Kính thưa Quý Bề trên và Chị em,
Chúng ta đang bước vào Chúa Nhật thứ II Mùa Chay—Mùa hoán cải. Hoán cải ở đây không chỉ nhấn mạnh đến nỗ lực cá nhân trong việc diệt trừ những đam mê tội lỗi, nhưng quan trọng hơn là qui hướng chúng ta về tình yêu Thiên Chúa, nhận ra lòng thương xót vô biên của Ngài, để từ đó, điều chỉnh lối sống sao cho mỗi ngày chúng ta trở nên “con Thiên Chúa” hơn. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta lên núi chiêm ngắm Đức Giêsu biến hình, hầu nhận ra Ngài là “Con Yêu Dấu” của Chúa Cha, là Đấng Emmanuel—Thiên Chúa ở cùng chúng ta—và biết “vâng nghe lời Người” trong mọi biến cố trong đời thánh hiến của chúng ta.
I. LỜI CHÚA: Chúa Nhật 2 MC năm B (Mc 9, 2-10)
2 Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông.3 Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy.4 Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su.5 Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.”6 Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng.7 Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”8 Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi.
9 Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.10 Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.
II. SUY NIỆM
Bài Tin mừng hôm nay tường thuật biến cố Ðức Giêsu hiển dung trên núi cùng với hai vị sứ giả Cựu Ước là ông Môsê và ông Êlia, trước sự chứng kiến của ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan. Trước khi bước vào Mầu nhiệm khổ nạn và Phục Sinh, để củng cố đức tin cho các ông, Đức Giêsu đưa ba môn đệ ra khỏi đời thường để bước vào thế giới của Thiên Chúa. Trên núi cao, trước mặt các môn đệ, Ngài biến hình để mạc khải cho các ông căn tính thật của Ngài: Ngài là Con Thiên Chúa, là người Con được Chúa Cha yêu thương. Chính Chúa Cha đã xác quyết điều ấy qua tiếng phán từ trong đám mây: “Đây là Con Ta yêu dấu” và còn truyền cho các môn đệ “phải vâng nghe” giáo huấn của Con Ngài. Trong Mùa Chay này, Chúa và Giáo Hội mời gọi chúng ta sống biến cố Hiển dung của Đức Giêsu qua việc sống trọn căn tính và phẩm giá “con Thiên Chúa” nơi mỗi người qua lời nói và hành động của chúng ta, để anh chị em chung quanh nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta và chúng ta là con của Ngài.
1. Hiển dung—Mạc khải Thiên tính của Đức Giêsu trong nhân tính của Người.
Tuy đã sống với Đức Giêsu gần ba năm, nhưng các môn đệ vẫn chưa thật sự biết Ngài là ai? Sự hiểu biết về căn tính Ngôi Lời Thiên Chúa của Đức Giêsu của các ông thực ra mới chỉ dựa trên suy đoán, căn cứ vào các sự kiện và dấu chỉ bên ngoài của Ngài như: làm việc, giảng dạy, chữa lành, trừ quỷ, làm phép lạ …. Và như thế, các môn đệ nhìn Đức Giêsu như một Messia trần thế, Đấng được Thiên Chúa sai đến để cứu dân Người. Mãi đến khi được chứng kiến biến cố hiển dung, ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan mới được Đức Giêsu hé mở Thiên tính của Ngài.
Trên đỉnh núi cao, ba môn đệ đã có những trải nghiệm tuyệt vời về Thầy Giêsu. Cũng vẫn là Thầy Giêsu bằng xương bằng thịt mà các ông vẫn thường gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, nhưng hôm nay, các ông lại nhìn thấy Ngài dưới một dung mạo mới: thật sáng ngời, thật uy nghi, lại có cả Môsê và tiên tri Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài. Nhưng quan trọng hơn cả là tiếng phán từ trong đám mây đã giúp các ông nhận ra Thầy Giêsu của các ông chính là Con yêu dấu của Chúa Cha, là Đấng đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng, và là Đấng mà các ông phải vâng nghe lời Ngài (x. Mc 9,7). Như thế, điều các ông thấy bằng mắt, nghe bằng tai về Thầy mình hôm nay là bản chất đích thực của Ngài, khác với bình thường các ông chỉ thấy những hiện tượng bên ngoài của Ngài. Nói cách khác, hôm nay trên núi cao, vinh quang ngàn đời của Thiên Chúa ẩn giấu trong dáng vẻ tầm thường của con người Giêsu Nazareth, đã được hiển lộ. Khởi đi từ cuộc hiển dung này, ba tông đồ bắt đầu chân nhận thiên tính của Đức Giêsu trên khuôn mặt nhân tính của Ngài.
