5 nguyên liệu của ĐTC “cho tương lai” của giới trẻ Congo

0

Huấn từ của Đức Thánh Cha với các bạn trẻ và Giáo lý viên

Nguồn: exaudi
Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 

Sáng nay, sau khi dâng Thánh lễ riêng, Đức Thánh Cha Phanxicô đi xe đến Sân vận động Các Thánh Tử đạo ở thủ đô Kinshasa để gặp gỡ Giới trẻ và các Giáo lý viên.

Khi đến nơi, chuyển sang xe Giáo hoàng và chạy vòng giữa các tín hữu, ĐTC gặp gỡ Giới trẻ và Giáo lý viên lúc 9 giờ 20 sáng.

Sau lời chào mừng của Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Giáo dân, tiếp theo là các chứng ngôn của một bạn trẻ và một giáo lý viên và màn trình diễn vũ điệu truyền thống, Đức Thánh Cha đã đọc huấn từ được chuẩn bị cho dịp này và nói chuyện với những người tham dự buổi gặp gỡ, mời gọi họ nắm tay nhau và hát với nhau như một cộng đoàn, một Giáo hội. Cũng trong lúc ban huấn từ, ngài yêu cầu mọi người giữ thinh lặng một phút để tha thứ cho từng người về những xúc phạm mà họ đã gánh chịu.

Cuối cùng, sau Kinh Lạy Cha và phép lành cuối, các bạn trẻ dâng lên Đức Thánh Cha món quà và bài hát kết, Đức Thánh Cha Phanxicô trở về Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh ở Kinshasa bằng xe hơi.

Sau đây là huấn từ của Đức Thánh Cha:

HUẤN TỪ CỦA ĐỨC THÁNH CHA

Cảm ơn các con đã thể hiện tình cảm, điệu nhảy và các chứng ngôn! Cha thật vui mừng được gặp gỡ trực tiếp các con, để chào và ban phép lành cho các con khi các con đưa tay hướng lên trời trong lễ.

Bây giờ cha xin các con, trong một giây lát thôi, đừng nhìn vào cha mà hãy nhìn vào đôi bàn tay của các con. Mở lòng bàn tay các con ra. Hãy nhìn chúng thật kỹ. Các con thân mến, Thiên Chúa đã đặt món quà sự sống, tương lai của xã hội và tương lai của đất nước tuyệt vời này vào tay các con. Các con thân yêu, có phải đôi bàn tay của các con có vẻ nhỏ bé và yếu ớt, trống rỗng và không phù hợp với một nhiệm vụ lớn lao như vậy không? Để cha nói cho các con biết điều này: bàn tay của các con trông giống nhau, nhưng không có bàn tay nào hoàn toàn giống nhau. Không ai có bàn tay giống như của các con, và đó là dấu hiệu cho thấy các con là một kho báu duy nhất, không thể lặp lại và không thể so sánh được. Không ai trong lịch sử có thể thay thế con. Vì vậy, hãy tự hỏi, đôi bàn tay của tôi để làm gì? Để xây dựng hay để phá hủy, để cho đi hay để giành lấy, để yêu thương hay để ghét bỏ? Hãy chú ý đến cách các con siết chặt bàn tay, nắm chặt lại thành nắm tay. Hoặc các con có thể mở ra, để dâng lên Chúa và tha nhân. Đó luôn luôn là sự lựa chọn căn bản mà chúng ta phải thực hiện kể từ thời cổ đại, kể từ ngày Aben quảng đại dâng lên thành quả lao động của mình, trong khi Cain “ra tay hại em … và giết chết em mình” (St 4:8). Các bạn trẻ thân yêu, các con là những người mơ ước về một tương lai khác: từ đôi bàn tay của các con, ngày mai có thể được sinh ra; từ đôi bàn tay của các con, hòa bình còn rất thiếu trong thế giới này cuối cùng có thể diễn ra. Tuy nhiên, cụ thể chúng ta phải làm gì? Cha muốn đề nghị một số “nguyên liệu cho tương lai”: năm nguyên liệu, mỗi nguyên liệu tương ứng với một ngón tay trên bàn tay của các con.

