Đề tài tĩnh tâm tháng 02/2016 – Sám hối theo gương Phêrô

0

Đề tài tĩnh tâm tháng 02/2016

Kính thưa Quý Bề trên và Chị em,

Trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta: “… Dù ở bất cứ nơi nào, ngay vào lúc này, hãy đích thân gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô một lần nữa, hay ít ra, mở rộng lòng mình để cho Người gặp gỡ mình… Xin đừng ai nghĩ rằng lời mời gọi này không có ý nghĩa gì đối với mình, bởi vì “không ai bị loại ra khỏi niềm vui Chúa mang đến” . Vì thế, trong ngày tĩnh tâm hôm nay, chúng ta sẽ tìm cách đáp trả lại lời mời gọi của Đức Thánh Cha, dựa vào kinh nghiệm của thánh Phêrô trong cuộc Thương Khó của Đức Giêsu mà thánh Luca kể lại.

Trong các Tin Mừng, Phêrô xuất hiện như một người môn đệ bộc trực, tính tình ngay thẳng, dám nói dám làm, ngay khi gặp Chúa lần đầu, đã được Chúa chú ý tới: Chúa đổi tên từ Simon qua Kêpha (Phêrô) (Ga 1,42); Phêrô nhanh nhẹn tuyên xưng “Thầy là Con Thiên Chúa” và khẳng định rằng “Bỏ Thầy chúng con biết đi với ai? Thầy mới có lời ban sự Sống đời đời”, và được tín nhiệm trao gởi chìa khóa Nước Trời. Nhưng đời sống của Phêrô cũng có những vấn vương tội lỗi. Chỉ sau phút tuyên xưng đức tin, ông bị Chúa Giêsu quở trách là “Satan, hãy xéo đi” khi có ý ngăn cản Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn. Nhất là trong thảm kịch Thương khó của Đấng Cứu Thế, Phêrô đã xuất hiện trong một dáng dấp khó thương hơn mọi tông đồ khác. Ngủ vùi trong vườn cây dầu lúc Chúa hấp hối, rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ vị thượng tế, và chối Chúa 3 lần trước người đầy tớ gái là một điều mà truyền thống xem như phản bội Chúa. Rõ ràng Phêrô là người đã biết đến kinh nghiệm sa ngã. Cuộc đời của Phêrô cũng là hình ảnh biểu tượng, nơi đó vẽ lên khuôn mặt của mỗi người chúng ta.

I. LỜI CHÚA: Lc 22, 54-62

Họ bắt Đức Giê-su, điệu Người đến nhà vị thượng tế. Còn ông Phê-rô thì theo xa xa. Họ đốt lửa giữa sân và đang ngồi quây quần với nhau, thì ông Phê-rô đến ngồi giữa họ. Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc và nói: “Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy! “Ông liền chối: “Tôi có biết ông ấy đâu, chị! “Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: “Cả bác nữa, bác cũng thuộc bọn chúng!” Nhưng ông Phê-rô đáp lại: “Này anh, không phải đâu! “Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: “Đúng là bác này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Ga-li-lê.” Nhưng ông Phê-rô trả lời: “Này anh, tôi không biết anh nói gì!” Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: “Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần.” Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

II. SUY NIỆM

1. Phêrô sám hối

Sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô. Ánh mắt Thầy vẫn trìu mến thân thương như gởi đến ông sứ điệp: Phêrô, sao con lại chối Ta. Ơn nghĩa Thầy trò ba năm gắn bó chẳng lẽ không còn một chút vương vấn hay sao? Cái nhìn của Chúa Giêu đã làm cho tâm hồn Phêrô tê tái. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chú giải cái nhìn của Chúa như sau: “Phêrô đã bắt gặp cái nhìn đầy yêu thương trìu mến của Thầy Giêsu, với một sự kiên nhẫn không thể diễn tả bằng lời, cái nhìn đó như muốn nói với ông: Phêrô, đừng sợ vì con yếu đuối, hãy tin tưởng vào Thầy. Cái nhìn của Đức Giêsu thật đẹp biết mấy, bao nhiêu thắm thiết dịu dàng chứa đựng nơi đó” . Lại thêm tiếng gà gáy đêm khuya, nhắc nhở lương tâm ông tỉnh ngộ và nhớ lại lời Thầy đã tiên báo: “trước khi gà gáy, con đã chối Ta ba lần”. Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, cõi lòng xốn xang, mình chỉ là cát bụi, phận yếu hèn và quá dễ sa ngã! Phêrô thổn thức. Mới hôm nào ông còn tuyên bố: “dù mọi người bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Thế mà, giờ đây ông lại nhát gan khi đối diện nguy nan nên đã chối Thầy đến ba lần. Và đêm hôm ấy, tiếng gà gáy đã thức tỉnh tâm hồn Phêrô. Xuất thân là ngư phủ với bản tính chất phác, chân thật, có sao nói vậy, nên khi lầm lỗi ngài chân thành sám hối và òa khóc như một đứa trẻ. Đó là hành trình của phàm nhân, những con người luôn mỏng dòn và yếu đuối, nhưng luôn được Thiên Chúa hải hà thương xót, thứ tha và thánh hóa. Thiên Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ con người.

