Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
“Xin Cho Được Lòng Yêu Người”
Điều gì xảy ra trong lòng Đức Trinh Nữ Maria sau khi thiên sứ Gabriel từ giả? Để nói lên điều ấy, thánh Luca kể ngay việc Đức Trinh Nữ Maria vội vã lên đường đi viếng bà Êlidabet và sử dụng đoạn Cựu Ước kể chuyện Vua Đavit trước Hòm Bia Giao Ước về Giêrusalem (x.2Sm 6). Cuộc viếng thăm là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ diễm phúc, hai người con đang được cưu mang đồng thời là giữa hai giao ước cũ và mới trong niềm vui ơn cứu độ.
1. Hòm Bia Giao Ước và Đức Maria
Vua Đavit sai người đi rước Hòm Bia về trên một cỗ xe mới do bò kéo, theo sau một đoàn rước với đầy đủ mọi thứ nhạc cụ. Nhưng khi xe đi tới một sân lúa thì bò trượt chân, Hòm Bia bị nghiêng. Ông Útda vội đưa tay đỡ lấy Hòm Bia. Nhưng Útda không phải là tư tế nên lẽ ra không được chạm tới Hòm Bia thánh, vì thế nên bị phạt chết. Nghe tin đó, Đavit sợ không dám đem Hòm Bia về Giêrusalem nữa, mà phải gửi lại nhà ông Ôvết Êđom. Chúa đã giáng phúc cho ông này cùng cả nhà ông. Khi Đavit biết được điều này thì ông không sợ nữa và lại sai người rước Hòm Bia về Giêrusalem. Thời gian Hòm Bia ở lại nhà ông Ôvet Êđom là ba tháng (2 Sm 6,1-12).
Khi viết bài tường thuật việc Đức Maria đi thăm bà Êlidabet, thánh Luca muốn cho thấy những nét song song với câu chuyện trên.
- Cả Hòm Bia và Đức Maria đều đi theo hướng tiến về Giêrusalem.
- Hòm Bia đã lưu lại nhà ông Ôvet Êđom ba tháng, Đức Maria cũng lưu lại nhà bà Êlidabet ba tháng.
- Nhà ông Ôvet Êđom đã được Thiên Chúa giáng phúc, nhà bà Êlidabet cũng thế: chồng bà Êlidabet hết câm, đứa con trong bụng nhảy mừng lên và chính bản thân bà được đầy tràn Thánh Thần.
- Hòm Bia xưa giữ Lời Thiên Chúa khắc ghi trên hai bia đá; nay cung lòng Đức Maria cưu mang Lời Thiên Chúa đã làm người.
- Xưa Thiên Chúa xuống trên núi Sinai uy nghi trong khói và lửa, phán bằng tiếng sấm sét, rồi khắc Luật trên bia đá trao cho ông Môsê; nay Thiên Chúa xuống làm bào thai yếu đuối trong lòng Đức Trinh Nữ Maria để lập Giao Ước Mới.
Thánh Luca muốn nói Đức Maria là Hòm Bia mang Chúa Giêsu đến với gia đình bà Êlidabet nên đã đem phúc đến cho mọi người trong nhà này.
Câu chuyện Đức Mẹ thăm viếng bà Êlidabet được Giáo Hội dùng làm đề tài suy gẫm khi lần chuỗi Mân Côi, chục thứ hai Mùa Vui: “Thứ hai, Đức Bà đi viếng bà thánh Ysave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người”. Nhưng “yêu người” là thế nào? Bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta biết cụ thể: cách yêu người tốt nhất là mang Chúa đến cho người ấy, để Chúa giáng phúc cho người ấy. Mà muốn đem Chúa đến cho người ta thì chúng ta phải có Chúa trong mình. Mình đi đến đâu thì Chúa đi đến đó, mình thăm viếng ai thì Chúa thăm viếng và ban phúc cho người đó.
Từ trước tới nay, chúng ta vẫn ý thức rằng yêu người là giới luật quan trọng ngang hàng với giới luật mến Chúa.Từ ý thức đó, chúng ta cố gắng yêu người bằng nhiều cách như: giúp đỡ, chia sẻ, viếng thăm…Thế nhưng, có lẽ chúng ta làm tất cả những việc đó chỉ với một ý hướng hoàn toàn nhân bản và tự nhiên, như giữa người với người thôi. Chúng ta đem đến cho người ta những an ủi, khích lệ, giúp đỡ chỉ có giá trị hoàn toàn nhân loại. Muốn cho những việc yêu người của chúng ta đem đến những lợi ích siêu nhiên cao quý hơn nữa thì hãy noi gương Đức Mẹ: mang Chúa đến cho người ta, mà muốn thế chúng ta phải có Chúa trong mình để chính Chúa cùng đi với mình mang phúc lành đến cho những người mà mình gặp gỡ (Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái).
