Sống ơn gọi Đa Minh trong xã hội hiện đại

0

DẪN NHẬP

Ơn gọi Đa Minh luôn gắn liền với sứ vụ Loan Báo Tin Mừng. Sứ vụ loan báo Tin Mừng của người  Tu sĩ Đa Minh là sứ vụ biên cương: tiếp cận, đối thoại, làm chứng về chân lý và tình yêu của Thiên Chúa ngay trong môi trường sống của mình. Vì thế, người tu sĩ Đa Minh cần được trang bị những đức tính nhân bản để gặp gỡ con người, hiện diện giữa đời như người anh chị em được tôn trọng mến phục và tín nhiệm. Với ý nghiã và mục đích trên, sau đây xin trình bày chân dung người tu sĩ Đa Minh như “người được yêu” để loan báo niềm vui cứu độ một cách hiệu quả.

Nhận xét chung cho rằng : Người được yêu là người có hình thức và phẩm chất thu hút làm cho người khác thích ở gần và mến phục. Phải chăng đó là người có nét đẹp thể chất, nét đẹp năng lực và phẩm cách? Phải chăng, đó chính là những phương thế hữu hiệu để loan báo Lời?

I. NÉT ĐẸP THỂ CHẤT

Ngày nay, “người đẹp” đang được thần tượng và nhu cầu làm đẹp mỗi ngày mỗi gia tăng. Trong thực tế, mỗi người  đều được Thiên Chúa ban cho một vẻ đẹp ngoại hình riêng, độc nhất vô nhị, vì sau mỗi tác phẩm đã sáng tạo, Chúa luôn hài lòng và mỉm cười khen đẹp. Vì thế, mỗi người cần hiểu biết để giữ gìn sức khỏe và vẻ đẹp tự nhiên của mình qua việc ăn uống và làm việc điều độ, tập thể dục hít thở dưỡng khí, mặc trang phục tương xứng với vai trò của mình và có những tương quan lành mạnh trong cuộc sống.

Quả thực, nét đẹp vui tươi đầy tràn sức sống, hồn nhiên, dịu hiền và thanh thoát của chúng ta chính là lời giới thiệu rất hấp dẫn về sứ điệp Tin Mừng. Vì thế, chúng ta đừng đánh mất vẻ đẹp  của mình bằng thái độ sống mặc cảm tự ti, hay tự tôn. Tuy nhiên, những người quá quan tâm, đề cao nét đẹp thể chất thường có khuynh hướng thần tượng mình, biều hiện cho sự ích kỷ. Do đó, nhiều người dù rất đẹp, nhưng vẫn không hạnh phúc trong cuộc đời. Trái lại, chúng ta sẽ được nhiều người mến phục hơn nhờ năng lực và phong cách ứng xử đẹp của mình.

II. NÉT ĐẸP NĂNG LỰC

 Xã hội hiện đại đánh giá rất cao năng lực của một con người.. Đó là động lực thúc đẩy sự phát triển của cá nhân gia đình và xã hội. Số báo TTCN/5/20 đăng bài  CÓ THỰC MỚI CÓ NỘI LỰC đã nói đến cô bé Philippin 16 tuổi, giải nhất trong cuộc phỏng vấn “Ai là nhân vật quan trọng nhất TK 21?” Cô đã trả lời: “Tôi”… Chính tôi, một học sinh quan trọng là người quan trọng nhất TK. Tôi còn chưa ghi dấu ấn của mình vào lịch sử thế giới và tôi không hề khao khát trở thành một Einstein hoặc Bill Gates khác bởi tôi chỉ muốn là tôi.”

Người tu sĩ cũng phải có thực lực, đó là một cuộc sống thực chất tu sĩ, thực chất bước theo Đức Kitô loan báo Tin Mừng về lòng thương xót của Cha trên Trời. Với mục tiêu đó, sứ vụ biên cương đòi chúng ta cần trang bị vốn kinh nghiệm gặp gỡ Chúa Kitô trong  Lời Chúa và trong cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa. Đồng thời chúng ta cũng cần có những khả năng chuyên môn để thâm nhập cơ cấu xã hội. Trong thực tế, một điều đáng tiếc là việc học tập của chúng ta thường hay chạy theo phong trào, mỗi người chưa thực tìm ra năng khiếu, sở thích và chuyên môn riêng của mình. Để có thực lực mỗi người cần nắm vững mục tiêu, có ý chí khẳng định niềm tin vào chính mình và nhẫn nại đi lên từ những công việc có thể là tầm thường đối với người khác. Việc huấn luyện và tự huấn luyện sẽ tạo ra thực lực cho từng tu sĩ tức là tạo ra thực lực cho toàn Hội Dòng. Muốn có nội lực mạnh thì năng lực của từng người phải thực. Thực trong kết quả học tập, thực trong từng trách nhiệm hằng ngày, thực trong giao tiếp với tha nhân có định hướng và mục đích : “nguyện Danh Cha cả sáng” và mong ước có nhiều anh em đón nhận ơn cứu độ của Cha.

