Phúc Thay Ai Xây Dựng (Kiến Tạo) Hòa Bình

0

Bạn có thể làm nên một sự khác biệt

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó” (Mt 5,3), Jerry đã đọc một ngày trong thời gian yên tĩnh với Chúa. Jerry đã cầu nguyện. “Lạy Chúa Giêsu! Chúa biết lòng con. Chúa biết con cố gắng đến với Chúa bằng hai bàn tay trắng để Chúa có thể ban tràn đầy cho họ. Xin hãy giúp con trở nên giống Chúa hơn!”

Xa hơn một chút, Jerry đọc: “Phúc thay ai xót thương người” (Mt 5,7). “Lạy Chúa Giêsu”, Jerry đã cầu nguyện: “Con cám ơn Chúa vì lòng thương xót của Chúa đã dạy con biết tha thứ và nhẫn nhịn. Xin Chúa giúp con buông bỏ những mối hận thù mà con đang nắm giữ và xin dạy con cách đối xử với mọi người bằng chính sự kiên nhẫn và tình yêu mà Chúa dành cho họ”.

Nhưng khi đến với Mối Phúc: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình” (Mt 5,9) thì Jerry đã dừng lại ngay: “Lạy Chúa, Chúa biết có sự căng thẳng và thù địch giữa các đồng nghiệp của con. Con không quan tâm đến việc Chúa yêu cầu con duyệt xét lại tâm hồn của con, nhưng bây giờ Chúa lại đang yêu cầu con can thiệp khi con nhìn thấy sự chia rẽ và Chúa muốn con cố gắng mang lại sự chữa lành. Chúa đang yêu cầu con mang hòa bình của Chúa đến nơi có sự tức giận, oán thù và ganh đua. Làm thế nào con có thể làm được điều đó?

Lời cầu nguyện của Jerry cho chúng ta thấy Mối Phúc này thách đố biết chừng nào. Trong lời kêu gọi trở nên nghèo khó về tinh thần hoặc trở nên người biết thương xót, chúng ta có thể tập trung hầu hết năng lượng vào những suy nghĩ nội tâm của mình. Nhưng với lời kêu gọi trở thành những người xây dựng hòa bình (hòa giải), chúng ta không thể chỉ tập trung vào nội tâm. Chúng ta cần phải làm gì đó! Trên thực tế, từ tiếng Hy Lạp cho từ “peacemaker” là eirenopoioi, có nghĩa là “tạo nên hòa bình (hòa giải)”, thậm chí, có nghĩa là “làm cho hòa bình”. Vì vậy, Chúa Giêsu đang yêu cầu chúng ta trở thành những người làm nên (mang lại) hòa bình, những người “làm” công việc hòa bình mỗi ngày.

Khi chúng ta suy ngẫm về Mối Phúc này, chúng ta sẽ thấy rằng khi chúng ta đóng vai trò là người hòa giải, chúng ta mang hòa bình vào những căng thẳng hàng ngày của cuộc sống cũng như trong các mối tương quan của chúng ta. Chúng ta cũng sẽ thấy cách những người hòa giải phản ánh chính hình ảnh của Thiên Chúa Cha; như Chúa Giêsu đã nói: Họ là “con cái của Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu, Người Hòa Giải (Đấng Kiến Tạo Hòa Bình). Cả đời của Chúa Giêsu là một người hòa giải. Dĩ nhiên, cách quan trọng nhất mà Chúa Giêsu làm nên hòa bình là khôi phục mối tương quan của chúng ta với Cha trên trời. Như thánh Phaolô đã viết: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi” (Rm 5,8). Chúa Giêsu đã đến để hòa giải chúng ta với Thiên Chúa hầu chúng ta có thể có mối tương quan với Người một lần nữa, một mối tương quan của tình yêu chứ không phải thù địch.

Nhưng Chúa Giêsu đã không mang lại hòa bình chỉ qua cái chết trên thập giá. Ngày này qua ngày khác, Người dạy các môn đệ của mình cách trở thành những người xây dựng hòa bình. Một câu chuyện Tin Mừng đặc biệt chứng minh điều này.

Một ngày nọ, Giacôbê và Gioan đến với Chúa Giêsu với một yêu cầu táo bạo: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,37). Khi nghe những lời đó, các môn đệ khác trở nên bực mình với họ. Thật tệ khi hai anh em này dường như là những người yêu dấu nhất của Chúa Giêsu; bây giờ ở đây họ đã cố gắng thực hiện một kết thúc xung quanh mục đích của họ để họ được công nhận nhiều hơn nữa!