2. Niềm Vui của Hai Bà Mẹ
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Êlidabet vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Hài nhi Gioan vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung làm cho cuộc gặp gỡ trở thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Suối nguồn của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc.
Đây là cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ, hai người con đang được cưu mang cũng là giữa hai giao ước cũ và mới.
– Giữa hai người mẹ: Đức Maria thăm viếng đem niềm vui có Chúa cho gia đình người chị họ. Ở lại phục vụ người chị trong thời gian mang thai sinh con. Êlidabet được ơn Thánh Thần đã xưng tụng Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và đã ca tụng đức tin của Đức Mẹ.
– Giữa hai người con: Nghe lời chào của người mẹ cưu mang Đấng Cứu Thế, con trẻ Gioan trong lòng mẹ nhảy mừng vui sướng.
– Giữa hai giao ước: Cuộc viếng thăm của Đức Mẹ là cuộc gặp gỡ giữa hai giao ước. Thời đại mới mở ra giao ước mới. Con Thiên Chúa làm người khai mở giao ước của thời đại ân sủng và tình yêu.
3. “Xin cho được lòng yêu người”
Khi đến thăm bà Êlidabet, Mẹ Maria đem Chúa đến cho người thân của mình. Nhờ Mẹ mang Chúa đến, nên không chỉ bà Êlidabet vui mừng mà hài nhi trong lòng bà cũng vui theo mà “nhảy lên” hân hoan. Nhảy mừng diễn tả niềm vui. Đây là niềm vui ơn cứu độ. Sự hiện diện của Đức Maria mang đến niềm vui và còn có sự biến đổi khiến hai mẹ con bà Êlidabet được tràn đầy Thánh Thần, và nhờ đó nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Mẹ. Gia đình Bà Êlidabet là gia đình đầu tiên được Chúa Cứu Thế viếng thăm. Đây là gia đình diễm phúc đón nhận niềm vui ơn cứu độ.
Đến thăm nhau không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần.
Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Đức Maria có nói gì về Chúa với Bà Êlidabet đâu! Chúa là tình thương, ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân, khi chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực. Đến với nhau bằng tình thương, bằng niềm vui là sự gặp gỡ có Chúa hiện diện rồi. Khi người ta mang hận thù oán ghét, ý nghĩ đen tối đến với nhau thì nảy sinh bất hoà chiến tranh và đau khổ. Ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân khi ta đến với ý muốn làm hiện thân của Chúa đối với họ, và coi họ cũng là hiện thân của Chúa đối với mình.
Thiên Chúa yêu thương nhân loại nên đã ban tặng Con Yêu Dấu là Đức Giêsu. Người đến với con người trong lịch sử, cách đây hơn hai ngàn năm. Người đem ơn cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Khi còn tại thế, Đức Giêsu đã đến thăm nhiều người, nhiều gia đình. Người quan tâm chăm sóc chữa lành những bệnh nhân. Người giảng dạy và ân cần với những người nghèo. Ngưòi cải hóa nhiều tội nhân. Người biểu lộ tình yêu thương cho mọi người.Đức Giêsu muốn chúng ta tiếp nối công việc của Người.
Một trong những vấn đề mục vụ hàng đầu của linh mục là thăm viếng giáo dân. Khi đến một giáo xứ mới, công việc đầu tiên của linh mục là đi thăm tất cả các gia đình trong giáo xứ. Như mục tử với đoàn chiên, linh mục biết tình hình chung, biết hoàn cảnh mọi gia đình trong xứ. Từ đó có kế hoạch mục vụ để mang lại hiệu quả thiết thực cho cộng đoàn.
Các tu sĩ, các hội đoàn trong giáo xứ có những thời giờ thăm viếng mục vụ. Đến với các bệnh nhân, người già cả, người nghèo, gia đình rối, gia đình bất hoà luôn được coi là việc tông đồ. Đem Chúa đến với anh chị em của mình là niềm vui và là sứ mạng của người tín hữu.
Những tuần lễ Mùa Vọng, mỗi người trong xứ đạo tiết kiệm chi tiêu để làm việc bác ái. Những phần quà ân tình chia sẻ cho các gia đình nghèo trong Đêm Giáng Sinh thật ý nghĩa, diễn tả tình yêu và sự quan tâm đến người khác.
Đức Maria viếng thăm phục vụ và đem Chúa đến với gia đình bà Êlidabet. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp và là mẫu gương cho mọi tín hữu noi theo. Dành thời giờ quý báu để thăm nhau. Chia sẻ tình thương và đem niềm vui có Chúa cho tha nhân luôn là sứ vụ của người tín hữu.
Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh chúng con. Xin giúp chúng con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu để năng đến gặp gỡ, thăm viếng nhau, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của anh chị em. Xin giúp chúng con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để giúp đỡ những nhu cầu chính đáng của họ. Amen.