III. NÉT ĐẸP PHẨM CÁCH

Phẩm cách là giá trị riêng của một người thể hiện ở tư cách. Phẩm cách bao gồm cả phẩm chất, phẩm giá, phẩm hạnh, phong cách và phong độ. Đó là những lối ứng xử, cung cách sinh hoạt và những đặc điểm tâm lý thể hiện ra vẻ mặt, dáng đi, cử chỉ, nói năng, tạo thành cái duyên hấp dẫn người khác. Euripide phát biểu : “Không phải cái đẹp của một người hấp dẫn mà là do phẩm cách của họ”. Cha ông ta thường nói : “Cái nết đánh chết cái đẹp.” Phẩm cách của một con người biểu hiện cả thế giới tâm hồn của người đó, một vùng sâu mênh mông thật kỳ diệu mà chúng ta khám phá cả cuộc đời cũng không hết. Đó là lý do tại sao chúng ta thấy nhiều cặp vợ chồng càng về già, họ càng yêu nhau, gắn bó với nhau như hình với bóng.

Các nhà tâm lý nói rằng: Phẩm cách con người có được do những thói quen được luyện tập vì tư cách là những yếu tố tâm lý đã ổn định. Để có những thói quen tốt không thể bỏ qua những yếu tố giáo dục vì “Giáo dục cho con người phẩm cách” (Diderot). Sau đây xin trình bày về những nét đẹp của “người được yêu” thể hiện trong những thói quen giao tiếp có văn hóa, thói quen tự chủ và thói quen lãnh trách nhiệm.

1. Thói quen giao tiếp có văn hóa.

Văn hóa Đông phương cũng như Tây phương cùng đề cao giáo dục lễ giáo về việc chào hỏi, cám ơn, xin lỗi. Đó là nét đẹp văn hóa và thông qua mỗi thành viên mà một quốc gia, một gia đình, một tập thể được đánh giá là có nếp sống văn hóa hay không.

– Lời chào hỏi luôn mở ra một truyền thông thân thiện giữa người với người. Lời chào làm tăng vẻ đẹp vui tươi trên khuôn mặt và thể hiện sự tôn trọng đối tượng, nó cũng tạo nên niềm vui cho người được chào. Có những người rất ngại ngùng khi gặp người lạ mặt vì cho rằng mình không biết nói gì. Nhưng nếu chúng ta đi bước trước chào đón và hỏi thăm nhau thì sự thân thiện sẽ bắt đầu. Trong thực tế, những lời chào hỏi đơn giản này có nhiều người vô tình đã quên; ngay cả đối với ba mẹ và người thân của mình trong gia đình cũng như trong sinh hoạt cộng đoàn; và cuộc sống cô lập phát sinh từ đó.

– Lời cám ơn tuy ngắn gọn đơn sơ, nhưng khi luyện tập được thói quen phản xạ tự nhiên, chúng ta sẽ trở nên thực sự đáng yêu vì “thứ trái cây ngon nhất trần gian là  lòng biết ơn”. Lòng biết ơn được thể hiện qua lời nói và cách sống, đó chính là thái độ dễ thương nhất để chúng ta được nhận thêm những ơn mới. Trong đời sống gia đình cũng như xã hội, nhiều người không có thói quen nói lời cám ơn nhau; trong khi đó, chính những lời cám ơn tạo nên một truyền thông vui tươi, cởi mở và hạnh phúc trong tương quan giữa người với người.

