Thưa Quý Bề trên và Chị em,
Hôm nay cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta long trọng mừng kính Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Đây món quà quí giá nhất mà Đức Giêsu trao tặng cho nhân loại khi Ngài tự hiến mình trọn vẹn bằng việc ban Thịt Máu Ngài làm của ăn thức uống để nuôi dưỡng đức tin của người tín hữu, và để ở cùng họ mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,20). Mình Máu Thánh Chúa Kitô chính là Bí tích Tình yêu, là nguồn mạch mọi sinh hoạt trong Giáo hội và là tâm điểm của đời sống thánh hiến. Khi nói về mối tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và đời tu, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến (Vita Consecrata) số 95 viết:
“Bí tích Thánh Thể là tâm điểm của đời sống Giáo hội và cũng là tâm điểm của đời sống thánh hiến. Khi tuyên giữ những lời khuyên Phúc âm, làm sao một người đã được mời gọi chọn Đức Kitô là Đấng duy nhất đem lại ý nghĩa cho cuộc đời mình, lại không ao ước hiệp thông sâu xa với Người, nhờ tham gia mỗi ngày vào bí tích làm cho Người hiện diện, vào hy lễ làm cho tình yêu dâng hiến của Người trên đồi Gôngôtha tái diễn, vào bữa tiệc nuôi dưỡng và nâng đỡ Dân Thiên Chúa suốt cuộc lữ hành? Do tự bản chất, Bí tích Thánh thể là trung tâm của đời sống thánh hiến của mỗi người và mỗi cộng đoàn. Đó là của ăn đường và nguồn mạch linh đạo cho mỗi cá nhân và các tu hội.”
Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta được mời gọi yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể để trở nên giống Ngài qua cuộc sống hy hiến bản thân qua việc hiệp thông với Thân Mình Chúa Kitô và trở nên sự hiện diện sống động, đầy yêu thương của Ngài cho thế giới hôm nay. Trong ngày tĩnh tâm này, chúng ta hãy cùng nhau chiêm ngắm Thánh Thể, dâng lời chúc tụng tạ ơn Chúa về tình thương Chúa dành cho chúng ta, và xin Chúa giúp chúng ta qua việc sốt sắng cử hành hy tế Thánh Thể, chúng ta được liên lỉ kết hợp với Đức Kitô, Đấng đã hiến mình để nuôi sống nhân loại.
I. LỜI CHÚA: Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm B (Mc 14, 12-16, 22-26)
12 Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?”13 Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó.14 Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.”16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
22 Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.”23 Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này.24 Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.25 Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”
II. SUY NIỆM
Trình thuật Mác-cô hôm nay kể lại câu chuyện Đức Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể như Ngài đã hứa trong bài giảng về Bánh Hằng Sống tại hội đường thành Caphácnaum (x. Ga 6,51-58). Trong khung cảnh ấm cúng của bữa Tiệc Vượt Qua cuối cùng với các môn đệ trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giêsu “cầm lấy” bánh không men và rượu nho theo nghi lễ Do Thái, để biến nên Thịt và Máu Ngài, hầu ban cho những ai ăn Thịt và uống Máu ấy với tình yêu và niềm tin sẽ được sống đời đời. Động lực nào khiến Đức Giêsu có sáng kiến này? Câu trả lời hẳn là ý nghĩa đích thực của Bí tích Thánh Thể mà Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta suy niệm.
1. Thánh Thể—Tình Yêu tự hiến
Thánh Thể là Bí tích của Tình Yêu tự hiến. Quả vậy, vì yêu thương các môn đệ đến cùng (Ga 13,1) nên trước khi vĩnh viễn về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã có một sáng kiến tuyệt vời là lấy chính Thịt Máu Mình nuôi sống họ và mãi mãi cùng đồng hành với họ trên bước đường dương thế. Trong bữa tiệc Vượt Qua hôm ấy, “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14, 22). Việc “Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng” cho thấy Ngài chủ động dâng hiến chính mình. Ngài cầm lấy bánh là chính con người và vận mạng Ngài mà dâng lên Thiên Chúa Cha như của lễ toàn thiêu đền thay tội lỗi nhân loại.
Cả cuộc đời của Đức Giêsu là một hiến tế liên lỉ dâng lên Chúa Cha. Cuộc đời ấy là của lễ làm đẹp lòng Chúa Cha mọi đàng, vì Đức Giêsu đã đến trần gian để thi hành ý muốn Chúa Cha và trọn cuộc sống của Ngài được định hướng bằng thánh ý của Chúa Cha: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34). Nơi Đức Giêsu, mọi sự đều là hiến tế dâng lên Chúa Cha: từ lời giảng dạy đến các phép lạ, từ những hành vi cử chỉ và lời nói thông thường, cho đến việc hy sinh mạng sống. Ngay cả khi đối diện với cái chết, Đức Giêsu vẫn hoàn toàn vâng phục Chúa Cha: “Xin đừng theo ý Con, nhưng xin theo ý Cha” (Mt 26, 39). Chính tình yêu đi đến tận cùng ấy (x.Ga 13,1) đã làm cho hiến tế của Đức Giêsu mang giá trị cứu chuộc và có khả năng đền tội cho toàn thể nhân loại.
