Bữa tiệc Thánh Thể

0

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN B
A. DẪN NHẬP

Ăn uống là nhu cầu khẩn thiết cho con người, nó cần thiết đến nỗi người ta phải nói :”Dĩ thực vi tiên”: lấy cái ăn làm đầu. Trong cuộc lữ hành của dân Do thái đi về đất hứa, Thiên Chúa đã ban manna cho họ để làm lương thực hằng ngày trong suốt 40 năm ở hoang địa. Tuy manna ấy là vật từ trời xuống nhưng chỉ là bánh vật chất nuôi thể xác, không có sức đem lại sự sống vĩnh cửu cho người ăn. Cha ông họ đã ăn manna ấy nhưng đã chết.

Đức Giêsu hứa sẽ ban cho người Do thái và cho chúng ta hôm nay một thứ manna khác từ trời xuống có sức đem lại sự sống đời đời cho người ăn. Bánh ban sự sống trường sinh ấy là Mình và Máu Đức Kitô. Ai ăn thịt và uống máu Đức Kitô tức là lãnh nhận bí tích Thánh Thể, thì ở đời này sẽ được kết hiệp mật thiết với Ngài, được tham dự vào đời sống thần linh của Ngài, và trong ngày sau hết sẽ được sống lại.

Thánh Thể là bàn tiệc Thiên Chúa dọn sẵn cho con người, có đủ mùi vị thơm ngon. Chúa mời mọi người tới tham dự. Chúng ta hãy là người khôn ngoan không những biết tìm của ăn vật chất để nuôi thân, nhưng còn biết tìm lương thực thần linh có sức bổ dưỡng và đem lại cho linh hồn sự sống đời đời.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1 : Cn 9,1-6.

Đây là một ngụ ngôn trong sách Châm ngôn. Khôn ngoan đây là sự khôn ngoan của Thiên Chúa, hay nói cách khác, đó là chính Thiên Chúa. Khôn ngoan được nhân cách hóa như một Mệnh phụ hào phóng dọn một bữa tiệc thịnh soạn và kêu mời mọi người đến dự. Những ai sẽ được mời ? Đó là những kẻ nghèo và tất cả những ai sẽ chấp nhận hoán cải khỏi những lầm lạc, họ là những kẻ khôn ngoan chứ không như những kẻ khờ dại.

Những món ăn được dọn để dùng có giá trị tượng trưng : nhằm trình bầy những giáo huấn Thiên Chúa dạy để mọi người đem ra thực hành hầu cho cuộc sống được thành đạt mỹ mãn. Như vậy, hình tượng về sự khôn ngoan nói trên sẽ được thực hiện bởi Đức Giêsu.

+ Bài đọc 2 : Ep 5,15-20

Đoạn thư này cũng trùng hợp với hai bài Cựu ước và Tân ước vì cùng nói đến sự khôn ngoan. Trong đoạn thư này, thánh Phaolô khuyên tín hữu Êphêsô không nên làm uổng phí thời giờ mà phải tận dụng để sống khôn ngoan theo Thần Khí hướng dẫn và thúc đẩy, chứ đừng sống như những kẻ khờ dại.

Đây là lời khích lệ mời gọi tỉnh thức : chúng ta đang sống trong một thế giới đầy đam mê dâm loạn. Với tư cách là một Kitô hữu khôn ngoan, chúng ta hãy tránh xa những điều phù phiếm ấy mà hướng lòng về Chúa và điều chỉnh cuộc sống theo thánh ý Ngài.

+ Bài Tin mừng : Ga 6,51-56

Đây là cao điểm của bài diễn từ của Đức Giêsu về bánh ban sự sống. Ngài quả quyết rằng chính Ngài là nguồn mạch sự sống trường sinh và là bánh ban sự sống từ trời xuống.

