Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 06.06.2018: Bí Tích Thêm Sức (III) – trang 3 – hết

0

Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô
trong buổi tiếp kiến chung, sáng thứ Tư, 06.06.2018
Bí Tích Thêm Sức (III – hết)

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục những suy tư về Bí Tích Thêm Sức, và sẽ suy tư về những công hiệu mà ân sủng của Chúa Thánh Thần làm cho chúng được phát triển trong những người lãnh nhận Bí Tích này, bằng cách là Ngài làm cho những người ấy trở thành một hồng ân đối với người khác. Chúa Thánh Thần chính là một hồng ân. Chúng ta hãy nhớ rằng, khi xức dầu thánh cho chúng ta, Đức Giám mục sẽ nói rằng: “Con hãy nhận lấy ấn tín nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa, tức Chúa Thánh Thần”. Ơn Chúa Thánh Thần sẽ đi vào trong chúng ta và làm cho chúng ta được đơm bông kết trái, để rồi sau đó, chúng ta có thể trao tặng những bông trái đó cho những người khác: Luôn luôn đón nhận để trao tặng: Đừng bao giờ đón nhận rồi giữ lại trong mình, làm như thể linh hồn là một kho chứa hàng vậy. Xin đừng như thế! Hãy luôn đón nhận để cho đi. Các hồng ân của Thiên Chúa được đón nhận để cho đi. Đó là cuộc sống của người Ki-tô hữu. Chúa Thánh Thần lấy đi cái TÔI riêng của chúng ta khỏi trung tâm điểm, để mở chúng ta ra cho cái “CHÚNG TA” của sự hiệp thông: đón nhận để cho đi.

Không phải chúng ta đứng ở trung tâm điểm: chúng ta là khí cụ của ân sủng đối với người khác. Trong khi ân sủng hoàn thiện hóa việc nên giống Chúa Ki-tô trong những người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy, thì Bí Tích Thêm Sức lại hiệp nhất họ một cách mạnh mẽ hơn nữa với tư cách là những chi thể sống động với thân mình mầu nhiệm của Giáo hội. Sứ mạng của Giáo hội trên thế giới sẽ tiến về phía trước nhờ vào sự đóng góp của tất cả những ai tham dự vào sứ mạng ấy. Một số người nghĩ rằng, trong Giáo hội có những người chủ: Giáo Hoàng, các Giám Mục, Linh mục, rồi sau đó mới đến những người khác. Không: Giáo hội  là tất cả chúng ta. Mỗi người đều có nhiệm vụ của mình trong Giáo hội, nhưng Giáo hội là tất cả chúng ta. Vì thế chúng ta phải giới thiệu Giáo hội với tư cách là một thân thể sống động, mà thân thể đó được cấu thành từ những con người mà chúng ta quen biết và cùng đi với họ trên đường, chứ không phải là một thực tại trừu tượng và xa vời. Giáo hội là chúng ta, những con người lên đường. Giáo hội là chúng ta, những con người đang hiện diện hôm nay tại quảng trường này. Chúng ta: đó là Giáo hội. Bí Tích Thêm Sức nối kết những người đã lãnh nhận Bí Tích này với Giáo hội phổ quát trên toàn thế giới, nhưng liên kết họ một cách tích cực vào với đời sống của Giáo hội địa phương mà họ thuộc về, và người lãnh đạo của Giáo hội địa phương chính là Giám mục, người kế vị các Tông Đồ.

Và sở dĩ Giám mục là “thừa tác viên căn nguyên của bí tích Thêm Sức” (xc. Lumen gentium, 26), là vì Ngài liên kết những người đã lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức vào trong Giáo hội. Thực tế cho thấy, trong Giáo hội La-tinh, Bí Tích Thêm Sức thường được ban bởi Giám mục, và điều đó “diễn tả rằng, Bí Tích này sẽ liên kết các thụ nhân một cách khắng khít với Giáo hội, với nguồn cội Tông Đồ của Giáo hội cũng như với sứ mạng làm chứng của Giáo hội cho Chúa Ki-tô” (Sách GLHTCG, 1313). Và việc sáp nhập vào Giáo hội ấy được biểu tượng hóa thông qua lời chào bình an được thực hiện để kết thúc nghi thức xức dầu thánh. Vì thế, Giám mục sẽ nói với thụ nhân rằng: “Bình an ở cùng con!”