– Lời xin lỗi của chúng ta được nói đúng nơi, đúng lúc, sẽ được mọi người cảm phục và yêu quí, vì ai cũng trân trọng người khiêm tốn và trung thực. Nhưng chỉ khi luyện tập thành thói quen chúng ta mới có thể dễ dàng xin lỗi khi làm phiền lòng người khác. Nhiều người cho rằng xin lỗi là tự hạ giá mình, không thể áp dụng cho cấp trên hoặc nhà giáo dục. Trái lại, dù ở cương vị nào, nhờ lời xin lỗi chúng ta lấy lại được giá trị đã mất sau mỗi lầm lỗi của mình và nhận được lòng tín nhiệm hơn của người thân hay cấp dưới. Nhờ đó, chúng ta sẽ trở nên tấm gương trong giáo dục.

Cuộc sống mỗi người là một tổng hòa những tương quan. Muốn có một tương quan tốt, mỗi người cần có thái độ chân thành với nhau được thể hiện qua những thói quen cơ bản như: chào hỏi, cám ơn và xin lỗi. Trong đời sống hằng ngày nhiều khi chúng ta đã quá quan trọng hóa công việc riêng của mình mà vô tình xem thường việc chào thăm bạn hữu hay những người chúng ta gặp gỡ, đặc biệt là những người bé mọn. Nhiều khi chúng ta vô tâm không nói được lời cám ơn sau khi chúng ta nhận được sự giúp đỡ của người khác; và tệ hơn nữa, chúng ta lại có thái độ tự ái “ta đây” để từ chối không xin lỗi một người nào đó mà chúng ta đã làm phiền lòng họ. Đó chỉ là những thiếu xót xem ra nhỏ mọn, nhưng với những thái độ đó, chúng ta đã thực sự đánh mất đi những tương quan thân thương tình người, đánh mất đi mục đích sự hiện diện của mình trong môi trường sống. Như thế là chúng ta đã đánh mất đi phong cách cần thiết của người rao giảng Tin Mừng. Người ta sẽ nhận thấy nơi chúng ta sự tương phản với bản chất của người có Chúa Kitô vì họ không tìm thấy nơi chúng ta kinh nghiệm về một Thiên Chúa yêu thương, nhân từ và luôn đồng hành ở giữa con người.

“Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Người đã sống gần gũi, cởi mở và tôn trọng mọi người. Qua những giao tiếp thân thương đời thường, Chúa  Giêsu đã thu hút dân chúng. Vì thế người tu sĩ cũng phải từ những thái độ nhân bản đơn giàn như việc chào hỏi, cám ơn và xin lỗi rất tự nhiên và chân thành để có thể trở nên người được mến phục trong Giáo hội và xã hội.

2. Thói quen tự chủ

Con người trổi vượt hơn những vật khác vì có khả năng làm chủ và khả năng sống yêu thương. Tình yêu luôn cần đến yếu tố tự do, nhưng tự do phải đi đôi với việc làm chủ; và tùy theo khả năng tự chủ, chúng ta sẽ có khả năng yêu thương theo Tin Mừng. Nói cách khác, chúng ta chỉ thực sự sống tự do khi làm chủ được bản năng của mình, vì khi nô lệ cho bản năng, chúng ta đã mất tự do rồi. Có người ngộ nhận cho rằng tôi tự do nghiện hút, tự do giao tiếp, tự do quan hệ tình dục, nhưng tự do họ đang sống là một hình thức nô lệ cho bản năng; mặc dầu họ đã nhìn trước được được hậu quả bi đát của nó. Vì thế, nền giáo dục nhân bản đã khắc sâu vào tâm trí chúng ta là không được sống buông trôi theo bàn năng. Chúng ta nên nhìn lại những thói quen xấu của mình để ý thức hơn rằng thái độ sống tự chủ rất cần thiết trong nhân cách người tu sĩ hôm nay.

  • Tự chủ trước những mâu thuẫn trái ý :

Nhìn lại mình, có khi chúng ta là người có kiến thức, tài năng hay đang giữ một vai trò nào đó trong xã hội, nhưng đôi khi chúng ta lại thiếu tự chủ khi gặp một mâu thuẫn trái ý. Thái độ vội vàng phản ứng với nét mặt căng thẳng, cau có kèm theo những lời nói chưa đủ suy nghĩ, chúng ta đã vô tình đánh mất sự tín nhiệm của người khác. Một điều đáng tiếc là: trong khi chúng ta cố đấu tranh cho phần thắng về mình thì thái độ của chúng ta lại tự hạ thấp giá trị của mình xuống. Điều tồi tệ hơn nữa là khi không nén được cơn nóng giận, chúng ta thường dễ dàng trách móc, phê bình và kết án đối tượng. Điều này sẽ châm ngòi cho chiến tranh bùng nổ, vì khi cả hai bên cùng mất bình tĩnh thì không ai còn có thể làm chủ được ngôn từ của mình nữa. Trong tác phẩm “vũ khúc của cơn giận” bà Harriet, một nhà tâm lý nhân bản đã cho chúng ta lời khuyên như sau :