Ngài giáo dục dân chúng theo cách tiệm tiến : Chúa nhật 18 Ngài chỉ khẳng định mình là Bánh hằng sống từ trời xuống. Chúa nhật 19 vừa qua Ngài nói rõ hơn : “Bánh Ta sẽ ban chính là Thịt Ta đây”(Ga 6,51). Hôm nay Đức Giêsu hướng thính giả về bí tích Thánh Thể : Ngài nói rõ hơn về Bánh ban sự sống, đó là Thịt và Máu Ngài:”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời”

Đức Giêsu còn nhấn mạnh thêm : Ai muốn Thiên Chúa ban cho sự sống thật, kẻ đó phải lấy đức tin mà lãnh nhận mình Ngài đã hiến tế và máu Ngài đã đổ ra, thực sự hiện diện trong Thánh Thể. Ngài ban chính Thịt và Máu Ngài làm của ăn của uống cho loài người. Nếu chúng ta biết rước Mình Máu Ngài thì hiệu quả sẽ là : “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời… thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Bữa tiệc Thánh Thể

Tiếp nối Tin mừng của hai Chúa nhật trước nói về sự khác biệt giữa của ăn vật chất mau hư nát và Bánh Hằng sống từ trời xuống nuôi linh hồn loài người, trong bài Tin mừng hôm nay Đức Giêsu khẳng định một cách quyết liệt Bánh hằng sống từ trời đó chính là Thịt và Máu Ngài và hứa sẽ ban Bánh hằng sống đó trong phép Thánh Thể.

I. LỜI KHẲNG ĐỊNH CỦA ĐỨC GIÊSU

1. Lời khẳng định tiệm tiến

Đức Giêsu không nói ngay đến Bánh hằng sống là Mình Máu Ngài được ban trong phép Thánh Thể, mà Ngài còn dọn lòng dân chúng để họ có thể chấp nhận chân lý cao siêu mà Ngài muốn dạy dỗ họ. Trước tiên, Đức Giêsu phân biệt hai thứ bánh : bánh vật chất nuôi xác tức Manna trong Cựu ước và bánh thiêng liêng nuôi hồn tức là Thánh Thể Chúa Kitô trong Tân ước. Tiếp đến Ngài nói đến việc Ngài ban mình làm Bánh hằng sống từ trời xuống và kêu gọi người ta ăn bánh đó. Hôm nay Ngài khẳng định Bánh Hằng Sống đó chính là Thịt và Máu Ngài và hứa Bánh hằng sống ấy trong phép Thánh Thể.

2. Lời khẳng định quyết liệt

Hôm nay Đức Giêsu dọn lòng dân chúng tiến dần đến tột điểm cùng đích của Ngài, đón nhận một mầu nhiệm thẳm sâu, Ngài cho biết rằng Bánh sự sống chính là Thịt và Máu của Ngài khi Ngài phán :”Thịt Ta thật là của ăn và Máu Ta thật là của uống”(Ga 6,55). Phép Thánh Thể là một bữa tiệc hy lễ trong đó chúng ta thực sự “ăn thịt và uống máu Chúa”.

Lời tuyên bố vừa được nói ra thì nhiều người phản đối, ngờ vực, bỏ đi. Ai lại làm một việc kinh tởm như vậy ? Nhưng Đức Giêsu chẳng những không làm nhẹ bớt ý nghĩa mà lại nói cách rõ ràng hơn, không có thể hiểu một cách khác được : “Thật, Ta bảo thật các ngươi : nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong mình. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết”(Ga 6,53-54).

3. Phản ứng từ phía dân chúng

Khi nghe lời tuyên bố của Đức Giêsu : Thịt Ngài là của ăn, máu Ngài là của uống cho sự sống muôn đời thì người Do thái đã phản ứng rất mạnh :”Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được”?(Ga 6,52) ? “Ông này chẳng phải ông Giêsu, con ông Giuse đó sao ? Cha mẹ ông ta , chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói :”Ta từ trời xuống”(Ga 6, 42).

Trước phản ứng dữ dội của họ, Đức Giêsu vẫn không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm :”Ai ăn thịt và uống máu Ta thì được sống muôn đời và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết”. Hơn nữa con người còn đi vào sự kết hiệp mật thiết với Ngài :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở lại trong Ta và Ta ở lại trong kẻ ấy”(Ga 6, 56).