Ngón tay cái, ngón tay gần trái tim của chúng ta nhất, tượng trưng cho cầu nguyện, là động lực trong cuộc sống của chúng ta. Cầu nguyện có vẻ giống như một điều gì đó không thực tế và khác xa với những vấn đề và sự việc cụ thể của chúng ta. Tuy nhiên, cầu nguyện là nguyên liệu chính, nguyên liệu căn bản cho tương lai, bởi vì nếu bởi sức mình chúng ta không thể tiến xa được. Chúng ta không toàn năng và bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta là như thế, chúng ta sẽ thất bại thảm hại. Hãy nghĩ đến một cây xanh, nếu chúng ta cắt rễ của nó. Ngay cả khi cái cây đó đã lớn và mạnh mẽ, nó không thể tự đứng vững. Đây là lý do tại sao chúng ta cần đâm rễ sâu vào cầu nguyện và lắng nghe lời Chúa. Cầu nguyện là điều cho phép chúng ta phát triển thật sâu, đơm hoa kết trái từng ngày, và biến bầu không khí ô nhiễm mà chúng ta hít thở thành dưỡng khí mang lại sự sống. Mỗi cây cần một thành phần đơn giản và căn bản nếu nó muốn phát triển. Thành phần đó là nước. Cầu nguyện là “nguồn nước cho linh hồn”: nó ẩn giấu, không nhìn thấy được, nhưng nó mang lại sự sống. Những người cầu nguyện phát triển bên trong; họ có thể ngước nhìn lên cao và nhớ rằng chúng ta được tạo dựng để hướng về thiên đàng.

Các con thân yêu, chúng ta cần phải cầu nguyện, cầu nguyện sống động. Đừng thưa chuyện với Chúa Giêsu như một người xa lạ gieo rắc sự tôn sùng và sợ hãi, nhưng như là một người bạn tốt nhất của các con, một người đã hy sinh mạng sống vì các con. Chúa Giêsu biết rõ các con, Ngài tin tưởng các con và Ngài luôn yêu thương các con. Khi chiêm ngưỡng Chúa bị treo trên thập tự giá vì ơn cứu độ của các con, các con sẽ thấy mình quý giá biết bao đối với Ngài. Các con hãy phó dâng cho Chúa những thánh giá, những sợ hãi, những lo âu của mình, treo chúng lên thập giá của Ngài. Chúa sẽ ôm lấy tất cả những điều đó. Chúa đã làm điều này hai ngàn năm trước; thập giá mà các con đang vác hôm nay đã là một phần của thập tự giá của Ngài. Vậy thì đừng sợ cầm lấy thánh giá trong tay, ép chặt thánh giá lên trái tim của các con, và trao tất cả những giọt nước mắt của các con cho Chúa Giêsu. Và đừng quên chiêm ngắm dung nhan của Ngài, dung nhan của một Thiên Chúa trẻ trung, sống động và phục sinh! 

Vâng, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự dữ; Chúa đã lấy thập giá của Ngài để làm cây cầu dẫn đến sự phục sinh. Vì vậy, hãy giơ tay hướng lên Chúa hàng ngày, ngợi khen và chúc tụng Ngài. Kể với Chúa về những hy vọng trong lòng các con, chia sẻ với Ngài điều thầm kín nhất của cuộc đời các con: người mà các con yêu thương, những tổn thương các con mang trong mình, những ước mơ các con ấp ủ trong lòng. Kể cho Ngài nghe về những người hàng xóm, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp của các con; nói với Ngài về đất nước của các con. Thiên Chúa yêu thích cách cầu nguyện sống động, cụ thể và chân thành này. Nó cho phép Ngài can thiệp, đi vào cuộc sống hàng ngày của các con theo cách đặc biệt, đến với “sức mạnh bình an” của Ngài. Sức mạnh đó có một tên gọi. các con có biết đó là ai không? Đó là Chúa Thánh Thần, Đấng An ủi, Đấng Ban Sự sống. Chúa Thánh Thần là động lực của hòa bình, là sức mạnh đích thực của hòa bình. Đó là lý do tại sao cầu nguyện là vũ khí mạnh mẽ nhất. Nó mang đến cho các con niềm an ủi và hy vọng đến từ Chúa. Nó luôn mở ra những cơ hội mới và giúp các con vượt qua mọi nỗi sợ hãi. Đúng, cầu nguyện chiến thắng nỗi sợ hãi và giúp chúng ta nắm lấy tương lai của mình trong tay. Các con có tin điều này không? Các con có muốn biến cầu nguyện thành bí quyết của mình, như dòng nước mát cho linh hồn, như vũ khí duy nhất các con mang theo, như người bạn đồng hành trên hành trình mỗi ngày không?