Cuộc đời của Phêrô là sự giao tranh giữa yếu đuối và mạnh mẽ, giữa trọn vẹn và dang dỡ. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Tuy nhiên, Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ông. Nhờ đó, ông đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa. Phêrô có lòng quảng đại. Khi được Chúa gọi, ông nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự rồi theo Chúa. Phêrô có một đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: “Lạy thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Đức tính đáng cảm phục nhất chính là lòng khiêm nhường. Rõ ràng, trong trái tim Phêrô lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là Satan thì ông cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Đá Tảng .

2. Các Chị em phụ trách các ban ngành sám hối

Theo Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, trong xã hội và đời tu hôm nay có những chứng bệnh vừa nguy hiểm vừa truyền nhiễm, và có nguy cơ làm cho cuộc sống xã hội băng rã, làm cho đời tu mất đi hương vị, Đức Hồng Y qui chúng lại thành mười bệnh lớn: Thập đại bệnh. Vì thế, đây cũng là cơ hội các chị em phụ trách các ngành trong Hội dòng nhìn lại xem mình có bị mắc những chứng bệnh đó không? Và dựa vào bảng Thập đại bệnh của Đức Hồng Y để sám hối.

Bệnh quá khứ cục bộ

Bệnh này thể hiện qua tâm trạng chỉ nhớ và khen cái quá khứ của mình mà thôi và đóng khung lại trong đó. Ta không quên quá khứ, vì đó là bài học kinh nghiệm, nhưng ta không dừng lại đó, ta hãy nhìn tương lai để xây dựng ngày càng tốt hơn. Nếu chỉ nhìn về quá khứ chúng ta đâm ra thiển cận. Thay vì nhìn tới thì lại nhìn lui. Giống như người lái xe, không nhìn đằng trước mà cứ chăm chăm vào kính chiếu hậu để ngắm xe sau. Nếu như thế chúng ta không thể nào tiến được. Đây cũng là một trong những căn bệnh mà Đức Tổng Giám Mục, Thư ký bộ đời sống thánh hiến đã tìm ra khi “thử chụp X-quang đời sống thánh hiến” trong năm “Đời sống thánh hiến”, ngài nói: “Một đời sống thánh hiến quan tâm tới sự an toàn xuất phát từ chỗ bám vào những cái đã quen từ xưa – “xưa nay vẫn làm thế” – hơn là đi tới những biên cương hiện sinh của hôm nay ”.

Bệnh tiêu cực bi quan

Những người mang bệnh này cứ chỉ trích kinh niên. Khi nào cũng có chuyện để chỉ trích. Đức Hồng Y cho rằng bệnh chỉ trích phát sinh từ lòng ích kỷ hoặc kiêu căng. Một biểu hiện song hành của bệnh này là người chỉ trích thường hay thiếu tự tin. Người tiêu cực chuyện gì cũng thích chỉ trích. Người tiêu cực thì bất cứ một cơ hội nào cũng là một tai họa cho mình. Trái lại, người lạc quan thì bất cứ tai họa nào cũng là một cơ hội cho mình. Người tích cực thì lạc quan. Kẻ tiêu cực bi quan. Tùy theo cách nhìn mà vấn đề nẩy sinh. Đức Gioan Phaolô II kêu gọi: “Đừng sợ”, vì ta tin vào Thiên Chúa quyền năng và yêu thương, ta tin con người có thiện chí, ta tin vào mình có Chúa giúp.

