Bởi: JEFF SMITH
Anh chị em thân mến,
Giống như nhiều người trong các anh chị em, tôi là bậc cha mẹ và ông bà. Hầu hết bạn bè của tôi cũng là cha mẹ và ông bà và một trong những điều tôi thường nghe họ nói là: “Tất cả những gì tôi muốn là cho con cái tôi được hạnh phúc”. Dĩ nhiên, nếu bạn hỏi hai mươi cha mẹ nói cho bạn biết hạnh phúc là gì, thì có lẽ bạn sẽ nhận được ba mươi câu trả lời khác nhau! Nhưng với tất cả những gì đã nói và đã làm, chúng ta không chỉ muốn những đứa trẻ của mình thoát khỏi đau khổ; chúng ta còn muốn họ được hạnh phúc.
Bạn có biết rằng Chúa Giêsu đã dạy chúng ta định nghĩa về hạnh phúc không? Hạnh phúc ở ngay tại đó trong các Mối Phúc (Mt 5,3-12). Đó là bởi vì từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “người có phúc (may mắn, hạnh phúc)” – như trong câu “phúc thay ai có tinh thần (tâm hồn) nghèo khó” – cũng có thể được dịch là “người hạnh phúc”. Điều đó là như thể Chúa Giêsu đang nói với chúng ta: “Nếu con thực sự muốn hạnh phúc, thì đây là cách con nên sống”. Trong tháng này, chúng tôi muốn tập trung vào ba Mối Phúc: Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó, người có lòng thương xót và những người xây dựng hòa bình. Chúng tôi chọn những điều này vì các mối phúc đó dạy chúng ta cách tiếp cận với Thiên Chúa (nghèo về tinh thần, nghèo trong tâm hồn) và cách chăm sóc những người khác bằng lời nói và hành động của chúng ta (những người kiến tạo hòa bình nhân từ).
Hạnh Phúc cho Những Người Nghèo Khó trong Tâm Hồn. Khi tiên tri Isaia cảm được sự thánh thiện của Thiên Chúa, ông đã kêu lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế” (Is 6,5). Khi được người em họ là Đức Maria đến thăm, bà Elizabeth đã hỏi: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi như thế này?” (Lc 1,43). Anh mù Batimê, các tông đồ Phêrô và Phaolô, và rất nhiều người khác đã có những tuyên bố tương tự (x. Mc 10,47; Lc 5,8; 1 Tm 1,15).
Tất cả những người này đều hiểu họ đã hiến dâng cho Thiên Chúa ít như thế nào khi họ trải nghiệm sự hiện diện của Người. Tất cả họ đều tiếp cận Thiên Chúa với đôi tay đã được vét rỗng và với cảm giác túng quẫn khi họ cầu xin Chúa lấp đầy và nâng đỡ họ. Mỗi ngày, tôi cầu nguyện để xin Chúa Giêsu giúp tôi trở nên nghèo khó trong tâm hồn như những vị thánh vĩ đại này!
Hạnh Phúc cho Những Người Nhân Hậu và Những Người Xây Dựng Hòa Bình. Nhưng được chúc phúc (hạnh phúc) không chỉ liên quan đến khuynh hướng (tâm tính) nội tâm của chúng ta. Hạnh phúc thật sự chỉ có thể được tìm thấy khi chúng ta đối xử với các thành viên trong gia đình mình và trên thực tế với mọi người xung quanh chúng ta, bằng cùng một lòng thương xót và tha thứ mà Thiên Chúa đã tự do ban cho chúng ta. Vào ngày tôi gặp Chúa Giêsu diện đối diện, tôi thực sự muốn “được (Thiên Chúa) xót thương” (Mt 5,7). Vì thế, hôm nay tôi muốn trao tặng lòng thương xót và tha thứ, ngay cả với những người không xin tôi tha thứ. Tôi muốn được thương xót như Cha của chúng ta trên thiên đàng đã xót thương tôi (x. Lc 6,36).
Tôi cũng muốn biết niềm hạnh phúc khi trở thành một người hòa giải (kiến tạo hòa bình) trong mọi tình huống. Tôi muốn những lời nói của tôi mang lại hòa bình và khích lệ cho gia đình tôi, cho giáo dân đồng bào của tôi và cho các đồng nghiệp của tôi. Tôi muốn bỏ đi những lời tiêu cực chia rẽ mọi người và thay vào đó là nói với họ bằng chính tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho họ.
Trong tháng này, chúng ta hãy cầu xin Chúa dạy chúng ta con đường đạt đến hạnh phúc đích thực và phúc lành thực sự. Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu với bàn tay không (vét rỗng). Chúng ta hãy chậm phán xét và nhanh chóng tha thứ. Và chúng ta hãy trở nên những sứ giả hòa bình và lòng thương xót của Chúa cho mọi người chúng ta gặp gỡ.
Theo The Word Among Us [wau.org]
September Issue 2019
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương