Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 24, 46-53)
Khi ấy Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này. Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”.
Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
+++++++++
Hôm nay Giáo hội mừng kính trọng thể lễ Ðức Giêsu lên trời. Lễ Thăng Thiên diễn tả việc Chúa Kitô Phục Sinh từ nay sống trong thế giới của Thiên Chúa mà người ta thường gọi trong ngôn ngữ tôn giáo là “Trời” (bài đọc 1 và Tin Mừng). Vào thời Ðức Giêsu, để diễn tả sự vĩ đại, vinh quang của Thiên Chúa mà con người không thể đạt tới được, người Do-thái dùng hình ảnh của chiều cao: Chúa ở trên cao, ở trên trời. Thiên Chúa thường được gọi là Ðấng Tối Cao (Lc 1, 76 ; Cv 16, 17). Chúng ta thấy trong lời kinh Ðức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con ở trên trời.” Trong Kinh Tin Kính, chúng ta cũng tuyên xưng: “Người lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha.”
Ðiều quan trọng đối với các Kitô hữu tiên khởi cũng như đối với chúng ta hôm nay, không phải ở việc muốn biết Ðức Giêsu lên trời như thế nào, nhưng là tìm hiểu ý nghĩa sự ra đi của Người.
Sau khi hoàn thành sứ mạng ở trần gian, Ðức Giêsu trở về với Chúa Cha. Từ nay, Chúa Kitô Phục Sinh vắng mặt về thể lý, không ai có thể thấy hoặc nghe tiếng Người nữa. Tuy nhiên, Người luôn hiện diện với Giáo Hội, với mỗi người chúng ta như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20). Sự hiện diện vô hình của Người, chỉ có thể thấy bằng con mắt đức tin.
Trong phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay, nếu để ý kỹ, chúng ta thấy rằng thánh Lu-ca đã đặt biến cố Lên Trời vào hai thời điểm khác nhau: một đàng, trong Tin Mừng của ngài, biến cố này xảy ra trong đêm Phục Sinh hoặc ngày hôm sau, ngay sau cuộc hiện ra với các môn đệ đi Em-mau; đàng khác, trong Công vụ Tông Đồ, trong bài đọc 1, biến cố này diễn ra bốn mươi ngày sau đó. Tại sao vậy ? Trong Tin Mừng, thánh Lu-ca muốn diễn tả rằng cuộc phục sinh của Chúa Giêsu và biến cố Lên Trời của Người không thể tách rời nhau. Còn trong sách Công vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca coi biến cố Lên Trời là kết thúc các lần hiện ra sau Phục Sinh và là điểm khởi đầu cho sứ vụ của các Tông đồ.
Lễ Thăng Thiên kết thúc công cuộc truyền giáo của Ðức Giêsu thành Nazaret, và khởi đầu thời gian của Giáo Hội. Dĩ nhiên, giai đoạn mới này luôn là giai đoạn của Chúa Kitô, vì tất cả đều hướng về Người, cũng như Người là đích điểm của mọi hoạt động tông đồ. Nhưng đó cũng là thời kỳ của Giáo Hội và các môn đệ để làm chứng cho Ðức Giêsu Kitô và cho Tin Mừng: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8). Ðó là ý nghĩa mọi hoạt động truyền giáo của Giáo Hội. Trước khi lên trời, Ðức Kitô giao phó cho tất cả các môn đệ, tức là tất cả các Kitô hữu trên toàn cầu, sứ mạng tiếp tục công trình của Người cho đến ngày tận thế.
Nhưng Chúa không để các môn đệ cô đơn. Chính Chúa Kitô sẽ ban cho họ Chúa Thánh Thần, là Đấng ban sức mạnh để Giáo Hội luôn trung tín với Người trong suốt dòng lịch sử. Sách Công vụ Tông Đồ sẽ cho chúng ta biết sự hiện diện hiệu quả như thế nào của Chúa Thánh Thần trong thời sơ khai của Giáo Hội.
Chúa Kitô không tỏ hiện một cách hữu hình, nhưng chỉ trong đức tin. Người hiện diện qua nhiều dấu chỉ. Trong Giáo Hội, Người hiện diện và tác động đặc biệt trong các Bí tích. Người cũng hiện diện giữa các cộng đoàn tín hữu: “Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 18, 20). Chúa Kitô Phục Sinh còn hiện diện trong mọi biến cố vui buồn của cuộc đời, qua sự dấn thân của chúng ta trong các hoạt động bác ái. Người cũng hiện diện trong mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể nhận ra Người mỗi khi những người thù nghịch bắt tay nhau, khi có một nụ cười sưởi ấm tâm hồn, hay khi chúng ta tiếp đón và chia sẻ. Cha Michel Quoist nói: “Chúa Kitô không lánh mặt nhiều như chúng ta tưởng, chính mắt chúng ta không quen nhận ra Người.” Bà Madeleine Delbrêl cũng tự hỏi: “Lạy Chúa, nếu Chúa ở khắp mọi nơi, tại sao con hay ở nơi khác ?”
Chúa hiện diện giữa chúng ta để chúng ta sống trong tình yêu của Người, cho chúng ta sống với anh chị em trong tình huynh đệ. Như các Tông Đồ ngày xưa, chúng ta được mời gọi làm cộng tác viên cho Chúa, làm chứng nhân tình yêu cho Người để xây dựng một thế giới, nơi mà tình yêu thương đẩy lui hận thù, nơi mà lòng ích kỷ, chia rẽ nhường chỗ cho tinh thần hiệp thông, liên đới. Công việc thật lớn lao, nhưng chúng ta hãy tin tưởng vì Chúa Kitô đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, là Đấng đổ đầy tràn trong chúng ta niềm vui, sức mạnh và can đảm.