Trong Thánh Thể, Đức Giêsu không chỉ hiến mình cho Chúa Cha mà còn qua các môn đệ, hiến mình cho toàn thể nhân loại. Quả thật, trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu đã chứng tỏ tình thương của Ngài dành cho các môn đệ: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Đức Giêsu đã minh chứng điều này khi Ngài cầm lấy bánh và rượu mà nói: “Đây là Mình Thầy…. Đây là Máu Thầy” (Mc 14, 22-24). Cử chỉ đơn sơ ấy bao hàm ý nghĩa sâu xa Đức Giêsu không còn giữ lại gì cho mình, Ngài đã cho đi tất cả. Ngài tự hiến làm của ăn cho những người Ngài yêu thương, để nuôi dưỡng họ trong mọi hoàn cảnh suốt dọc hành trình dương thế. Ngài muốn hòa nhập vào chính cuộc sống của họ để cảm thông, để yêu thương và để đem họ về hưởng hạnh phúc với Ngài.
Là những người sống đời thánh hiến, chúng ta được gọi mời đi theo Đức Giêsu trên chính con đường mà Ngài đã đi, đó là hiến mình liên lỉ và trọn vẹn cho Thiên Chúa và cho anh chị em đồng loại. Như Đức Giêsu, chúng ta còn được mời gọi chấp nhận cảnh sống thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần; chấp nhận những thất bại trên bước đường loan báo Tin Mừng, chấp nhận những cô đơn hiểu lầm trong đời dâng hiến… để chúng ta trở thành những lễ tế ngợi ca, chúc tụng dâng lên Thiên Chúa và cầu khẩn muôn phúc ân xuống cho mọi người. Nhìn lên Thánh Thể trong những phút giây trầm lắng của ngày tĩnh tâm, chúng ta hãy tự cật vấn lương tâm về việc trao hiến mình cho Chúa và cho anh chị em đồng loại của mỗi chúng ta hiện nay đang ở mức độ nào?
2. Thánh Thể—Tình yêu hiệp thông
Thánh Thể là trọng tâm của tình yêu hiệp thông—hiệp thông với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau. Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) số 3 nói rõ: “Nhờ bí tích Thánh Thể, sự hiệp nhất các tín hữu làm thành một thân thể duy nhất trong Đức Kitô được tỏ bày và trở nên hiệu lực.” Thật vậy, nơi Bí tích Thánh Thể, người tín hữu lãnh nhận chính sự sống của Đức Kitô, được nên một với Ngài và sống tinh thần hiệp thông với nhau để trở nên một thân thể duy nhất là Giáo hội mà chính Chúa Kitô là Đầu. Thánh Thể là trung tâm nối kết, là điểm hẹn giữa Thiên Chúa và con người cũng như giữa con người với nhau. Nơi Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đến gặp gỡ con người để chúc lành và thánh hóa, và con người gặp gỡ Thiên Chúa để tôn vinh, chúc tụng và lãnh nhận sức sống thần linh của Thiên Chúa. Thánh Thể cũng là nơi con người gặp gỡ nhau, cùng lãnh nhận lương thực thần thiêng, để xây dựng tình huynh đệ và chia sẻ niềm vui cho nhau.
Thánh Thể là nguồn hiệp thông giúp chúng ta nên một với Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã nói: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong kẻ ấy”(Ga 6,56). Ở đây, Đức Giêsu dùng động từ “ở trong” để diễn tả mạnh mẽ sự hiệp thông giữa chúng ta với Thiên Chúa qua việc lãnh nhận Mình Máu Ngài. Khi đón nhận Thánh Thể, chúng ta được biến đổi để nên một Giêsu khác. Thánh Giáo hoàng Lêô Cả khẳng định: “Thực thế, chúng ta thông phần Mình và Máu Chúa Kitô là để được biến thành Đấng chúng ta rước lấy.”[1] Giáo huấn của Hội Thánh dạy: “Khi bạn ăn uống Mình và Máu Đức Kitô, bạn nên một với Người, cùng một thân mình, cùng một dòng máu. Như thế, chúng ta trở thành những người mang Đức Kitô, có Mình Máu Người thấm nhập khắp toàn thân. Nhờ vậy, theo lời thánh Phêrô, chúng ta được thông phần bản tính Thiên Chúa.”[2]
Trong Thánh Thể, chúng ta không chỉ hiệp thông với Thiên Chúa nhưng còn hiệp thông với nhau. Vì khi cùng chia sẻ một tấm bánh là chính thân mình Chúa Kitô, tất cả mọi người sẽ nên những chi thể trong cùng một nhiệm thể là chính Đức Kitô. Thánh Phaolô đã xác quyết: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cor 10,17). Như thế, mỗi khi tham dự tiệc Thánh Thể là chúng ta được nên một với Chúa Kitô, và cũng nên một với tất cả mọi người cùng đồng bàn với chúng ta, có thể là chị em trong cộng đoàn, anh chị em trong giáo xứ, người thân trong gia đình, và tất cả những ai tin vào Đức Giêsu đang hiện diện khắp nơi trên toàn thế giới này. Vậy, trong cuộc sống, đặc biệt khi hiệp lễ, chúng ta đã ý thức và sống tình hiệp thông này như thế nào?