Nhưng thay vì mạo hiểm nuôi dưỡng những sự chia rẽ bằng cách quở trách Giacôbê và Gioan, Chúa Giêsu đã chỉ cho tất cả các môn đệ của mình cách phá vỡ mọi sự chia rẽ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn là đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người” (Mc 10,43-44). Hãy phục vụ lẫn nhau. Hãy làm điều tốt cho nhau. Hãy quảng đại với nhau. Sự ganh đua (cạnh tranh) và chia rẽ không thể chịu đựng được những hành động của tình yêu. Sự tự hạ mình và phục vụ lẫn nhau là con đường tốt nhất cho hòa bình và sự hòa giải.

Phêrô, Người Xây Dựng Hòa Bình (Hòa Giải). Ngay từ đầu, Giáo Hội cần những người hòa giải. Sự chia rẽ đe dọa sự đoàn kết và tình yêu của các tín hữu. Chúng ta thấy điều này trong sự chia rẽ giữa Dân Ngoại và người Do Thái mà các tông đồ đầu tiên gặp phải.

Trong nhiều thế kỷ, những người Do Thái đứng tách biệt với những người thuộc các chủng tộc và các tôn giáo khác. Thiên Chúa đã kêu gọi dân Ítraen nên thánh, để tách họ khỏi Dân Ngoại, những người mà họ coi là những tội nhân ô uế. Thiên Chúa đã ban cho họ Lề Luật và kêu gọi họ sống đẹp lòng Chúa nhiều hơn so với những Dân Ngoại xung quanh họ.

Nhưng rồi một điều bất ngờ đã xảy ra: khi tông đồ Phêrô rao giảng Tin Mừng cho người lính Rôma Conêliô và gia đình của ông, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống những người không phải là người Do Thái này, và họ bắt đầu ca ngợi Thiên Chúa và nói tiếng lạ (x. Cv 10,1-48). Thấy vậy, Phêrô lý luận: “Ai có thể ngăn cản chúng ta lấy làm nước phép rửa cho những người này” (Cv 10,47). Và thế là những Dân Ngoại đầu tiên được rửa tội.

Sự thay đổi (biện pháp) của Phêrô làm cho nhiều thập kỷ căng thẳng. Làm thế nào Dân Ngoại, những người không phải là một phần của dân tuyển chọn của Thiên Chúa, được kết nạp vào Giáo Hội? Ít nhất họ nên được yêu cầu cắt bì và tuân theo những luật lệ và truyền thống mà anh chị em Do Thái của họ đã duy trì?

Phaolô, Người Xây Dựng Hòa Bình (Hòa Giải). Vấn đề này đe dọa toàn bộ Giáo Hội, nhưng không nơi nào chúng ta thấy tình trạng thù địch và chia rẽ rõ ràng hơn trong việc mục vụ của Thánh Phaolô. Sau khi cải đạo, Phaolô nhiệt tâm đi từ thị trấn này sang thị trấn khác, đưa cả người Do Thái và Dân Ngoại đến đức tin vào Chúa Kitô. Ngài thiết lập các hội thánh bao gồm những người thuộc mọi tầng lớp: Do Thái và Hy Lạp, nô lệ và người tự do, giàu và nghèo. Và ở mọi nơi, Phaolô phải giúp những tín hữu mới này vượt qua sự khác biệt của họ và sống trong sự bình an của Chúa Kitô.

Một sự hiệp nhất triệt để như vậy thì không dễ dàng. Đặc biệt là giữa người Do Thái và Dân Ngoại, sự chia rẽ đã diễn ra sâu sắc và Phaolô phải liên tục nhắc nhở họ rằng tất cả họ đều là một trong Chúa Kitô. Ngài nói với những người Rôma: “Không còn có sự phân biệt; tất cả … được nên công chính một cách tự do… nhờ sự cứu chuộc trong Chúa Giêsu Kitô” (Rm 3, 22-23.24). Đối với các tín hữu Galát, Phaolô viết: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà, nhưng tất cả là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,28). Và đối với tín hữu Êphêsô, Phaolô đã viết rằng: Chúa Giêsu là “bình an của chúng ta”, và “Người đã phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét” giữa các dân tộc (Ep 2,14).

Chúng ta thường không xem Thánh Phaolô như một người xây dựng hòa bình. Vị tông đồ táo bạo? Vâng. Nhà thần học sáng chói? Dĩ nhiên. Người can đảm nói sự thật? Chắc chắn rồi. Nhưng Phaolô cũng dành cả cuộc đời của mình để mang mọi người lại với nhau. Ngay cả ngày hôm nay, bạn có thể tưởng tượng Phaolô đã kêu lên: Hãy nhìn vào Chúa Giêsu! Hãy để thập giá của Người đưa bất kỳ sự cạnh tranh nào giữa bạn đến cái chết. Hãy để sự khiêm tốn của Người làm dịu trái tim của các bạn để các bạn có thể tha thứ cho nhau. Hãy để sự bình an của Người dạy các bạn cách yêu thương nhau và sống trong hòa bình. Tất nhiên Phaolô là một người xây dựng hòa bình (hòa giải)!