Bây giờ chúng ta hãy nhìn vào ngón thứ hai, ngón trỏ. Chúng ta sử dụng ngón trỏ để chỉ mọi thứ cho người khác. Những người khác, cộng đồng: đây là thành phần thứ hai. Các con thân mến, đừng hủy hoại tuổi trẻ của mình bằng cách trở nên cô lập và khóa kín trong bản thân mình. Hãy suy nghĩ về điều này thường xuyên và các con sẽ tìm thấy hạnh phúc, bởi vì cộng đồng là con đường giúp chúng ta cảm thấy hài lòng về bản thân và trung thành với ơn gọi thực sự của mình. Đi một mình có vẻ là thú vị, nhưng cuối cùng nó chỉ để lại cho chúng ta sự trống rỗng rất lớn. Hãy nghĩ về ma túy: cuối cùng các con sẽ thu mình né tránh những người khác, né tránh khỏi cuộc sống thật, để có cảm giác toàn năng; nhưng cuối cùng các con thấy mình bị tước đoạt mọi thứ. Cũng hãy nghĩ đến việc nghiện những sự thần bí và phù thủy. Hình thức phụ thuộc này giam cầm chúng ta trong sợ hãi, báo thù và giận dữ. Đừng đầu hàng trước những ảo tưởng hứa hẹn hạnh phúc, những lâu đài cát được xây dựng dựa trên vẻ bề ngoài, tiền bạc dễ dàng hay những hình thức tôn giáo méo mó.

Hãy cảnh giác với cám dỗ muốn chỉ ngón tay vào một người nào đó, loại trừ người khác vì họ khác biệt; hãy cảnh giác với chủ nghĩa vùng miền, chủ nghĩa bộ lạc hoặc bất cứ điều gì khiến các con cảm thấy an toàn trong nhóm riêng của mình, nhưng đồng thời lại không quan tâm đến cuộc sống của cộng đồng. Các con đã biết điều gì xảy ra: đầu tiên, các con tin vào những định kiến về người khác, sau đó biện minh cho sự hận thù, tiếp đến là bạo lực, và cuối cùng, các con thấy mình đang ở giữa một cuộc chiến. Nhưng để cha hỏi các con điều này. Các con đã bao giờ nói chuyện với người từ các nhóm khác hay các con luôn giữ trong nhóm riêng mình? Các con đã bao giờ nghe những câu chuyện của người khác hoặc đến gần những đau khổ của họ chưa? Chắc chắn, lên án người ta thì dễ hơn là thấu hiểu họ; nhưng phương pháp của Thiên Chúa để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn là đón nhận những người mà chúng ta nghĩ là “người khác”, để đồng cảm với họ, để kết nối như một cộng đồng. Đó là ý nghĩa của việc xây dựng Giáo hội: mở rộng chân trời của chúng ta, xem người khác như người thân cận của chúng ta và quan tâm đến họ. Các con có thấy ai cô đơn, đau khổ hay bị bỏ rơi không? Hãy tiếp cận người ấy. Không phải vì muốn người đó thấy các con là một người tốt lành như thế nào, nhưng là để chia sẻ nụ cười và bày tỏ tình bạn của các con.