Trước mạc khải này, nhiều môn đệ nói: “Lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi”(Ga 6,60). Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui không còn đi với Ngài nữa.

4. So sánh Manna xưa và nay

Nhân dịp người Do thái gợi ra câu chuyện Manna, Đức Giêsu lại dùng ngay câu chuyện ấy để so sánh và mạc khải về Bánh bởi trời đích thực, bánh ban sự sống muôn đời cho con người.

Nếu ngày xưa, manna như một thứ nhựa cây, thì ngày nay bánh Thánh Thể chính là Mình Máu Đấng là Thiên Chúa làm người. Nếu ngày xưa ăn manna chỉ là ăn bánh, ngày này lãnh bí tích Thánh Thể là ăn chính Chúa Kitô. Ngày xưa manna là quà tặng do lòng thương xót của Chúa dành cho dân, thì hôm nay lòng thương xót của Thiên Chúa đã trao tặng cho con người chính Người Con Một yêu dấu. Ngày xưa manna chỉ là của ăn mang lại sự no nê cho thể xác, ngày nay mình máu Chúa Kitô trở thành thần lương không chỉ nuôi sống linh hồn mà còn củng cố khả năng hướng thiện của người rước lấy. Ngày xưa manna chỉ là phương tiện cứu đói tạm thời, ngày nay Mình Máu Chúa Kitô không chỉ là lương thực giúp người tín hữu có đủ sức mạnh, đủ nghị lực tiếp bước hành trình về quê trời, mà lại còn đưa họ vào vĩnh cửu và sống vĩnh cửu. Ngày xưa manna cho thấy Chúa không bỏ dân của Ngài, ngày nay Chúa hiện diện giữa Hội thánh và hiện diện giữa thế giới này bằng chính Con của Ngài trong bí tích Thánh Thể (Lm Vũ xuân Hạnh).

II. PHẢI HIỂU LỜI CHÚA THẾ NÀO ?

1. Hiểu theo nghĩa đen

Những lời Đức Giêsu giảng dạy ở đây nói về phép Thánh Thể, chúng ta phải hiểu theo nghĩa nào : nghĩa đen hay là nghĩa bóng, nghĩa tượng trưng ? Anh em Tin lành không tin có Đức Giêsu trong phép Thánh Thể. Để phủ nhận, đoạn văn về việc hứa lập phép Thánh Thể phải hiểu theo nghĩa bóng, chứ không thể hiểu theo nghĩa đen được. Còn đối với chúng ta, giáo lý Công giáo đã dạy chúng ta phải hiểu theo nghĩa đen thông thường khi nói về phép Thánh Thể, chứ không theo nghĩa bóng được.

Ta thử đọc lại đoạn văn này: Đức Giêsu nói:”Ta là Bánh hằng sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trên rừng và họ đã chết. Đây là Bánh từ trời xuống : ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời. Bánh Ta sẽ cho chính là Thịt Ta cho thế gian được sống” (Ga 6,48.49.51).

Người Do thái nghe Đức Giêsu nói thế thì lẩm bẩm rằng:”Ông Ta lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn sao được” (Ga 6,52) ? Thế là họ hiểu theo nghĩa đen, đúng như ý Ngài muốn nói. Cho nên, Đức Giêsu không chữa lại (nghĩa là không bảo rằng : các người lẩm bẩm làm chi, Ta nói bóng đấy mà), mà còn nói hăng hơn :”Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi : nếu các ngươi không ăn thịt Con Người, và uống máu Ngài, thì các ngươi không có sự sống trong mình… Vì thịt Ta là của ăn, máu Ta là của uống” (Ga 6,53.55).

Nhiều người trong môn đệ nghe nói thế, rất khó chịu nên nói :”Lời nói chướng tai quá, nghe sao được” (Ga 6,60). Ngài không rút lời, không cải chính, nên có một số môn đệ bỏ đi. Giả như Đức Giêsu nói nghĩa bóng, thì Ngài giải thích cho họ chứ ? Chẳng những không cải chính, Ngài còn quay lại hỏi các Tông đồ rằng:”Còn các con, các con có muốn bỏ mà đi không” ? Nghĩa là Ngài muốn nói : nếu các con không tin mà bỏ Ta, thì Ta cũng cứ nói thế, chứ không rút lại lời đã nói.

