Tìm Kiếm Niềm Hy Vọng Trong Mùa Phục Sinh

0

Các sứ điệp trong mùa Phục sinh nhắm vào niềm hy vọng, niềm vui và cuộc sống mới – cuộc sống trong Đức Giêsu.

Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể sống một cuộc sống tràn đầy niềm vui và hy vọng trong khi có rất nhiều điều trong đời sống chúng ta chẳng xảy ra như điều mình muốn?

Ngay cả những gia đình hạnh phúc nhất cũng trải qua những thời khắc đầy thách đố; đôi vợ chồng hạnh phúc nhất cũng kinh qua những thời điểm hạnh phúc và khổ đau. Bệnh tật tìm đến với những người thân của chúng ta. Chứng kiến người thân yêu phải chịu những đau đớn của bệnh tật quả là một sức nặng khủng khiếp đè lên tâm hồn và thể xác chúng ta khiến chúng ta khó có thể vác nổi. Với nhiều người trong chúng ta, cuộc sống đầy những gánh nặng và thất vọng.

Vậy cuộc sống của chúng ta thực sự là gì? Đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Đời sống hôn nhân của chúng ta thiếu sức sống, ảm đạm, đầy mâu thuẫn, giận dữ và căm phẫn. Con cái chúng ta đang chạy theo những lối sống vô nghĩa. Các thành viên trong gia đình luôn có những xung đột với nhau trước mọi vấn đề. Cuộc sống như thế thì tìm đâu ra niềm vui Phục sinh?

Hãy dừng lại trong giây lát, hít thở thật sâu để cảm nhận cuộc sống.

Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong con.

Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta ở lại trong Ngài, cắm neo đời mình trong tình thương và sự hiện diện của Chúa. Chúng ta được mời gọi buông mình trong sự chăm sóc của Đấng vừa là vị lương y đầy yêu thương, vừa là người bạn trung thành, để từ đó, chúng ta trở nên những chứng nhân sống động của tình yêu Chúa qua đời sống của chúng ta.

Bước đầu tiên trong việc tìm kiếm hy vọng trong mùa Phục sinh này là dừng lại và suy gẫm về tình yêu đã được ban cho chúng ta trong từng giây phút sống của mình. Một lần nữa, chúng ta cần ý thức về tình yêu đó. Mỗi khi chúng ta cảm thấy quá tải hoặc sợ hãi, hãy dừng lại một ít phút và nhủ thầm với lòng mình rằng Chúa Giêsu đang ở với chúng ta, ngay bây giờ, trong chính nỗi đau mà mình đang phải chịu.

Tất cả những ai đang mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho họ nghỉ ngơi.

Hãy cố gắng nghe từng lời trên đây và nhớ lại tình yêu vô biên và ấm áp mà Chúa đã dành cho chúng ta.

Chúng ta nghe Chúa Giêsu gọi đích danh chúng ta. Và giờ đây, chúng ta có thể kể cho Chúa Giêsu, bạn của chúng ta, về cuộc đời của mình và những khó khăn vất vả chúng ta gặp trong đời.

Được củng cố bởi sức mạnh và sự đỡ nâng của Chúa Giêsu, chúng ta học đối diện với những khó khăn của chúng ta với ánh sáng và niềm hy vọng mới.

Một trong những giải pháp hữu ích và thiết thực nhất khi phải đối diện với những khó khăn, thách đố trong tương quan với người khác mà tôi cần phải nhớ là tôi không thể thay đổi người khác được. Tôi chỉ có thể thay đổi chính mình. Tôi không thể hối thúc vợ hay chồng mình sống yêu thương hơn hoặc quan tâm hơn về đời sống hôn nhân của mình. Thế nhưng, trong cầu nguyện, tôi có thể cầu xin Chúa chỉ cho tôi biết cách yêu thương chồng/vợ của tôi hơn. Tôi phải làm gì để chồng/vợ tôi bớt giận và bớt phản kháng hơn? Phải chăng chất giọng của tôi quá chua chát, cứng cỏi? Tôi có hạ giọng một chút  và cầu xin ân sủng của Chúa giúp tôi sống yêu thương hơn không?

Làm sao tôi có được niềm vui và hy vọng Phục sinh nếu những lời nói và thái độ của tôi luôn làm cho con cái, bạn bè và những người thân trong gia đình cảm thấy khó chịu? Tôi có thể thương yêu thật lòng một người nào đó, nếu luôn luôn nói với họ với giọng điệu như thể đang ra lệnh, áp đặt họ? Tôi không thể sống trong niềm hy vọng nếu tôi lúc nào cũng tha thứ, càm ràm về chồng hay vợ của tôi. Tôi cũng không thể sống niềm hy vọng nếu tâm hồn tôi chất chứa đầy sự tức tối, bực bội. Có lẽ ơn tôi cần đó là xin cho mình có lòng thương xót và cảm thông với hoàn cảnh, với nỗi đau khổ và những chiến đấu mà chồng hay vợ của tôi đang phải chịu. Thật là khó để cảm thông với nỗi đau của một người đã làm tổn thương tổn, nhưng tôi có thể cầu xin Chúa đổ đầy tâm hồn tôi bằng tình yêu và niềm hy vọng để tôi có những cung cách, thái độ đúng đắn và hài hòa với những mối tương quan mà tôi cảm thấy khó khăn.