David, con đề cập rằng người trẻ tuổi muốn được kết nối với những người khác, nhưng mạng xã hội đó thường khiến con lẫn lộn. Đúng vậy, thực tại ảo là không đủ, chúng ta không thể chỉ bằng lòng với việc giao tiếp ảo với những người ở xa và đôi khi thậm chí không có thật. Cuộc sống không chỉ là chạm vào màn hình bằng một ngón tay. Thật buồn khi thấy những người trẻ tuổi dành hàng giờ để dán mắt vào điện thoại; rồi nếu con nhìn vào khuôn mặt của họ, con sẽ thấy rằng họ không có nụ cười, trông họ có vẻ mệt mỏi và buồn chán. Không thứ gì và không ai có thể thay thế năng lượng mà chúng ta có được khi ở bên nhau, sự rạng rỡ trong mắt chúng ta, niềm vui khi trao đổi ý kiến! Nói chuyện, lắng nghe nhau là điều cần thiết: trên màn hình, mọi người cuộn xuống để tìm những gì họ thấy thú vị. Vì vậy, hãy cố gắng dành thời gian cho nhau và trải nghiệm vẻ đẹp của việc để người khác làm con ngạc nhiên với những câu chuyện và trải nghiệm của họ.

Bây giờ chúng ta hãy cố gắng cảm nhận thật cụ thể ý nghĩa của việc xây dựng cộng đồng. Hãy nắm tay người ở bên cạnh các con trong giây lát. Hãy tưởng tượng các con là một Giáo hội, là một dân tộc duy nhất. Nhận biết rằng hạnh phúc của chính mình phụ thuộc vào hạnh phúc của người khác, nó được nhân lên gấp bội. Hiểu ý nghĩa của việc được bảo vệ bởi người anh chị em của mình, bởi một người chấp nhận con người của các con và quan tâm đến các con. Và biết rằng các con có trách nhiệm với những người khác, là một phần quan trọng của mạng lưới huynh đệ rộng lớn, trong đó mọi người hỗ trợ những người khác, và các con là tuyệt đối cần thiết. Vâng, các con là người không thể thiếu và có trách nhiệm đối với Giáo hội và đất nước của các con. Các con là một phần của lịch sử vĩ đại hơn, lịch sử mời gọi các con đóng vai trò tích cực như một người xây dựng sự hiệp thông, một nhà đấu tranh cho tình huynh đệ, một người ước mơ về một thế giới hiệp nhất hơn.

Các con không đơn độc trong cuộc phiêu lưu này: toàn thể Giáo hội trên khắp thế giới đang cổ vũ cho các con. Đó có phải là một thử thách khó khăn? Đúng, nhưng các con có thể vươn tới nó. Các con cũng có một số người bạn đang động viên các con hướng tới những mục tiêu này. Các con có biết họ là ai không? Là các thánh trên thiên đàng. Chẳng hạn, cha nghĩ đến Chân phước Isidore Bakanja, Chân phước Marie-Clémentine Anuarite, và Thánh Kizito và các bạn đồng hành của ngài. Họ là những chứng nhân đức tin, những vị tử đạo không bao giờ khuất phục trước luận lý của bạo lực, nhưng họ đã công bố sức mạnh của tình yêu và sự tha thứ bằng chính cuộc sống của họ. Tên của họ, được ghi trên thiên đàng, sẽ tồn tại lâu dài trong lịch sử, trong khi những đầu óc hẹp hòi và bạo lực sẽ luôn chống lại những người thực hiện chúng. Cha biết các con đã nhiều lần chứng minh rằng các con sẵn sàng đứng lên bảo vệ nhân quyền, dù phải hy sinh nhiều, và hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi người trong nước. Cha cảm ơn các con vì điều này và cha tôn vinh ký ức về tất cả những người – và họ thì rất nhiều – những người đã hy sinh mạng sống hoặc sức khỏe của họ vì những mục đích cao cả này. Và cha khuyến khích các con hãy cùng nhau tiến lên, không sợ hãi, như một cộng đồng!

