Viết cho chị

0

Chị nữ tu quý mến,

Tôi không phải là một họa sĩ hay một điêu khắc gia để có thể tạc nên hay vẽ ra một hình mẫu về người nữ tu. Thế nhưng tôi luôn ấp ủ ước mơ vẽ lên một bức chân dung về người nữ tu lý tưởng. Với ngòi bút còn nguệch ngoạc và chút kinh nghiệm về cuộc sống cũng như về đời tu còn non dại, tôi mạn phép được nói lên ước mơ của mình.

Nhìn vào thực tế cuộc sống hôm nay, tôi thấy nhiều người, phần đông là các bạn trẻ hay có những thần tượng cho mình. Thần tượng đó có thể là một cầu thủ bóng đá, một ca sĩ, diễn viên… và một khi đã có thần tượng rồi thì họ cố gắng bắt chước các thần tượng của mình: từ cách ăn mặc, đi đứng và cả sở thích nữa…Với tôi, tôi không dám thần tượng một ai vì đã là con người thì làm sao tránh khỏi những yếu đuối và những lần vấp ngã. Bước chân vào đời tu, tôi chỉ nhắm đến đích điểm của tôi là Chúa Giêsu. Dù biết thế nhưng tự trong thâm tâm, tôi ước ao được gặp gỡ, được sống nếp sống của người nữ tu thì tôi sẽ cố gắng vươn tới: Sự thánh thiện, vui tươi – hiền lành, cảm thông – cởi mở và biết thích nghi.

1. Chị nữ tu – Con người thánh thiện

Theo Đức cố Giáo hoàng Gioan XXIII, thì nguồn gốc của sự thánh thiện là sự từ bỏ. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng xác định rất rõ với những người muốn đi theo Ngài: “Ai muốn theo Tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo.”

Từ bỏ- một ngôn từ đi ngược với dòng chảy của xu thế xã hội hôm nay. Tự bản tính con người là muốn thu góp chứ đâu phải từ bỏ. Thế mới biết cái giá của sự từ bỏ là đạt đến sự thánh thiện. Có một điều ta cần phải lưu ý là Chúa không chỉ nói đến sự từ bỏ của cải vật chất mà Chúa còn muốn ta từ bỏ chính mình nữa. Ngắm nhìn gương mẫu của Đức Giêsu, của các Thánh Tử Đạo ta thấy điều này thật sống động. Thiết nghĩ, chân dung của một chị nữ tu hôm nay phải phản chiếu được sự từ bỏ của Đức Kitô qua cung cách phục vụ. Càng dấn thân vào đời phục vụ, chị càng phải gìn giữ và biết nuôi dưỡng tình mến của chị với Đức Kitô. Vì giữa cuộc đời trôi nổi và những thách đố hôm nay đang rất cần đến ngọn lửa tình yêu được toát ra từ sự thánh thiện của chị.

2. Chị nữ tu – con người vui tươi và hiền lành

Hiền lành: Hiền lành không có nghĩa là nhu nhược hay nhút nhát. Hiền lành cũng không phải là “gió chiều nào cây đổ chiều đó”. Thế nhưng, sự hiền lành của chị nữ tu phải hoạ lại rõ chân dung của Thầy Giêsu, vì Ngài đã nói: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng.” (Mt 11,29). Thực tế cho thấy một khi cái tâm trở nên hiền và lành tất sẽ tạo nên một tâm hồn thư thái an vui. Niềm vui đó lan toả ra trên khuôn mặt, ánh mắt và nhất là nụ cười.

Vui tươi: sự hiện diện của một chị nữ tu vui tươi sẽ phá vỡ đi bầu trời u ám và đem lại cho mọi người luồng khí trong lành. Sự vui tươi thực sự nói lên niềm hạnh phúc khi được sống trong nhà Chúa. Sự dâng hiến có vui thì mới làm chứng cho người khác thấy Chúa Giêsu thực sự đang hiện diện trong cuộc sống hôm nay. Về điều này chính Thánh Phaolô quả quyết: “Ai vui vẻ dâng hiến thì được Thiên Chúa yêu thương”

3. Chị nữ tu – con người có tấm lòng cởi mở và biết cảm thông

Ai cũng cho rằng ngày hôm nay con người ta có cuộc sống đầy đủ hơn, mọi nhu cầu được đáp ứng thoả mãn. Nhưng nếu nhìn thật vào cuộc sống nhân sinh thì ta dễ nhận ra một điều: Con người đang khao khát một tình yêu thương và họ cần lắm những con người có tâm hồn quảng đại và cảm thông với họ. Họ có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết nhưng các phương tiện máy móc dù có tối tân đến bao nhiêu cũng không thể đáp ứng khát vọng đó. Nói chi xa lạ, ngay chính người thân trong gia đình hay trong công sở cũng đâu quan tâm đủ đến nhau, nên nhìn bên ngoài thì trông có vẻ hạnh phúc nhưng bên trong ai cũng đang ấp ủ một nỗi niềm riêng. Trong lĩnh vực này thì sự xuất hiện của người tu sĩ, cách riêng là chị nữ tu, chị có thể làm được gì? Chị không sống trong bậc gia đình, vậy chị có giúp san sẻ cho những tâm hồn đang day dứt buồn khổ của đời sống hôn nhân? Chị ở trong nhà dòng với những ràng buộc của lời khấn, của kỷ luật, vậy chị giúp được gì cho những tâm hồn đang bùng cháy những ước mơ hay những con người đang sa chìm trong những vấn nạn của xã hội? Còn nhiều câu hỏi đặt ra để thấy được cái khoảng cách giữa đời sống nữ tu với những ước mong của chị. Thế nhưng nếu suy nghĩ kĩ dưới ánh sáng của lời Chúa thì chị có thể nhận thấy rằng: những vấn đề chị đang băn khoăn chỉ là cái phụ, còn cái chính là huấn luyện cho mình có một tấm lòng cởi mở và một khối óc, một quả tim biết cảm thông. Chính khi có một khối óc và một quả tim như vậy thì đời sống của chị, nhất là mối tương quan của chị với Chúa sẽ trở nên sống động và chính khi chị nhận ra sự bất lực, những giới hạn của bản thân thì chị sẽ tìm đến nương ẩn và phó thác tất cả cho Thiên Chúa. Vì chính Lời Chúa đã nói: “Đối với con người thì không thể nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể”