Con cái của tôi đang mải mê chạy theo một lối sống mà tôi cảm thấy vô nghĩa, không có giá trị hoặc thiếu niềm tin. Và rồi chúng nó cũng đang dẫn dắt con cái của chúng theo cách mà tôi không chấp nhận. Tôi cần cầu xin Chúa ban cho ơn kiên nhẫn và biết mở rộng tâm hồn. Những lời phê bình, sửa bảo của tôi cũng chẳng làm cho con cái của tôi thay đổi, cho dù tôi có cố gắng cách mấy. Sẽ chẳng giúp gì cho con cái, ngược lại càng làm cho mối tương quan giữa tôi với con cái bị rạn nứt nếu tôi cứ liên tục phản đối cách sống của chúng. Niềm hy vọng Phục sinh là cầu xin cho mình được ơn sống yêu thương và kiên nhẫn hơn. Bằng cách giữ gìn miệng lưỡi khỏi những lời nói chua ngoa và bớt xét đoán, tôi sẽ sống cởi mở và thoải mái hơn trong tương quan với con cái. Nếu con cái tôi thấy tôi là một người cha, người mẹ yêu thương, luôn ở bên cạnh chúng mỗi khi chúng cần đến, chúng sẽ bắt đầu tâm sự với tôi về những thách đố chúng ta gặp phải. Điều đó giúp tôi bình an hơn để có thể nhận ra những điều tốt lành nơi cuộc sống của con cái tôi. Khi nhìn nhận những điều tốt lành là khởi điểm cho việc xây dựng mối tương quan yêu thương giữa tôi với con cái.

Và với những ai mà chúng ta có ác cảm và bực bội, khó chịu, chúng ta hãy cầu xin ơn Chúa giúp chúng ta đối xử với họ bằng thái độ yêu thương hơn. Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta khả năng để nhìn thấy nỗi đau của họ, nỗi đau mà khiến họ trở nên cay đắng, khó tính.

Khi thánh Tôma tông đồ được gặp Chúa Giêsu sau khi Chúa sống lại, Chúa Giêsu đã mời Tôma đặt những ngón tay của ông vào vết thương nơi tay của Chúa và “hãy đưa bàn tay của con và đặt vào cạnh sườn của Thầy.” Đó quả là một hình ảnh sửng sốt và sinh động nơi việc đặt tay của chúng ta vào những vết thương sâu đậm. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta làm điều đó là bởi vì chúng ta sẽ chẳng bao giờ đi vào trong cuộc sống của người khác, hiểu và cảm thông được với họ cho đến khi chúng ta có thể đi vào những nỗi đau và những vết thương của họ. Với những người khó thương, nếu chúng ta cầu xin cho được ơn biết cảm thương với họ hơn và nhận ra họ là người đang phải đối diện với nỗi bất lực, sự loại trừ, sợ hãi hoặc bất an, thì chúng ta sẽ dễ dàng thay đổi thái độ của chúng ta đối với họ như là một sự bù lại cho họ những gì họ đang phải đối diện.  Dần dần, tôi bớt nhìn thấy cái xấu nơi người khác, bớt bức xúc và lo sợ hơn. Tôi được chúc phúc với lòng từ tâm thương xót mà mỗi người chúng ta đều được nhận lãnh từ nơi Thiên Chúa. Như thế, tôi có thể được chữa lành, được ủi an và thư thái. Tuy nhiên, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể giúp chữa lành cho một người mà chúng ta không yêu thương hoặc trao tặng niềm tin, cảm giác an toàn cho một người mà chúng ta luôn cảm thấy bực bội, khó chịu.

Trong Tin mừng của Thánh Gioan, Chúa Giêsu mời gọi ông Tôma và mỗi một người chúng ta, hãy mở rộng tâm hồn và hãy tin:

Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.

Đó là niềm hy vọng Phục sinh, chúng ta hãy sống với tất cả niềm vui và sự tin tưởng. Hãy cầu xin Chúa Giêsu chữa lành chúng ta để chúng ta biết cách giải quyết với những nỗi lo lắng mà chúng ta gặp mỗi ngày trong cuộc sống.

Nguồn: [onlineministries.creighton.edu] 
Chuyển ngữ: Nt. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà

Comments are closed.

phone-icon