LỜI CHÚA
20 Trong số những người lên Giê-ru-sa-lem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy-lạp.21 Họ đến gặp ông Phi-líp-phê, người Bết-xai-đa, miền Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giê-su.”22 Ông Phi-líp-phê đi nói với ông An-rê. Ông An-rê cùng với ông Phi-líp-phê đến thưa với Đức Giê-su. 23 Đức Giê-su trả lời: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!24 Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.25 Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời.26 Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.”
27 “Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến.28 Lạy Cha, xin tôn vinh Danh Cha.” Bấy giờ có tiếng từ trời vọng xuống: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa! “
29 Dân chúng đứng ở đó nghe vậy liền nói: “Đó là tiếng sấm! ” Người khác lại bảo: “Tiếng một thiên thần nói với ông ta đấy! “30 Đức Giê-su đáp: “Tiếng ấy đã vọng xuống không phải vì tôi, mà vì các người.31 Giờ đây đang diễn ra cuộc phán xét thế gian này. Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài!32 Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi.”33 Đức Giê-su nói thế để ám chỉ Người sẽ phải chết cách nào.
SUY NIỆM
1. Cựu Ước và Tân Ước
Sách Kinh Thánh của chúng ta có hai phần : Cựu Ước và Tân Ước, nghĩa là Giao Ước Cũ và Giao Ước mới. Tuy nhiên, bài đọc I, trích sách ngôn sứ Giê-rê-mia, là sách thuộc phần Cựu Ước, đã loan báo Giao Ước mới rồi :
Này sẽ đến những ngày – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA – Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới. (Gr 31, 31)
Và lời loan báo Giao Ước mới, theo vị ngôn sứ, là lời của chính Đức Chúa. Vậy đâu là đặc điểm chính yếu của Giao Ước mới so với Giao Ước cũ ? Như chính Đức Chúa đã nói, đặc điểm của Giao Ước mới là Đức Chúa cam kết sẽ ghi khắc Luật của Ngài vào trong tim của con người. Như thế, Luật của Chúa, nghĩa là tất cả các giới răn có mục đích gìn giữ chúng ta ở trong Giao Ước, không còn được viết trên giấy hay khắc trên đá nữa, nghĩa là ở bên ngoài con người, nhưng là trong tim con người, nghĩa là trong chốn sâu thẳm nhất của con người. Nói cách khác, Luật của Chúa không còn là Chữ Viết nữa, nhưng sẽ trở thành Thần Khí hay Lời Nói sống động cư ngụ trong lòng chúng ta và trở nên một với chúng ta, để nuôi dưỡng và làm cho chúng ta sống. Như thế, Giao Ước mới có thể được gọi là Giao Ước tình yêu, bởi vì chỉ có tình yêu mới làm cho luật trở thành lời cư ngụ trong lòng chúng ta mà thôi. Như Đức Giêsu, hiện thân của Giao Ước mới nói : “Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em” (Ga 15, 4).
Nhưng tại sao Đức Chúa lại mời gọi Dân sống với Ngài bằng Giao Ước mới? Bởi vì, để giữ Giao Ước cũ, người ta phải có kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa và phải yêu mến Thiên Chúa. Và điều này cũng đúng trong mọi tương quan dựa trên lề luật của con người : để giữ luật trong gia đình, trong nhà trường, trong xã hội, trong Giáo Hội, trong đời tu, người ta phải có kinh nghiệm và dựa trên tương quan ơn huệ và tình thương. Tuy nhiên, con người đã không nhận ra tình yêu Thiên Chúa, ngang những kì công của Ngài thực hiện trong sáng tạo và trong lịch sử; vì thế, Ngài sẽ bày tỏ tình yêu đến cùng của Ngài dành cho con người nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Yêu Dấu của Ngài, để xây dựng tương quan với con người dựa trên Giao Ước mới, Giao Ước tình yêu. Như vậy, Đức Chúa ước ao kí kết một Giao Ước mới với Dân của Ngài, đó là bởi vì Giao Ước đầu tiên không sinh hoa trái như Ngài mong đợi.
