họ không tin là người này không thể không phạm; mọi người trong mắt họ, đều là tội phạm thực sự hay “tiềm năng”; trong khi “Tội” nằm trong chính tâm hồn họ. Vậy mà, có lúc chúng ta nghĩ Thiên Chúa nhìn loài người, từng người chúng ta như thế đó. Và họ sẽ chứng minh người khác phạm tội, bằng cách “gài bẫy”, bằng cách “thử thách”; và nếu vẫn chưa ra tội, họ vẫn còn một cách, đó là “dựng chuyện”! Nhưng chính lúc đó, bộ mặt Sự Dữ của họ đã lộ nguyên hình; bị lộ mà chính họ lại không biết là đã bị lộ!
Đó chính là mầu nhiệm Thập Giá, mà trình thuật “Người Phụ Nữ Ngoại Tình” đã loan báo cho chúng ta rồi. Bởi vì, nơi cuộc Thương Khó, họ đã lên án cả người chưa phạm tội, lên án cả người vô tội tuyệt đối là Đức Giê-su; và họ không chỉ lên án, những còn đóng đinh Đấng Vô Tội trên thập giá. Sự Dữ có ở nơi họ và bị lộ ra giữa thanh thiêng bạch nhật, trong khi miệng họ hô hào sự dữ có nơi người khác. Sự Dữ bị lộ, nhưng trong cùng một biến cố, Sự Thiện cũng được tỏ bày cho chúng ta. Như thế, với mầu nhiệm Thập Giá, Đức Ki-tô vừa chữa lành chúng ta hỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ và vừa bày tỏ cho chúng ta Dung Nhan Rạng Ngời của Người, là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi, là Sự Thiện mạnh hơn Sự Dữ, là Sự Sống mạnh hơn Sự Chết.
2 . Đức Giê-su và những kẻ tố cáo (c. 4-9a)
Đức Giê-su làm như không nghe lời tố cáo rất bài bản (dựa vào luật), có căn cứ (bắt quả tang) và rất hùng hồn của họ: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (c. 4-5) Bởi vì, không phải họ muốn bảo vệ Lề Luật, nhưng dùng Lề Luật “nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (c. 6).
Như thế, họ hành động giống Con Rắn, khi nó dựa vào lệnh truyền của Đức Chúa để thử bà E-và: “Có thật Thiên Chúa bảo: Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (St 3, 1); hay giống như Tội mà thánh Phao-lô nói tới như là một nhân vật: “Lề Luật là thánh, và điều răn cũng là thánh, đúng và tốt. Vậy phải chăng điều tốt lại đã gây nên cái chết cho tôi? Không phải thế! Nhưng chính tội đã dùng điều tốt mà gây nên cái chết cho tôi: như vậy, tội để lộ chân tướng và cho thấy tất cả sức mạnh tội lỗi của nó.” (Rm 7, 12-13). Con Rắn và Tội, chính là Satan, vì dựa vào Lề Luật để rình mò, gài bẫy, thử và tố cáo, là hành vi đặc trưng của Satan. Vì thế “Kẻ Tố Cáo” là một tên gọi khác của Satan:
Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,
và Đức Ki-tô của Người
giờ đây cũng biểu dương quyền bính,
vì Kẻ Tố Cáo (danh từ trong tiếng Hi-lạp) anh em của ta,
ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài. (Kh 12, 10)
Ẩn núp nơi Lề Luật để thử vào tố cáo, Đức Giê-su nhận ra Satan đang hành động nơi những con người cụ thể hay những con người cụ thể tự biến mình thành tay sai của Satan mà chính họ cũng không ý thức. Vì thế, Ngài không quan tâm, không thích nghe người ta kể tội nhau (x. Lc 18, 9-14) và làm chuyện khác: Ngài viết trên đất. Chúng ta hãy đoán xem, Ngài đã viết gì? Sự thật quả là chị có hành vi vi phạm điều luật cấm, nhưng Đức Giê-su nhìn ra một sự thật lớn hơn, đó là một con người đang đau khổ, cần được nâng đỡ, một bệnh nhân cần được chữa lành, một nạn nhân, cần được giải thoát. Hơn nữa, Người còn biết, và chỉ có mình Người biết mà thôi, đau thương nào, quá khứ nào, tình cảnh nào, gia cảnh nào, sức mạnh đen tối nào… đã dẫn chị đến hành vi này. Chỉ mình Ngài mới thấu suốt con tim và cuộc đời của chị; vì thế, Ngài cảm thương chị, Ngài thấu hiểu những điều sâu kín đã dẫn chị đến hành vi đó. Còn chúng ta, chúng ta chỉ nhìn thấy hành vi bên ngoài đã vội vã lên án rồi. Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn không biết tại sao chị lại có hành vi như thế, bởi khó khăn nào, bị chi phối bởi quá khứ nào, vết thương nào, đau thương nào, tình cảnh nào, gia cảnh nào, hành trình nào, những dấu ấn nào, những khổ đau nào, những biến cố đau buồn nào, những sức mạnh đen tối nào…
Và chính khi Ngài im lặng, giống như sự im lặng trong cuộc Thương Khó, mà ý muốn chết chóc lại được bộc lộ ra mỗi lúc một rõ hơn: họ không chỉ muốn kết án người phụ nữ, nhưng còn muốn kết án chính Chúa; bằng cách buộc Chúa phải lên tiếng. Nhưng thay vì đưa ra câu trả lời mà họ muốn, Ngài mời gọi họ nhìn lại mình, không chỉ ở vẻ bề ngoài, nghĩa là những hành vi, nhưng là những chuyển động sâu kín của con tim: ở nơi đây, ai đã chưa từng phạm tội “ngoại tình” bởi lòng ham muốn (x. Mt 5, 28)?
