Đạo yêu thương

0

18b

Cơn gió bấc đầu mùa thổi mạnh, len lỏi qua những bông cỏ may làm chúng phải nghiêng ngã. Xa xa phía cuối chân trời, sau dãy đồi xanh mờ, ông mặt trời đã đi ngủ, chỉ còn sót lại trên khoảng trời những vệt sáng màu đỏ rực. Buổi chiều trên miền cao nguyên đất đỏ, khung cảnh bình yên đến lạ. Chị, một người phụ nữ đã ngoài tứ tuần, đang ngồi tựa cửa nhìn xa xăm về phía cuối chân trời, lòng bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đã qua.

Mười mấy năm về trước, chị cùng chồng bỏ quê hương miền Trung máu thịt, nơi chôn nhau cắt rốn, để đến vùng cao nguyên đất đỏ này lập nghiệp. Thời buổi khó khăn nên hai vợ chồng chị rất chịu khó làm ăn, ai thuê gì làm nấy, thắt lưng buộc bụng, gom góp để có thể mua được dăm ba tấc đất cắm dùi. Một năm sau, niềm vui vỡ òa khi đứa con gái đầu lòng cất tiếng khóc chào đời, nhưng đây cũng là lúc tai họa đổ ập xuống gia đình chị. Đứa bé bị phát hiện mắc chứng bệnh tim bẩm sinh, nên tất cả tiền nong kiếm được đều để lo thuốc cho con. Chồng chị trong một lần được mướn đi chặt cây đã không bao giờ trở về với mẹ con chị nữa. Chị vẫn còn nhớ như in cái khoảnh khắc đáng sợ đó. Hôm ấy, chị ở nhà đang cố dỗ dành con bé đi ngủ thì người ta hốt hoảng báo tin chồng chị bị cây đổ đè chết. Nghe như tiếng sét bên tai, chị qụy xuống, mặt mày tái mét không còn một giọt máu.

Ngày tiễn anh về nơi an nghỉ cuối cùng là một buổi chiều gió bấc thổi mạnh, mây đen giăng kín cả bầu trời. Mọi người ai cũng vội vã vì sợ cơn mưa giông sắp ập xuống. Chị tiều tụy đi trông thấy, khuôn mặt hốc hác, dáng người nhỏ bé trong chiếc áo tang thụng, những sợi tóc mây lòa xòa trước mặt, đứa con nhỏ chị bế trên tay cứ khóc ngằn ngặt. Chị đứng như chết lặng, ánh mắt thẩn thờ, hai dòng nước mắt chảy dài trên gò má. Một nỗi hoang mang lo lắng đến tột độ. Chị tự hỏi rồi đây tương lai của mẹ con chị sẽ ra sao khi không còn điểm tựa? Liệu chị có đủ sức để vượt qua cơn bão này hay không? Chị càng lo lắng hơn, khi thấy chiều nay gió bấc thổi mạnh như muốn lay đổ cả túp lều của mẹ con chị. Ngày đó, chị tưởng rằng mình không thể vượt qua, nhưng sự nâng đỡ của bà con trong xóm đạo vùng cao này đã tiếp thêm nghị lực giúp chị đứng vững. Nơi đây, chị nhận được tình thương của những người sống chung quanh chị. Nhà Bác Chín hàng xóm là một gia đình hết sức tử tế, cả bác trai và bác gái đều coi chị như người nhà. Khi anh nằm xuống, biết chị không có của để dành, hai bác đứng ra giúp chị tổ chức tang lễ, rồi vận động bà con chòm xóm mỗi người một ít để giúp cho mẹ con chị sửa lại túp lều khi mùa mưa bão tới. Những khi con ốm, đêm hôm gõ cửa, gia đình bác sẵn sàng giúp đỡ, không một chút than phiền hay tỏ vẻ khó chịu. Sự quan tâm hết sức âm thầm của bà con trong xóm  khi thì bó rau, con cá, có khi thì cây trái trong vườn nhà; các bà sơ áo trắng thì mỗi tháng đều đặn đến viếng thăm, mỗi lần các sơ đến đều mang theo quà, có khi thì lon sữa cho con bé, khi thì vài cân gạo …. đã động viên, khích lệ tinh thần cho chị rất nhiều. Quá cảm kích trước tấm lòng của bà con lối xóm và đặc biệt là gia đình bác Chín, có lần chị hỏi với ánh mắt rớm rớm: “Sao mà hai bác thương mẹ con cháu nhiều quá vậy? Cháu không phải họ hàng cũng không phải bà con thân thuộc, lại không cùng tôn giáo với hai bác, vậy mà hai bác coi cháu như người nhà, làm cháu cảm động quá. Không biết đến bao giờ mới đền đáp hết ân tình của hai bác và mọi người”. Bác gái nhanh nhảu: “Ân tình gì hả chị, chỉ là tụi tui thực hành đạo đó thôi, đạo chúng tôi là đạo yêu thương mà. Tụi tui được dạy là phải thực thi tình yêu thương, lòng bác ái với những người chung quanh”.

Cứ thế, thời gian thấm thoát thoi đưa, mùa gió bấc này qua đi rồi mùa gió bấc khác lại tới, mẹ con chị đã làm con Chúa được mười mấy năm rồi. Ngày ngày niềm vui của chị sau một ngày làm việc mệt nhọc là được cùng bà con trong xóm đạo quây quần trước bàn thờ để đọc kinh, lần chuỗi. Mỗi tuần được đến nhà thờ để tham dự Thánh Lễ và được cùng bà con lối xóm thực hành đạo yêu thương. Trên mảnh đất ấm áp tình người này, mỗi mùa gió bấc về, chị không còn sợ hãi trước cái lạnh, cái rét, nhưng cảm nhận được hơi ấm của tình yêu thương.

                                                                                 Sr. Anna Nguyễn Thị Lệ Quỳnh

Comments are closed.

phone-icon