Chia sẻ tĩnh tâm 6/12/2015
Ghi lại bài nói chuyện Cám dỗ và con đường dẫn tới tương lai trong ngày Đại hội các Bề trên Thượng cấp Việt Nam (06/11/2015)
của José Rodriguez Carballo, ofm
Tổng giám mục, Thư ký Bộ Đời sống Thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ.
Nhìn lại 6 tháng vừa qua, chúng ta thấy tình trạng sức khỏe của chị em trong Dòng trở thành một vấn đề nổi cộm cần phải quan tâm. Nhiều chị em được Chúa gửi đến những căn bệnh hiểm nghèo về thể lý, đã và đang điều trị tại bệnh viện. Chỉ tính tại Nhà Mẹ: 3 chị cao niên, 4 chị trung niên và nhiều em thỉnh sinh. Một số chị em điều trị tại bệnh viện và các cộng đoàn Mẹ Vô Nhiễm, Mẹ Fatima, Thánh Giuse II. Cũng còn những chị em khác đã vào phòng cấp cứu hoặc đang chữa bệnh tại cộng đoàn mà chúng ta không kể ra hết được. Bước sang tuần tới, chúng ta sẽ còn thêm hai chị nữa ở Nhà Mẹ cũng nhập viện và chuẩn bị được phẫu thuật.
Về hiện trạng sức khoẻ tinh thần của Dòng trong các mặt đời sống thánh hiến (ĐSTH), học hành, sứ vụ, đào tạo, điều hành, kinh tế, chúng ta có thể thấy khá rõ khi đọc các bản văn Công vụ Tổng hội Tam Hiệp 2015, với những ghi nhận các điểm tích cực, những khuyết cáo các điểm tiêu cực cùng với các lời khuyên nhủ hay chỉ thị.
Trong bài chia sẻ hôm nay, em xin mời gia đình cùng mở rộng tầm nhìn về tình trạng sức khỏe của ĐSTH trong Giáo hội, dựa trên bài nói chuyện của Đức Tổng giám mục Carballo, Tổng Thư ký Bộ Đời sống Thánh hiến trong ngày Đại hội các Bề trên Thượng cấp Việt Nam (06/11/2015).
I. Hiện trạng sức khỏe của ĐSTH:
Nhiều người tự hỏi: Tình trạng sức khỏe hiện nay của đời sống Thánh hiến ra sao? Có 3 nhóm cố gắng trả lời cho câu hỏi này: tiêu cực, tích cực và thực tế.
1. Nhóm tiêu cực:
ĐSTH coi như tiêu rồi. Người ta dùng 3 từ để biện hộ cho lập trường của mình:
- Hỗn loạn: ĐSTH đang sống trong bấp bênh, náo loạn cả lên, không còn phân biệt đâu là đời sống tu sĩ, đâu là đời sống giáo dân.
- Đêm tối: không biết mình đi về đâu, điều gì sẽ xảy ra.
- Xế chiều: ĐSTH đang tàn dần, sắp đến hồi kết thúc, con tàu đang bị đắm, ta là những người cuối cùng đóng cửa tu viện. Hình ảnh này đặc biệt được áp dụng cho nhiều Dòng nữ chuyên lo việc giáo dục, y tế. Các Dòng ấy được sinh ra để đáp ứng những nhu cầu riêng lẻ nhất định của một thời, nay xã hội đảm nhận những việc đó rồi; các Dòng tu kia đã hoàn thành Sứ mạng và không còn lý do tồn tại nữa.
Dù thực tế là vậy, nhưng tôi không chia sẻ các ý kiến tiêu cực trên.
