Anh chị em rất thân mến!
1. Ngày thế giới truyền giáo, được thiết lập bởi Đức Pio XI theo đề nghị của Bộ Truyền bá Đức Tin năm 1926, mỗi năm mời gọi chúng ta, theo tinh thần hiệp nhất và phổ quát của Giáo hội, đổi mới nhận thức về trách nhiệm của mỗi người trong việc truyền bá sứ điệp Tin Mừng.
Khi chúng ta càng gần với thiên niên kỷ thứ ba về sự cứu chuộc, thì sứ mạng phổ quát càng trở nên cấp bách hơn. Chúng ta không thể thờ ơ khi nghĩ đến hàng triệu người, giống như chúng ta, được cứu chuộc nhờ máu Đức Kitô, nhưng vẫn chưa nhận biết đầy đủ về tình yêu của Thiên Chúa. Không một tín hữu nào trong Đức Kitô, không một tổ chức nào của Giáo Hội có thể thoát khỏi nghĩa vụ cao cả này trong việc loan báo Đức Kitô cho mọi dân tộc. Hai phần ba nhân loại vẫn chưa nhận biết Đức Kitô; họ cần Người và sứ điệp cứu độ của Người.
Vì bản chất của Giáo hội là truyền giáo, nên việc loan báo Tin Mừng trở thành bổn phận và quyền lợi của mỗi phần tử trong Giáo Hội (cf. LG,17; AG, 28.35-38). Thiên Chúa kêu gọi chúng ta ra khỏi chính mình để chia sẻ với người khác những của cải mà chúng ta có, bắt đầu bằng đức tin của chúng ta, điều mà không thể coi là đặc quyền riêng, nhưng như một món quà được chia sẻ với những người chưa nhận được đức tin. Hơn nữa, chính đức tin sẽ được hưởng lợi từ sự dấn thân này, bởi vì đức tin được tăng cường khi biết trao ban.
2. Trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo, tất cả các Giáo Hội địa phương, từ những người trẻ nhất cho tới người cao niên nhất, từ những người tự do cho tới những người bị bách hại, từ những người dồi dào tiền của cho tới những người thiếu thốn, họ cảm thấy phải vượt qua chính mình để cùng chịu trách nhiệm với sứ mạng “đến với muôn dân”.
Vì thế, để đáp ứng lời mời gọi của “Ngày” này, mỗi người phải dấn thân tham gia vào sứ mạng phổ quát của Giáo hội trước hết về sự cộng tác tinh thần, đồng hành và ủng hộ sáng kiến của các nhà truyền giáo bằng lời cầu nguyện. Chính Chúa Giêsu đã nói “cần phải cầu nguyện luôn” (Lc 18, 1) và Ngài đã làm chứng về điều đó bằng sự hy sinh đời mình. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta cũng dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa qua Đức Kitô, nhà truyền giáo đầu tiên.
Vì mục đích này, lời cầu nguyện và sự hy sinh của các bệnh nhân cũng có giá trị lớn lao, họ kết hợp đau khổ của họ cùng với cuộc Vượt qua của Đức Kitô. Tất cả những ai dấn thân vào việc chăm sóc mục vụ cho các bệnh nhân này, họ không hề thất vọng trong việc hướng dẫn và khuyến khích các bệnh nhân dâng đau khổ của họ hiệp thông với đau khổ của Đức Kitô trên thập giá để cứu độ thế giới (x. RM, 78).
Thật cần thiết khi tinh thần hy sinh của chúng ta phải được diễn tả một cách cụ thể và rõ ràng. Đối với một số người, điều này có thể so sánh lớn lao với ơn gọi truyền giáo, “đi ra” để công bố Tin Mừng đến nơi nào mà thần khí hướng dẫn họ.
Sự “đi ra” này ám chỉ đến ý tưởng sai đi truyền giáo của các tông đồ: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần đổ xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1, 8).
