Chúc tụng Đức Chúa… – Suy niệm ngày 23 và 24.12.2022

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

TIN MỪNG (Lc 1, 57-66. 67-79)

57 Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai.58 Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

59 Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em.60 Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.”61 Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.”62 Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì.63 Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ.64 Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa.65 Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê.66 Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây? ” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

67 Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:

68 “Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en

đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

69 Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,

Người đã cho xuất hiện

Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,

70 như Người đã dùng miệng các vị thánh ngôn sứ

mà phán hứa tự ngàn xưa:

71 sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,

thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;

72 sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên

và nhớ lại lời xưa giao ước;

73 Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham

rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,

74 và cho ta chẳng còn sợ hãi,

75 để ta sống thánh thiện công chính trước nhan Người,

mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

76 Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu

là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:

con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người,

77 bảo cho dân Chúa biết: Người sẽ cứu độ

là tha cho họ hết mọi tội khiên.

78 Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,

cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta,

79 soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối

và trong bóng tử thần,

dẫn ta bước vào đường nẻo bình an”.

(Bản dịch của Nhóm CGKPV)

***************

Bài Tin Mừng của ngày 23 và 24 ngày trước lễ Giáng Sinh kể lại biến cố sinh ra của thánh Gioan Tẩy Giả và những gì diễn ra chung quanh biến cố này.

Như thế, không chỉ cuộc đời và cái chết của thánh nhân loan báo Đức Ki-tô, nhưng cả quá trình được cưu mang và được sinh ra của ngài cũng hướng về Đức Ki-tô và loan báo Đức Ki-tô.

Screenshot_5

Phần II

Mặc khải mầu nhiệm tên gọi (c. 67-79)

(A) Đức Chúa viếng thăm giải thoát (c. 68-69)

(B) Lời hứa giải thoát (c. 70-75)

(A’) Hài nhi Gioan, Ngôn sứ của Đấng Tối Cao,
        loan báo ơn giải thoát (c. 76-79)

*  *  *

Trình thuật về biến cố sinh ra của Gio-an, theo thánh Luca, gồm có hai phần: Phần I bắt đầu với biến cố sinh ra của hài nhi, sau đó xoay quanh vấn đề tên gọi, và có điểm tới là lời chúc tụng của ông Dacaria cùng với những băn khoăn của mọi người về tương lai của hài nhi: “Đứa trẻ này rồi sẽ thế nào đây?” (c. 66).

Như thế, lời chúc tụng có tầm mức “sinh ra”: bởi lẽ chúng ta phải được tái sinh bởi Lời hằng sống mạnh hơn sự chết, chúng ta mới có thể cất lời ca tụng Chúa được.

Phần II là lời ca tụng Benedictus bất hủ của ông Dacaria, vì sẽ trở thành lời ca tụng khởi đầu ngày sống của Giáo Hội và của từng người chúng ta. Bài ca Benedictus vừa mang lại nội dung cho lời chúc tụng Thiên Chúa của ông Dacaria lúc ông nói được, vừa giải đáp thắc mắc về căn tính và tương lai của hài nhi trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

1. Mầu nhiệm tên gọi

Tất cả chúng ta đều biết, Gioan là ơn huệ tuyệt đối do Thiên Chúa ban, khởi đi từ cung lòng hiếm muộn và già cỗi của bà Elizabeth, như chính ông Dacaria thú nhận: “Dựa vào đâu mà tôi biết được điều ấy? Vì tôi đã già, và nhà tôi cũng cao niên” (Lc 1, 18): và chính sứ thần Gabrien loan báo cho Mẹ Maria: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng” (c. 36). Ơn huệ tuyệt đối này phải được thể hiện ngang qua tên gọi Gioan, trong tiếng Do-thái, “Gioan” có nghĩa là “Thiên Chúa Thi Ân”. Chính vì thế mà, tất cả mọi người trong gia đình và họ hàng đều tham gia trực tiếp vào việc đặt tên. Và kết quả là làm vang lên và vang xa lời chúc tụng Thiên Chúa.

Sứ mạng của thánh Gioan Tẩy Giả là loan báo Đức Ki-tô và dọn đường cho Ngài, chính vì thế mà sau này, thánh Gioan nói với các môn đệ của mình: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Điều lạ lùng là, lòng ước ao này đã được thực hiện ngay từ lúc thánh Gioan được cưu mang, được sinh ra, và một cách đặc biệt ngay trong việc đặt tên rồi. Thật vậy, tên gọi “Gioan” có nghĩa là “Thiên Chúa thi ân”, trong khi tên gọi “Giê-su” nghĩa là “Thiên Chúa Cứu Độ”, Thiên Chúa cứu độ, là Ơn Huệ của mọi ơn huệ, là Ơn Huệ một lần cho tất cả, là Ơn Huệ mà mọi ân huệ khác hướng tới và chỉ là dấu chỉ. Như thế, Gioan không chỉ loan báo Đức Giê-su bằng cuộc đời và cái chết của mình, nhưng còn bằng chính biến cố sinh ra và tên gọi nữa.