2. Nhóm tích cực:
Tất cả đều tốt đẹp. Người ta cũng dùng 3 từ trên để biện hộ cho lập trường của mình:
- Hỗn loạn: Hỗn mang chắc chắn nói với chúng ta về sự hỗn độn, nhưng cũng nói đến công trình kỳ diệu của tạo dựng. Đó là tình trạng của vũ trụ (x.St 1,1) trước khi xuất hiện trong đó tất cả những gì làm nên sự phong phú và vẻ đẹp của nó, trước khi xuất hiện trật tự của tạo thành. hình ảnh hỗn mang nêu lên tình huống khủng hoảng, nhưng cũng nói cho chúng ta cơ may và sự mào đầu của một cái gì mới.
- Đêm tối: Đối với các nhà thần bí, đặc biệt đối với Thánh Gio-an Thánh Giá, đêm tối nói lên những lúc khủng hoảng sâu xa, những lúc thử thách, cắt tỉa và thanh luyện giác quan và tinh thần, ở đó chỉ có thể bước đi trong đức tin. Qua đêm tối chúng ta sẽ được lớn lên.
- Xế chiều: khi chúng ta nói về “ngày đã xế chiều” hay “cuộc đời đã xế chiều” thì chúng ta nghĩ về một ngày sắp tàn hay một cuộc đời sắp hết. Tuy nhiên hình ảnh này cũng có thể mở ra niềm hy vọng.Tiếng gà gáy báo đêm tàn cũng là tiếng gà báo một ngày mới đang đến. Xế chiều bao giờ cũng nhường bước cho buổi bình minh.
Tôi không chia sẻ các ý kiến trên. Nếu thấy ĐSTH mọi sự đều tốt đẹp. Thì ta không những nhắm 1 mắt mà cả 2 mắt nữa.
3. Nhóm thực tế:
Dùng 2 từ để diễn tả lập trường của mình: khủng hoảng và mùa đông.
- Khủng hoảng: theo nguyên ngữ, từ crisis đến từ tiếng Hy Lạp muốn diễn tả một tiến trình đã đạt đến đỉnh điểm và chuẩn bị chuyển sang một giai đoạn mới. Crisis tự nó không phải tiêu cực hay tích cực, nhưng tất cả sẽ tùy thuộc vào quyết định sẽ đến sau đó. Nếu quyết định thích đáng thì sẽ mở ra hướng sống. Ngược lại nếu quyết định không đúng thì sẽ kết thúc sự sống và đi vào cõi chết.
Ta đừng sợ “khủng hoảng” theo nghĩa này vì đây là giây phút ta phải đi đến quyết định.
- Mùa đông: có lẽ ở Việt Nam chúng ta không hiểu được hình ảnh ghê gớm này. Ở Âu Châu, bề ngoài mùa đông là thời của cái chết. Nhiều cây trụi lá, không hoa cũng chẳng có trái. Thiên nhiên có vẻ như khô cằn và chết chóc. Nhưng bên dưới cái cây chết khô cằn cỗi này lại ẩn dấu một sức tái sinh mãnh liệt. Mùa đông là lúc hoạt động của thiên nhiên mãnh liệt nhất, thời kỳ cho thảo mộc hoạt động ở chiều sâu và các bộ rễ rất năng động, bảo đảm cho sự sống tiếp tục nhờ hoạt động khiêm tốn và lặng lẽ của chúng. Nếu cây không bén rễ thật sâu, nó sẽ chết.
ĐSTH đi vào giai đoạn mùa đông. Đây là thời gian làm việc tận gốc rễ, nhắm vào cái thiết yếu, đi vào cái căn bản của đời sống tu trì. Nhiều nơi ơn gọi giảm sút, nhiều người bỏ cuộc, kim tự tháp tuổi tác bị lật ngược, vì người già nhiều hơn người trẻ. Họ rơi vào cuộc thử thách cùng với niềm hy vọng, sự kiên nhẫn, giống như lòng tin, niềm hy vọng và sự kiên nhẫn của dân It-ra-en trong cuộc hành trình lâu dài qua hoang địa.
