QUUM DOMINICIANUM
Trích Tông Thư Đức Thánh Cha Pio XII gửi Bề Trên Cả Dòng ĐA MINH
ngày 16-7-1946
(Trích Nữ Tu đọc Văn Thư Tòa Thánh, Tủ sách Ra Khơi, Sai Gòn 1969, Văn thư XII, tr. 85-87)
Nữ Tu viện Đaminh B.C. (Tam Hiệp)
I.- NHỮNG PHƯƠNG THỀ THÁNH HÓA
1- Chúng con hãy xác nhận ra vinh dự của chúng con và đừng nao núng trong trận chiến đã khơi mào, bởi nó đã được vẻ vang do những thành công đáng kể. Vì thế, các phần tử Đaminh càng phải hăng say hơn, để phụng sự Chúa và thánh hóa bản thân bằng các phương thế và các nguồn ơn chúng con đã biết: Đó là đời sống mực thước, kỷ luật Tu trì, chuyên chăm sưu tầm chân lý và cử hành tôn nghiêm Kinh Nhật Tụng. Tất cả những việc đó có mục đích bảo tồn và tăng cường nhiệt độ cho sức sống siêu nhiên của tâm hồn bằng cách theo tập truyền của chúng con, vừa tập luyện các nhân đức, vừa thực thi các ơn Chúa Thánh Thần và các điều Chúa chúc phúc trong Phúc âm. Có như thế, tâm tình và cách ăn nết ở, cũng như ngôn ngữ và hành động của chúng con mới hợp nhất được. Đàng khác, cũng như ánh sáng và hương thơm phải lan tỏa đi thế nào, thì chúng con cũng thế, chúng con phải lấy việc giáo huấn và giảng thuyết là việc chúng con phải cố gắng hơn hết, để nhờ lửa đức ái mà phân phát thêm mãi ra cho người khác những kho tàng các con đã thu tích được bởi học hành và cầu nguyện.
II.- ĐẶC TÍNH CỦA VIỆC GIẢNG THUYẾT
2- Ngày nay biết bao dân tộc đang là mồi cho các tệ đoan và tà thuyết! Tai họa đau thương này, một phần là do Phúc Âm thường không được rao giảng đúng mức như nhu cầu đòi hỏi. Liều thuốc chữa căn bệnh ấy chính các con phải lo giúp cho người khác bằng gương sáng của các con, nghĩa là các con phải đi theo lốt bao vị Thánh Dòng của các con, những vì đã lừng danh trong nghề giảng Phúc âm.
3- Chớ gì các giảng thuyết viên Dòng Đaminh xác nhận được mình là sứ giả của Chúa Kitô, nên đời sống phải hợp với lời nói, tài hùng biện phải hợp với chân lý: họ đừng quá để ý đến nghệ thuật của người phàm, một phải nhẫn nại cầu khẩn ơn sức mạnh Chúa Thánh Thần. Họ đừng chủ ý nhằm được hư danh trong tài lợi khẩu, một phải nhằm thu hút được nhiều linh hồn về cho Chúa Kitô Vua. Lời nói họ phải thiết thực với nhu cầu, làm sao cho người nghe họ, được lợi, có cảm tình và phục họ. Thánh Hiêronimo bảo Nepotiano: “Khi con giảng ở nhà thờ, phải nói làm sao cho giáo dân đừng hoan hô con, nhưng họ biết ăn năn khóc lóc. Nước mắt của người nghe mới là phần thưởng của con. Lời giảng giải của Linh mục phải căn cứ vào Thánh Kinh. Cha không muốn con có tài của một trạng sư, của một người ba hoa, hay của một người la ó om sòm – Cha muốn con phải là người thông giỏi các mầu nhiệm và miệt mài trong khoa học thần bí của Thiên Chúa là Chúa con”. (S. Jéronimi, Epist LII, ad Nepotianum).
III.- TRUYỀN THỐNG CỦA DÒNG ĐAMINH: CÁC ĐẠI TU VIỆN
4- Ta mong được lấy Dòng các con làm một thành lũy và một trụ chống chắc chắn, không những cho Giáo Hội ngày nay đang bị lung lay, mà còn có thể cho cả Giáo Hội ngày mai nữa. Vậy cần Ta phải bảo cho các con biết một điều, một điều có thể cho các con thấy rõ một nguy cơ tai hại lớn, đó là: Hiện nay các con có khuynh hướng tăng số các tỉnh hạt lên quá mức, thêm quá nhiều các Tu viện nhỏ, và quá dễ dàng nhận lấy việc coi xứ. Thật ra, nếu vì nhu cầu hay vì ích chung, hoặc vì lý do quan hệ đòi buộc thì Ta không trách gì, nhưng không nên lấy luật trừ đáng khen đưa ra làm thường lệ. Lịch sử và kinh nghiệm đã chứng tỏ rằng: Dòng Đaminh không bao giờ được thịnh đạt và phát sinh nhiều hoa trái về Giáo lý và thánh thiện, bằng khi có các Đại Tu viện được thiết lập theo đúng luật, để các Tu sĩ được sống đời sống Tu trì đúng như Chúa đã ấn định cho các con trong những quy luật đầy khôn ngoan. Quả thực, trong Giáo Hội có rất nhiều chỗ ở nhưng ai nấy phải ở đúng chỗ họ đã được Chúa đặt cho.
IV.- TRƯỜNG LUYỆN CÁC NGƯỜI GIÁO TẬP
5- Ta tán thưởng các con vì đã thực hiện một việc rất ích lợi cho Dòng các con: Đó là Trường huấn luyện cho các người Giáo Tập thiết lập tại Rôma, cạnh đền thờ Thánh nữ Sabina. Vì ai cũng rõ rằng: lo cho những người phải rèn luyện tâm hồn Tập sinh, có đủ điều cần thiết về Giáo lý và đời sống, để họ biết thiết tha và có khả năng chu toàn nhiệm vụ – chứ không phải để gặp chăng hay chớ; đó là một việc ích lợi và khôn ngoan biết chừng nào!
PIO XII
Les Enseignements Pontificaux
(Les Instiiuts de vie parfaite)
Desclée et Cie – p.402