Một bức ảnh về con người Việt Nam vừa xuất hiện trong bộ ảnh “Câu chuyện về sự đói nghèo và niềm hy vọng” trên tạp chí Mỹ.
Tạp chí Mỹ National Geographic vừa thực hiện bộ ảnh mang tên “Câu chuyện về sự đói nghèo và niềm hy vọng”, trong đó, có một bức ảnh của nhiếp ảnh gia Việt Nam được đánh giá cao.
Họ đến từ những quốc gia khác nhau, làm những công việc khác nhau, ở những độ tuổi khác nhau, nhưng họ – những nhân vật xuất hiện trong các bức ảnh ấn tượng dưới đây – đều có một điểm chung, đó là cảnh nghèo.
Những bức ảnh dưới đây cùng nằm trong bộ ảnh mang tên “Câu chuyện về sự đói nghèo và niềm hy vọng”, trong đó khắc họa những con người lam lũ đang ngày ngày lao động cần mẫn với niềm hy vọng sẽ dần dần có được cuộc sống khấm khá hơn, thoát khỏi cảnh nghèo.
Những con người xuất hiện trong bộ ảnh đến từ khắp nơi trên thế giới, không chỉ ở những nước thuộc “thế giới thứ ba” mà ngay cả ở những quốc gia giàu nhất thế giới, cũng vẫn có những con người đang ngày ngày đối diện với cảnh nghèo.
Việt Nam: Một cụ bà đang nấu ăn trong ngày giỗ của một người thân quá cố, bà cụ hy vọng rằng việc mình thành tâm cúng giỗ sẽ giúp bà có thêm được nhiều may mắn trong cuộc sống. (Ảnh: Nguyen Phuc)
Bức ảnh được biên tập của tạp chí National Geographic nhận xét: “Một góc nhìn đẹp chứa đựng những kịch tính ẩn chứa trong công việc nấu nướng của nhân vật chính. Bố cục sáng tối, kịch tính trong biểu cảm, hành động của nhân vật đã được gói trọn trong khuôn hình. Đây là một bức ảnh đẹp!”.
New Delhi, Ấn Độ: Một em nhỏ đang giúp cha đẩy xe chở rau. Một tay dắt chiếc xe đạp, một tay đẩy xe, bàn tay nhỏ của em có lẽ không giúp cha thêm được bao nhiêu sức lực nhưng đây là bức ảnh hiện thân cho sự cùng cố gắng nỗ lực của một gia đình nghèo. (Ảnh: Debajit Bose)
Kolkata, Ấn Độ: Người dân đang tham gia lễ hội Annakut, họ hồ hởi hứng lấy những hạt gạo được ném xuống từ một đền thờ Hindu. Hứng được gạo tế lễ là điềm báo may mắn rằng cả năm gia đình sẽ no đủ. (Ảnh: Sudipta Maulik)
Ấn Độ: Những người dân nghèo đang xếp hàng nhận bánh mì từ thiện. Tác giả bức ảnh chia sẻ rằng đói nghèo vẫn bủa vây đất nước đông dân Ấn Độ. Những biểu cảm trong ánh mắt của người nhận bánh đã nói lên nhiều điều. (Ảnh: Sanchi Aggarwal)
Philadelphia, Mỹ: Một cha xứ đang đứng nói chuyện với một người đàn ông nghèo khó đến dùng bữa tại cơ sở phát đồ ăn từ thiện. Cơ sở này đã phục vụ những bữa ăn miễn phí cho người nghèo kể từ năm 1979. (Ảnh: Octavio Duran)
Bengal, Ấn Độ: Một người đàn ông đang ngồi bán dừa bên cạnh cậu con trai nằm ngủ “lăn lóc” bên những trái dừa. Cả hai cha con đều đang trong tình trạng đúng nghĩa đen của cụm từ “gầy dơ xương”. (Ảnh: ParthaSarathi Nandi)
Ba Lan: Một người đàn ông đang thu hoạch rau. Ở nhiều quốc gia Châu Âu hiện nay, người trẻ đang dần quay lưng với nghề nông bởi công việc này ngày càng trở thành nghề nghiệp khó khăn, vất vả, nhiều rủi ro và thu nhập không cao. (Ảnh: Malgorzata Walkowska)
Bộ ảnh “Câu chuyện về sự đói nghèo và niềm hy vọng” được thực hiện bởi sự phối hợp giữa tạp chí Mỹ National Geographic và tổ chức chuyên về những vấn đề liên quan tới đói nghèo Feeding America.
