Kính thưa quý Bề trên và chị em,
Trong quý này, chúng ta tiếp tục hành trình sám hối với quý Bề trên và quý Chị giáo, những người lãnh đạo cộng đoàn và các nhóm đào tạo. Xin được cùng quý Bề trên và quý Chị giáo nhìn lại chính mình trong quá trình lãnh đạo để sám hối và canh tân.
Với ước muốn canh tân thật sự, trong ngày tĩnh tâm hôm nay, xin kính mời quý Bề trên và Chị em cùng chiêm ngắm gương mặt Môsê, khuôn mặt này đã in sâu vào lòng dân Chúa, để trở nên không những là một lời mời gọi, mà còn là một thách đố cho bất cứ ai đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa sứ mạng lãnh đạo phục vụ dân Người. Ước gì quý Bề trên và quý Chị giáo học nơi Môsê, tự rèn luyện chính mình để trở thành những nhà lãnh đạo luôn lắng nghe, có một tấm lòng và liên đới với từng chị em trong cộng đoàn.
I. LỜI CHÚA: Xh 32, 7-14
7 ĐỨC CHÚA phán với ông Mô-sê: “Hãy đi xuống, vì dân ngươi đã hư hỏng rồi, dân mà ngươi đã đưa lên từ đất Ai-cập.8 Chúng đã vội đi ra ngoài con đường Ta truyền cho chúng đi. Chúng đã đúc một con bê, rồi sụp xuống lạy nó, tế nó và nói: “Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.”9 ĐỨC CHÚA lại phán với ông Mô-sê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ.10 Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn.”11 Ông Mô-sê cố làm cho nét mặt ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ông, dịu lại. Ông thưa: “Lạy ĐỨC CHÚA, tại sao Ngài lại bừng bừng nổi giận với dân Ngài, dân mà Ngài đã giơ cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ra khỏi đất Ai-cập?12 Tại sao người Ai-cập lại có thể rêu rao: Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất? Xin Ngài nguôi cơn thịnh nộ và xin Ngài thương đừng hại dân Ngài.13 Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Áp-ra-ham, I-xa-ác và Ít-ra-en; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.”14 ĐỨC CHÚA đã thương, không giáng phạt dân Người như Người đã đe.
II. SUY NIỆM:
Đoạn Sách Xuất Hành này thuật lại biến cố dân Israen phản bội Thiên Chúa qua việc đúc con bê bằng vàng để thờ lạy, Thiên Chúa muốn thử Môsê nên nói với ông hãy để Ngài tiêu diệt họ và Ngài sẽ ban một dân khác lớn hơn. Thay vì vâng theo lời Thiên Chúa, Môsê đã thể hiện rõ vai trò trung gian, lãnh đạo của ông một cách đúng nghĩa. Ông đã không bỏ rơi dân của mình, nhưng đã bầu cử cho họ khỏi bị tiêu diệt. Môsê “đương đầu” với Thiên Chúa vì bênh đỡ dân Chúa. Một số nhà chú giải cho rằng Môsê xem ra như kiên nhẫn, chịu đựng đoàn dân cứng cổ, lòng chai dạ đá, thường xuyên ngụp lặn trong tội lỗi hơn cả Thiên Chúa. Tấm lòng này xuất phát từ mối tương quan thâm sâu với Thiên Chúa và yêu thương, liên đới với dân.
1. Tương quan với Thiên Chúa
Nhiệm vụ lãnh đạo trong đời sống thánh hiến đặt người có trách nhiệm đứng giữa Thiên Chúa và chị em. Thiên Chúa đã kêu gọi để sai đi phục vụ nhân danh Ngài. Vì thế, người lãnh đạo luôn ý thức mình là người được sai đi. Cái khó lớn lao nhất trong sứ mệnh của người lãnh đạo cộng đoàn là phải sống trong tư thế của người cộng tác với Thiên Chúa và là môi giới của Chúa cho chị em. Để chu toàn nhiệm vụ này, như Môsê, quý Bề trên và quý Chị giáo cần có đời sống cầu nguyện, cần tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, nếu không, sẽ không thể khích lệ chị em trong hành trình tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và sự khích lệ sẽ không thuyết phục.
