Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất – SN ngày 19.11.2024

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Tin Mừng (Lc 19, 1-10)

1 Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy.2 Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.

3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.5 Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người.7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “8 Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”

9 Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
****

1. “Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu” (c. 1-4)

a.Ông Giakêu

Chúng ta hãy nhìn ông Giakêu và tự hỏi: ông là ai? Không cần phải đọc sách chuyên môn, hay phải có hoặc phải hỏi những bậc chuyên môn thông thái, nói cho chúng ta về tuổi tác, gia đình, hoàn cảnh xã hội, tôn giáo… của ông. Nếu là như thế, chúng ta không tự mình cầu nguyện với Lời Chúa được, vì phải “biết”, và mình không có học nhiều để biết nhiều và biết hết! Trong khi đó, Lời Chúa được truyền đạt cho chúng ta ngang bản văn, và những dòng chữ như thế đó, đủ sức mạnh và sức sống để lôi cuốn chúng ta. Thật vậy, theo lời kể của thánh sử Luca: Ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.  (c. 2)

Trong xã hội và tôn giáo Do Thái, những người thu thuế bị coi là người tội lỗi, như họ xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (c. 7). Và có lần Đức Giêsu nói: “Khốn cho các ngươi là kẻ người giầu có!” (x. Lc 6, 24). Nhưng Chúa cũng nói, đối với Thiên Chúa, không gì là không có thể! (x. Mc 10, 27). Vậy, còn tôi, tôi là ai?

b.“Xem cho biết Đức Giêsu là ai

Ông Giakêu “đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có giầu có”. Nhưng ông lại có lòng ước ao “xem cho biết Đức Giêsu là ai”: Ông ta tìm cách để xem cho biết
Đức Giêsu là ai. 
(c. 2-3)

Vì vậy, chúng ta hãy quan sát thật kĩ hành trình tìm cách xem thấy Đức Giêsu của ông Giakêu: đoán biết đường đi của Đức Giêsu, ông chạy tới phía trước, leo lên một cây sung! Và trong trường hợp của ông Giakêu, để thực hiện lòng ước ao biết Đức Giêsu là ai, ông đã phải vượt qua nhiều trở ngại: ông đã phải leo lên cây chờ cho Đức Giêsu đi ngang qua, bởi vì người thì đông, còn ông thì không được cao. Nhưng đó chỉ là khó khăn về thể lí; cũng là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng một khó khăn khác, đó là dư luận; bởi vì ông bị mọi người khinh chê, xa lánh và bị coi là quân tội lỗi, như bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy (tức là Đức Giêsu) cũng vào trọ” (c. 7).

Còn tôi, tôi có lòng ước ao này không, trong đời sống đức tin và hành trình ơn gọi của tôi, và nhất là trong “thời gian đặc biệt” này. Và tôi sống từng giờ, từng ngày như thế nào? Cũng như Giakêu, chính chúng ta cũng phải vượt qua nhiều trở ngại của bản thân và của dư luận nữa để đến với Chúa. Vậy, đó là những khó khăn nào? Tôi ý thức và có những nỗ lực nào để vượt qua, như ông Giakêu không? Tôi cảm thấy bất lực ra sao? Chúng ta hãy xin Chúa thêm sức, lôi cuốn chúng ta và ban cho chúng ta lòng mến Chúa.

2. “Này ông Giakêu…” (c. 5-6)

Chúng hãy nhìn ngắm Chúa Giêsu và lắng nghe lời Người (như nói với chính mình); và quan sát ông Giakêu “tụt xuống và mừng rỡ” thật kỹ và thất lâu:

Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! ” Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. (c. 5-6)

Đức Giêsu đi tới chỗ đó, dừng lại, ngước mắt nhìn lên và nói với ông Giakêu: Chúng ta hãy dừng lại để đo lường sự khác biệt:
– Ông Giakêu chạy tới phía trước, chỉ để xem Đức Giêsu, nhưng chính Đức Giêsu đi đến đúng “chỗ ấy”, nghĩa là dưới gốc cây sung, và Người “nhìn lên”. Chúa đi đến đúng chỗ ông đang “ẩn nấp” và nhìn ông, và Người phải nhìn lên, vì ông đang ở “trên cao”, còn Người, Người đang đi trên mặt đất!
– Một đàng, ông Giakêu chỉ muốn xem thấy Đức Giêsu từ trên cao, nghĩa là từ xa và một cách vô danh; đàng khác, Người ngỏ lời trước để thiết lập tương quan thiết thân, bất chấp sự khác biệt và bất xứng.
– Ông Giakêu chỉ muốn xem thấy Đức Giêsu thôi, và ông đã chọn một chỗ thích hợp: ở trên cao và vô danh, không ai thấy. Nhưng Ngài đã gọi ông “xuống mau đi”, ra khỏi chỗ ông ẩn nấp. Và Đức Giêsu chọn ở lại với ông một cách nhưng không, khi ông còn đầy bất toàn, khi ông vẫn còn là chính ông, chưa được biến đổi. Đức Giêsu đặt lòng tin trọn vẹn nơi ông.