II. Hai thái độ cần phải có:
1. Sáng suốt:
Hãy đảm nhận ĐSTH trong tay chúng ta, mặc dù nó có nhiều điều tiêu cực. Đây là đời sống của ta chứ không phải của người khác và ta là tác nhân của cái tốt lẫn cái xấu. Thái độ sáng suốt đòi hỏi 2 điều:
- Không tìm cách đổ lỗi cho người khác. Ta hay có thói quen thế này: nếu chị em không tốt thì lỗi tại Bề trên, nếu các cộng đoàn không tốt thì tại vì Bề trên Giám tỉnh, Bê trên Tổng quyền, nếu Giáo hội không tốt tại vì Đức giáo hoàng. Ngày nay có rất nhiều người nói rằng Giáo hội công giáo có những thành phần tiêu cực tại vì Công đồng Vaticanô II. Do đó để sửa chữa sai lầm là dẹp bỏ công đồng. Thực ra nguy hiểm cho giáo hội đến từ nhóm người này chứ không phải nhóm canh tân. Nhóm này càng ngày càng mạnh. Họ cho rằng ngai tòa của Thánh Phêrô bị bỏ trống từ ĐGH Gioan 23 đến ĐGH Phanxicô đương kim. Chắc họ muốn đặt mình vào chỗ đó. Nhưng ta tin rằng Thiên Chúa đã thổi Thần Khí Ngài trong đó từ công đồng Trêntô, đến Vaticanô I và Vaticanô II.
- Tránh thái độ dửng dưng và hãy dấn thân: Có nhiều Tổng hội, Công hội được chuẩn bị rất chu đáo như muốn viết lại Phúc Âm bằng những bài diễn văn hùng tráng, nhưng trong thực tế chẳng được cái gì. Trong lá thư mới nhất của ĐGH Phanxicô gửi cho những người Thánh hiến, Ngài bảo rằng không cần nói nhiều tới đời sống huynh đệ nhưng hãy sống tình huynh đệ; hãy nói ít về khó nghèo nhưng hãy sống nghèo…
2. Phân định:
Từ “phân định” bao hàm: lượng giá, tách ra và phân biệt giữa hai sự vật. Trong bài này, phân định là phân biệt tiếng nói của Thiên Chúa với những tiếng nói khác, điều đến từ Thiên Chúa với điều trái ngược với Thiên Chúa (Vita conserata 73),
- Phân định để có được Thần Khí của Thiên Chúa mà “làm điều Chúa muốn và muốn điều đẹp lòng Chúa” (Phanxicô Assidi)
- Phân định là tìm kiếm trong mọi sự điều gì đẹp lòng Chúa Cha hơn (Inhaxiô)
- Phân định không chỉ là chọn giữa cái tốt và cái xấu, mà còn là chọn cái tốt hơn giữa hai cái tốt (Biển Đức).
Cha mẹ của tôi không học phân định, nhưng cầm cái nia lên xẩy xẩy là biết ngay lúa tốt lúa xấu. Ở đây, nguồn mạch cuối cùng của phân định không phải là chúng ta, nhưng là Thần Khí, Đấng thanh luyện, soi sáng và thắp lửa. Chỉ có ai có đời sống thiêng liêng chắc chắn, có Chúa Thánh Thần thúc đẩy thì mới phân định đúng đắn được. Ngày nay khi nhóm họp Tổng hội, người ta hay tìm một chuyên viên về tâm lý xã hội. Tôi không chống lại xã hội học hay tâm lý học. Tuy nhiên, trong đời tu, những chuyên viên này không có đủ khả năng để phân định. Vì thế tôi có một đề nghị: nếu nhà xã hội học hay tâm lý học muốn phân định thay cho ta, thì ta sẽ trả tiền lương gấp đôi cho họ và đẩy họ ra ngoài. Hãy làm việc phân định trên gối cầu nguyện.