Thiết nghĩ một người lãnh đạo tốt, trước hết là người có tâm hồn cầu nguyện, cầu cho chính mình và cầu cho chị em. Điều lầm lẫn rất lớn của người lãnh đạo là chỉ cậy vào kinh nghiệm và tài khéo léo của mình trong việc điều hành mà ít cậy vào Chúa, vào ân sủng và trợ lực của Ngài. Thật sự, những năng khiếu tự nhiên rất hữu ích, nhưng chưa đủ. Một Bề trên, một Chị giáo có ý thức về những khó khăn chức vụ mình, về những tồn tại, những khiếm khuyết thì luôn luôn biết cậy vào Chúa. Vì thế, đây cũng là lúc quý Bề trên và quý Chị giáo nhìn lại đời sống cầu nguyện của mình, tôi đã cầu nguyện cho chị em chưa? Trước khi muốn sửa lỗi cho người chị em, tôi đã làm gì? Lời cầu nguyện của tôi có như lời cầu nguyện của Môsê không? Có khi nào tôi dành thời gian cầu nguyện để kéo ơn Chúa xuống trên cộng đoàn mà mình hướng dẫn được nhờ và để cho tất cả những phương tiện mà mình sử dụng cho phần rỗi các linh hồn, được Chúa chúc lành chưa? Về phía chị em, chúng ta cũng nhìn lại mối tương quan của mình với Thiên Chúa để trở nên những nhân tố nối kết Bề trên với những chị em khác đang cùng bước trên hành trình hiến dâng.
Môsê dù không đồng ý với việc của dân làm, nhưng ông xin Thiên Chúa tha thứ đừng tru diệt họ, vì hai lý do sau:
- Vì danh Thiên Chúa: Nếu Thiên Chúa tru diệt họ, người Ai-cập lại có thể rêu rao: “Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất.”
- Vì lời hứa với các tổ phụ: “Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Abraham, Isaac và Israen; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.”
Lãnh đạo dân, đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn lang thang trong sa mạc 40 năm thật không dễ, cũng có lần Môsê đã than phiền với Thiên Chúa vì sự cứng lòng và độc ác của dân khi họ không tìm được nước uống: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!”. Thế nhưng ông vẫn là nhà lãnh đạo liên đới với dân, sống vì dân và cho dân. Trước tấm lòng của ông Môsê, Đức Chúa đã thương, Ngài không giáng phạt dân như Ngài đã đe. Còn chúng ta, chúng ta đã sẵn sàng sống chết vì tha nhân chưa? Chúng ta có dám nhận lấy tất cả những thiếu sót của nhau hay ngược lại đổ lỗi cho nhau. Chính khi đón nhận những thiếu sót, yếu đuối của nhau, Thiên Chúa sẽ chúc lành cho từng người trong cộng đoàn.
2. Tương quan với chị em
HP. 132 nói rằng: “Bề trên cộng đoàn là người có lòng yêu mến Hội dòng, cẩn mật, khôn ngoan, bác ái, quan tâm xây dựng sự hiệp nhất giữa chị em, trung thành giữ kỷ luật tu trì và nhiệt tâm tông đồ”. Và NQ. 29 đã khuyên nhủ “Các Bề trên và chị em cần có thái độ bao dung, kiên nhẫn trước những khuyết điểm của nhau, để tình thương và sự nâng đỡ của cộng đoàn giúp chị em sống trọn vẹn đời hiến dâng”. Thái độ đầu tiên mà quý Bề trên và Chị giáo cần có là lòng bao dung, hay nói cách khác có một tấm lòng. Đây cũng là đức tính nổi bật của cha Thánh Đa Minh, một người có tấm lòng.
