Cùng bước qua “cánh cửa Đức Tin” với ĐGH Bênêđictô XVI

0

NĂM ÂN SỦNG

Cùng bước qua “cánh cửa Đức Tin” Với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI

          50 năm trước, vào ngày 11 tháng 10 năm 1962, Đức Chân Phước Gioan XXIII đã khai mạc Công Đồng Vatican II. Đức Thánh Cha thấy cần thiết phải mở Công đồng bởi vì ngài tin tưởng rằng Chúa Thánh Thần muốn Giáo Hội mở cửa ra cho thế giới. Ngài khẳng định rằng thời giờ đã đến để Giáo Hội có thể nói trực tiếp với thế giới hiện đại, để trao ban sứ điệp Tin Mừng của niềm hy vọng và bình an.

          Suốt 50 năm từ khi có Công Đồng, các đấng kế vị Đức Gioan XXIII đã tiếp tục lời mời gọi của Vatican II trong nhiều cách khác nhau. Như thay đổi phụng vụ, nâng cao sự đóng góp của giáo dân trong Giáo Hội, và truyền thống của ngày Quốc Tế Giới Trẻ, tất cả đều được bắt nguồn trực tiếp từ Công đồng. Một kết quả thường bị bỏ quên, đó là con số của những năm đặc biệt mà Giáo Hội đã mừng. Đức Thánh Cha Phaolô VI khai mạc năm Đức Tin năm 1967 để tưởng niệm cuộc tử đạo của hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Trong những lần khác, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II dành năm 1987 là năm Thánh Mẫu và năm 2004 là năm Thánh Thể. Tương tự, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dành năm 2008 cho thánh Phaolô và năm 2009 là năm Linh Mục.

          Mỗi năm, cũng như những sự việc khác giống như vậy, đều rút ra nguồn cảm hứng và sự hướng dẫn từ các giáo huấn của Vatican II. Những giáo huấn này chỉ cho chúng ta những cách cụ thể, để chúng ta có thể sống trong xã hội này. Và giờ đây, Đức Bênêđictô XVI đã khai mở một năm khác. Tháng 10 năm ngoái (2011), Đức Thánh Cha đã ban hành một Tông Thư Tự Sắc Porta Fidei (Cánh Cửa Đức Tin), trong đó, ngài tuyên bố từ ngày 11/10/2012 –  24/11/2013 là Năm Đức Tin.

          Vì thế, trong bài viết này, chúng ta nói tới hai mục đích. Thứ nhất, chúng ta muốn xét xem chúng ta có thể giữ Năm Đức Tin này như thế nào, và thứ hai là chúng ta muốn kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng Vatican II.

Cánh Cửa Đức Tin: Nội Dung

          Đức Giáo Hoàng Benêđictô XVI mở Năm Đức Tin để nói với chúng ta rằng “Cánh cửa Đức Tin luôn luôn mở cho chúng ta” (CCĐT 1). Đó là một cánh cửa mà chúng ta có thể đi qua mỗi ngày, có mối liên hệ sâu sắc của chúng ta với Chúa và với tất cả anh chị em chúng ta trong Chúa. Theo bức Tông Thư của ngài, có hai cách để bước qua cửa này – hai cách để đào sâu đức tin của chúng ta. Cách thứ nhất là “nội dung”, và cách thứ hai là “hành động”.

          Về nội dung, Đức Bênêđictô viết rằng chúng ta có thể xây dựng niềm tin của chúng ta bằng việc nghiên cứu, học hành, và chiêm niệm vào sự thật mà chúng ta tin với tư cách là những thành viên của Giáo Hội: “Để tái khám phá nội dung Đức Tin được tuyên xưng, được cử hành, được thể hiện qua đời sống và cầu nguyện, và suy tư về chính việc làm của lòng tin, đó là nhiệm vụ mỗi tín hữu phải thực hiện” (CCĐT 9). Chúng ta càng nhận thức được tầm quan trọng của đức tin chúng ta, chúng ta càng dễ đón nhận và chia sẻ nó với những người sống chung quanh chúng ta.

          Đức Thánh Cha Bênêđictô viết về truyền thống các tín hữu thời sơ khai đã phải học thuộc lòng Kinh Tin Kính. Để thực hiện điều này, ngài trích dẫn lời của thánh Augustinô: “Anh chị em đã đón nhận và tuyên đọc Tín biểu này, vậy, phải lưu trữ Tín biểu nơi lòng trí anh em mọi nơi mợi lúc” (CCĐT 9).

          Thêm vào trong Kinh Tin Kính, Đức Thánh Cha khuyên chúng ta nghiên cứu học hỏi Giáo Lý như một “công cụ đích thực nâng đỡ Đức Tin” (CCĐT 12). Đối với Đức Thánh Cha, sách Giáo Lý của chúng ta không gì hơn là một bản hướng dẫn cho đời sống chứa đựng “sự phong phú của giáo huấn mà Giáo Hội đã đón nhận, gìn giữ và giới thiệu trong hai ngàn năm lịch sử của mình” (CCĐT 11).