Tuy nhiên, chúng ta được mời gọi nhận ra rằng, ước ao Giao Ước mới cũng có ở nơi mọi tương quan của con người dưới hình thức này hay hình thức khác. Chẳng hạn, các bậc cha mẹ luôn ước ao những giáo huấn, những lời dạy bảo của mình không ở ngoài tai con cái, nhưng đi vào tâm trí của con cái ; và chắc chắn ước ao này cũng có nơi các nhà giáo, các nhà huấn luyện đối với người trẻ trong thời gian thụ huấn ; và ở một mức độ nào đó, cũng như thế, trong tương quan bạn bè và tương quan tình yêu nam nữ và tình yêu vợ chồng : người này ước ao lời của mình lưu lại mãi mãi trong tim của người kia. Khởi đi từ những kinh nghiệm nhân bản như thế, chúng ta xác tín rằng, ước ao Giao Ước mới cũng đến từ năng động tự nhiên của tình yêu. Thiên Chúa là tình yêu, nên Ngài không thể không ước ao Giao Ước mới, là Giao Ước tình yêu.
2. Giao Ước Mới trong Đức Giê-su Ki-tô
Nhưng Thiên Chúa sẽ làm gì và làm như thế nào, để dẫn con người vào Giao Ước mới ? Trước hết, Ngài bày tỏ ngôi vị của mình một cách trực tiếp cho con người :
Chúng sẽ không còn phải dạy bảo nhau, kẻ này nói với người kia: “Hãy học cho biết ĐỨC CHÚA”, vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. (Gr 31, 34)
Và lời hứa này sẽ được thực hiện một cách tròn đầy nơi ngôi vị của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, bởi vì “Thiên Chúa, chưa bao giờ có ai thấy cả; nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1, 18). Ngang qua các Tin Mừng, vốn là điểm tới của lịch sử cứu độ được kể lại trong Kinh Thánh, được đọc, được suy niệm, được cầu nguyện và nhất là được công bố và giải thích trong Thánh Lễ, Thiên Chúa tiếp tục bày tỏ chính mình cho mỗi người chúng ta nơi Đức Ki-tô. Sự hiểu biết mới về Thiên Chúa, được mặc khải bởi Đức Ki-tô, là tuyệt đối cần thiết để yêu mến Thiên Chúa, đón nhận và sống Giao Ước mới.
Tuy nhiên, càng hiểu biết Thiên Chúa, càng nhận ra tình yêu của Ngài, được thể hiện nơi Đức Ki-tô, chúng ta càng cảm thấy mình vô ơn và bất xứng. Chính vì thế, để dẫn chúng ta vào Giao Ước mới, Thiên Chúa còn bày tỏ mình là Đấng giàu lòng thương xót :
Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng
và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa. (Gr 31, 34)
Và lời hứa tha thứ cũng sẽ được thực hiện một cách quảng đại trong máu của Đức Giê-su, nghĩa là trong cái chết của Ngài trên Thập Giá, như chính Ngài đã nói và vẫn nói lại hằng ngày trong Thánh Lễ :
Anh em hãy cầm lấy mà uống, vì này là chén máu Thầy, máu Giao Ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ cho anh em và nhiều người được tha tội. Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.
3. Con đường của hạt lúa mì
Thật là kỳ lạ, để tha tội cho loài người và từng người chúng ta, tại sao Đức Ki-tô lại phải đi con đường “đổ máu” ? Con đường mà chính Ngài cũng cảm thấy xao xuyến :
Bây giờ, tâm hồn Thầy xao xuyến! Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến. (Ga 12, 27)
Sự “xao xuyến” của Đức Giê-su còn lớn hơn nữa, theo lời kể của các Tin Mừng nhất lãm : “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mc 14, 34 ; x. Mt 26, 38 và Lc 22, 44), và theo thư Do thái : “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết” (Dt 5, 7)
Người xao xuyến, đó là vì với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Ngời của Thiên Chúa Cha, một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3, 1-7), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay những phép lạ cả thể; bởi vì lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những cách hiểu và hành động lệch lạc[1].