Xin cho chúng ta cũng hướng về Đức Ki-tô như thánh Gioan, từ lúc sinh ra cho tới lúc chết, ngang qua tất cả những gì chúng ta là, được chất chứa trong “tên gọi” của chúng ta: và xin cho Ngài nổi bật lên trong cuộc đời, ơn gọi và từng ngày sống của chúng ta.

2. Ông Dacaria: hành trình hướng tới lời ca tụng

Về chuyện ông Dacaria bị câm, nhưng ngay sau khi đặt tên cho con là Gioan, thì ông nói được, cũng rất có ý nghĩa. Sự kiện ông không nói được, là một dấu chỉ nhắc nhớ ông rằng, có một lúc ông đã không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể thi ân ở nơi mà con người không còn hy vọng gì, có thể làm phát sinh sự sống nơi cung lòng hiếm hoi và già cỗi của bà Elizabeth. “Không nói được”, không chỉ là không nói được ngôn ngữ, nhưng nhất là không thể ca tụng Chúa được. Thật vậy, khi người ta không tin, không nhận ra ơn Chúa ban cho mình và người khác, thì không thể ca tụng Chúa được: và khi ghen tị nhau và kêu trách Thiên Chúa, người ta càng không thể tạ ơn, chúc mừng và ca tụng Thiên Chúa.

Chính khi ông đặt tên cho con là Gioan, “Thiên Chúa Thi Ân”, thì ông “lưỡi ông lại mở ra, ông nói được” và lời nói đầu tiên là lời chúc tụng Thiên Chúa:

Chúc tụng Đức Chúa, là Thiên Chúa Israel,
đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người.
(c. 68)

Đó là lời tán tụng Benedictus bất hủ, vang lên mỗi ngày trong Giờ Kinh Sáng của chúng ta. Ước gì, khi đọc hay hát lời chúc tụng này, chúng ta mặc lấy tâm tình của ông Dacaria.

Hình ảnh giấc ngủ còn dẫn chúng ta đi xa hơn, đó là lúc chúng ta nhắm mắt và câm lặng tuyệt đối trong sự chết, nhưng với niềm hy vọng lại được mở mắt và mở miệng chúc tụng Thiên Chúa trong niềm vui của Sáng Tạo Mới.

Xin cho chúng ta tin tưởng và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, để có thể cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Lạy Chúa, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài”. Nếu không, dù chúng ta có nói bi bô suốt ngày, thì cũng như là “người câm” vậy thôi! Nhưng chúng ta được mời gọi đi xa hơn, bằng cách định hướng đời mình và từng ngày sống theo năng động chúc tụng Thiên Chúa. Và để được như thế, chúng ta cần tín thác và nhận ra ơn huệ Thiên Chúa ban, cần đặt đời sống, ngày sống và hành động trên nền tảng tâm tình biết ơn.

Có lẽ chúng ta ít chú ý đến điều gì hay đúng hơn hành trình nào, đã dẫn ông Dacaria đến lời ca tụng Benedictus bất hủ này. Thực vậy, theo Tin Mừng của thánh Luca, bài ca này là điểm tới của cả một hành trình thật dài: khởi đi từ kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa, ngang qua biến cố gặp gỡ sứ thần Gabriel trong đền thờ, tiếp theo là thời gian hơn chín tháng thinh lặng, tương ứng với thời gian bé Gioan được cưu mang trong bụng mẹ, và kết thúc bằng biến cố đặt tên: và từ đó trào vọt lời nói đầu tiên, là bài ca Benedictus, mãi mãi được hiện tại hóa nơi lời kinh hằng ngày và nơi cuộc đời của chúng ta.