Cầu nguyện và cộng đồng; chúng ta đến với ngón giữa, ngón cao hơn những ngón khác, như để nhắc nhở chúng ta về một điều gì đó trọng yếu. Nó là thành phần then chốt cho một tương lai xứng đáng với những kỳ vọng to lớn của chúng ta. Và đó là: sự lương thiện! Là người Kitô hữu tức là làm chứng nhân cho Chúa Kitô. Cách đầu tiên để làm việc này là sống đạo đức, như Đức Kitô mong muốn. Điều này có nghĩa là không bị vướng vào những cạm bẫy của tham nhũng. Người Kitô hữu không thể không lương thiện; nếu không, họ phản bội lại căn tính của họ. Nếu không lương thiện, chúng ta không phải là người môn đệ và chứng nhân của Chúa Giêsu; chúng ta là những kẻ ngoại giáo, những kẻ thờ ngẫu tượng, những kẻ tôn thờ cái tôi của mình hơn là Thiên Chúa, những kẻ lợi dụng người khác hơn là phục vụ họ.

Tuy nhiên, cha tự hỏi – làm thế nào để chúng ta ngăn chặn sự lây lan của nạn tham nhũng, nó dường như không bao giờ ngừng lan rộng? Thánh Phaolô giúp chúng ta với một câu nói đơn giản và nổi bật mà các con có thể lặp đi lặp lại cho đến khi thuộc lòng. Đó là: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12:21). Đừng để cho sự ác thắng được mình. Đừng để bản thân mình bị thao túng bởi những cá nhân hoặc nhóm cố gắng sử dụng các con để kìm hãm đất nước trong vòng kìm kẹp của bạo lực và bất ổn, để họ có thể tiếp tục kiểm soát nó mà không trả lời bất cứ ai. Nhưng hãy lấy thiện thắng ác. Ước mong các con trở thành những người biến đổi xã hội, những người biến ác thành thiện, biến hận thù thành yêu thương, biến chiến tranh thành hòa bình. Các con có muốn trở thành người như vậy không? Nếu các con muốn thì điều đó là có thể. Các con có biết tại sao không? Bởi vì mỗi người trong các con đều có một kho báu mà không ai có thể đánh cắp được. Đó là sức mạnh để đưa ra lựa chọn. Trên thực tế, các con chính là người đưa ra lựa chọn, và các con luôn có thể chọn làm điều phải. Chúng ta có quyền tự do lựa chọn. Đừng để cuộc sống của các con bị kéo theo dòng chảy của tham nhũng. Đừng để mình bị cuốn trôi như những cành khô trong dòng sông ô nhiễm. Hãy phẫn nộ, nhưng đừng bao giờ đầu hàng trước những cám dỗ đầy thuyết phục nhưng độc hại của nạn tham nhũng.

Cha nghĩ đến chứng tá của một người trẻ tuổi như các con, anh Floribert Bwana Chui, mười lăm năm trước, khi mới 26 tuổi, đã bị giết ở Goma vì chặn đường vận chuyển các loại thực phẩm hư thối có thể gây hại cho sức khỏe của mọi người. Anh ấy có thể dễ dàng nhắm mắt làm ngơ; không ai có thể phát hiện ra, và kết quả là anh thậm chí có thể dẫn trước. Nhưng, vì là một người Kitô hữu, anh đã cầu nguyện. Anh nghĩ đến người khác và anh chọn con đường lương thiện, nói không với sự nhơ nhuốc của nạn tham nhũng. Đó là ý nghĩa của việc giữ cho bàn tay của các con trong sạch, vì những bàn tay buôn bán kiếm tiền dễ dàng sẽ vấy máu. Nếu ai đó đưa hối lộ cho các con, hoặc hứa hẹn cho con những ân huệ và rất nhiều tiền, đừng rơi vào cạm bẫy đó. Đừng để bị lừa dối; đừng để bị lún vào đầm lầy của cái ác. Đừng để cho sự ác thắng được mình! Đừng tin tưởng những kế hoạch tài chính mờ ám khiến các con chìm trong bóng tối. Lương thiện là tỏa sáng như ban ngày; đó là chiếu tỏa ánh sáng của Thiên Chúa. Đó là sống mối phúc công bằng: lấy thiện thắng ác!