3. Nguyên lý để phân định:
Phân định phải được thực hiện dưới ánh sáng của Tin Mừng, của đặc sủng riêng và của những dấu chỉ thời đại.
a. Phúc âm hay Tin Mừng:
Đây là quy luật tối thượng. Tin Mừng là tiêu chuẩn đầu tiên để phân định: tất cả những gì có thể coi là chính đáng theo Tin Mừng sẽ là chính đáng đối với đời sống thánh hiến. ĐSTH của ta “không ngừng duyệt xét chính mình dưới ánh sáng của Lời Chúa”. Chúng ta không thể tách khỏi Tin Mừng trong lúc làm rõ sự thật về chính mình và phân định để vượt từ cái tốt sang cái tốt hơn.
b. Đặc sủng:
Cha sáng lập Dòng đều đến sau Đức Kitô. Chúng ta không đi theo Thánh Phụ Đa Minh nhưng theo Đức Kitô; các tu sĩ Dòng Phanxicô, Dòng Don Bosco không bước theo Cha thánh lập dòng, nhưng theo Đức Kitô. Nói về căn tính của Dòng cần dựa trên 2 điểm:
- Chuyển động đi lên: Đây là cuộc lữ hành đi tới Đấng sáng lập Dòng. Khi tìm lại đặc sủng nguyên thủy, ta nên lưu ý rằng đặc sủng rất quý nhưng đừng xem như viện bảo tàng. Cả chúng ta là những người còn đang sống đừng ai mong trở thành đồ vật cổ trong viện bảo tàng.
- Chuyển động chiều ngang: Đoàn sủng của ta sẽ không lớn lên, không được phát triển nếu thiếu các đoàn sủng khác, vì nền tảng của các đoàn sủng là Chúa Thánh Thần. Không thể nói đoàn sủng này cao hơn, hay hơn đoàn sủng kia. Khách quan mà nói các đoàn sủng đều có giá trị vì có cùng một nguồn gốc. Còn xét theo chủ quan thì có thể thấy sự chênh lệch giữa các đoàn sủng, bởi vì người chọn đoàn sủng nào thì cảm nhận đoàn sủng đó đẹp nhất. Vì lý do đó cần có sự cộng tác với các đoàn sủng khác nhau: thật vậy, không có đoàn sủng nào phong phú đến nõi không cần đoàn sủng khác; không có đoàn sủng nào nghèo nàn đến nỗi không có gì để cho.
c. Dấu chỉ của thời đại:
Những biến cố trong đời sống như dấu ấn của một thời đại nhất định trong lịch sử và qua đó Kitô hữu cảm thấy được Thiên Chúa mời gọi đưa ra một câu trả lời theo Tin Mừng. Đó là những tia sáng có mặt trong đêm tối của cuộc sống, làm nảy sinh hy vọng, cho phép ta nghe ra tiếng Chúa và khám phá ra sự hiện diện của Ngài trong những biến cố của lịch sử. Là Ki-tô hữu, ta phải học biết cách giải nghĩa những dấu chỉ ấy, là người sống Thánh hiến, ta phải chú ý cao độ hơn đến những dấu chỉ thời đại. Chúng ta phải hiện diện trong Hội Thánh như là những chuyên viên khảo sát thời điềm và giải thích dưới ánh sáng Tin Mừng, chứ không dậm chân tại chỗ, và tái hiện tính năng nổ, sáng tạo và sự thánh thiện của các vị sáng lập. Ta đừng hỏi “Đấng sáng lập đã làm gì?” mà hãy hỏi “nếu ngài có mặt ở đây vào lúc này, Ngài sẽ làm gì?”
III. Thử chụp X-quang ĐSTH: ánh sáng và bóng tối
Điều làm chúng ta đau buồn
- Một ĐSTH tự kỷ quy về chính mình, bận tâm về sự sống còn của mình hơn về sứ mạng loan báo Tin Mừng “cho người ở gần và kẻ ở xa”.
- Một ĐSTH bận tâm về con số hơn là về ý nghĩa Tin Mừng, bận tâm về những công trình phải duy trì hơn là tới sự sống, tinh thần phục vụ.
