“Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !” – Suy niệm ngày 27.10.2022

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

TIN MỪNG (Lc 13, 31-35)

31 Cũng vào giờ ấy, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông!”32 Người bảo họ: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.
34 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: “các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

**************

1. Vua Hê-rô-đê và “Con Cáo”

Vua Hê-rô-đê đã chém đầu thánh Gioan Tẩy Giả và giờ đây, theo những người Pha-ri-sêu, nhà vua lại còn muốn giết cả Đức Giê-su nữa!

Có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng:
“Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê
đang muốn giết ông!”
(c. 31)

Tuy nhiên, thái độ của vua Hê-rô-đê đối với Đức Giê-su phức tạp hơn nhiều. Thực vậy, sau khi đã giết thánh Gio-an, nhà vua phân vân về căn tính của Đức Giê-su và tìm cách để gặp Người: “Ông Gio-an, nhà vua nói, chính ta đã chém đầu rồi! Vậy thì ông này là ai mà ta nghe đồn những chuyện như thế?” Rồi ông tìm cách gặp Đức Giê-su (x. Lc 9, 7-9). Chính vì thế, trong cuộc Thương Khó, vua Hê-rô-đê đã rất vui mừng khi thấy Đức Giê-su, được giải tới từ dinh tổng trấn Philatô. Và như tất cả chúng ta đều biết, nhà vua không kết án tử Đức Giê-su, nhưng muốn thấy Ngài làm vài phép lạ! (x. Lc 23,8-12).

Ngày nay, vẫn còn những người như thế, đến với Chúa hay các thần linh chỉ vì muốn có các phép lạ, đáp ứng nhu cầu của mình. Thần này không linh, thì quay sang thần khác, thậm chí chễ diễu thần linh. Nhưng Hê-rô-đê, những người đương thời và chính các môn đệ, cũng như loài người chúng ta hôm nay chỉ thấy được một Đấng Cứu Thế sống đến cùng thân phận của một Ngôn Sứ, của loài người và của từng người chúng ta. Nhưng đó lại là con đường dẫn đến sự sống.

Đúng là vua Hê-rô-đê đã không kết án Đức Giê-su, nhưng trong cuộc Thương Khó, ông không quan tâm gì đến hoàn cảnh của Đức Giê-su và thi hành bổn phận quan án, ông chỉ muốn làm thỏa mãn sự tò mò của mình mà thôi. Điều ông quan tâm là thấy các phép lạ, chứ không phải là chính ngôi vị của Đức Giê-su, không phải là ơn tha thứ, ý nghĩa cuộc sống, sự sống và niềm vui mà Người sẽ mang lại cho ông. Vì thế, ông chỉ coi Đức Giê-su là người diễn trò mới lạ. Nghiêm trọng hơn, ông là nhà vua, nhưng ông chẳng quan tâm gì đến việc xử án. Ông chỉ tò mò đi tìm những thú vui mới lạ; nên khi không được Đức Giê-su đáp ứng, ông quay ra dùng Đức Giê-su làm trò tiêu khiển, khinh dể, chế diễu Ngài; cuối cùng, giao Đức Giê-su lại cho Philatô một cách vô trách nhiệm.

Giao Đức Giê-su lại cho Philatô và đám đông đang tố cáo và gào thét đòi đóng đinh Người, chính là “mượn đao giết người”. Chính vì thế, Đức Giê-su gọi ông là “Con Cáo”. Ai cũng có nhân tính, được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng lại có người tự biến mình thành con thú, nghĩa là sống theo thú tính!

2. Hoàn tất lịch sử cứu độ

Một đàng, Sự Dữ hành động nơi những con người cụ thể, nơi vua Hê-rô-đê và sau này nơi rất nhiều người khác, nhưng đàng khác, kế hoạch cứu độ vẫn được thực hiện và hoàn tất. Thực vậy, Đức Giê-su đang ở trên đường đi Giêrusalem, và chính tại đó, Người sẽ nộp mình cho sự dữ để cho Kinh Thánh, nghĩa là lịch sử cứu độ, được hoàn tất:

Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được (c. 33).

