Trong vụ án Chúa Giêsu, một trong những điều gây thắc mắc cho giới cầm quyền Do Thái là sự thinh lặng của Đức Giêsu. Nhưng, nếu như họ lặn chìm trong cái im lặng sâu thẳm nhất của Người, có lẽ họ sẽ khám phá được cái “bí ẩn” tuyệt vời!
Cuộc Phục Sinh không tức khắc tuôn trào từ cái chết của Đức Giêsu, nhưng sự chuyển trao giữa hai trạng thái đó có sự “thinh lặng” , sự nghỉ ngơi của ngày Sabath.
Trong những ngày đầu của cuộc tạo dựng, khi bóng tối còn đang bao trùm vạn vật, Thiên Chúa sáng kiến khai mở một thế giới mới cho con người : “Hãy có Ánh sáng!”. Tuyệt hơn nữa, trong luồng ánh sáng xuất phát từ nấm mồ đẩy lui hoài nghi ngờ vực từ phía con người. Ánh sáng ấy đã thu hút người đàn bà còn đang thao thức về cái chết của Đức Giêsu. Nên ngay từ sáng sớm, bà vội vã cất bước ra đi đến mồ Chúa. Nhưng sự trống vắng và bất động của nấm mồ đã làm bà hốt hoảng, lo lắng: “ Họ để xác Người ở đâu?” (Ga,2) Trái tim không để Bà yên, Bà phải tìm tới Đấng mình đã theo tới chân thập giá. Và quả thật, Đấng có tình yêu sâu thẳm đã chạm tới trái tim Bà, Người chuẩn bị cho Bà cuộc gặp gỡ bất ngờ và thú vị từ phía thế giới. Mọi ưu tư phiền muộn đã mất hút ngay từ lúc nào để chỉ còn lại một tia sáng của Đấng Phục Sinh từ phía nấm mộ, đến nỗi Bà thốt lên mừng rỡ: “Tôi đã thấy Chúa” (Ga 20,18)
Cũng vậy trong cái chết cô tịch ấy, môn đệ Emmau cũng thất thiểu ra đi. Họ không khám phá được cái “huyền nhiệm” đã được mặc khải trong quá khứ. Nay được Đức Giê su gợi nhớ lại để các ông nhận ra rằng: Người đang chuyển biến từ trạng thái “bất động” sang trạng thái “hoạt động”. Điều đó làm các ông càng xác tín thêm : sự “Im lặng” trong cái chết của Đức Giê su là một mầu nhiệm. Chỉ có ai có lòng tin mạnh mẽ mới xứng đáng được nhìn thấy vinh quang của Người. Đàng khác, yếu tố tâm lý con người không thể thay thế cho đức tin, nó lấn át tâm trí và con tim để nhận diện Đấng đã Phục Sinh. Nhưng chính Đấng ấy đã để cho Tôma thỏa mãn tính hiếu kỳ cứng tin của mình để từ đó, Ông thực sự tuyên xưng Người là Chúa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa của tôi!” (Ga 20,28). Đức tin đòi chúng ta phải trải qua những kinh nghiệm đó là sống kinh nghiệm ấy như lời mời gọi linh thiêng của Đấng Phục Sinh. Ánh sáng mới đã bắt đầu ló rạng bao trùm cả không gian trời đất. Cần phải mở tung cánh cửa để sức sống của Thiên Chúa tràn vào.
Cũng chính trong cái lặng lẽ âm thầm thẳm sâu nhất của cái chết, Đức Giê su đã làm cho những người cận thân cũng như những kẻ còn hồ nghi một nhân sinh quan mới mẻ và bất ngờ. Người muốn như vậy, bởi vì dưới nhãn quan tầm thường, con người chỉ dừng lại ở tư tưởng thực tại về cái chết của Người. Họ tưởng rằng cái chết ấy mặc nhiên chứng minh rằng con đường tìm Chúa của người biệt phái đã thắng. Còn các môn đệ thì… hụt hẫng, nhưng Đức Giê su đã trở lại như một người đang sống thực với các môn đệ cứng tin này (điều đó có nghĩa là khi giải thoát Đức Giê su khỏi cái chết, Thiên Chúa đã xác nhận lời nói, thái độ và tự do của Ngài. Từ kinh nghiệm ấy môn đệ nhìn lại quãng đời lịch sử của biến cố với lối nhìn mới: nhà thần học Duquoc đã diễn tả như sau: Đức Giê su không phải chỉ là một ngôn sứ quyền năng hành động trong lời nói, nhưng là Đức Kitô, nghĩa là Mêssia thật, mọi lời hứa với tổ tiên dân Israel nay đã được thực hiện. Bởi vậy, khác với những khuôn mặt cũ kỹ, sợ hãi, nhút mhát ngày xưa nay đã được chuyển biến thành những nhà hùng biện trứ danh ở Giêrusalem, mạnh dạn tuyên xưng điều người Do Thái cho là điên rồ về thập giá Đức Kitô: “Đức Giê su người Nazaret, người mà Thiên Chúa sai đến với anh em… Thiên Chúa đã cho Người sống lại bằng cách giải thoát người khỏi những đau khổ của sự chết, vì sự chết không thể giam giữ Người dưới quyền lực mình.” (Cv 2.22-24). Hơn nữa, sách Tông đồ Công vụ đã mở đầu bằng một giải thích lý do tại sao cộng đoàn sơ khai làm chứng về Đức Giê su như thế: chính các tông đồ đã được Người hiện ra như một người đang sống thật sau cuộc khổ nạn của Người(Cv1,3). Vì thế, hình ảnh và con người Đức Giêsu đang sống lại trong các tông đồ mãi mãi. Người là Chúa và là Thầy của họ.
Chỉ trong thời gian “thinh lặng” và thời gian ngắn ngủi ày, Đấng Phục Sinh đã bừng lên một tia sáng không bao giờ tàn lụi. đối với các tông đồ, mọi vấn đề khó khăn đau khổ hay bách hại không còn cản trở các ngài đến với Đấng Phục Sinh. Trái lại, các vị đã hiên ngang chấp nhận vì danh Đức Giêsu Kitô. Thập Giá chính là con đường đưa cho các ngài trở về với Thiên Chúa và vinh quang ấy chỉ dành cho những ai tin vào Người. Hạt giống chấp nhận gieo mình xuống đất để được thối đi mới mong được sinh hoa kết quả. Mỗi người chúng ta sẽ làm gì để khám phá hạt giống đức tin mà Đức Giêsu Phục Sinh đã gieo vào lòng mình?
Đan Minh