2. Sự hiện diện thực sự

Dân chúng trong hội đường Capharnaum đã không hiểu hay không muốn hiểu. Ngày nay cũng có nhiều người không muốn hiểu và muốn coi đó chỉ là một cách nói. Còn chúng ta, chúng ta tin rằng lời Chúa là sự thật. Khi chúng ta “ăn thịt và uống máu Chúa”, không phải chỉ là một sự hiện diện, mà là sự thông phần thực sự vào Thánh Thể vinh quang của Ngài. Sự sống của Ngài tuôn chảy trong mạch quản của chúng ta. Ngài ở trong Ta và Ta ở trong Ngài.

Thánh Cyrillô nói:”Đừng nghi ngờ đó là sự thật, nhưng tốt hơn nên đón nhận Lời của Đấng Cứu thế trong đức tin, vì Ngài không thể nói dối”.

Truyện : Ông Daniel Connell

Daniel Connell, người đã giải phóng dân tộc Ái-nhĩ-lan, là một tín hữu can đảm và nhiệt thành. Khi có một số bạn bè theo đạo Tin lành chế nhạo ông vì họ không hiểu rõ và cũng không tin Đức Giêsu hiện diện trong bí tích Thánh Thể. Bấy giờ Daniel đã trả lời như sau:”Sao các ông lại hỏi tôi ? Lẽ ra các ông phải hỏi Đức Giêsu mới đúng. Phần tôi, tôi chỉ tin vào lời Chúa nói. Nếu Lời Chúa khẳng định rằng :”Thịt Ta thật là của ăn, máu Ta thật là của uống” mà thực sự không đúng, thì người nói là Đức Giêsu mới đáng trách chứ không phải là tôi ! Nhưng tôi luôn tin rằng : Lời Chúa là sự thật, là Lời hằng sống và sẽ tồn tại đến muôn đời”.

Câu nói của Daniel Connell cho ta thấy : niềm tin vào bí tích Thánh Thể cũng như toàn bộ niềm tin của chúng ta đã được xây dựng trên nền tảng vững chắc là Lời Chúa trong Thánh Kinh. Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường, là sức sống của ta, là căn bản đức tin của ta, là lương thực nuôi dưỡng linh hồn chúng ta. Do đó, ta cần phải có thái độ tôn trọng Lời Chúa, yêu mến và thực hành Lời Chúa, là điều kiện để ta được ơn cứu độ (Vietcatholic).

3. Lời Chúa và Thánh Thể

Ngày nay có những người Công giáo bị ảnh hưởng các giáo phái khác, có khuynh hướng nhấn mạnh đến việc đọc lời Chúa, họp nhau chia sẻ lời Chúa, mà không quan tâm đến việc đi dự lễ để được rước Mình thánh Chúa. Đối với người Công giáo, Lời Chúa và Mình thánh Chúa đều là lương thực thiêng liêng. Đọc lời Chúa và suy gẫm lời Chúa mà không đi dự lễ để được kết hiệp với Chúa trong bí tích Thánh Thể thì không còn cái căn tính của người Công giáo. Cha ông ta thường nói :”Quen quá hoá nhàm”, nghĩa là người ta không qúi trọng cái mà người ta có trong tay mà còn muốn tìm cái khác…

Đức tin của người công giáo về bánh hằng sống khác hẳn với người Tin lành. Người công giáo tin có Chúa hiện diện thực sự trong bí tích Thánh Thể, và tin việc rước lễ là rước Mình thánh Chúa. Vì nếu ta tin Chúa có quyền phép, ta cũng tin Chúa có thể biến đổi bánh rượu thành Mình thánh Người, mặc dù hình thái bên ngoài vẫn giống bánh rượu. Nếu ta tin Chúa có quyền thế, ta cũng tin Chúa trao quyền cho Linh mục, để truyền cho bánh rượu trở thành Mình Máu thánh Người.

