Cờ bạc là bác thằng bần

0

Ts. Trần Mỹ Duyệt

Cờ bạc thuộc trong “tứ đổ tường”, gồm: Tửu, Sắc, Tài, Khí. Hay còn được gọi là Cờ Bạc, Rượu Chè, Trai Gái, Nghiện Hút. Chúng là những thói xấu từng làm tan nát cửa nhà, thân bại danh liệt của nhiều người, phá vỡ hạnh phúc nhiều gia đình mà nôm na trong lối diễn tả của văn chương bình dân như sau:

Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán hết ra thân ăn mày.

Cờ bạc là bác thằng bần,
Ruộng nương bán hết xỏ chân vào cùm.

Cờ bạc là bác thằng bần,
Cửa nhà bán hết, tra chân vào cùm.

Cửa nhà, ruộng vườn bán hết, vào tù ra khám hoặc đi ăn mày là cái kết cuối cùng của nạn nghiện cờ bạc. Đây không phải là những suy nghĩ tưởng tượng để hù dọa, mà là một thực tế thường tình. Mới đây, người viết nhận được một cuộc gọi:
– Cháu của em gặp khủng hoảng, vợ chồng nó đang trong thủ tục ly dị. Em không muốn chúng nó bỏ nhau nên nhờ được giúp đỡ.
– Lý do nào đưa đến khủng hoảng và dẫn đến ly dị?
– Thằng chồng cờ bạc, nợ nần không thể trả nổi.
– Tình trạng này mới xảy ra hay đã lâu?
– Đã gần 30 năm rồi. Cứ tái đi, tái lại. Gia đình, người thân đã khuyên bảo nhiều lần, đã cố gắng níu kéo, đã năm lần, bẩy lượt trả nợ giúp, nhưng chứng nào tật nấy. Càng ngày mức độ cờ bạc càng gia tăng và số tiền nợ xã hội đen ngay lúc này đã lên đến 150.000 dollars.  Không những thế, mỗi lần thua bạc về nhà gây sự, hành hung vợ con, đe dọa sự an sinh của cả gia đình. Tuần trước còn điền sẵn đơn ly dị và đòi bán căn nhà của bố mẹ để lại, chia đôi tài sản để có tiền và tự do cờ bạc.

*********      

Những trường hợp tương tự như trên đã cho thấy người đam mê cờ bạc thường có những hành động liên quan đến bạo hành, tinh thần bất ổn, căng thẳng hoặc ảo tưởng. Đam mê cờ bạc cũng dính dấp đến những triệu chứng như tâm thần phân liệt (bipolar disorder), ám ảnh-thôi thúc (obsessive-compulsive disorder ‘OCD’), hoặc tăng động (attention-deficit/hyperactivity disorder ‘ADHD’) [1]. Người cờ bạc dường như ăn không ngon, ngủ không yên, lòng trí lúc nào cũng nghĩ đến bài bạc, đến thua, đến thắng và đến gỡ…     

Như vậy cờ bạc có phải là một căn bệnh, một hội chứng tâm lý bất ổn, hay chỉ là thói quen tiêu khiển của những người dư tiền, nhiều của? Một linh mục từng coi sóc một xứ đạo ở gần thủ đô cờ bạc của nước Mỹ là Las Vegas đã có nhận xét như sau: “Đến Las Vegas mà thua là bình thường. Huề là khác thường. Thắng là phép lạ.” Nhận xét không quá hoang tưởng hay cường điệu, nhưng là một thực tế cho hầu hết những ai đã đến Las Vegas dù chỉ là vui chơi cho biết mùi đời, hoặc cho những ai mong đến đó để có cơ hội làm giàu!

Thật vậy, cờ bạc chính là một căn bệnh xã hội và cũng là một triệu chứng tâm bệnh. Nó dễ bị lây nhiễm nhưng lại rất khó chữa và khó chừa. Những ai may mắn thoát ra khỏi bệnh này ít nhiều cũng học được những bài học đau đớn, đắt giá, và thường là hối hận cả đời!!

Bệnh Cờ Bạc Là Tâm Bệnh?

Như một người say rượu không bao giờ nhận mình là say, cũng vậy, người nghiện cờ bạc không bao giờ nhận mình là ‘bài bạc’. Nhưng thực tế, đam mê cờ bạc là một hình thức nghiện ngập có thể gây ra những tai hại về thể lý, tâm lý, và xã hội. Theo Cẩm Nang Chẩn Đoán và Thống Kê Của Hiệp Hội Tâm Thần Hoa Kỳ, ấn bản lần thứ 5 (the American Psychiatric Association (APA’s) Diagnostic and Statistical Manual, fifth edition (DSM-5), cờ bạc được biết đến như một hội chứng xung lực-chế ngự (impulse-control disorder) [2]. Điều này có nghĩa là người cờ bạc luôn luôn bị thôi thúc và lôi cuốn vào đam mê này như một người nghiện rượu, nghiện thuốc lá, hoặc nghiện cần sa, ma túy.    

Những Gì Cần Biết Về Bệnh Cờ Bạc?  

Đối với nhiều người, cờ bạc là một thú vui không tai hại, nhưng có thể đem lại một vài khó khăn, thử thách. Những khó khăn này thường được xem như “vấn đề cờ bạc” (problem gambling). Thí dụ, chơi cho vui, được thua vài chục, vài trăm, hay vài ngàn không quan trọng.