Thật vậy, về cuộc Thương Khó và Phục Sinh, Đức Giê-su không chỉ loan báo nhưng còn dạy các môn đệ (x. Mc 6, 31-33); và chúng ta có thể hiểu lời này của Người dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua: “Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất”.

Như thế, những gì sẽ xẩy ra cho Ngài không chỉ thuộc bình diện số phận phải đón nhận, nhưng còn là một lựa chọn, một kế hoạch, một mặc khải tuyệt đỉnh của Thiên Chúa. Thật vậy, nơi cuộc Thương Khó và Thập Giá, Đức Ki-tô mặc khải sữ dữ đang hoành hành nơi con người và cách Thiên Chúa chiến thắng sự dữ; mặc khải về thân phận con người: hành trình làm người không phải là hình phạt và cũng không phải là con đường dẫn đến sự chết, nhưng là đến sự sống, ngang qua sự chết; mặc khải lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người tội lỗi và ban ơn chữa lành, và bày tỏ sự thương cảm của Thiên Chúa đối với thân phận con người, như Thánh Phao-lô xác tín:

Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta (Rm 8, 38-39).

Con đường Thương Khó của Đức Ki-tô mang dáng vẻ bề ngoài là “điên rồ và sỉ nhục”. Nhưng chúng ta lại được Thiên Chúa tuyển chọn để nhận ra đó là “sự khôn ngoan và sức mạnh” của Thiên Chúa, từ đó khát khao mặc lấy tâm tình của Đức Giê-su trong thử thách, đau khổ và tai họa:

– Nhờ Người, với Người và trong Người, trong thử thách, đau khổ và tai họa, chúng ta tín thác nơi tình yêu muôn ngàn đời của Thiên Chúa, thay vì kêu trách, vì xác tín rằng “Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Người rẽ nước mênh mông” (Tv 77, 20) và “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136).

– Nhờ Người, với Người và trong Người, trong thử thách, đau khổ và tai họa, chúng ta được mời gọi bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa, là tuyệt đối hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11, 28-30).

– Và nhờ Người, với Người và trong Người, chúng ta sống sự sống mới ngay trong thử thách, đau khổ và tai họa, ngang qua sự tự do nội tâm đối với Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, đó là sự vô ơn, nghi ngờ, ham muốn, ghen tị, bạo lực….. Giống như những người trẻ mời gọi toàn thể tạo vật và loài người cùng ca tụng Chúa ngay trong thử thách “lò lửa” (x. Đn 3, 57-90).

3. “Như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh”

Bài Tin Mừng kết thúc với lời than của Đức Giê-su đối với Giê-ru-sa-lem; và lời than này thật là triệt để: “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi!” Đức Giê-su mặc khải sự thật về Giêrusalem, vốn là thành đô, được ưu ái tuyển chọn cách đặc biệt, để chữa lành và mời gọi hoán cải.

Xin cho lời của Đức Giê-su về Giêrusalem đụng chạm đến mọi thành đô, mọi cộng đồng và mọi người, trong đó có chúng ta hôm nay, để chúng ta có thể nhạy bén với sự hiện diện của Chúa, sự viếng thăm của Chúa. Nếu không chúng ta sẽ “bị bỏ mặc”; hay đúng hơn, chính loài người chúng ta đã lựa chọn bỏ mặc Chúa rồi, và Chúa tôn trọng sự lựa chọn của chúng ta, như lời Thánh Vịnh trong giờ Kinh Sáng diễn tả:

Nhưng dân Ta đã chẳng nghe lời,
Ít-ra-en nào đâu có chịu.
Ta đành mặc họ lòng chai dạ đá,
muốn đi đâu thì cứ việc đi!
(Tv 81, 12-13).

Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại,
như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh,
mà các ngươi không chịu
(c. 34).

Nơi Đức Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa đến tìm kiếm chúng ta, như gà mẹ mong muốn tập họp gà con của mình dưới cánh, để cho chúng ta ngày hôm nay, mỗi ngày và suốt đời, nhận ra Người và hát vang:

“Chúc tụng Đấng ngự đến
nhân danh Đức Chúa!”

Comments are closed.

phone-icon