III. HÃY ĐẾN DỰ BÀN TIỆC THÁNH THỂ

1. Thánh Thể là bữa tiệc

Thánh lễ trong đó có Thánh Thể là bữa tiệc mà Đức Giêsu đáp ứng cho các môn đệ Ngài. Tất cả chúng ta đều đến dự bữa tiệc ấy với cái đói, chúng ta đều cần bánh ăn mà chỉ có Đức Giêsu có thể ban cho – bánh của sự sống đời đời. Và tất cả chúng ta đều được nuôi sống và được vinh dự, bởi vì ở đây mỗi người cho là một vinh dự. Ở đây mọi người trở nên bình đẳng, vì tất cả chúng ta là những người nghèo về mặt thiêng liêng nên tất cả đều được ăn uống no nê.

Ngoài ra, tất cả những người cùng tham dự bàn tiệc Chúa sẽ liên kết với nhau bằng sợi dây tình nghĩa, vì cùng chia sẻ một thức ăn và một tình yêu của Đức Giêsu Kitô. Chúa đã tự hiến mình làm của ăn nuôi linh hồn chúng ta và mời gọi chúng ta đến ăn, tại sao chúng ta không đến dự ?

Truyện : Người mẹ hy sinh để con sống.

Vào cuối thế kỷ trước, bên Anh có phong trào di dân sang lập nghiệp tại Úc châu. Trên một chiếc thuyền buồm chở người di cư, có một bà mẹ goá chồng, mang theo một đứa con thơ đang bú sữa mẹ. Sau khi đi được một tuần, thì một cơn bão bất ngờ ập tới làm biển động dữ dội, con thuyền bị sóng đánh tơi tả và cột buồm bị gẫy. Từ đó, con thuyền phải lênh đênh trên mặt biển trong nhiều ngày. Lương thực trên tầu hầu như cạn kiệt. Nhiều người trên thuyền bị chết đói và bị quăng xuống biển. Vào một buổi sáng người ta phát hiện ra bà mẹ kia đã bị chết đói, đang khi đứa con bên cạnh vẫn còn sống. Thì ra bà mẹ này trước khi chết đã dùng dao cắt đứt đầu ngón tay út và cho con bú máu mình thay cho dòng sữa. Bà đã hy sinh chết để cho con bà được sống !

Về sau đứa bé lớn lên đã trở thành một dân biểu nổi tiếng trong vùng. Ông luôn nhớ và biết ơn người mẹ thân thương và một ngày kia, ông đã đứng trên diễn đàn quốc hội, kể lại câu chuyện đau thương cuộc đời mình, và đề nghị Quốc hội chọn một ngày trong năm làm ngày để nhắc nhở con cái tỏ lòng biết ơn đối với mẹ mình. Đó là nguồn gốc của Ngày Quốc tế các Bà Mẹ hiện nay.

3. Hiệu quả việc tham dự Thánh Thể

Đức Giêsu đã giãi bầy tâm sự với các môn đệ :”Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”(Ga 6,56). Khi chúng ta rước mình và máu thánh Chúa thì chúng ta được kết hợp với Ngài như Ngài ở trong chúng ta vậy. Một cuộc kết hợp giao thân như cành nho với thân nho (Ga 15,4-7), một cuộc trao đổi tình thương có một không hai, chỉ có trong phép Thánh Thể.
Để minh hoạ cho sự kết hợp trên, tôi xin đưa ra hình ảnh cụ thể : Đây là tủ sách của tôi, trong đó có một quyển sách mà tôi chưa hề đọc. Dù cho quyển sách đó có qúi và bổ ích đến bao nhiêu, nhưng nếu tôi không đọc đến thì nó vẫn ở ngoài tôi. Nhưng một ngày kia, tôi lấy nó ra đọc, tôi cảm thấy hồi hộp, lôi cuốn và rung cảm. Câu truyện đó thôi thúc tôi, những dòng chữ quan trọng được ghi khắc vào tâm trí tôi. Bây giờ lúc nào cần, tôi có thể lấy những điều kỳ diệu đó từ bên trong, hồi tưởng lại, suy gẫm nó bồi dưỡng tâm trí mình. Trước kia cuốn sách đó vốn ở ngoài tôi, nằm trên kệ sách. Bây giờ, nó đã thâm nhập vào tôi, tôi có thể lấy nó để nuôi mình. Những kinh nghiệm và từng trải trọng đại trong đời cũng vậy, chúng vẫn ở ngoài ta cho đến khi chúng ta nhận lấy cho riêng mình.