Vì thế, theo ý Cha, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Ngời của Thiên Chúa Cha theo một cách khác, “một cách điên rồ”, nhưng là sự điên rồ của tình yêu và khôn ngoan thần linh, qua việc:
- nhận hết vào mình thân phận của loài người chúng ta,
- đảm nhận mọi số phận đầy tai họa của con người,
- gánh lấy mọi tội lỗi của loài người,
- và đối diện với chính Sự Dữ biểu dương ở mức độ tuyệt đối.
Như thế, không phải một cách trực tiếp tội của mỗi người chúng ta làm cho Chúa bị bắt, bị kết án và chịu khổ hình, đó là Sự Dữ hành động nơi những con người cụ thể trong cuộc Thương Khó, nhưng Chúa tự nguyện chịu khổ hình để vừa chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ và vừa bày tỏ cho mỗi người chúng ta tình yêu đến cùng của Chúa dành cho chúng ta, dù chúng ta là ai và đang ở trong tình trạng nào. Chúng ta được mời gọi nhận ra nơi những gì Đức Giê-su mang lấy trong cuộc Thương Khó, có chính bản thân chúng ta, như chúng ta là: nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi; mỗi người chúng ta hiện diện cách trọn vẹn, được đón nhận cách trọn vẹn và được bao dung cách trọn vẹn trên đôi vai của Đức Giê-su, trong ánh mắt của Đức Giê-su, trong trái tim của Đức Giê-su.
* * *
Để tái sinh chúng ta và dẫn chúng ta vào Giao Ước mới, Đức Giê-su Ki-tô Con Thiên Chúa, phải cho đi sự sống của mình. Điều này thật khó hiểu và thật khó chấp nhận, đối với người Do thái, với các môn đệ, với loài người và với từng người chúng ta. Con đường Thập Giá không chỉ khó hiểu, mà còn là sỉ nhục và điên rồ. Tuy nhiên, đó lại là qui luật muôn đời của chính sự sống và ai trong chúng ta cũng biết và thậm chí có kinh nghiệm về qui luật này của sự sống.
– Đó hạt lúa mì, phải chịu chôn vùi và nát tan, để sinh ra nhiều hạt khác.
– Đó là sự cho đi chính bản thân mình của cha mẹ, để sự sống được lưu truyền nơi những người con. Điều đặc biệt đúng nơi những người mẹ; nhất là khi có những người mẹ, hy sinh sự sống của mình để sinh con.
– Đó là sự hy sinh cuộc đời của các tu sĩ nam nữ, các linh mục để chính Thiên Chúa làm phát sinh ra hoa trái sự sống gấp trăm.
Để cho sự sống được tiếp tục, được sinh sôi, để phục vụ cho sự sống, phải chia sẻ, trao ban, cho đi và hi sinh chính sự sống của mình. Đó chính là qui luật muôn đời của sự sống. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, không đi con đường lạ lùng nào khác ngoài con đường muôn đời của sự sống, nghĩa là con đường của hạt lúa mì:
Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác. (Ga 12, 24)
Và Ngài vẫn trao ban sự sống của mình cho chúng ta hằng ngày trong Thánh Lễ, dù chúng ta có như thế nào. Thiên Chúa muốn dẫn chúng ta vào Giao Ước mới, Giao Ước tình yêu trong Đức Giê-su Ki-tô, nhưng ai trong chúng ta cũng cảm thấy, một đàng sự khao khát, nhưng đàng khác lại bất lực. Vậy chúng ta hãy nhận lời nguyện Thánh Vịnh 51 (50) làm của mình:
Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một trái tim mới. (Tv 51, 12)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
———–
[1] Lòng tin chỉ dựa vào phép lạ: (1) Thiên Chúa chỉ ở trong những điều lạ thường, còn những điều bình thường, là phần lớn cuộc đời chúng ta, thì sao? Thân phận con người rốt cuộc có là ơn huệ TC không? Có là đường đi dẫn đến Thiên Chúa hay không? (2) Không chấp nhận thân phận con người và không liên đới với thân phận của người khác. (3) Ma quỉ sẽ lợi dụng để khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, như đã làm trong Sáng Tạo (St 3) và trong Lịch Sử Cứu Độ (Ds 21, 4-9): có điều lạ thì tin, không có thì trách móc nghi ngờ; ngoài ra, còn có những người đã ngụy tạo ra điều lạ để lừa dối mình và lừa dối nhau.