Bệnh phô trương chiến thắng

Bất cứ một việc làm nào cũng chỉ nhắm đến chuyện phô trương. Thỉnh thoảng đây đó đọc trên những bản tin sinh hoạt cộng đoàn thật nức lòng: Đại lễ tổ chức vô cùng thành công, cuộc rước kéo dài cả nửa cây số, hàng chục cha đồng tế, bữa tiệc kết thúc thật linh đình, bà con vô cùng hoan hỉ, chưa có bao giờ và có ai tổ chức được lớn như thế … Nhưng hết tiệc ra về rồi là hết. Đại lễ hôm qua hôm nay thành quá khứ. Cảm xúc hôm qua hôm nay gọi mãi chẳng thấy về! Nếu chỉ để ý đến chuyện phô trương thì ít ai thực sự quan tâm đến chiều sâu nội tâm. Trong cuộc sống, có những điều không cần phải phô trương. Nhưng nó sẽ từ từ thấm vào lòng người, người ta sẽ hiểu. Càng huyênh hoang, càng làm người ta ghét. Thành công đâu phải do mình tài giỏi gì, tất cả mọi chuyện là nhờ ơn Chúa. Như vậy mình càng không có lý do gì để phô trương. Lúc đang huyênh hoang thì chính là lúc nguy hiểm nhất, tai hại nhất, vì đó là lúc mình mất cảnh giác. Khi nào thấy sau một cuộc lễ, có nhiều người ăn năn trở lại, cộng đoàn hiệp nhất hơn, sốt sắng hơn, đó là dấu thành công thực sự.

Bệnh cá nhân chủ nghĩa

Các nhà phân tích cho thấy rằng người Âu Châu bị bệnh này nặng hơn. Thế nhưng mình cũng không kém. Thời đại này đâu đâu cũng nghe người ta hô hào đoàn kết, nhưng xem ra càng hô hào đoàn kết chừng nào, thì bệnh cá nhân lại nặng chừng nấy! Biểu hiện của bệnh này: Mình là nhất, là trung tâm của vũ trụ. Cá nhân chủ nghĩa phát sinh từ lòng ích kỷ. Nếu có kính mến Chúa và yêu người thực chất thì cũng vì mình, vì lợi cho mình chứ chẳng phải vì Chúa, vì tha nhân. Đây cũng là căn bệnh mà Đức TGM, Thư ký bộ đời sống thánh hiến nói đến: “Một đời sống thánh hiến tự kỷ trung tâm, quy về chính mình, bận tâm về sự sống còn của mình hơn về sứ mạng loan báo Tin Mừng”.

3. Sống tâm tình sám hối trước Thánh Thể

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, ngày xưa, cái nhìn của Chúa đã thức tỉnh ký ức của Phêrô: “Ông sực nhớ lời Chúa đã nói với mình” “ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết”. Ngày hôm nay, Chúa cũng đang nhìn con, một cái nhìn triều mến, yêu thương. Xin cho con được ơn trở về như Thánh Phêrô. Bây giờ là lúc con thân thưa với Chúa: “Chúa ơi, con đã để mình bị lừa, con đã trốn tránh tình yêu của Chúa bằng muôn ngàn cách, nhưng một lần nữa con lại đến đây, để canh tân giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa. Xin cứu con một lần nữa, Lạy Chúa, xin đưa con vào lại vòng tay cứu độ của Chúa một lần nữa”.

Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.

Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.

Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.

Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.

Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó, Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.

Và Chúa sẽ làm cho con
trở nên “người” mà Chúa mong muốn
trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa và là anh em của mọi người.

(Michel Quoist).

III. CÂU HỎI THẢO LUẬN CỘNG ĐOÀN

1. Chị em cùng nhìn lại những điểm sáng và điểm tối trong đời sống cầu nguyện của mình trong tháng qua.

2. Trong tinh thần của quyết tâm năm “Sống mầu nhiệm Thánh Thể và loan báo Tin Mừng”. Trước Thánh Thể, chị nhận thấy cộng đoàn và chính bản thân chị có mắc phải một trong những căn bệnh nêu trên không? Chị và cộng đoàn cần làm gì để cùng nhau sám hối trong Mùa Chay năm nay ?

Comments are closed.

phone-icon