Bây giờ chúng ta đã đến ngón tay thứ tư, ngón đeo nhẫn, nhẫn cưới được đeo trên ngón đó. Nếu các con suy nghĩ về nó, thì ngón áp út cũng là ngón yếu nhất, là ngón khó giơ lên nhất. Nó nhắc nhở chúng ta rằng những mục tiêu mang đến cho chúng ta sự thỏa mãn lớn nhất trong cuộc sống, trên hết là tình yêu, bao gồm sự yếu đuối, mệt mỏi và khó khăn. Phải được chấp nhận những điều này, đương đầu với lòng kiên trì và tin tưởng, không để bản thân bị đè nặng bởi sự nhỏ nhen, chẳng hạn như khi ý nghĩa tượng trưng rất đẹp của của hồi môn bị thu hẹp hoàn toàn trở thành một thỏa thuận tài chính. Trong sự yếu đuối và trong những lúc khủng hoảng của chúng ta, sức mạnh nào khiến chúng ta tiến lên? Sự tha thứ. Bởi vì tha thứ có nghĩa là có thể bắt đầu lại. Tha thứ không có nghĩa là quên đi quá khứ; nó có nghĩa là từ chối lặp lại quá khứ. Tha thứ là thay đổi tiến trình của lịch sử. Đó là vực dậy những ai đã vấp ngã. Đó là chấp nhận quan điểm rằng không một ai là hoàn hảo và tất cả mọi người, không chỉ riêng tôi, đều có quyền bắt đầu lại.

Các bạn thân mến, để tạo ra một tương lai mới, chúng ta cần cho đi và đón nhận sự tha thứ. Đó là những điều người Kitô hữu làm: họ không chỉ yêu những người yêu họ, mà họ chọn cách ngăn chặn vòng xoáy của sự trả thù cá nhân và bộ tộc bằng sự tha thứ. Chẳng hạn, cha nghĩ đến Chân phước Isidore Bakanja, người anh của các con, người đã bị tra tấn dã man vì không chịu giấu giếm lòng sùng đạo của mình và giới thiệu Kitô giáo cho những người trẻ khác. Ngài không bao giờ khuất phục trước cảm giác thù hận và khi hy sinh mạng sống, ngài đã tha thứ cho kẻ tra tấn mình. Những người tha thứ đưa Chúa Giêsu đến cả những nơi mà Chúa không được chào đón; họ mang tình yêu đến những nơi tình yêu bị từ chối. Người tha thứ xây dựng tương lai. Nhưng làm thế nào chúng ta có khả năng tha thứ? Trước hết hãy cho phép bản thân được Chúa tha thứ. Mỗi khi chúng ta xưng tội, chúng ta nhận được trong tâm hồn mình sức mạnh thay đổi lịch sử. Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta, luôn luôn và tự do! Và sau đó chúng ta được yêu cầu, như Tin Mừng nói: “hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (Lc 10:37). Ra đi không oán hận, không căm ghét, không hận thù. Hãy tiến lên và lấy đường lối của Chúa thành đường lối của riêng mình, vì chỉ duy nhất Thiên Chúa mới có thể đổi mới lịch sử. Hãy tiến lên và tin rằng chúng ta luôn có thể bắt đầu lại với Chúa. Chúng ta luôn có thể bắt đầu trở lại, chúng ta luôn có thể tha thứ!