Với Chúa Giêsu cũng vậy. Bao lâu Ngài còn là một nhân vật trong sách, thì Ngài vẫn ở ngoài ta, nhưng một khi Ngài đã vào lòng chúng ta, thì Ngài ở trong chúng ta, chúng ta có thể nuôi dưỡng bằng sự sống, sức mạnh và sinh động mà Ngài ban cho. Đức Giêsu dạy chúng ta phải uống máu Ngài, điều ấy Ngài muốn nói “Các ngươi phải tiếp thu sự sống của ta, đưa vào bên trong các ngươi. Phải thôi nghĩ về Ta như một nhân vật trong sách hay một đề tài thảo luận thần học, mà phải nhận lấy Ta vào bên trong các ngươi, và các ngươi vào trong Ta, lúc ấy, các ngươi sẽ có sự sống, và đó là sự thật”.

Đó là điều Đức Giêsu muốn nói khi Ngài đề cập đến việc chúng ta ở trong Ngài và Ngài ở trong chúng ta. Khi Đức Giêsu dạy chúng ta ăn thịt và uống máu Ngài là dạy chúng ta hãy lấy nhân tính của Ngài để nuôi dưỡng tâm trí và linh hồn mình, hãy bồi bổ lại đời sống mình bằng sự sống của Ngài cho đến khi chúng ta được thấm nhuần, tràn ngập, đầy dẫy sự sống của Thiên Chúa (Trần Văn Hàm, Tin mừng Chúa nhật, năm B, tr 185).

Muốn thực sự gặp gỡ Đức Kitô, muốn được kết hợp chặt chẽ với Ngài, có lẽ chúng ta phải có chút duyên như người ta thường nói :

Hữu duyên vạn lý năng tương ngộ,
Vô duyên đối diện bất tương phùng.

Muốn gặp Chúa kết hiệp nên một với Ngài thì phải có “duyên” với Ngài, nghĩa là phải có một sự đồng cảm hay một sự giống nhau nào đấy với Ngài. Ta thấy dầu và nước không thể hoà tan với nhau được, vì hóa tính của hai chất không giống nhau. Hai chất phải có những hoá tính căn bản giống nhau mới hoà tan với nhau được.

Cũng vậy, “Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4,8.16), nên muốn gặp Ngài hay kết hiệp với Ngài thì chính mình cũng phải có ít nhiều tình yêu, có lòng vị tha, có thiện chí muốn gặp gỡ Ngài bằng bất cứ giá nào. Một người có tính ích kỷ, lãnh đạm với mọi người, hay có tính ganh tị, ghen ghét thì khó mà gặp được Chúa, dẫu họ có rước lễ cả chục lần một ngày. Thánh Gioan xác định:”Ai không yêu thương, thì không biết (=kinh nghiệm về) Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”(1Ga 4,8) ; “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta”(1Ga 4,12) ; “Nếu ai có của cải thế gian mà thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao Thiên Chúa ở trong người ấy được?” (JKN).

Để kết thúc tôi xin đưa ra đây câu truyện có vẻ hơi “kỳ kỳ”, không biết có tương xứng không, nhưng cũng có thể giúp chúng ta suy nghĩ, may ra có thể kiếm được một vài tư tưởng nào đó để áp dụng vào cuộc sống mình :

Truyện : Thánh Gióng

Thời vua Hùng Vương có một bà sinh đứa con tên là Gióng. Đứa bé lên ba rồi vẫn không biết lật, không biết ngồi, cũng không biết cười nói gì, cứ nằm ngửa đòi ăn.