Khi suy niệm về cuộc Hiển Dung của Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi để nhìn vào chính mình. Qua bí tích Rửa Tội, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa, được mặc lấy Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, chúng ta phải có bổn phận thực hiện cuộc Hiển Dung của Đức Kitô trong cuộc đời của mỗi chúng ta, nghĩa là làm cho khuôn mặt của Đức Kitô được bừng sáng lên trong cuộc đời của mỗi người. Là Kitô hữu, đặc biệt là tu sĩ, chúng ta sống như mọi người, như Chúa Giêsu đã sống nơi dương thế, nhưng chính trong cuộc sống đời thường ấy, chúng ta được mời gọi làm sáng lên khuôn mặt của Thiên Chúa qua lời nói, hành động và cách sống của chính mình. Vậy, lối sống hiện nay của chúng ta có làm cho Thiên Chúa được hiển dung trong từng sinh hoạt của cuộc sống chúng ta không?
2. Hiển dung—nhận ra phẩm giá làm “con Thiên Chúa” nơi mỗi người.
Sự hiển dung của Đức Giêsu không chỉ tỏ lộ Thiên tính—Con Thiên Chúa—của Đức Giêsu, nhưng còn cho thấy phẩm giá làm con Thiên Chúa của mỗi chúng ta. Kinh thánh và Giáo huấn của Giáo Hội dạy rằng, con người được dựng nên “theo hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,27; Ep 4,24), “giống như Ngài” (St 1,26; 5,1), để trở nên “con cái Ngài” (Rm 8,14.16.21; Gl 3,26). Hơn nữa, mỗi người đều đã được Thiên Chúa “ban tặng một điều rất quý báu và trọng đại” là “được thông phần bản tính của Ngài” (2 Pr 1,4), mà bản tính của Chúa là thần linh, nên khi “được thông phần bản tính của Ngài”, một cách nào đó, chúng ta cũng mang bản tính thần linh nơi mình (x. Tv 82,6; Ga 10,35).
Là “hình ảnh Thiên Chúa,” là “con cái Thiên Chúa” và được dựng nên “giống như Ngài,” chúng ta có bổn phận phải sống đúng địa vị và phẩm giá của mình. Vì là “hình ảnh Thiên Chúa” chúng ta buộc phải tôn trọng bản thân, biết lựa chọn sống đúng với địa vị của mình, là sống tốt lành, sống cao thượng. Vì là “hình ảnh của Thiên Chúa” nên chúng ta phải nỗ lực xây dựng đời mình mỗi ngày nên giống Chúa hơn qua việc sống yêu thương, phục vụ. Hơn nữa, vì mỗi người đều là “hình ảnh của Thiên Chúa” nên chúng ta cần tôn trọng phẩm giá người khác, phải cư xử với họ xứng với bản chất cao quý của họ, dù họ giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, có địa vị hay vô danh, thánh thiện hay tội lỗi,… Như thế, biến cố Hiển dung của Đức Giêsu hôm nay còn mời gọi chúng ta hãy trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình, trở lại với căn tính của mình là con yêu dấu của Thiên Chúa để biết tôn trọng phẩm giá của mình và của tha nhân.
Ý thức về phẩm giá “con Thiên Chúa” nơi mình còn giúp chúng ta biết quý trọng sự sống Chúa ban, đồng thời nhắc chúng ta có trách nhiệm tôn trọng phẩm giá, danh dự, quyền lợi của tha nhân. Những việc từng làm hủy hoại con người: như thiếu điều độ trong ăn uống, phung phí thời gian, bất cẩn trong lời nói và thiếu suy nghĩ trong việc làm… đều đi ngược với ý Thiên Chúa. Cùng với sự tôn trọng, chúng ta còn phải có trách nhiệm đối với những người xung quanh, vì con người không chỉ là những cá nhân sống đơn lẻ trong cuộc đời, nhưng là những thành viên của gia đình Thiên Chúa. Nhờ liên đới với người khác, mà chúng ta trở nên nhân bản hơn trong mối tương quan với đồng loại. Chính tình thương chúng ta dành cho anh chị em sẽ minh chứng chúng ta là “hình ảnh của Thiên Chúa,” là con Cha trên trời và là anh chị em với nhau.