3. Đức Giê-su và người phụ nữ (c. 9b-11)
Họ bỏ đi hết, bởi vì chính khi họ lên án người khác, là họ lên án chính mình:
Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (c. 9b)
Và Ngài nói với người phụ nữ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị”; nên dịch là “Tôi, tôi không lên án chị”, vì hành động không lên án của Đức Giê-su hoàn toàn khác hẳn với quyết định bỏ đi của những người muốn lên án; và chắc chắn họ vẫn còn muốn lên án và phải lên án cho bằng được, để chứng minh mình đúng.
Chỉ mình Ngài mới có thể lên án, và đây là lúc Ngài lên án tốt nhất và đúng nhất, giống như trên Thập Giá. Nhưng Ngài không lên án. Vì nếu lên án, Ngài cũng chẳng khác gì những kinh sư và luật sĩ. Và nhất là bởi vì lên án không thuộc về bản chất của Sự Thiện và Tình Yêu, vốn là chính Ngài; miệng khô khi vì không ngừng tố cáo và lên án loài người hoàn toàn không phù hợp với khuôn mặt hiền lành của Thiên Chúa. Và lên án không có khả năng chữa lành tận gốc rễ tội lỗi. Chỉ có Lòng Thương Xót mới có thể mà thôi; vì thế, Người nói với người phụ nữ: “Từ nay đừng phạm tội nữa!” Người không chỉ tha thứ, nhưng còn muốn chữa lành chị, giải thoát chị bằng lòng thương xót, bằng tình yêu và lòng biết ơn mà Người muốn hơi dậy nơi con tim của chị.
* * *
Xin cho chúng ta kinh nghiệm sâu thẳm lòng thương xót vô biên của Chúa dành cho mỗi người chúng ta, bởi vì chúng ta không thể biết hết và nhớ hết tất cả những gì thuộc về mình. Hơn nữa, tội đúng nghĩa, đâu phải là hành vi bề ngoài, nhưng còn những chuyển động sâu kín của con tim, của ý thức, của vô thức, như lời nguyện của Thánh Vịnh:
Nhưng nào ai thấy rõ các lầm lỗi của mình?
Xin Ngài tha các tội con phạm mà chẳng hay. (Tv 19, 13)
Như người con hoang đàng trở về và thưa với người cha : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Chúng ta nên bắt chước xưng tội như người con thứ : thay vì cố gắng làm bản thống kê : làm gì, chi bao nhiêu, cho ai, bao nhiêu lần, ở đâu. Một bản thống kê như thế, dù có đúng và đủ, nhưng làm sao đúng và đủ được, xem ra không có ích lợi thiêng liêng gì, và chắc chắn, đó cũng không phải là điều người cha muốn nghe, là điều Chúa muốn nghe. Vấn để là nhận ra gốc rễ, nhận ra thái độ vô ơn, nhận ra những hình ảnh những ý nghĩ sai lầm… đã dẫn đến những hành vi như thế. Thay vì, làm bản thông kê, chúng ta hãy để cho Lòng Thương Xót của Chúa lôi cuốn chúng ta, làm cho trái tim chúng ta bừng cháy lửa yêu mến Chúa, tái sinh chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và thay đổi tương quan của chúng ta đối với mọi sự, trong đó có chính bản thân chúng ta, như trường hợp người phụ nữ tội lỗi, trong Tin Mừng theo thánh Luca : tội nhiều, được tha nhiều, nên yêu mến nhiều (x. Lc 7, 36-50) ; và chắc chắn đó cũng là kinh nghiệm thiêng liêng của « người phụ nữ ngoại tình ».
Với tình yêu đến cùng, được diễn tả trong bí tích Thánh Thể và được hoàn tất trên Thập Giá, chúng ta đã được Chúa bao dung và ôm ấp trọn vẹn, để chinh phục con tim của chúng ta, và để khơi dậy lòng ước ao dâng hiến cuộc đời còn lại cho Chúa, với lòng biết ơn và tình yêu lớn, và cũng để chúng ta biết bao dung và thương xót nhau.