Những lời tràn đầy Chúa Thánh Thần ấy nhắc nhớ tới lời chào của Chúa Ki-tô dành cho các môn đệ vào chiều ngày Phục Sinh (xc. Ga 20,19-23) – mà chúng ta đã nghe – và giải thích một cử chỉ mà “cộng đoàn Giáo hội với Giám mục và với tất cả các tín hữu nêu ra và xác nhận” (xc. sách GLHTCG, 1301). Qua Bí Tích Thêm Sức, chúng ta sẽ đón nhận được Chúa Thánh Thần và sự bình an: đó là sự bình an mà chúng ta phải trao tặng cho người khác. Nhưng chúng ta hãy nghĩ cho kỹ: mỗi người đều có thể nghĩ tới một tổ chức nào đó, chẳng hạn như cộng đoàn Giáo xứ của mình. Buổi cử hành Bí Tích Thêm Sức diễn ra, và sau đó chúng ta sẽ trao cho nhau lời cầu chúc bình an: Đức Giám mục trao bình an cho những người chịu phép Thêm Sức, và rồi sau đó, trong Thánh Lễ, chúng ta cũng trao cho nhau sự bình an đó. Điều đó có nghĩa là sự đồng tâm nhất trí, có nghĩa là sống Đức Ái với nhau, và có nghĩa là bình an.

Nhưng sau đó thì điều gì sẽ diễn ra? Chúng ta ra đi và bắt đầu đến với người khác, để nói xấu người này, người kia. Đó là sự khởi đầu của việc ngồi lê đôi mách. Và bất cứ việc ngồi lê đôi mách nào cũng đều là một cuộc chiến tranh. Như thế thì không được! Nếu chúng ta đã đón nhận dấu chỉ bình an nhờ vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần, thì chúng ta cũng phải trở thành những người nam và những người nữ bình an, và không được phép dùng cái lưỡi để hủy hoại sự bình an mà Chúa Thánh Thần đã tác tạo nên. Chúa Thánh Thần có rất nhiều việc phải làm với chúng ta, với thói quen ngồi lê đôi mách ấy! Chúng ta hãy suy nghĩ cho kỹ về điều này: ngôi lê đôi mách không phải là công việc của Chúa Thánh Thần, nó không phải là công việc hiệp nhất trong Giáo hội. Sự ngồi lê đôi mách sẽ hủy hoại tất cả những gì Thiên Chúa sáng tạo nên! Vì thế, xin chúng ta đừng nói xấu người khác nữa!

Người ta chỉ lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức một lần, nhưng sự năng động thiêng liêng mà nó phát sinh từ việc xức dầu thánh sẽ tồn tại vượt thời gian. Chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện xong lệnh truyền phải phát tán hương vị của một đời sống thánh thiện trên khắp mọi nơi, được gợi hứng bởi sự đơn sơ đầy hấp dẫn của Tin Mừng. Không ai lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức chỉ để cho riêng mình, nhưng để cộng tác hầu làm cho người khác được lớn lên về đời sống thiêng liêng. Chỉ khi nào chúng ta mở bản thân mình ra và đi ra khỏi chính mình để gặp gỡ những người anh chị em, thì chúng ta mới có thể thực sự lớn lên và không chỉ tự hướng dẫn cho mình làm việc đó. Vì điều mà chúng ta lãnh nhận từ Thiên Chúa với tư cách là ân sủng, sẽ phải được trao đi – ân sủng có nhiệm vụ để trao đi -, để nó có thể đơm bông kết trái.

Không được phép chôn vùi ân sủng vì những nỗi sợ hãi đầy ích kỷ, như dụ ngôn các nén vàng đã dậy (xc. Mt 25,14-30). Điều đó cũng được áp dụng cho những hạt cải giống. Nếu chúng ta có trong tay những hạt cải giống, thì đừng để chúng vào trong tủ rồi cất giữ chúng ở đó: Hạt giống hiện hữu để được gieo trồng. Chúng ta phải trao cho cộng đoàn những hồng ân của Chúa Thánh Thần. Cha khuyên những người chịu phép Thêm Sức, đừng „giam hãm“ Chúa Thánh Thần; đừng chống lại cơn gió mà nó thổi để tạo điều kiện cho những ân sủng đó được phát tán, được lên đường trong sự tự do; đừng dập tắt ngọn lửa bừng cháy của Tình Yêu, vì ngọn lữa ấy sẽ khích lệ người ta dấn thân và trao hiến mạng sống cho Thiên Chúa cũng như cho những người anh chị em. Ước gì Chúa Thánh Thần sẽ ban sự can đảm tông đồ cho tất cả chúng ta để công bố Tin Mừng cho tất cả những ai mà chúng ta gặp gỡ trên đường, bằng cả công việc lẫn lời nói. Bằng cả công việc lẫn lời nói, nhưng bằng những lời tốt lành: bằng những lời xây dựng. Đừng sử dụng những lời nói xấu, vì chúng chỉ hủy hoại. Khi anh chị em ra khỏi nhà thờ thì xin anh chị em hãy nhớ rằng, sự bình an đã được đón nhận là để tiếp tục trao tặng cho người khác, chứ không phải để hủy hoại nó bằng việc ngồi lê đôi mách. Xin anh chị em đừng quên điều đó!

Quảng trường Thánh Phê-rô

Sáng thứ Tư ngày mồng 06 tháng 06 năm 2018

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

1 2 3

Comments are closed.

phone-icon