Các nhiếp ảnh gia trên khắp thế giới đã được mời gửi ảnh xoay quanh chủ đề về sự nghèo đói về ban tổ chức. Sau khi phát động, người ta đã nhận được hơn 5.000 bức ảnh gửi về từ khắp nơi trên thế giới, nhờ vậy, bộ ảnh đã phản ánh được sự đói nghèo “muôn hình vạn trạng” trên khắp hành tinh.
Assam, Ấn Độ: Một cậu bé trở về nhà khi sương đã bắt đầu buông xuống sau một ngày làm việc vất vả. (Ảnh: Ankit Mohonto)
Đảo Guam, phía Tây Thái Bình Dương: Những người nhập cư gốc Á vào Mỹ đang cùng nhau chuẩn bị một bữa ăn cho lễ Tạ ơn. Đối với nhiều người, Mỹ là “miền đất hứa”, họ cố gắng nhập cư vào Mỹ để có được một tương lai tốt đẹp hơn. (Ảnh: Hiro Kurashina)
Đại diện của tạp chí National Geographic chia sẻ: “Những bức ảnh này nhắc nhở chúng ta về những con người còn đang ngày ngày đối diện với nghèo khó, họ ở ngay xung quanh chúng ta. Nhìn những con người đang vất vả vật lộn ấy, họ cho chúng ta thấy cả niềm hy vọng, bởi luôn có những cách để thoát khỏi đói nghèo”.
“Nghèo đói tác động đến con người ở mọi quốc gia, mọi ngóc ngách của đời sống. Đói nghèo không quan tâm đến việc bạn đang sống ở quốc gia giàu có nhất thế giới hay đến từ một quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Nhưng nghèo đói không phải là vĩnh viễn, cùng hợp lực với nhau, chúng ta có thể vượt qua đói nghèo” – đại diện National Geographic chia sẻ.
Kolkata, Ấn Độ: Trong một khu chợ hoa, một người đàn ông trong lúc ngơi tay đang ngồi nghỉ bên quán nước. Phía sau ông còn những người đàn ông khác đang tranh thủ chợp mắt sau khi phải thức dậy từ sáng sớm để đưa hoa ra chợ bán. (Ảnh: Christina Sussman)
Madagascar: Phụ nữ đang thu hoạch lúa gạo để chuẩn bị cho “mùa đói kém” sắp tới. Thời điểm thu hoạch lúa gạo là lúc chấm dứt những chuỗi ngày “thắt lưng buộc bụng” nhưng đồng thời cũng là lúc để người ta lo toan, chuẩn bị cho những ngày giáp hạt. (Ảnh: David Evans)
Cộng hòa Dominica: Theo thống kê của Chương trình Lương thực Thế giới, trung bình cứ 9 người dân trên thế giới lại có một người không có đủ lương thực để đảm bảo một sức khỏe tốt. (Ảnh: Agnieszka Napierala).
New York, Mỹ: Một người phụ nữ vô gia cư đang nằm ngủ bên dưới logo của một thương hiệu thời trang cao cấp. Tác giả của bức ảnh cho biết khi những người bảo vệ nhìn thấy anh giơ máy ảnh lên, họ đã ra gây khó dễ, đó là một phần công việc của họ. Điều đáng buồn hơn là trong thế giới của sự xa xỉ, người ta muốn che giấu đi sự nghèo đói vẫn đang hiện diện, thay vì thực sự tham gia vào nỗ lực giải quyết đói nghèo. (Ảnh: Felipe Almeida)
Bangladesh: Những người vô gia cư ở Bangladesh. Họ chẳng có gì, nhưng điều gì khiến họ vẫn mỉm cười và có được gương mặt lạc quan đến vậy? (Ảnh: Faisal Azim)
Bangladesh: Một ngôi làng đang phải đối mặt với hạn hán. (Ảnh: Mmz Khan)
Philippines: Một gia đình nghèo thuộc diện nhận hỗ trợ lương thực ở Philippines. Cô bé này đã được cải thiện thể trạng rõ rệt kể từ khi gia đình em nhận được hỗ trợ lương thực. Điều gây ấn tượng mạnh nữa chính là việc những chiếc hộp đựng thực phẩm hỗ trợ được em giữ lại để làm đồ chơi. (Ảnh: B. Yen)
Somalia: Điều đáng buồn là trên thế giới này, vẫn còn những trẻ em phải chết vì không có đủ cái ăn. (Ảnh: Majed al Xaabi)
Bích Ngọc
Nguồn: dântri.com.vn