* * *
HƯỚNG DẪN CẦU NGUYỆN
1. Người phụ nữ đứng ở giữa (c. 2-3)
a. Hình dung ra người phụ nữ đứng ở giữa. Đâu là tâm trạng của người phụ nữ?
b. Tôi nhìn bà với đôi mắt nào? Của đám đông, của những người lên án, của Đức Giê-su, của riêng tôi?
c. Các kinh sư và người Pha-ri-sêu có ý định gì đối với người phụ nữ?
2. Đức Giê-su và những kẻ tố cáo (c. 4-8)
a. Hành động như thế nào, thì bị coi là phạm tội ngoại tình? Và bình thường người ta thực hiện như thế nào? Làm thế nào các kinh sư và luật sĩ có thể bắt quả tang? Và đâu là ý định của họ khi họ chất vấn Đức Giê-su?
– Chúng ta cứ tưởng tượng một chút (chỉ một chút thôi!) quá trình kiên nhẫn theo dõi và rình chờ nhiều ngày nhiều đêm, và rốt cuộc cũng “bắt được quả tang” người phụ nữ phạm tội ngoại tình.
– Chỉ cần tưởng tưởng “một chút” như thế, là quá đủ, để có thể nhận ra có cái gì đó không ổn rồi. Và ai trong chúng ta cũng biết rằng, hành vi loại này tự nó có sức lôi cuốn người rình mò[2]! Dường như lẽ sống của họ là đi rình mò, nhòm ngó và dò xét người khác. Họ đi tìm sự dữ nơi người khác (qua việc vi phạm Lề Luật), nhưng sự dữ đã có ngay trong lòng họ rồi; và Đức Giê-su sẽ làm bật ra sự thật này.
b. Tại sao Đức Giê-su không trả lời trực tiếp câu hỏi của họ? Người muốn nói gì khi “cúi xuống và lấy ngón tay viết trên đất” (c. 6 và 8)? Và Người có thể viết những gì?
c. Tại sao họ lại bỏ đi, bắt đầu từ những người lớn tuổi?
– Ngài không quan tâm và không thích nghe người ta kể tội nhau (x. Lc 18, 9-14), đến độ Ngài làm chuyện khác: Ngài viết trên đất. Chúng ta hãy đoán xem, Ngài đã viết gì?
– Sự thật quả là chị có hành vi vi phạm điều luật cấm, nhưng Đức Giê-su nhìn ra một sự thật lớn hơn, đó là một con người đang đau khổ, cần được nâng đỡ, một bệnh nhân cần được chữa lành, một nạn nhân, cần được giải thoát. Hơn nữa, Người còn biết, và chỉ có mình Người biết mà thôi, đau thương nào, quá khứ nào, tình cảnh nào, gia cảnh nào, sức mạnh đen tối nào… đã dẫn chị đến hành vi này. Chỉ mình Ngài mới thấu suốt con tim và cuộc đời của chị; vì thế, Ngài cảm thương chị hơn là thuận theo Luật để kết án.
3. Đức Giê-su và người phụ nữ (c. 9-11)
a. Tại sao Người không dựa vào luật, để tố cáo và lên án?
b. Đức Giê-su muốn làm gì cho người phụ nữ? (lên án và ra hình phạt, hay tha thứ và tái sinh để khơi dậy lòng biết ơn và yêu mến?)
c. Người phụ nữ cảm thấy như thế nào trong tâm hồn, khi nghe lời này của Đức Giê-su: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”? (so sánh với tâm trạng lúc ban đầu)?
– Hoàn cảnh của người phụ nữ nói gì về chính tôi? (tội tế nhị, bị bắt quả tang, bị đem ra đứng giữa…). Nếu những tội thầm kín của tôi bị “bắt quả tang” và bị đưa ra “đứng giữa”, thì tôi sẽ cảm thấy thế nào? Tôi không phạm tội “ngoại tình”, nhưng nếu tội đọc lại đời mình trong tương quan với giao ước?
– Tuy nhiên, tôi được mời gọi ra khỏi mình, để không nhìn mình với cái nhìn của chính mình, thường là theo hướng lên án hay mặc cảm. Bởi vì, “tố cáo và lên án” là cách hành xử của “những kẻ tố cáo” (rình mò, tố cáo, lên án, hủy diệt), của “Kẻ Tố Cáo”, của Sự Dữ. Chúng ta hãy nhìn mình trong sự thật, với cái nhìn của Chúa, và lắng nghe lời của Người: “Tôi, tôi không lên án chị”. Như thánh Phao-lô xác tín:
Trong Đức Ki-tô không còn lên án nữa. (Rm 8, 1)
– Xin Chúa tha thứ và giải thoát chúng ta khỏi những lời tố cáo và lên án, và khơi dậy nơi chúng ta tâm tình biết ơn, ca tụng và yêu mến Người hơn.
———————————————————
[1] Người dạy và học luân lí chuyên biệt cũng có thể rơi vào cài bẫy này của ma quỉ.
[2] Người dạy và học luân lí chuyên biệt cũng có thể rơi vào cài bẫy này của ma quỉ.