Khi gặp một mâu thuẫn trong quan hệ gây tổn thương, qui luật chung để ‘vệ sinh tinh thần’ là phải bộc lộ ; nhưng chúng ta cần biết tự chủ để chuyển cơn giận thành lời phát biểu rõ ràng về chính mình một cách quyết tâm nhưng dịu hòa. Bạn hãy ngừng ngay cảm xúc muốn trách móc, phê bình, kết án về tính cách và ý định của đối tượng. Vì trong cơn nóng giận, bạn không thể  có được những lời nói và quyết định khôn ngoan. Trái lại, bạn hãy từ từ suy nghĩ về mối quan hệ giữa mình với họ và tìm lý do tại sao vấn đề đó lại làm bạn khó chịu. Rồi sau đó, bạn mới có thể nói lên điều đang làm bạn bị tổn thương mà vẫn giữ được thái độ tôn trọng đối tượng. Khi đó bạn mở ra một cơ hội để có thể đối thoại trung thực và tôn trọng nhau đem lại hiệu quả thiết thực.

Nguyên tắc làm chủ cảm xúc trên đây giúp chúng ta có được phong cách điềm tĩnh và tinh thần khôn ngoan. Đôi khi trong hiện tại chúng ta có thể chịu thiệt thòi thua lỗ hiểu lầm một chút, nhưng thời gian và thái độ bình an nội tâm của chúng ta sẽ thẩm định chân giá trị của mình một cách thuyết phục nhất. Trong cuộc sống nhiều người tự cho mình đã trưởng thành tình cảm. Nhưng nếu mỗi người biết khiêm tốn nhìn lại phong cách ứng xử của mình trong những tình huống khác nhau, chắc sẽ thành thật nhận ra rằng: mình vẫn chưa làm chủ được cảm xúc khi vui, lúc buồn, khi thành công, lúc thất bại, đặc biệt là những tình cảm phái tính, hay những tình cảm mâu thuẫn gây tổn thương: nóng giận, đau khổ. Đời sống tình cảm của con người rất phong phú và đa dạng. Những cảm xúc yêu, ghét, hưng phấn, chán nản của chúng ta xuất hiện một cách rất tự nhiên trước một sự kiện, một hoàn cảnh, hay một con người. Nó thay đổi như thời tiết, tự nó chưa phải là tốt hay xấu. Mỗi người có thể biết được tính tình của mình qua những tình cảm đó, nhưng tùy theo mức độ làm chủ được cảm xúc của mình mà mỗi người được đánh giá là đã trưởng thành hay còn ấu trĩ.

  • Tự chủ đối với tình cảm nam nữ :

Đời sống  độc thân của người tu sĩ hoàn toàn đi ngược với bản năng tự nhiên của con người. Nhờ đó tự nó trở thành dấu chỉ của Nước Trời, để cho mọi người nhận thấy sự hiện hiện quyền năng Thiên Chúa nơi phận người yếu đuối của chúng ta. Vì thế không ai có thể cho rằng tôi mạnh đủ để tự do giao tiếp. Trong thực tế đã có nhiều anh chị em vì thiếu khiêm tốn, thiếu tự chủ đã đánh mất phẩm chất của mình, trở thành phản chứng Tin Mừng. Lắng nghe Lời Chúa và kinh nghiệm của người khác, chúng ta có thể rút ra được những bài học cụ thể như: Chúng ta vào đời hiện diện giữa đời nhưng đừng để mình bị đời hóa; vì thế luôn cần một khoảng cách trong giao tiếp nam nữ. Đó là khoảng cách khiêm tốn ý thức sự yếu đuối của mình. Đó là thái độ tự do vượt ra khỏi ham muốn nô lệ của bản năng chiếm hữu tự nhiên đối với  những người mình thích, tự do đối với những lời khen tiếng chê, tự do để hoàn toàn thanh thản bình an, dành tình yêu phục vụ mọi người đang cần đến sự dấn thân hy sinh của chúng ta. Để trung thành với tình yêu giao ước với Thiên Chúa, bên cạnh đời sống đức tin, chúng ta cần luyện tập hằng ngày thái độ tự chủ, khiêm tốn; không nghĩ mình là trung tâm nhưng biết dâng hiến phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa.