Thời ấy giặc Ân kéo đến xâm chiếm, quân ta nhiều lần bại trận. Vua Hùng lo sợ, sai sứ đi khắp nước tìm kiếm tướng tài cứu nước. Nghe báo cứu nước, tự nhiên bé Gióng nhìn mẹ bật lên tiếng nói :

– Mẹ gọi sứ giả vào đây cho con.

Sứ giả vào nhà thấy bé liền hỏi:

– Bé ơi, bé bị tật như thế, mời ta vào làm gì ?

Bé dõng dạc nói :

– Về bảo vua đúc một con ngựa sắt, một mũ sắt đưa đến cho ta đi đánh giặc Ân.

Rồi bé bảo mẹ thổi nhiều cơm cho con ăn. Mẹ thổi bao nhiêu, bé ăn hết bấy nhiêu. Hết gạo, mẹ kêu làng xã mang gạo, khoai, bánh rượu, trâu bò cho bé ăn. Bao nhiêu cũng hết. Ăn xong, lúc vươn vai thành người khổng lồ, mặc áo giáp, cầm gươm, hét lớn tiếng : – Ta là tướng nhà trời.

Gióng nhảy lên ngựa sắt phun ra lửa, phi như bay đến phá tan giặc Ân. Dẹp xong giặc. Gióng chạy lên núi Sóc Sơn, cởi áo bỏ lại, biến lên trời. Vua phong thánh Gióng làm Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thở kỷ niệm ở làng quê.

Câu chuyện có vẻ thần thoại, nhưng cũng có ý nghĩa. Nếu sứ giả của nhà vua cùng bà mẹ và dân làng khinh chê đứa bé tàn tật, cố chấp không nghe lời bé Gióng, không góp công góp của một chút, thì đâu được bé Gióng là tướng nhà Trời đến cứu dân cứu nước. May thay, họ đã khiêm tốn nghe lời đứa bé ba tuổi tàn tật và họ đã được tướng nhà trời cứu sống.

Người Do thái đã không học bài học đó. Họ khinh chê Đức Giêsu, không tin lời Ngài vì Ngài chỉ là con bác thợ mộc Giuse và cũng là người ở Nazareth, theo họ, tại Nazareth có cái gì hay đâu ! Ngày nay, người ta cũng chẳng khác gì người Do thái xưa. Đức Giêsu đã bảo họ :”Ai có tai để nghe thì hãy nghe”, nhưng đâu người ta có nghe, nếu có nghe thì cũng chỉ như hạt giống gieo bên vệ đường chim trời ăn mất vì họ từ chối :”Người đi thăm trại, kẻ đi buôn, đứa thì lo cưới vợ. Họ khinh thường lời nói của vua trời đất, họ sẽ bị tru diệt”(Mt 22,5-7).

Cuối cùng, chúng ta hãy đọc lại lời nói của Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong thông điệp Mysterium Fidei nói về việc tôn sùng phép Thánh Thể :

“Trong khi nhớ đến sự cao cả và lòng thương lạ lùng của Chúa Giêsu, Đấng đã ban sự sồng rất qúi giá của mình để làm giá cứu chuộc chúng ta và là Đấng đã ban thịt mình cho chúng ta ăn, các tín hữu hãy tin vững chắc và kính thờ sốt sắng mầu nhiệm Mình Máu thánh Người với một niềm kính trọng và đạo đức khả dĩ cho phép họ được năng rước lấy bánh siêu thể đó. Ước chi Người thực là đời sống của linh hồn họ, và là sức khỏe vĩnh viễn của tinh thần họ ; ước chi, sau khi được tăng cường bởi nghị lực của Người, từ cuộc hành trình gian khổ đời này dần dà họ tới nơi quê trời, để được ăn ở đó bánh không còn che phủ của các thiên thần : bánh mà bây giờ họ được ăn dưới những tấm màn thánh che phủ”.

Lm Giuse Đinh Lập Liễm

Comments are closed.

phone-icon