- Một ĐSTH quan tâm tới sự an toàn, bám vào những cái đã quen từ xưa – “xưa nay vẫn làm thế”, dừng lại truyền thống hơn là thích nghi – hơn là “ra đi” tới những biên cương. Có Dòng có lời khấn thứ 4 (Dòng SJ, Dòng Mẹ Têrêxa) và còn thêm lời khấn thứ 5. ĐGH Phanxicô gọi đó là những người bằng lòng về mình, hài lòng sống trong Mùa Chay mà không hướng tới Mùa phục sinh. Có người tự mãn về mình mà cứ dài mặt ra, nghiêm nghị, không có một nụ cười.
- Một ĐSTH bị kềm chế bởi một thứ “suy nhược thiêng liêng” làm cho lo lắng, vì nó đưa tới chỗ an phận trong sự tầm thường, ngăn cản sống hiện tại với lòng say mê và nhìn tương lai với niềm hy vọng.
- Một ĐSTH bị khống chế bởi sự nguội lạnh: “một thứ bất mãn kinh niên, làm khô cạn tâm hồn” (NVTM 277), làm “tê liệt” những nỗ lực sống trung thành và sáng tạo, sản sinh một sự mệt mỏi căng thẳng, nặng nề, bất mãn, sản sinh “cuộc sống nửa chừng”, chết ngộp vì sức ì của một trật tự bất di bất dịch, vì bị khống chế bởi sự vận hành của cơ chế.
Điều làm chúng ta băn khoăn
- Sự dòn mỏng trong một số Dòng tu với những biểu hiện khác nhau:
- Số thành viên giảm sút: Trong các Dòng thuộc quyền Giáo hoàng, theo các dữ liệu tính tới ngày 31/12/2012, về phía Dòng nam: 28 Hội dòng và 2 Tu hội đời sống Tông đồ, có từ 55 tới 99 người; 36 Hội dòng và 2 Tu Hội đời sống Tông đồ có dưới 50 người. Về phía các Dòng nữ: có 212 Hội dòng và 3 Tu hội đời sống Tông đồ có từ 50 tới 99 thành viên; 161 Hội dòng (1 thuộc nghi lễ Phương Đông) và 1 Tu hội Đời sống Tông đồ có dưới 50 thành viên.
Từ 2008 tới 2013:
- Bộ Tu Sĩ đã cho phép 761 trường hợp vắng mặt khỏi nhà Dòng, có 1402 trường hợp sống ngoại vi (không phép), trong số đó 72 trường hợp bị ngoại vi cưỡng bách; phê chuẩn 1075 lệnh thải hồi.
- Có nhiều khiếu nại lên Bộ Tu Sĩ hoặc Tòa án Tối cao về tình trạng không thay đổi người trong việc quản trị, nhất là các viện mẫu.
- 22 vụ sáp nhập và 3 vụ xóa bỏ Dòng tu.
- 121 đan viện và 2 liên hiệp bị bãi bỏ.
- 132 vụ Thanh tra Tông tòa đối với các Tu hội Đời sống Tông đồ, chủ yếu vì có gương xấu về tình cảm, quản lý tài chánh thiếu trong sáng, độc tài trong việc thi hành quyền bính. Hiện nay đang có điều tra về cách cư xử của 15 vị sáng lập dòng.
- Tính cách “thế tục”, lối sống trưởng giả và se xua của những tu sĩ và cả một số các vị nam nữ sáng lập Dòng. Họ đã làm lu mờ bộ mặt của ĐSTH.
Điều làm chúng ta vui mừng
- Có những Dòng tu mới ra đời, chứng tỏ lối sống đi theo Đức Kitô luôn đổi mới. Nhiều đan viện đã được thiết lập, nhất là ở châu Mỹ và châu Á. Ví dụ: Từ 2008 tới 2013 đã thiết lập 3 Dòng nam và 17 Dòng nữ; 4 Tu hội Đời sống Tông đồ; 3 Tu hội Đời nữ, tất cả thuộc quyền Giáo Hoàng; 111 Đan viện được mở ra.