Hơn chín tháng câm lặng về mặt thể lý, nhưng chúng ta cũng có thể hiểu đó một cuộc “tĩnh tâm” dài: vì chắc chắn, đối với ông Dacaria, đó là thời gian suy niệm và chiêm niệm, để khám phá sự hiện diện và cách hành động của Thiên Chúa trong lịch sử thánh của Dân Chúa, trong đời mình và đặc biệt nơi hồng ân lạ lùng “Gioan”. Chín tháng thinh lặng phải là chín tháng cầu nguyện, để có thể hát lên lời ca tụng Thiên Chúa tuyệt vời như vậy, lời mà Giáo Hội đặt vào miệng chúng ta mỗi ngày trong Giờ Kinh Phụng Vụ. Hơn nữa, đó là lời được thốt ra bởi người “đầy Thánh Thần” (c. 67). Lời ca tụng như thế đã trở thành chính là Lời Chúa cho chúng ta. Rốt cuộc, đối với ông Dacaria, chín tháng mười ngày thinh lặng, chính là thời gian “cưu mang” Lời Chúa. Cũng cùng một thời gian đó, Gioan được cưu mang trong dạ mẹ cách lạ lùng.

3. “Chúc tụng Đức Chúa…”

Lời chúc tụng mở đầu bằng lời công bố lý do chúc tụng: Đức Chúa, là Thiên Chúa của Israel đã viếng thăm cứu chuộc dân Ngài, ngang qua sự xuất hiện của “Vị Cứu Tinh quyền thế” (c. 68-69). Xin cho chúng ta cảm nhận được hồng ân này và được tràn đầy niềm vui như ông Dacaria, mỗi khi chúng ta đọc hay hát bài ca Chúc Tụng này. Bởi vì, Chúa thực sự “viếng thăm cứu chuộc” chúng ta mỗi ngày nơi Đức Giê-su Ki-tô, “Vị Cứu Tinh quyền thế”, ngang qua bí tích Thánh Thể mà chúng ta cử hành mỗi ngày.

Tuy nhiên, biến cố “Thiên Chúa viếng thăm cứu chuộc” không hoàn toàn xa lạ, những đến từ việc nhớ lại ơn huệ đã qua, nhớ lại lịch sử cứu độ và giao ước. Chính vì thế, trung tâm của bài ca Benedictus là việc “đọc lại” lịch sử cứu độ (c. 70-75), ngang qua các vị ngôn sứ và lên đến tận tổ phụ Abraham, và làm bật lên lời hứa giải thoát:

Cứu thoát khỏi địch thù
và tay những người ghen ghét.
(c. 71)

Giải thoát khỏi tay địch thù. (c. 73)

Việc đọc lại lịch sử mang lại niềm hy vọng vì nhận ra lời hứa giải thoát. Thực ra, lời hứa giải thoát đã chất chứa ngay trong ơn huệ sự sống rồi: bởi lẽ, Chúa đã ban sự sống và duy trì sự sống, thì Chúa sẽ ban luôn mãi, vì Ngài là Đấng “trọn bề nhân nghĩa”, là Đấng “muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương” (Tv 136). Tuy nhiên, trong lời chúc tụng đầy Thánh Thần này, ơn giải thoát được hiểu một cách mới mẻ: thay vì đó là ơn giải thoát khỏi tay kẻ thù bên ngoài, thì đó là ơn tha tội và ơn “soi sáng” chiếu rọi vào nơi tăm tối và bóng tử thần (c. 76-79). Và Tin Mừng này được loan báo bởi Gioan, vị “Ngôn Sứ của Đấng Tối Cao”.

*  *  *

Mục đích tận cùng của ơn giải thoát, là để “sống thánh thiện công chính trước nhan Người, mà phụng thờ Người suốt cả đời ta” hay nói theo sách Linh Thao của thánh Inhaxiô, để “ca tụng, tôn kính và phục vụ Chúa” (LT 23). Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này, kẻ thù bên trong còn “lợi hại” hơn kẻ thù bên ngoài trong việc ngăn cản chúng ta ca tụng Chúa.

Vì thế, kẻ thù bên trong, chuyên gieo nọc đọc quên ơn, nghi ngờ, ghen tị và ham muốn mới là kẻ thù đích thật. Và Kẻ Thù này đang hiện diện và hành động mạnh mẽ biết bao trong thế giới chúng ta đang sống. Vì thế, chúng ta thực sự cần ơn giải thoát biết bao.

Khi nhìn ngắm “Hài Nhi bọc tã, nằm trong máng cỏ” thật âm thầm, khiêm tốn và hiền lành, xin cho chúng ta nhận ra và kinh nghiệm trong nội tâm và trong đời mình sự khôn ngoan của Thiên Chúa và sức mạnh thần linh có khả năng giải thoát chúng ta, khỏi sự dữ và tất những gì thuộc về sự dữ.

Comments are closed.

phone-icon