Hai chữ “tấm lòng” mang một ý nghĩa rất phong phú. Đó là sự quan tâm đến người khác sống chung quanh mình, là sự giúp đỡ sẻ chia đối với người kém may mắn, là niềm an ủi đối với người đau khổ, là nghĩa cử bao dung tha thứ cho người đã xúc phạm đến mình. Người có tấm lòng là người có trái tim nhân hậu, biết sống cho người khác và chỉ mong điều tốt đẹp cho họ. Người có tấm lòng là người có khả năng cống hiến một chút gì đó từ những gì mình có, kể cả tinh thần lẫn vật chất. Và ngay cả khi không có gì, họ cũng có sáng kiến tìm ra một cách thế nào đó có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Trước Thánh Thể, chúng ta xem xét những hành động nào, vô tình hay hữu ý, đã tạo ra một khoảng cách với chị em trong cộng đoàn.
Điều quan trọng hơn cả, quý Bề trên và Chị giáo là người tạo nên sự hiệp nhất, yêu thương trong cộng đoàn. Do đó, quý Bề trên và Chị giáo cần quan tâm đến những chị em yếu đuối về thể lý, tâm lý và tâm linh hơn những chị em khác. Vì thế, cần xem lại cách điều hành của mình, tôi có trọng người tài giỏi và quên lãng người yếu đuối không? Tôi có quan tâm xây dựng sự hiệp nhất giữa chị em chưa? Để xây dựng sự hiệp nhất, quý Bề trên và Chị giáo cần tránh tính thiên vị, xử sự theo cảm tình riêng, xét đoán và đánh giá chị em theo dáng vẻ bên ngoài và thiếu công bằng. Tuy nhiên, để có được một cộng đoàn yêu thương, không phải chỉ có Bề trên hay Chị giáo, mà mỗi chị em cũng phải có trách nhiệm, cùng nhau cộng tác để xây dựng sự hiệp nhất trong cộng đoàn.
Sự thánh thiện của đời thánh hiến không cho phép chúng ta sống thờ ơ, chỉ lo cho mình, nhưng luôn sẵn sàng thông hiệp và cộng tác với Đấng chúng ta yêu mến để “mang ơn cứu độ đến cho mọi người”. Quý Bề trên và quý Chị giáo được mời gọi trở thành “trái tim nhân hậu từ bi của Thiên Chúa” để xoa dịu những nỗi thương đau của chị em trong cộng đoàn, đặc biệt là những chị em bé nhỏ. Nguyện xin Chúa ban cho trái tim chúng ta được chung nhịp yêu thương với trái tim Chúa, để chúng ta vượt qua những băng giá của ích kỷ, của những đam mê tư lợi mà nghĩ đến điều thiện ích cho tha nhân. Xin Mẹ Maria ban cho chúng ta một trái tim dịu dàng và tế nhị, để chúng ta đón lấy tha nhân vào cuộc đời mình và yêu thương họ bằng chính tấm lòng mà Chúa đã yêu thương ta.
“Ôi Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin giữ lòng con ngây thơ, trong sạch và tinh khiết như nước trên suối nguồn.
Xin ban cho con một tấm lòng đơn sơ, không chất chứa những ưu phiền, một tấm lòng hào hiệp biết hy sinh, dịu dàng để thông cảm, một tấm lòng trung thành và quảng đại, không quên một ơn, không ghi một oán.
Xin Mẹ làm cho lòng con hiền hậu và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, biết vui vẻ quên mình để nhường chỗ cho Con Mẹ trong một trái tim khác.
Xin ban cho con một tấm lòng rộng lớn, để không sự vật nào thắng nổi, không khép lại trước một kẻ vô ơn, không chán nản trước một người lãnh đạm, một tấm lòng khắc khoải lo tìm vinh danh Chúa Kitô, mang thương tích và tình yêu Chúa, và vết thương chỉ được chữa lành trên trời. Amen”.
(Kinh xin ơn yêu thương, cha Grandmaison SJ)
III. CÂU HỎI THẢO LUẬN
1. Cộng đoàn cùng chia sẻ về những hoa trái sám hối đã lãnh nhận trong tháng vừa qua.
2. Trong tinh thần của quyết tâm năm “Sống mầu nhiệm Thánh Thể và loan báo Tin Mừng”, chị đã trở thành “chuyên viên hiệp thông” trong cộng đoàn chưa? Chị và cộng đoàn chị có những sáng kiến nào để lan tỏa tình thương Thiên Chúa đến những người chung quanh?