Khiêm nhường đón nhận – Đề tài Tĩnh tâm tháng 12/2015

0

Đề tài tĩnh tâm tháng 12/2015

Kính thưa quý Bề trên và Chị em,

Mùa Vọng mở đầu cho một năm phụng vụ mới, là thời gian đặc biệt Giáo hội mời gọi người Kitô hữu hướng về chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Chương trình cứu độ này được thực hiện qua lời đáp trả khiêm tốn “Xin vâng” của Đức Maria. Vì thế, đây là thời gian mời gọi quý Bề trên và Chị em nhìn lại cuộc sống của mình để sống trọn vẹn lời đáp trả “Xin vâng”. 

I. LỜI CHÚA:

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. 28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. 32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. 33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng !” 35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. 37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” 38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

II. SUY NIỆM:

1. Đức Maria mẫu gương khiêm nhường

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy nguyên nhân Thiên Chúa chọn Đức Maria, không phải vì Mẹ duyên dáng, Mẹ có nhiều tài năng, nhưng Ngài yêu thương chọn Mẹ vì Mẹ có tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu. Sự khiêm nhường của Đức Maria được diễn tả trong đời sống hết sức bình dị. Sinh ra và lớn lên trong một thôn xóm nghèo hèn vô danh làng Nazareth mà Nathanael đã thốt lên có gì lạ ở Nazareth. Xuất thân từ một gia đình nghèo, ngày ngày chu toàn những công việc hết sức tầm thường của một người nữ như nấu nướng, may vá, dọn dẹp nhà cửa… Sự khiêm nhường của Đức Maria được thể hiện qua thái độ ứng xử. Trước mặt thiên sứ Gabriel, Mẹ xưng mình là “Nữ tỳ của Thiên Chúa”, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Vâng, đứng trước sứ mạng cao cả, Đức Maria chỉ nhận mình là phận hèn tôi tớ.

Khi thưa “Xin vâng”, Đức Maria đã can đảm vượt qua những toan tính dè dặt của người đời để nép mình vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Vì đã thưa “Xin vâng” nên Mẹ chấp nhận tất cả, dù chưa hiểu hết thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Vì khiêm nhường nên Mẹ hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa, vì Mẹ nhận biết rằng, chương trình của Chúa là vô cùng tốt đẹp. Vì khiêm nhường nên Mẹ phó thác trọn vẹn vận mạng trong tay Chúa. Điều này cũng làm cho quý Bề trên và quý Chị giáo suy nghĩ về thái độ của mình trước trách nhiệm điều hành cộng đoàn. Tôi có dám tin tưởng vào Thiên Chúa khi nhận lấy trách nhiệm không? Khi nhận nhiệm vụ tôi có ý thức rằng tôi cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa và mong được cùng với chị em đi vào chương trình của Thiên Chúa không? Vì Đức Maria có tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, nên Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên Chúa đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc. Vì thế, quý Bề trên và Chị em đã khiêm tốn đón nhận chính Chúa vào tâm hồn mình để trao ban cho tha nhân chưa?

2. “Khiêm nhường mẹ các nhân đức”

Vì “Khiêm nhường là mẹ các nhân đức”, nên nó chiếm một chỗ đứng quan trọng trong Di ngôn của cha thánh Đa Minh: “Các con hãy có đức ái, giữ lòng khiêm nhường và sống nghèo tự nguyện”. Sự khiêm nhường thật cần thiết trong cách đối xử với nhau. Thánh Tôma Aquino viết: “Là một nhân đức đặc biệt, đức khiêm nhường liên hệ ở sự tuân phục của con người đối với Thiên Chúa, và vì Thiên Chúa, hạ mình vâng phục những người khác”. Theo Thánh Tôma, trong cách đối xử với tha nhân, chỉ có sự khiêm nhường đích thực khi cách đối xử ấy được thực hiện “vì Thiên Chúa”. Như thế, khi dựa trên đức tin, chúng ta sẽ làm cho sự khiêm tốn ấy tăng giá trị. Bởi lẽ vì Chúa mà chúng ta chấp nhận thiệt thòi về danh dự, của cải và những giá trị tinh thần vật chất khác. Đôi khi trong cộng đoàn, chúng ta cũng chấp nhận thiệt thòi để mang đến niềm vui và bình an cho chị em.