Cầu nguyện, cộng đồng, lương thiện, tha thứ. Bây giờ chúng ta đã đến ngón tay cuối cùng và nhỏ nhất. Các con có thể muốn nói rằng: Nhưng tôi quá nhỏ bé, và bất cứ điều gì tốt tôi có thể làm chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng chính sự nhỏ bé, quyết định trở nên nhỏ bé của chúng ta, đã cuốn hút Thiên Chúa. Chìa khóa ở đây là sự phục vụ. Người phục vụ tự biến mình thành bé nhỏ. Giống như một hạt giống bé nhỏ, dường như chúng bị nuốt chửng trong lòng đất, nhưng chúng trổ hoa kết trái. Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng phục vụ là sức mạnh biến đổi thế giới. Vì vậy, câu hỏi nhỏ bé mà các con có thể gắn trên ngón tay mỗi ngày là: Tôi có thể làm gì cho người khác? Nói cách khác, tôi có thể phục vụ Giáo hội theo cách nào, phục vụ cộng đồng của tôi, đất nước của tôi? Olivier, con đã nói với chúng ta rằng, ở một số vùng hẻo lánh, những người giáo lý viên các con, hàng ngày phục vụ các cộng đoàn đức tin và rằng, trong Giáo hội, đây phải là “việc của mọi người”. Đó là sự thật, và thật là một điều rất đẹp khi phục vụ người khác, quan tâm đến họ, làm một điều gì đó mà không mong đợi được đáp trả lại bất cứ điều gì, như Chúa đã làm với chúng ta. Các con giáo lý viên thân yêu, cha xin cảm ơn các con: đối với rất nhiều cộng đoàn, các con là quan trọng như nguồn nước; luôn giúp họ phát triển bằng lời cầu nguyện chân thành và sự phục vụ của các con. Phục vụ không phải là ngồi yên; đó là đứng dậy và ra đi. Nhiều người đứng dậy và ra đi vì họ muốn theo đuổi lợi ích riêng của họ. Các con đừng e sợ theo đuổi sự thiện, đầu tư vào sự thiện và loan báo Tin Mừng, chuẩn bị cho mình một cách nhiệt tình và thích hợp, và khởi xướng những dự án lâu dài. Và đừng ngại để tiếng nói của các con được lắng nghe, bởi vì trong tay các con không chỉ là tương lai, mà là cả hiện tại. Hãy ở trung tâm của thời điểm hiện tại!

Các bạn thân yêu, cha để lại cho các con năm từ để giúp các con phân định, giữa rất nhiều thông điệp hấp dẫn mà các con nghe thấy, điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Vì trong cuộc sống, cũng như trong việc lái xe, tình trạng mất trật tự và lộn xộn thường tạo ra những vụ tắc đường không cần thiết làm lãng phí thời gian và năng lượng của chúng ta, đồng thời châm ngòi cho sự tức giận. Thay vì vậy, chúng ta hãy làm tốt, ngay cả giữa những lộn xộn, để cho trái tim và cuộc sống chúng ta sự trong sáng, lập những kế hoạch thực tế và có những điểm quy chiếu ổn định, nhằm hướng tới một loại tương lai khác, không chú ý đến những lời hứa trống rỗng của chủ nghĩa cơ hội. Các bạn bạn trẻ và giáo lý viên thân yêu, cha cảm ơn các con về những gì các con làm và về con người của các con. Cảm ơn các con vì sự nhiệt tình, ánh sáng và niềm hy vọng của các con! Bây giờ cha muốn nói với các con một điều cuối cùng: đừng bao giờ nản lòng! Chúa Giêsu tin tưởng vào các con và Ngài sẽ không bao giờ để các con bị mắc kẹt. Hãy nắm chặt niềm vui mà các con cảm nhận ngày hôm nay; đừng bao giờ để nó phai mờ. Như Floribert đã nói với những người bạn của mình khi họ cảm thấy chán nản: “Hãy cầm lấy Tin mừng và đọc. Nó sẽ an ủi bạn; nó sẽ mang lại cho bạn niềm vui”. Tất cả các con hãy cùng nhau bỏ lại phía sau sự bi quan làm tê liệt. Nước Cộng hòa Dân chủ Congo mong đợi từ bàn tay của các con một tương lai khác, vì tương lai đó nằm trong tay các con. Xin cho đất nước của các con một lần nữa trở thành, nhờ vào các bạn, một khu vườn của tình huynh đệ, một trung tâm hòa bình và tự do ở Châu Phi! Cảm ơn các con!

Comments are closed.

phone-icon