Nẻo đường sứ vụ

0

Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo sình lầy ngập nước không chỗ thoát. Trời mưa thì nước ngập đến nửa bánh xe khiến người đi đường không biết chỗ nào nông chỗ nào cạn, còn trời nắng thì con đường trở nên trơn trượt. Chỉ biết chạy liều, hên xui! Đây là con đường đi rẫy của người dân, phương tiện chủ yếu là máy cày. Đây cũng là con dường dẫn đến nơi ở của ông bà Hai. Men theo hai bên đường là những trại heo, trại gà, những vườn chôm chôm trĩu quả. Tới vườn chôm chôm quẹo vào con đường mòn trơn trượt sâu hun hút dẫn đến cái chòi nơi ông bà Hai sinh sống. Cái chòi nằm khuất trong vườn chôm chôm của chủ nhà cho mướn ở tạm vừa là để canh rẫy cho chủ vừa là chỗ cho ông bà có chỗ nương thân. Đôi bên cùng có lợi.

Dừng xe trước cửa chòi, tôi đã thấy thân hình tiều tuy bệnh tật của ông Hai đứng đợi từ bao giờ. Tuần nào cũng vậy, mỗi sáng thứ 7, Chúa Nhật là ông Hai lại đứng ngóng để học Giáo lý.

– Chào ông Hai, ông Hai hôm nay có khỏe không?

– Con chào Dì, Dì vất vả quá, hôm nay tui khỏe hơn trước rồi, bác sĩ nói chỉ cần đi lấy thuốc một lần nữa là được.

– Vậy là tốt rồi, Dì đến với ông Hai cũng vui mà, có vất vả gì đâu.

Nói rồi ông Hai vội vàng khom người lôi cái chiếu trên giường trải ra giữa nhà để chuẩn bị cho giờ học Giáo lý Tân Tòng như mọi khi.

Quê của ông Hai ở tận Bến Tre, vì hoàn cảnh khó khăn nên vợ chồng, con cháu ông đất díu nhau lên Đồng Nai để mưu sinh. Ngày ngày ông đi bắt cua cho vợ mang ra chợ bán kiếm tiền. Từ khi ông trở bệnh không làm việc được thì một mình người vợ đau yếu kiêm luôn công việc ông vẫn thường làm để có tiền sinh sống.

Nghe anh Mạnh, cháu ông Hai kể lại, vợ ông là đạo gốc, một số con cái và họ hàng ông đã trở lại đạo trước đây. Cho dù nhiều người khuyên bảo ông cũng nhất định không chịu theo Chúa. Có lần ông nói đùa: “Khi nào tôi không làm được gì nữa thì mới theo đạo”. Vợ con ông chỉ còn biết cầu nguyện cho ông bớt “cứng lòng”.

Khi ông Hai biết mình bị bệnh phổi cũng là lúc bệnh viện trả về vì không còn hy vọng nữa. Bác sĩ khuyên gia đình cho ông ăn gì ngon thì cho vì ông không còn sống được bao lâu nữa. Lúc này ông cũng chẳng còn ăn uống được gì với thân hình gầy đét từ 60 ký nay chỉ còn 30 ký. Không ai còn hy vọng ông có thể sống được. Gia đình đã chuẩn bị tinh thần cho tình trạng xấu nhất. Có lẽ trong cơn hoạn nạn cũng chính là lúc ông Hai bắt đầu biết cầu nguyện. Gia đình đưa ông về và điều trị cầm chừng bằng thuốc miễn phí do trạm y tế của xã cấp. Không biết bệnh của ông diễn tiến như  thế nào, nhưng giờ đây ông đã trở nên hồng hào, khỏe khoắn và đầy đặn hơn. Cơn hiểm nghèo đã qua và bác sĩ thật bất ngờ khi xem kết quả tái khám, vì ông đã dần hồi phục.

Khi tôi hỏi tại sao ông Hai lại quyết định theo đạo thì ông không ngần ngại trả lời:

– Dì biết không, lần này tui quyết theo đạo là vì tui tin có Chúa cứu tui.

Và ông kể tiếp:

– Khi còn trong bệnh viện, không hiểu sao lúc đó tui la to lên “lần này về nhất định tui phải theo đạo”.

 Ông Hai cười thong thả:

– Dì biết không? Lúc đó những người cùng phòng trong bệnh viện ai ai cũng nhìn tui vì tui la lên như vậy, cả ông bác sĩ cũng vậy, ở đó không ai có đạo, lúc nói xong thấy mọi người nhìn mình tui mới thấy mắc cỡ quá chừng vì không biết tại sao mình la lên như vậy.

Ông Hai học Giáo lý thì khó thuộc, nhưng niềm tin của ông thì không cần phải khảo bài. Chúa đã ban cho ông có thời gian và cơ hội cuối đời để trở về với Ngài. Có lẽ đây chính là lời đáp trả của Chúa cho những lời cầu xin của vợ con ông Hai trong suốt thời gian dài đằng đẵng … Khóa học của ông Hai đã gần kết thúc, ngày lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy mà ông mong chờ đã gần kề. Thấy ông hạnh phúc tôi cũng vui lây.

Nhận Bài sai mới, tôi biết mình sắp phải chia tay ông để tiếp tục công việc của mình, tiếp tục đến với những người chưa biết Chúa với những công tác mới được trao. Chia tay không biết còn có ngày gặp lại ông không, nhưng trong sứ vụ Truyền giáo của Hội Dòng, chắc chắn tôi sẽ còn tiếp tục gặp những con người nghèo khổ với những hoàn cảnh khác nhau nhưng họ vẫn là hiện thân của một Thiên Chúa khó nghèo.

Dù đến với ai, nẻo đường Sứ vụ của tôi không mang theo nhiều kiến thức hay những tài năng nhưng chủ yếu là mang theo nỗi cảm thông với từng người, từng tâm tư tình cảm của họ. Sức mạnh cho đôi chân truyền giáo của tôi là niềm vui của những người được học biết về Chúa, là lời cầu nguyện của cộng đoàn trong những giờ kinh lễ và tình yêu của Chúa Giêsu dành cho cuộc đời tôi thôi thúc tôi chia sẻ với những người chưa một lần được biết đến Ngài…  Vì tài hèn sức mọn, tôi chưa làm được điều gì lớn lao cho họ, nhưng tôi nhận đã được thật nhiều nơi những người nghèo của Chúa. Đó là những tình cảm chân chất giữa người với người, cùng với những niềm vui nho nhỏ của người thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo.

Sr. Hương Quê

Comments are closed.

phone-icon