Sự khiêm nhường thường đi đôi với hiền lành. Hiền lành để tha nhân dễ gần ta và khiêm nhường để ta dễ gần tha nhân, tạo cơ hội cho ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta. Người khiêm nhường thì đối xử mọi người như nhau. Khiêm nhường, hiền lành là để “trở nên mọi sự cho mọi người”. Với lòng khiêm nhường, chúng ta luôn luôn tìm cách để nhìn thấy hình ảnh Chúa nơi từng chị em trong cộng đoàn.

3. Suy niệm trước Thánh Thể

Trước Thánh Thể, mỗi người trong chúng ta cần lắng đọng tâm hồn và đọc chậm rãi lời kinh sau đây, lời kinh của một linh mục đọc trong 30 năm để xin ơn khiêm nhường:

“Lạy Chúa, để danh Chúa được rạng rỡ vinh quang, xin rộng ban cho con ân hụê này: là chỉ đau khổ, vì đã làm cho người khác đau khổ và chỉ vui mừng vì đã giúp anh em con bớt cực khổ hơn:

Xin ban cho con một tinh thần mềm dẻo, để con chấp nhận tỏ ra mình yếu đuối hoặc không người bênh đỡ, hơn là làm phiền lòng hay chà đạp người khác.

Xin ban cho con tinh thần ngay thẳng, để con không bao giờ hiểu theo nghĩa xấu một điều người khác làm con phiền lòng.

Xin ban cho con tinh thần đơn sơ, để con không trở nên gánh nặng cho những người đang sống chung quanh con.

Xin ban cho con một tấm lòng hăng hái, để con luôn cởi mở đối với những người ghét bỏ, ganh tị, phân bì con.

Xin ban cho con một tấm lòng khiêm tốn, để con không trở nên cứng cỏi trước những lời chỉ trích, trước những việc làm không ngay thẳng, trước những lời kết án nghiệt ngã hay vội vàng.

Xin ban cho con một tâm hồn rộng mở, để con chịu đựng những ai có óc hẹp hòi, những người ích kỷ đến độ không sao chịu nổi.

Xin ban cho con ý chí vững vàng, để con mãi kiên tâm, dầu có phải mỏi mệt, dầu có gặp thái độ vô ơn.

Xin cho con một ý chí dai bền, để anh em con được hạnh phúc, dầu có khuyết điểm, dầu họ có yếu đuối.

Xin ban cho con một ý chí luôn tỏa sáng, để chung quanh con không có ai chán nản, không có ai ngã lòng.

Xin cho con đừng bao giờ phê phán khi chưa đủ bằng cớ, và khi phải phê phán thì luôn luôn khoan hậu, nhân từ.

Xin cho con đừng tin vào điều xấu mà có người nói về những ai vắng mặt, và nhất là đừng bao giờ lặp lại điều xấu đó.

Và trên hết mọi sự, xin Chúa dạy con biết để tai nghe, biết đoán ý người khác, biết tha thứ không ngừng.

Lạy Chúa,

Xin ban cho con những ân huệ đó để anh em con bớt cực khổ vì con. Amen”[1].

III. CÂU HỎI THẢO LUẬN CỘNG ĐOÀN

1. Chị em cùng chia sẻ những điểm sáng và điểm tối của hành trình trở về sống phục vụ theo gương Thầy Giêsu.

2. Noi gương Đức Maria, chị và cộng đoàn chị đã sống “Xin vâng” trước những khó khăn, những thử thách, những vui buồn của cuộc sống như thế nào? Chị đã sống lời mời gọi của Chúa Giêsu “hiền lành và khiêm nhường” như thế nào? Trong hoàn cảnh hiện tại, chị có thể đưa ra những phương cách để thực thi nhân đức khiêm nhường.

………………………………………………….

[1] Đỗ Hải Oanh, Lời cầu nguyện khiêm tốn, http://hoangfamily.biz/a2053/loi-cau-nguyen-khiem-ton.

Comments are closed.

phone-icon