3. Hiển dung—Lời mời gọi xuống núi và nhập cuộc
Đức Giêsu đã đưa ba môn đệ thân tín lên núi không phải để “cắm lều,” để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên hay chìm vào những an ủi thiêng liêng, nhưng là để nhìn rõ hơn con đường Ngài phải đi trong sứ vụ sắp tới. Đối với Chúa Giêsu, con đường phải đi đó chính là thi hành ý Chúa Cha: lên Giêrusalem và đi vào cuộc khổ nạn. Thế nhưng, các môn đệ đâu biết điều đó! Các ông không hiểu rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh núi trong chốc lát, rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá lên đồi Canvê. Lúc này, các ông choáng ngợp trong vinh quang của Thầy, nên đã xin Thầy cho dựng ba cái lều để định cư vĩnh viễn ở đây. Các môn đệ muốn “đăng ký thường trú” trên núi vì ở đây sướng quá. Các ông muốn kéo dài giây phút huy hoàng ấy. Các ông không muốn trở lại công việc thường ngày, không muốn đương đầu với cuộc “khổ nạn” mà Đức Giêsu đã loan báo. Nhưng Đức Giêsu đã thúc giục các ông xuống núi và trở về với thực tại. Ngài phải xuống núi để chu toàn sứ mạng thiên sai quan trọng đó là: Ngài phải chịu đau khổ, chịu vác Thập Giá, chịu đóng đinh, chịu chết để đưa nhân loại về cùng Chúa Cha trong vinh quang Phuc Sinh.
Hành trình đức tin của người Kitô hữu, đặc biệt của người tu sĩ, cũng là một cuộc lên và xuống núi với Đức Kitô mỗi ngày. Chúng ta được lên núi với Chúa trong những giây phút kết hiệp mật thiết với Chúa qua Thánh lễ, kinh nguyện, những giờ cầu nguyện chung, riêng, những buổi tĩnh tâm… Chúng ta cần có những giây phút lên núi với Chúa như thế để cảm nghiệm thật sâu tình yêu của Chúa, để hưởng nếm hạnh phúc ngọt ngào khi được ở bên Chúa. Nhưng khi đã chiêm ngắm vinh quang Chúa rồi, chúng ta không được “cắm lều” ở đó, nhưng phải cùng Chúa xuống núi để đi đến nơi vì Chúa hiến mình cho anh chị em. Chúa muốn chúng ta cùng Ngài xuống núi để tiếp tục lên đường chu toàn sứ vụ Chúa Cha đã trao phó. Chúa muốn chúng ta xuống núi để chia sẻ kinh nghiệm, cảm nhận tình yêu và sự tuyệt vời của Chúa cho những người chung quanh. Chúa muốn chúng ta làm cho mọi người nhận thấy vinh quang tuyệt diệu của Chúa qua con người bất toàn của chúng ta.
Thưa Quý Bề trên và Chị em,
Mùa Chay năm nay sẽ đem lại ý nghĩa thật sự nếu chúng ta để cho Chúa hiển dung trong đời sống hằng ngày của mình. Hiển dung chính là hiến mình: chấp nhận một cuộc thanh tẩy, tự nguyện đóng đinh con người ích kỷ, an phận của mình vào Thập giá, để rồi được tự do theo Đức Giêsu trên con đường hiến thân cho anh chị em. Ước gì trong ngày tĩnh tâm này, mỗi chúng ta cảm nghiệm sâu xa hơn về biến cố Đức Giêsu hiển dung, để những cố gắng đổi đời của chúng ta trở nên quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Nhờ đó, khi trở về với đời sống thường nhật, khi phải giáp mặt với thập giá của công việc, của sứ vụ, của đời sống cộng đoàn, chúng ta đủ can đảm và tình yêu chấp nhận tất cả, hầu vinh quang Phục Sinh của Chúa mãi mãi chói ngời trong cuộc sống của mỗi chúng ta.
Lạy Chúa! Xin ban cho chúng con sức mạnh và lòng can đảm để chúng con sống đúng phẩm giá “con Thiên Chúa” của chúng con. Xin cho chúng con được “hiển dung” với Chúa trong Mùa Chay Thánh này, để chúng con khi được nên giống Chúa mỗi ngày mỗi hơn, chúng con được vui sướng đón nhận lời Thiên Chúa Cha nói với chúng con rằng: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con…” Amen.
Sr. Maria Đinh Thị Thu Hà