Nhưng chơi cho vui và nghiện cờ bạc hoàn toàn khác. Nghiện cờ bạc là một tiến trình mà nó có thể tạo ra những hậu quả tai hại cho tâm lý, thể lý, cũng như tương quan xã hội của người chơi. Thí dụ, sau một đêm miệt mài cờ bạc, sáng hôm sau sẽ có trạng thái mất ngủ, mệt mỏi, uể oải, và lười biếng. Người sống trong tình trạng cờ bạc còn luôn có cảm giác trầm cảm, nhức đầu một bên (migraine), căng thẳng, những chứng về đường ruột, và những hội chứng liên quan đến cáu gắt, bực tức, hoặc lo lắng. 

Như những chứng nghiện khác, hậu quả của cờ bạc có thể dẫn đến những suy nghĩ vô vọng, và chán nản. Trong một số trường hợp, nó có thể dẫn đến tư tưởng tự tử. Con số những người vướng vào cờ bạc tăng có tính cách toàn cầu vào một số năm gần đây. Riêng ở Hoa Kỳ, năm 2012 có khoảng 5,77 triệu người mắc bệnh cờ bạc và cần sự chữa trị. Hậu quả tai hại của cờ bạc đã trở thành mối quan tâm về sức khỏe cộng đồng tại nhiều quốc gia trên thế giới. MedicalNewsToday, trong khảo cứu có tựa đề “Những Gì Cần Biết Về Nghiện Cờ Bạc” (What’s to know about gambling addiction) [3] đã đưa ra những hướng dẫn sau:

Triệu Chứng

Một số những dấu hiệu sau đây ảnh hưởng liên quan đến cờ bạc:

– Cờ bạc không phải chỉ là vấn đề tài chánh, nhưng còn là vấn đề ham muốn mà hậu quả của nó liên quan đến tài chánh.

– Nó còn ảnh hưởng đến gia đình và bạn bè của những người cờ bạc. Thí dụ, mất việc, mất bạn, gây cãi vã và đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

– Ai vướng vào cờ bạc cũng đều cần hỏi mình câu: “Tôi có thể chừa được nếu tôi muốn không?” Nếu câu trả lời là “không” thì điều cần thiết là phải tìm sự giúp đỡ.   

Chẩn Đoán

Để chẩn đoán bệnh nghiện cờ bạc, theo The DSM-5 xác định phải có ít nhất 4 trong những triệu chứng sau đây liên tiếp trong vòng 12 tháng:
– Càng thua nhiều càng đánh nhiều nhằm thỏa mãn cơn khát bài bạc.
– Bồn chồn, bực tức khi cố gắng ngừng chơi cờ bạc.
– Tiếp tục hết lần này đến lần khác hứa chừa mà không chừa.
– Luôn luôn nghĩ về bài bạc và tìm mọi cách để tiếp tục.
– Chơi bạc mỗi khi cảm thấy bị căng thẳng.
– Trở lại chơi sau mỗi lần thua.
– Nói láo để che đậy hành động cờ bạc.
– Biết về những tương quan hoặc những vấn đề công ăn việc làm do cờ bạc gây ra.
– Vay mượn, cầm cố để có tiền cờ bạc.

Chữa Trị

Như đã trình bày trên, nghiện cờ bạc là một bệnh rất khó chữa và khó chừa. Để chữa trị nó, cần phải theo 3 tiến trình sau:

Tâm lý trị liệu: Gồm thái độ trị liệu (behavior therapy) hoặc nhận thức trị liệu (cognitive behavioural therapy – CBT).

Behavior therapy giúp giảm bớt ham muốn cờ bạc bằng cách trình bày cho người nghiện thấy những thái độ liên quan đến hành động bài bạc. Những bước căn bản cần thực hiện để từ từ cắt giảm đam mê cờ bạc.

CBT giúp thay đổi suy nghĩ của cá nhân về cờ bạc.

Thuốc: Mood stabilizers and antidepressants để giúp giảm bớt những triệu chứng và bệnh lý đôi khi xuất hiện ở những bệnh nghiện cờ bạc. Một số antidepressants có thể giảm thiểu sự hối thúc việc đánh bạc. Narcotic antagonists – những thuốc dùng để trị bệnh nghiện thuốc – cũng có thể giúp trong một số bệnh nhân nghiện cờ bạc.

Self-help groups: Tại Hoa Kỳ, bệnh nhân có thể tiếp xúc với những chương trình cai nghiện cờ bạc qua American Psychiatric Association – Gambling Disorder

Lưu ý: Không có thuốc chính thức được FDA phê chuẩn để trị bệnh nghiện cờ bạc. Một số thuốc có thể giúp trị liệu những triệu chứng cùng phát hiện như trầm cảm hoặc cáu gắt, lo âu do nghiện cờ bạc.

Sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè, những lời khuyên bảo, lời cầu nguyện và có thể tài chánh để vượt qua cơn túng quẫn được coi là những cách hữu hiệu nhất giúp những người nghiện cờ bạc. Tuy nhiên, chỉ có người nghiện cờ bạc mới có thể tự quyết định về hành động của họ.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Đồng ý, nhưng nếu phong trở thành cuồng phong, bão tố thì cờ cũng rách và cột cờ cũng đổ. Người đến với cờ bạc vì nghĩ rằng sẽ làm giàu bằng cách đốt giai đoạn, hoặc muốn gỡ nợ thì sẽ bị ảo tưởng này làm cho trở nên thân tàn ma dại, tán gia bại sản, và con đường dẫn đến lao tù hay ăn mày là rất gần.

_________________

Tham khảo:

1.https://www.mayoclinic.org › syc-20355178
Compulsive gambling – Symptoms and causes – Mayo Clinic

2.Gambling addiction: Symptoms, triggers, and treatment
https://www.medicalnewstoday.com › articles

3. What’s to know about gambling addiction . Medical News Today
Gambling addiction: Symptoms, triggers, and treatment

 

Comments are closed.

phone-icon