3. Thánh Thể—Tình Yêu hiện diện
Thánh Thể là Bí tích của Tình Yêu hiện diện. Trong tình yêu và vì tình yêu, Đức Giêsu đã có sáng kiến tìm ra một phương thế kỳ diệu để hiện diện với các môn đệ; và vượt cả thời gian và không gian, Ngài tiếp tục ở lại với tất cả những ai tin vào Ngài. Dưới hình bánh rượu, Đức Giêsu, hiện thân của Thiên Chúa Tình Yêu, hiện diện với con người ở mọi nơi và qua mọi thời. Nơi Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu là Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Ngài ở lại với tất cả con người của Ngài, với chính Mình và Máu của Ngài. Như thế, sự hiện diện của Đức Giêsu trong Bí tích Thánh Thể không phải là hiện diện mang tính tượng trưng bằng tấm bánh hay chén rượu, mà là sự hiện diện thực sự và theo bản thể, bản thể Thiên Chúa và bản thể nhân loại của Ngài. Hiện diện như thế nơi Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu muốn để tiếp tục yêu thương và cứu độ con người. Ngài muốn đưa con người về với nguồn tình yêu và hạnh phúc đích thực là chính Ngài: Thiên Chúa Cứu Độ.
Nơi Bí tích Thánh Thể, Đức Giêsu vẫn đang hiện diện với con người từng giây phút, từng biến cố, trên từng nẻo đường đời, để yêu thương, vỗ về, để nâng đỡ, dẫn dắt và đồng hành với mỗi người trên con đường lữ thứ, tiến về nhà Cha. Đức Giêsu muốn hiện diện cách sống động nơi những ai lãnh nhận Ngài để biến đổi và thông truyền sự sống của Chúa vào trong người ấy. Nhờ Ngài hiện diện trong chúng ta, Ngài mới biến đổi chúng ta nên Thịt Máu Ngài. Đây là sự trao đổi kỳ diệu: Thiên Chúa đã nhận lấy bản tính loài người, để cho loài người được hòa quyện trong bản tính Thiên Chúa. Mầu nhiệm Nhập Thể được tiếp tục và thực hiện cho đến khi thâm nhập và biến đổi tất cả mọi thọ tạo thành những người mới trong Chúa, cho đến khi ơn cứu độ thành toàn nơi toàn thể nhân loại.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta nhìn lại việc sống Mầu nhiệm Thánh Thể của chúng ta. Hàng ngày, chúng ta được diễm phúc đón rước Mình Máu Thánh Chúa như lương thực thần linh nuôi sống tâm hồn, nhưng việc đón rước này có đưa chúng ta đến sự hiệp thông tròn đầy hơn với Chúa và với nhau không? Chúng ta sốt sắng tham dự thánh lễ, rước lễ, tôn sùng Thánh Thể… nhưng chúng ta có sẵn sàng quan tâm đến nhu cầu cần thiết của từng chị em trong cộng đoàn, chúng ta có thật sự hiện diện để thăm hỏi, chia sẻ và nâng đỡ khi chị em cần đến chúng ta không? Lòng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể có thúc đẩy chúng ta đến chỗ yêu thương cả những người mà chính Đức Giêsu đã yêu thương và hiến mình vì họ, dù chúng ta thấy những người ấy chỉ là những người vô danh trong đám đông, chỉ là những người gây lụy phiền cho chúng ta, là những người để thương được họ chúng ta phải mất đi cả con người vị kỷ của chúng ta?
Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương chúng con, Chúa đã trao hiến Mình Máu Thánh Chúa làm của ăn đích thực để chúng con được sống và sống dồi dào. Xin Chúa biến đổi chúng con trở nên giống Chúa. Để với trái tim chạnh thương như Chúa, chúng con nhìn thấy được nhu cầu của anh chị em hầu đáp ứng đúng thời đúng lúc. Với trái tim hoàn toàn rộng mở như trái tim Chúa, chúng con biết hiệp thông, chia sẻ và sẵn sàng làm bất cứ điều gì giúp vơi đi nỗi khổ đau của những người xung quanh. Xin cho chúng con mỗi ngày nhờ kết hiệp với Chúa, chúng con sẽ trở thành Tấm Bánh Giêsu được bẻ ra và trao chia cho tha nhân, nhất là cho chị em trong cộng đoàn, để tất cả chúng con sống vui, sống bình an, và hạnh phúc. Amen.
Sr. Maria Đinh Thị Thu Hà
[1] Trích Bài Giảng của thánh Lêô Cả Giáo hoàng, trong Bài đọc Kinh Sách ngày thứ tư, tuần II Phục Sinh.
[2] Trích bài Giáo Huấn cho các Tân tòng tại Giêrusalem trong Bài đọc Kinh Sách ngày thứ bảy, tuần Bát nhật Phục Sinh.