3. Trong bối cảnh kỷ nguyên thứ năm của việc loan báo Tin Mừng tại Châu Mỹ, chúng ta nhớ tới những nhà truyền giáo xuất phát từ Châu Âu, họ đã mang Tin Mừng cho mọi dân tộc tại vùng đất đó. Chúng ta mừng kỷ niệm này trong sự khiêm tốn và chân thành, tạ ơn Chúa vì những lợi ích thiêng liêng dành cho các dân tộc cổ xưa và quý tộc này.
Ngày nay chúng ta vui mừng vì các nhà truyền giáo không chỉ đến từ các Giáo Hội truyền giáo cổ xưa, mà còn đến từ các Giáo Hội Châu Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh, nơi nhiều người hiến dâng đời mình cho việc loan báo Tin Mừng đầu tiên. Tại các quốc gia truyền giáo liên tục, quý báu không thể thiếu, công việc của các giáo lý viên địa phương, những người được tác động bởi tinh thần truyền giáo mạnh mẽ, khiến họ trở thành những linh hoạt viên không mệt mỏi về niềm tin và niềm hy vọng.
Nếu không phải tất cả được kêu gọi với ơn gọi đặc biệt cho sứ mạng “đến với muôn dân”, tất nhiên, tất cả mọi người phải gia tăng tinh thần và dấn thân truyền giáo nơi mình, trong cộng đoàn Giáo Hội của mình. Đặc biệt, các Giám mục, các linh mục trước hết phải cảm thấy mình có trách nhiệm truyền giáo phổ quát và huấn luyện các tín hữu có lòng nhiệt thành cộng tác với các xứ truyền giáo. Nhưng trước hết về đời sống gia đình, nơi mà người giáo dân có thể mở rộng tình yêu cho ơn gọi truyền giáo (x. AG, 41) là gia đình kitô giáo, một “Giáo Hội tại gia”, một nơi đặc quyền cho việc Phúc âm hoá truyền giáo.
4. Để Ngày Chúa Nhật Truyền Giáo có ý nghĩa và có giá trị đoàn kết hoàn toàn hướng về các xứ truyền giáo, cần phải được chuẩn bị một cách cẩn thận và nhiệt tình sống động. Việc cử hành Thánh Thể là thời điểm trung tâm để minh họa cho vấn đề truyền giáo và khích lệ sự tham gia có trách nhiệm của những người đã được rửa tội, của từng gia đình kitô hữu và của mỗi cộng đoàn Giáo Hội. Nhưng họ không nên bỏ qua những cơ hội khác để nhận thức truyền giáo. Tôi mời gọi những người có trách nhiệm khích lệ và tổ chức những sáng kiến góp phần vào kết quả tốt đẹp cho “Ngày Thế Giới Truyền Giáo”. Cùng với thông tin nhằm gây ý thức truyền giáo cho mỗi người đã lãnh nhận bí tích rửa tội, cần cổ võ tiếp nhận sự giúp đỡ. Mục đích này là một phần quan trọng trong sự dấn thân của Giáo Hội. Như thế, đây cũng là sứ mạng và chức vụ của Chúa Giêsu và của các Tông đồ, những người được trợ giúp bởi những người có lòng quảng đại (x. Lc 8,3).
Những nhu cầu vật chất cho các xứ truyền giáo thì rất nhiều và gia tăng mỗi ngày. Những hy sinh tài chánh của các tín hữu “không thể thiếu để thiết lập Giáo Hội và làm chứng cho đức ái” (RM, 81). Về vấn đề này, công việc của Bộ Truyền Bá Đức Tin, cung cấp cho sứ mạng phổ quát và, với quỹ trung tâm liên kết của mình, tránh được sự phân biệt đối xử trong việc phân phối viện trợ cho Giáo Hội, đặc biệt là những Giáo Hội nghèo hơn. Ngày Thế Giới Truyền Giáo gần 70 năm là động lực quan trọng nhất của Giáo Hội, để tăng cường sự cộng tác tinh thần và vật chất. Về vấn đề này, tôi nghĩ nó là cơ hội để nhớ lại những chỉ dẫn khôn ngoan của các bậc đáng kính của tôi, các Giáo Hoàng Pio XI và Gioan XXIII, với những chỉ dẫn đó, các ngài quyết định tất cả những của dâng cúng thu được trong Ngày Thế Giới Truyền Giáo được dành cho các nhu cầu của sứ vụ “đến với muôn dân”.