- Một ĐSTH được sinh động bởi một lòng khao khát mãnh liệt sống đặc sủng tận căn hơn và một sự trung thành say mê sáng tạo.
- Một ĐSTH quan tâm đến huấn luyện toàn diện, thường xuyên, có đồng hành… phù hợp với thời hiện tại và chuẩn bị cho việc đọc những dấu chỉ của thời đại.
- Một ĐSTH “đi ra” và biết mình đi đâu; theo kiểu mẫu người “samari”, biết dừng lại đáp ứng những điều khẩn trương của sứ vụ; có khả năng để 99 con chiên tại đó mà đi tìm con chiên bị lạc; biết quét dọn cả nhà để tìm cho ra đồng tiền bị mất; luôn “mở cửa” để tiếp đón vô điều kiện.
- Một ĐSTH không để mất trộm niềm hy vọng, mất trộm tính vô vị lợi, tình cộng đoàn và lý tưởng tình yêu huynh đệ, không để mất trộm tính trẻ trung, không để mất trộm Thần Khí, không để mất trộm Tin Mừng.
Liệu đời sống thánh hiến có một tương lai không?
Vâng, có một tương lai, nhưng một số hình thức ĐSTH lỗi thời, đã trở thành kỳ quặc, cổ lỗ không còn nói gì với người hôm nay thì sẽ không tồn tại, ngay cả khi bề ngoài có chút thành công nào đó vì có sự an toàn và quyền lực. Tương lai của ĐSTH ở trong tay Chúa, nhưng cũng tùy thuộc phần lớn vào khả năng đổi mới, tái tạo, khám phá lại nền tảng của nó.
Điều này bao hàm:
- ĐSTH phải là một lời ngôn sứ sống động với kinh nghiệm về những giá trị của Nước Trời, chẳng hạn: tìm kiếm Thiên Chúa với lòng say mê, lòng yêu mến vô vị lợi và không biên giới, sự chia sẻ trong tình liên đới và hiệp thông với một nếp sống đơn sơ, đạm bạc và vui tươi, tình huynh đệ nồng nàn biết tiếp đón, thúc đẩy, tha thứ…
- ĐSTH phải mạnh dạn đảm nhận giai đoạn thanh luyện như hiện nay như dịp thuận tiện để trở lại với cái cốt lõi, ngõ hầu cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua trở thành một cuộc khủng hoảng để tôi luyện lại, và sẽ từ đó bước ra thêm mạnh mẽ trong chiều kích thần bí và ngôn sứ.
- Một ĐSTH sống triệt để nhưng không quá khích, hiệp thông và bổ sung, cởi mở và sẵn sàng, cởi mở với Thần Khí là Đấng “muốn thổi đâu thì thổi” (Ga3,8).
- Một ĐSTH làm chứng nhân của Đức Giê-su Kitô bằng một cuộc sống khó nghèo đơn sơ thanh đạm không cần nhiều lời giải thích, một đời sống độc thân vì Nước Trời làm cho chúng ta trở nên thân ái và gần gũi mà không dính bén, nhịp nhàng, sẵn sàng và vui tươi; bằng một sự vâng phục để sống tự do, có trách nhiệm và trưởng thành, với một đời sống huynh đệ nhân bản và nhân bản hóa trong cộng đoàn. Tóm lại, với một đời sống chìm ngụp trong Thần Khí Thiên Chúa.
Kết:
Đứng trước nỗi sợ hãi, nản chí sờn lòng, cám dỗ, chạy trốn, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc chúng ta rằng chúng ta không đơn độc một mình, vì chính Chúa cũng bảo đảm với những người sống đời thánh hiến rằng: “Đừng sợ… vì có Ta ở với con để bảo vệ con” (Gr 1,6). ĐSTH tại Việt Nam hãy trỗi dậy và bước đi!
Sơ BTTQ Maria Đinh Thị Sáng