Kiến Tạo và Làm Cho Hòa Bình. Vậy làm thế nào chúng ta, những người con của Cha trên trời, có thể trở thành những người xây dựng hòa bình ngày hôm nay? Điều đầu tiên và quan trọng nhất chúng ta có thể làm là phải có được sự bình an trong tâm hồn. Nếu chúng ta không có sự bình an, chúng ta sẽ không thể mang lại sự bình yên cho môi trường của chúng ta. Bình an đến từ mối tương quan của chúng ta với Chúa Giêsu. Do vậy, bất cứ điều gì có thể đang lôi kéo bạn, cho dù đó là tội lỗi về những lỗi phạm chưa được sửa chữa, sự không tha thứ, sụ oán giận hoặc lo lắng, hãy mang chúng đến với Chúa. Hãy cầu xin Chúa giúp bạn làm bất cứ điều gì cần thiết để bạn được bình an, ngay cả khi có một số tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.

Thứ hai, chúng ta có thể cố gắng tạo ra một bầu không khí hòa bình thông qua những lời chúng ta nói và những hành động chúng ta thực hiện trong gia đình, nơi công sở và nhà thờ của chúng ta. Một cách để làm điều đó là bằng một trái tim phục vụ. Hãy nhớ những lời của Chúa Giêsu trong Bữa Ăn Cuối Cùng sau khi Người rửa chân cho các môn đệ của mình: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,15). Hãy tìm kiếm cơ hội để phục vụ và gương mẫu của bạn sẽ có sức lan truyền. Nó sẽ thúc đẩy sự hào phóng, lòng tốt và sự khao khát sự hiệp nhất nơi những người xung quanh bạn.

Điều quan trọng hơn nữa là những lời bạn nói và những từ bạn chọn không nói. Giacôbê xem lời nói của chúng ta rất quan trọng đến nỗi Người đã viết: “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (Gc 3,2). Thánh Phaolô nói với các tín hữu Thêsalônica: “Anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau” (1 Tx 5,11). Sự khuyến khích là một công cụ mạnh mẽ để mang lại hòa bình khi sự cáu kỉnh nảy sinh hoặc khi sự phàn nàn tràn lan xung quanh chúng ta. Sự khuyến khích xây dựng con người đi lên, mang lại cho họ sự tự tin và khiến họ sẵn sàng làm việc cùng nhau hơn. Mọi người đều thích được khuyến khích!

Việc canh chừng lời nói (miệng lưỡi) của chúng ta cần phải thực hành, đặc biệt là với những người chúng ta gần gũi nhất, nhưng nó cũng đáng phải nỗ lực. Hãy tập thói quen, trước khi bạn nói, bạn hãy tự hỏi bản thân: “Những lời tôi sắp nói có phải là những công cụ của hòa bình không? Hay những lời nói ấy sẽ gieo rắc sự chia rẽ? Những lời tôi nói sẽ xây dựng những người xung quanh tôi chứ? Hay chúng sẽ làm tổn thương và đánh đổ họ?” Khi bạn xét mình của bạn vào cuối ngày, bạn hãy nghĩ về những lời nói cũng như hành động của bạn.

Bạn Có Thể Làm Nên Điều Khác Biệt. Tất cả những lời nói và hành động của bạn với tư cách là một người xây dựng hòa bình thực sự có thể làm giảm đi những căng thẳng, giúp giải quyết những xung đột và hành động như một sự xoa dịu nhẹ nhàng cho các mối tương quan của bạn. Và ngay cả nếu bạn không thể mang lại sự bình yên cho môi trường của mình hoặc các mối tương quan đặc biệt rắc rối, bạn có thể tạo ra sự khác biệt. Thánh Phaolô đã từng viết: “Về phần mình, anh em hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người” (Rm 12,18). Bạn chỉ có thể kiểm soát “phần của bạn”, nhưng điều đó không đáng kể. Hãy cố gắng hết sức và sau đó phó dâng phần còn lại cho Chúa.

Tuần này, bạn hãy tự hỏi: “Làm sao tôi có thể trở thành một người xây dựng hòa bình? Nơi nào tôi có thể mang hòa bình vào gia đình, nơi làm việc, khu xóm và giáo xứ của tôi?” Hãy suy gẫm về những lời nói và hành động của bạn để xem chúng mang lại hòa bình hay gây ra chia rẽ. Bạn hãy hỏi Chúa nơi nào bạn có thể giúp xây dựng mọi người thông qua thái độ yêu thương và phục vụ. Khi bạn làm như vậy, bạn sẽ được gọi là con của Thiên Chúa, vì bạn sẽ noi gương Chúa Giêsu, Con Một của Thiên Chúa, Đấng đến “để hướng dẫn chúng ta bước vào con đường của hòa bình” (Lc 1,79).

Theo The Word Among Us [wau.org]
September Issue 2019
Chuyển ngữ:  Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương

Comments are closed.

phone-icon