5. Anh chị em thân mến! Trong phạm vi chúng tôi hỗ trợ hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, là chúng tôi trung thành với bản chất của Giáo Hội. Thánh Phaolô khuyên anh Timôthê: “Hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện” (2 Tim 4,2). Sứ điệp của thánh Phaolô hôm nay cũng được gửi đến cho chúng ta. Mọi người đều có thể, đúng hơn là phải dấn thân xây dựng Giáo Hội và làm cho mọi thành viên của mình phát triển và trưởng thành trong việc tuyên xưng và làm chứng về niềm tin của họ, “vì hoạt động truyền giáo giúp vào việc canh tân Giáo Hội, vào việc làm gia tăng đức tin cũng như căn tính Kitô giáo, và vào việc làm bừng lên lòng nhiệt thành và niềm phấn khởi mới” (RM, 2).
Trong viễn tượng của Năm Thánh 2000 mừng Con Thiên Chúa Nhập Thể, tôi thấy bình minh của một kỷ nguyên truyền giáo mới. Bên cạnh những yếu tố tiêu cực, trong thế giới hôm nay có những dấu hiệu định hướng ngày càng gia tăng của nhân loại đối với những ý tưởng Tin Mừng. Chẳng hạn, đó là sự từ chối bạo lực, chiến tranh, tôn trọng quyền con người và quyền lợi con người, mong muốn tự do, công bằng và tình huynh đệ (x. RM số 86).
“Niềm hy vọng của Kitô giáo nâng đỡ chúng ta trong việc chúng ta hoàn toàn dấn thân cho công cuộc truyền giảng Tin Mừng cũng như cho công cuộc truyền giáo đại đồng, và khiến chúng ta cầu nguyện như Chúa Giêsu dạy: “Chúng con nguyện Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,10; RM, 86). Có những lý do để hy vọng nhiều về sự gia tăng về số các ơn gọi truyền giáo, đặc biệt là trong các Giáo Hội trẻ, và giúp đỡ huynh đệ mà các Giáo Hội tự trao đổi với nhau về các linh mục, theo tinh thần của thông điệp “Hồng ân Đức tin”.
6. Tôi muốn kết thúc sứ điệp này với lời chào thân ái tới những người thợ Tin Mừng đang trải rộng trên toàn thế giới. Chỉ cần nhìn vào con số các nhà truyền giáo nam cũng như nữ đã bị giết trong năm nay, đủ để hiểu được tinh thần hy sinh mạnh mẽ đã khơi lên nơi những người được thánh hiến nam cũng như nữ vì lý do Tin Mừng. Tinh thần mà thánh Phaolô, tông đồ dân ngoại, khơi lên và thúc đẩy, đã hướng dẫn, bảo vệ tất cả những người làm chứng cho Chúa Giêsu bằng lời nói và đời sống mẫu mực của họ.
Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn với tất cả những ai ủng hộ nỗ lực truyền giáo của Giáo Hội bằng lời cầu nguyện, bằng hy sinh và tình liên đới. Tất cả đều thấy ở nơi Đức Maria, người nữ “xin vâng” vô điều kiện với Thiên Chúa, gương mẫu và là nguồn cảm hứng cho sự dấn thân tông đồ cách quảng đại.
Với lời hứa tận đáy lòng, như bằng chứng của các ơn huệ thiêng liêng, tôi ưu ái ban phép lành Toà Thánh cho mọi người.
Vatican ngày 7 tháng 6 năm 1992. Lễ trọng kính Chúa Thánh Thần hiện xuống.
GIOAN PHAOLÔ II
Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP