Bài Huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô
trước khi đọc Kinh Truyền Tin – Angelus
Chúa Nhật, ngày 15-09-2013
Anh chị em thân mến,
Trong Phụng vụ ngày hôm nay chúng ta đọc chương 15 của Phúc âm theo Thánh Luca, gồm 3 dụ ngôn về lòng thương xót: dụ ngôn con chiên lạc, dụ ngôn đồng tiền thất lạc, và dụ ngôn đặc biệt của Thánh Luca dài hơn các dụ ngôn kia: dụ ngôn của người cha và 2 người con, người “con hoang đàng” và người con kia, cho mình là “người công chính”, coi mình là thánh. Tất cả 3 dụ ngôn nói về niềm vui của Thiên Chúa. Thiên Chúa vui mừng hân hoan. Điều này thật thú vị: Thiên Chúa vui mừng hân hoan! Và niềm vui của Thiên Chúa là thế nào? Niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ, niềm vui của Thiên Chúa là tha thứ! Đó là niềm vui của vị mục tử tìm lại được con chiên nhỏ của mình; đó là niềm vui của người đàn bà tìm lại được đồng tiền đã bị mất; đó là niềm vui của người cha đón vào nhà người con đã ra đi như bị mất, như là đã chết và trở lại sự sống, anh ta trở về nhà mình. Ở đây là tất cả Tin Mừng! Ở đây! Ở đây có tất cả Tin Mừng, có tất cả Kitô giáo! Nhưng anh chị em hãy nhìn cho thấy rằng, đó không phải là truyện tình cảm, không phải là vấn đề “tốt lành” mà thôi! Trái lại, lòng thương xót là sức mạnh đích thực có thể cứu rỗi con người và thế giới khỏi “bệnh ung thư” là tội lỗi, là sự dữ luân lý, là sự dữ tinh thần. Chỉ tình yêu thương mới làm đầy các lỗ hổng, các vòng xoáy choáng váng tiêu cực mà sự dữ mở ra trong con tim và trong lịch sử. Chỉ tình yêu thương mới có thể làm được điều này, và đó là niềm vui của Thiên Chúa!
Chúa Giêsu là tất cả lòng thương xót, Chúa Giêsu là tất cả tình yêu thương: là Thiên Chúa làm người. Mỗi người chúng ta, chính mỗi người chúng ta, là con chiên lạc, là đồng tiền bị mất đi; mỗi người chúng ta là người con đã làm hỏng sự tự do của mình khi đi theo các thần tượng sai lạc, các ảo vọng hạnh phúc, và đã đánh mất tất cả. Nhưng Thiên Chúa không quên chúng ta, Chúa Cha không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài là người Cha kiên nhẫn, Ngài luôn chờ đợi chúng ta! Ngài tôn trọng sự tự do của chúng ta, nhưng Ngài luôn trung tín. Và khi chúng ta trở lại với Ngài, Ngài đón tiếp chúng ta như những người con vào trong nhà của Ngài, bởi vì Ngài không bao giờ bỏ qua, dù chỉ trong một giây lát, để chờ đợi chúng ta với tình yêu thương. Và con tim của Ngài mở lễ hội khi mỗi người con trở về. Ngài mở lễ hội bởi vì đó là niềm vui. Thiên Chúa có niềm vui này, khi một người trong chúng ta là kẻ tội lỗi đi về với Ngài và xin ơn tha thứ.
Nhưng thật nguy hiểm. Nguy hiểm gì vậy? Đó là chính chúng ta coi mình là người công chính, và chúng ta xét đoán người khác. Chúng ta xét đoán cả Thiên Chúa, bởi vì chúng ta nghĩ rằng Ngài phải phạt các người tội lỗi, phải lên án các người này phải chết, thay vì tha thứ cho họ. Vậy thì, làm như thế là chúng ta liều mình ở ngoài nhà của người Cha! Như người con cả trong dụ ngôn, là người, thay vì hài lòng khi người em của ông trở về, anh ta đã giận dỗi với người cha đã đón nhận người em trở về và đã mở lễ hội để ăn mừng. Nếu trong con tim của chúng ta không có lòng thương xót, không có niềm vui vì tha thứ, chúng ta không ở trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, cả khi chúng ta tuân giữ tất cả các giới luật, bởi vì tình yêu thương là sự cứu rỗi, chứ không phải chỉ có việc tuân giữ các giới răn. Đó là tình yêu thương với Thiên Chúa và với người thân cận, là điều đem lại sự trọn vẹn cho tất cả mọi giới răn. Và điều này là tình yêu của Thiên Chúa, là niềm vui của Ngài: tha thứ. Ngài luôn chờ đợi chúng ta! Có lẽ có người nào đó đang mang trong con tim của mình điều gì thật nặng nề khi nghĩ rằng: “Nhưng, tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều kia . . . “. Còn Thiên Chúa, Ngài chờ đợi bạn! Ngài là Cha: Ngài luôn chờ đợi chúng ta.
Nếu chúng ta sống theo lề luật “mắt thay mắt, răng đền răng”, thì không bao giờ chúng ta đi ra khỏi vòng xoáy của sự dữ. Kẻ Dữ thật khôn khéo, và lừa đảo chúng ta rằng với sự công chính nhân loại của chúng ta, chúng ta có thể cứu rỗi mình và cứu rỗi thế giới. Nhưng thực ra, chỉ sự công chính của Thiên Chúa mới có thể cứu rỗi chúng ta! Và sự công chính của Thiên Chúa được tỏ ra trong Thánh Giá: Thánh Giá là phán xét của Thiên Chúa trên tất cả chúng ta và trên thế giới này. Nhưng Thiên Chúa phán xét chúng ta thế nào? – Khi trao ban sự sống cho chúng ta! Đây là hành động tối cao của sự công chính đã đánh bại Đầu Mục của thế giới này; và hành động tối cao này của sự công chính cũng chính là lòng thương xót. Chúa Giêsu kêu gọi tất cả chúng ta đi theo con đường này: “Các con hãy có lòng thương xót, như Cha của các con là Đấng xót thương” (Lc 6, 36). Tôi xin anh chị em một điều: Giờ đây, trong thinh lặng, tất cả chúng ta hãy suy nghĩ . . . mỗi người hãy suy nghĩ tới một người mà chúng ta không vui vẻ với họ, với người đó, chúng ta giận dữ, với họ, chúng ta không thích cho lắm. Chúng ta hãy nghĩ tới người đó và trong thinh lặng, trong lúc này, chúng ta hãy cầu nguyện cho người này và chúng ta tỏ lòng thương xót với người này (thinh lặng cầu nguyện).
Bây giờ chúng ta kêu cầu sự chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót.
***
Sau Kinh Truyền Tin – Angelus
Anh chị em thân mến,
Hôm qua, tại nước Argentina, có lễ nghi Phong Chân phước cho Tôi tớ Chúa José Gabriel Brochero, linh mục thuộc Giáo phận Córdoba, sinh năm 1840 và qua đời năm 1914. Được thúc đẩy do tình yêu với Thiên Chúa Kitô, Chân phước đã dâng hiến trọn vẹn mình cho đoàn chiên, để đem Nước của Thiên Chúa đến cho tất cả mọi người, với lòng thương xót và bao la và với lòng nhiệt thành cho các linh hồn. Chân phước ở với dân chúng, và cố gắng đem nhiều người đến tham dự các buổi tĩnh tâm. Chân phước đi từng cây số, từng cây số, leo lên núi, với con lừa của mình, con vật được gọi là “Bộ mặt xấu“, bởi vì con vật này không đẹp gì cả. Ngài cũng đi dưới mưa gió, thật can đảm! Nhưng cả anh chị em, với cơn mưa này, anh chị em đang ở đây, anh chị em cũng thật can đảm. Khá lắm! Sau cùng thì Chân phước này bị mù và bị bệnh phong hủi, nhưng Ngài tràn đầy niềm vui, niềm vui của người mục tử, niềm vui của người mục tử thương xót.
Hôm nay tại Torino (Italia), kết thúc Tuần lễ Xã hội của người Công giáo Ý về đề tài “Gia Đình, hy vọng và tương lại cho xã hội Italia“. Tôi chào thăm tất cả mọi tham dự viên và tôi vui mừng vì dấn thân này trong Giáo hội tại Italia với gia đình và vì gia đình và đó là một sự thúc đẩy lớn lao cả cho các cơ chế và cho tất cả xứ sở. Hãy tiến lên trong con đường gia đình này!
Tôi chào thăm tất cả các tin hữu hành hương có mặt tại đây: các gia đình, các nhóm giáo xứ, các người trẻ. Đặc biệt, tôi chào thăm các tín hữu vùng Dresano, Taggì di Sotto và Torre Canne di Fasano; chào thăm tổ chức UNITALSI vùng Ogliastra, chào thăm các trẻ em vùng Trento là những em sẽ rước lễ lần đầu trong những ngày rất gần đây; chào thăm các thiếu niên vùng Firenze và “Đội Spider Club Italia”.
Với tất cả mọi người Tôi cầu chúc qua Ngày Chúa Nhật thật tốt đẹp và dùng bữa trưa thật ngon miệng.
Dịch theo nguyên bản tiếng Ý do Phòng Báo Chí Tòa Thánh phổ biến, ngày 15-09-2013.
Linh mục Phanxicô Borgia Trần Văn Khả, ngày 16-09-2013.