          Đây là một mô hình hoàn hảo đối với chúng ta ngày nay. Cái gì có thể hữu dụng hơn Kinh Tin Kính và việc học hỏi, nghiên cứu đức tin như đã được dạy trong sách Giáo Lý? Hai điều trình bày chính thức này về đức tin có thể dạy chúng ta rất nhiều về Thiên Chúa, về Giáo Hội, và thậm chí cả cuộc sống riêng của chúng ta  khi chúng ta cố gắng đến gần Thiên Chúa hơn trong suốt năm đặc biệt này.

Cánh Cửa Đức Tin: Hành Động

          Nhưng biết nội dung đức tin của chúng ta thì chưa đủ. Thật ra, đức tin không chỉ là một tập hợp chân lý, nhưng nó còn là một sự liên hệ với Đức Giêsu. Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của điều mà ngài gọi là “hành động của đức tin” (CCĐT 9). “Hành động” này là lời đáp trả của chúng ta với công việc của Thiên Chúa trong cuộc sống chúng ta. Đó là những quyết định chúng ta thực hiện dựa trên tình yêu và lòng thương xót chúng ta đã cảm nghiệm từ Cha trên trời của chúng ta.

          Dĩ nhiên, hai yếu tố này – nội dung và hành động – luôn đi với nhau. “Có sự thống nhất sâu xa giữa hành vi thể hiện Đức Tin và những nội dung chúng ta tán đồng” (CCĐT 10). Ví dụ, câu chuyện cuộc hoán cải của Lydia từ sách Công Vụ Tông Đồ (Cv 16,13-15). “Nội dung” trong câu chuyện này là sứ điệp Tin Mừng mà thánh Phaolô chia sẻ với Lydia và các bạn của bà ấy. Và “hành động” là sự kết hợp ân sủng của Thiên Chúa khai mở tâm hồn và quyết định của Lydia, để đón nhận sứ điệp và đón tiếp Đức Giêsu vào trong cuộc sống của bà.

          Đó là đối với Lydia, còn đối với chúng ta. Đức Thánh Cha Bênêđictô trao gửi cho chúng ta những lời này để khuyên nhủ và cảnh báo: “việc hiểu biết những nội dung để tin thì không đủ, nếu cõi lòng, cung thánh đích thực của con người, không được ơn Chúa mở cho, nhờ đó, mới có được đôi mắt để nhìn sâu xa và hiểu ra điều được loan báo chính là Lời Chúa” (CCĐT 10).

Đức Tin: Một Lời Đáp Trả Ân Sủng

          Trong tất cả mọi điều, ân sủng của Thiên Chúa cần cho sự sống. Ân sủng là nam châm hút chúng ta đến với Thiên Chúa. Nó khơi dậy trong chúng ta một lòng khao khát, để ôm ấp Đức Giêsu và những lời giảng dạy của Ngài. Kinh Thánh nói với chúng ta rằng đức tin đến do bởi ân sủng (Ep 2,8). Như Đức Thánh Cha Bênêđictô đã viết: “Tin, là quyết định ở lại với Chúa và sống với Người” (CCĐT 10).

          Nếu không dành thời gian với Chúa trong những lời cầu nguyện cá nhân, nếu không có phụng vụ và các bí tích, thì “việc tuyên xưng đức tin sẽ không có hiệu quả, vì thiếu ân sủng nâng đỡ việc làm chứng của các Kitô hữu” (CCĐT 11). Đó là lý do tại sao mọi người được mời gọi ở lại liên kết với cây nho (Ga 15, 5), để uống “nước hằng sống” của Thần Khí (Ga 4,10), và để ăn thịt Con Người và uống Máu Ngài (Ga 6,53). Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha yêu cầu chúng ta “hãy ngắm nhìn Chúa Giêsu Kitô” (CCĐT 13). Không có ân sủng, đức tin sẽ bị vấp ngã.

Đạt Được Đức Tin

          Năm nay, Đức Thánh Cha đề nghị chúng ta bước qua cánh cửa đức tin. Khi chúng ta đào sâu hơn sự hiểu biết của chúng ta về nội dung đức tin, chúng ta sẽ hiểu cách đầy đủ hơn những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta trên thập giá và Ngài muốn chúng ta sống làm sao. Cái gì hơn, khi chúng ta lớn lên “qua việc nhìn nhận một cách sống động Chúa Giêsu đang hiện diện trong cuộc sống chúng ta và trong dòng lịch sử” (CCĐT 13). Chúng ta sẽ cảm thấy được Thánh Thần thúc đẩy để “hành động” theo ân sủng mà chúng ta lãnh nhận.

          Vì thế, nội dung đức tin dạy chúng ta rằng đức tin có thể nhận biết Thiên Chúa, và ân sủng của Thiên Chúa làm chúng ta tiếp nhận nội dung đi đến hành động trên đức tin và cuộc sống chúng ta dựa vào đức tin. Và rồi, để hoàn tất vòng tròn này, ân sủng của Thiên Chúa lại được trao ban trở lại cho chúng ta để học hỏi, nghiên cứu nội dung đức tin sâu hơn, bởi vì lòng chúng ta đã mở ra và chúng ta muốn nhiều hơn.

          Xin cho tất cả mọi người chúng ta đáp lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha và “đạt được đức tin” trong năm nay.  

Sr. Maria Ngô Liên

(Chuyển ngữ từ “The Word Among Us”, Oct. 2012)

Comments are closed.

phone-icon