3. Thói quen lãnh trách nhiệm

Tinh thần trách nhiệm thể hiện nhân cách trưởng thành. Người ta biết đến một người qua những việc họ làm hơn là những lời họ nói. Vì thế, nếu chúng ta có những dự phóng rất tốt, rất hay cho tương lai của mình, nhưng trong hiện tại, chúng ta lại không dấn thân chịu trách nhiêm và tích cực hoàn thành công tác của mình với hết khả năng ý muốn, thì chúng ta cũng chỉ dậm chân tại chỗ để nuối tiếc những cơ hội vụt bay khỏi tầm tay của mình; dù chúng ta có sẵn tài năng và kiến thức. Trái lại, nhiều người đã âm thầm đi lên từ những công viêc rất bé nhỏ cụ thể hằng ngày trong gia đình, trong lớp học, trong tổ chức tập thể, được hoàn tất với ý thức trách nhiệm rất cao. Nếu gặp thất bại họ cũng không tìm cách đổ lỗi cho hoàn cảnh hay cho người khác. Trái lại, họ can đảm nhận ra giới hạn của mình để rút kinh nghiệm và xin sự hướng dẫn thêm của người khôn ngoan hơn. Nhờ đó họ đã có được sự tín nhiệm của người chung quanh và thêm tự tin để dấn thân hơn trong sứ vụ.

Loan báo Tin Mừng là sứ mạng chính yếu của người tu sĩ Đa Minh, vì thế chúng ta cần phải luyện tập tinh thần trách nhiệm trong cuộc sống. Những người nhút nhát sợ trách nhiệm, sợ đau khổ không dám bắt đầu một việc gì  thì sẽ không bao giờ phát triển được tiềm năng của mình, không bao giờ có thể trở nên chứng nhân cho Lời Chúa trong môi trường mình hiện diện và phục vụ. Những người sống cầu nhàn, sợ thất bại, không biết khắc phục khó khăn, là những người không bao giờ được hạnh phúc, không thể loan Tin Mừng Phục sinh của Vị Thiên Chúa đã sống lại từ cõi chết..

KẾT LUẬN

Thánh phụ Đa Minh ngay từ khi Dòng mới thành lập, Ngài đã biết đầu tư nhân sự để tung ra thị trường thế giới một cách táo bạo. Ngài tin vào anh em mình vì Ngài đã hiểu được tấm lòng của anh em đối với sứ vụ cứu độ của Đức Giêsu, sứ vụ hiện diện giữa dân chúng như một người nghèo để loan báo Tin Mừng. Chính cái tâm yêu thương, khiêm tốn sẽ cho chúng ta phẩm cách đẹp để diễn tả niềm tin của chúng ta một cách hấp dẫn. Đây là điểm hội tụ của khoa học đức tin và nhân bản. Tin Mừng mời gọi chúng ta làm chứng cho chân lý bằng tình yêu của mình, thì khoa tâm lý cũng trị liệu những lệch lạc nhân cách của chúng ta khi giúp chúng ta sống thật với chính mình để có thể yêu thương và cảm nhận được tình yêu của người khác.

Mỗi người đều có kinh nghiệm về cuộc sống mình đã trải qua, về sứ vụ mình đã lãnh nhận. Nếu phải hối tiếc, phải chăng chúng ta thường ân hận về những tương quan chưa tốt đẹp của mình với tha nhân. Vâng, càng sống thực với lòng mình, chúng ta càng thấy rõ hơn những thiếu xót của mình về những đức tính nhân bản cần phải có trong tương quan giữa người với người.

Nhìn lại bản thân và quan sát những thành công, thất bại của tha nhân, chúng ta có thể nói lên xác tín rằng: “Những đức tính nhân bản là nền tảng và là hoa trái của đời sống tâm linh. Nó là nhịp cầu, là chất xúc tác không thể thiếu đối với sứ vụ Tin Mừng của người Tu sĩ Đa Minh trong mọi thời đại. Mỗi người chúng ta cần được giáo dục để có những thói quen tự trọng và tôn trọng tha nhân. Giữa lòng xã hội chúng ta phải là lời Tin Mừng, là “người được yêu” với nét đẹp phẩm chất thực sự để có thể tạo nội lực cho bản thân và sứ vụ của Dòng hôm nay. Mong thay !

Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP.

Comments are closed.

phone-icon