Chúng ta dường như cũng có nhiều chỗ ẩn nấp, những khu vực an toàn, những phần giữ lại để lỡ ra còn đường mà rút lui! Vậy, tôi có nghe được lời này của Chúa nói với tôi không: “Này con, xuống mau đi (chú ý chữ “mau”), vì hôm nay Thầy phải ở lại nhà con”?

Ông Giakêu vội tụt xuống và mừng rỡ đón tiếp Người. Tôi có đón tiếp Người không? vội hay không? và trong tâm tình nào? (có thể nhớ lại cô Mác-ta đón tiếp Người vào nhà mình, trong Lc 10, 38-42).

3. “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (c. 7-10)

Trong phần này của bài Tin Mừng, chúng ta hãy lắng nghe: lời xầm xì của đám đông, lời của Giakêu và lời của Đức Giêsu.

Chứng kiến lòng thương xót của Đức Giêsu, luôn luôn có những lời “xầm xì”, kêu trách, thậm chí chống đối, thay vì ca khen. Lời này có khi trỗi lên ngay trong lòng chúng ta, và nó đến từ Con Rắn, Sự Dữ, Ma Quỉ. Nhưng, như chúng ta thấy, ông Giakêu không chỉ vui mừng đón rước Đức Giêsu, nhưng còn thay đổi đời sống của mình một cách cụ thể và tận căn, qua việc bố thí và đền bù.

Lời đáp quảng đại và cũng mau mắn của ông Giakêu mời gọi chúng ta nhận ra, dù ông là người tội lỗi, ông vẫn là “con cháu Abraham”, là hình của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa. Căn tính này không bao giờ bị mất đi. Chúa Giêsu đã tin tưởng, khơi dậy và làm sinh hoa trái căn tính hình ảnh Thiên Chúa nơi ông và làm sinh hoa trái, hoa trái cứu độ, nghĩa là sự sống, cho ông.

*  *  *

Lời của Đức Giêsu còn mang lại cho chúng ta một tin vui khác nữa, đó là ơn cứu độ được ban cho cả nhà, nhờ vào hành trình hoán cải của một mình ông Giakêu.

Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này.(c. 9)

Đó là điều vượt quá những gì mà ông đã mong ước. Cùng một lúc và thật là quảng đại, Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà ông Giakêu. Đây chính là một tin vui, và tin vui này đặc biệt có ý nghĩa đối với chúng ta và đem lại cho chúng ta niềm hi vọng, nhất là khi chúng ta quan tâm đến những người thân yêu, còn sống cũng như qua đời.

Tuy nhiên, trong lời công bố ơn cứu độ, ban cho nhà ông Giakêu, có một từ ngữ phải làm cho chúng ta ngạc nhiên, đó là từ “hôm nay”. Thực vậy, Chúa nói: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”. Như thế, ơn cứu độ mà Đức Giêsu ban cho chúng ta không chỉ là ơn giải thoát khỏi sự chết ở đời sau, nhưng còn là ơn giải thoát khỏi tất cả những gì gây ra bầu khí chết chóc trong gia đình của chúng ta ngay ở đời này và ngay hôm nay. Bởi vì, như mỗi người chúng ta đã nghe nói hay đích thân có kinh nghiệm, những điều thuộc về Sự Dữ, gây ra bầu khí chết chóc ngay trong cuộc này, đó là vô ơn, ích kỉ, áp đặt, ghen tương, nghi ngờ, dò xét, xét đoán, cố chấp, bạo lực, tham lam, chiều theo lòng ham muốn và dục vọng. Nhưng điều này không làm cho chết ngay, nhưng tạo ra bầu khí tang thương không kém. Vì thế, chúng ta cần được Chúa nói biết bao: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này”; và chúng ta được mời gọi lắng nghe, đón nhận và sống, để cho lời này của Đức Giêsu được ứng nghiệm và sinh hoa kết quả. Vậy, chúng ta hãy bắt đầu hành trình hoán cải từ chính bản thân chúng ta, để qua chúng ta Chúa ban ơn cứu độ cho cả nhà chúng ta, cả cộng đoàn chúng ta ngay hôm nay.

*  *  *

Đức Thánh Cha cầu nguyện trong Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót: “Xin tỏ cho chúng con thấy dung nhan của Chúa,và chúng con sẽ được cứu độ”. Vậy, khi tôi chiêm ngắm dung nhan của Đức Ki-tô, tôi có cảm nhận được ơn cứu độ không? Cho tâm hồn và đời tôi? Cho “cả nhà” của tôi? Tôi có nhận ra và kinh nghiệm rằng chính Chúa đến tìm tôi và cứu tôi không? Vì tôi cũng là con cháu Abraham trong đức tin, nhưng là  người tội lỗi bị hư mất. Vì Người nói:

Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất. (c. 10)

Comments are closed.

phone-icon