4. Người nữ tu – con người biết thích nghi

Có ai đó đã nói : Ngày hôm nay người ta hơn nhau không phải ở chỗ có tiền, có quyền, có học vấn… nhưng hơn nhau ở chỗ có biết thích nghi với cuộc sống, với những đổi thay của thời cuộc hay không. Theo quy luật sinh tồn thì ta thấy rõ hơn, sinh vật nào biết thích nghi thì tồn tại. Sự thích nghi đó có thể là về khí hậu, văn hoá, sự phát triển của xã hội… Nhìn vào đời tu hôm nay ta có thể nhận thấy sự mở cửa của các nhà Dòng để “tung” các tu sĩ vào lòng xã hội. Với khẩu hiệu của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc” hay với tôn chỉ của dòng Đa Minh là “chiêm niệm và chia sẻ cho tha nhân những điều mình chiêm niệm”, chính là lời mời gọi người nữ tu nhập cuộc vào đời sống xã hội. Chính lúc này là dịp để cho sự thánh thiện, lòng cảm thông được đơm bông kết trái qua những chứng từ cụ thể. Thật cảm động biết bao khi thấy bóng dáng của chị nữ tu hiện diện trong những nơi “nóng bỏng” của xã hội như: Trung tâm cai nghiện, chăm sóc người nhiễm HIV giai đoạn cuối ở bệnh viện Nhân Ái, trung tâm Mai Hòa… nhờ bàn tay của người nữ tu mà biết bao con tim băng giá đã được làm ấm lại trước khi giã từ cuộc đời.

Chị mến, chị hãy đáp lại lời mời gọi nhập cuộc của Đức Giêsu “Như Cha đã sai con đến thế gian thì con cũng sai họ đến thế gian.” (Ga 17,18). Chị hãy tin vào Đức Giêsu vì trong lời nguyện của Ngài với Chúa Cha có thấp thoáng hình ảnh của chị: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian. Nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian.“ (Ga 17,15-16)

THAY LỜI KẾT

Chân dung của người nữ tu-một anh hùng hay một người điên giữa dòng xã hội hôm nay?

Có một bạn trẻ đã nói với tôi: “Ngày hôm nay có điên mới đi tu!” Còn những bạn trẻ khác đang tu thì cảm thấy phân vân chọn lựa: Bậc sống nào cũng hay, cũng tốt. Có khi tu thì bấp bênh mạo hiểm hơn ngoài thế gian. Và với hấp lực của thế giới vật chất, quyền lực và danh vọng đang và sẽ đặt đời tu trước một thách đố. Sống các lời khuyên Phúc Âm: khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục- nhiều người cho đó là điều không tưởng.

Nêu lên một vài thực trạng đó để phần nào cho thấy những khó khăn, cám dỗ mà một người nữ tu trẻ đang đối diện với cuộc sống. Nếu không cẩn thận thì trở nên con người tính toán thiệt hơn với Chúa, với đời tu. Có những lúc chị thốt lên: Sao tôi lại ngu thế nhỉ? Ôi đời tu! Và cả đời sống cộng đoàn nữa chứ… Tới đây xin mời chị nữ tu đọc tâm tình của thánh Phaolô: “Hãy nghĩ lại xem khi anh em được Thiên Chúa kêu gọi thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại, thì Thiên Chúa đã chọn để hạ gục những kẻ khôn ngoan và những gì thế gian cho là hèn kém thì Thiên Chúa đã chọn để hạ gục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt người”. (1Cr 1,26-29)

Theo định luật của thiên nhiên và vũ trụ thì trái đất vẫn cứ xoay, ngày này tiếp nối tháng kia. Dòng chảy của thời gian đã và đang cuốn đi theo nó những biến động và đổi thay của xã hội và cả lòng con người nữa. Người tu sĩ, cách riêng là chị nữ tu không thể không bị hút vào dòng chảy đó. Thế nhưng khi nhìn về quá khứ, sống hiện tại và thoáng nhìn về ngày mai vẫn còn đó những yếu đuối, khó khăn hay cả những thách đố, nhưng tất cả sẽ trở nên sức mạnh phi thường trong tình yêu Đức Kitô, nếu mỗi ngày chị không ngừng thầm thĩ với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa.” Chị đã được đọc trang sử của Thánh Phêrô, của thánh Phaolô, và các thánh… còn bây giờ, chính chị, chị hãy viết tiếp trang sử của chị – người đang theo nhịp bước của Thầy Giêsu giữa cuộc sống hôm nay.

Sr. Catarina Bích Nga

Comments are closed.

phone-icon