Năm 2006, chị cựu Bề trên Tổng quyền Teresa Nguyễn Thị Mừng và chị Teresa Nguyễn Thị Phượng đã thay mặt Hội dòng ra Đà Nẵng chào thăm quý Đức cha và chia sẻ với Giáo phận trước những tàn phá nặng nề mà cơn bão Xangsane đã để lại sau khi lướt qua Miền Trung. Lúc đó Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Quang Sách đã bước qua tuổi 81, nhưng ngài còn rất minh mẫn dù đang mang trong mình một số bệnh tật của tuổi cao niên. Ngài đã có cuộc nói chuyện thân mật với chị em. Sau những lời thăm hỏi và chuyện trò, chị Teresa Phượng đã có cuộc phỏng vấn riêng với Đức cha. Câu chuyện này đã được giữ kín từ ngày đó đến nay. Hôm nay, nhân ngày giỗ 10 năm của Đức cha, BTT xin được trích đăng bài phỏng vấn này để chị em biết thêm đôi chút về CHÂN DUNG NGƯỜI CHA KHẢ KÍNH và ĐẠO HẠNH CỦA HỘI DÒNG, đồng thời hiểu được tấm lòng hiền phụ của Đức cha dành cho con cháu nhà Đa Minh Tam Hiệp.
1. Thưa Đức cha, giữa những thăng trầm trong nhiều hoàn cảnh khó khăn, Đức cha đã làm gì để có thể sống an bình?
– “Cha cứ TIN TƯỞNG và PHÓ THÁC. Trong mọi giai đoạn của cuộc đời cha, từ Chủng sinh, Linh mục đến Giám mục, và cho tới bây giờ, cha chỉ biết “TIN TƯỞNG và PHÓ THÁC. Nhờ đó mà cha đứng vững được trong mọi hoàn cảnh, kể cả bệnh hoạn. Đối với cha, trong khi bệnh, tuy phải dùng những phương tiện trần thế, nhưng cha vẫn luôn luôn tin tưởng vào Chúa là trên hết và phó thác cho Chúa. Đó là bí quyết để cha sống an vui.
2. Trong công việc mục vụ. Đức cha có kinh nghiệm gì để sống với anh chị em?
– Các Linh mục cũng như mọi người, bá nhân bá tính, nhưng cứ tin tưởng và phó thác cho Chúa, tin vào thiện chí của mọi người và có lòng nhân ái. Song trong hoàn cảnh khó khăn, tình càng đậm đà, nhiều khi gặp nhau chia sẻ một đĩa rau luộc cũng vui lăm! Anh em Linh mục và Tu sĩ đều là thợ làm vườn nho của Chúa, là những người cùng phục vụ với mình, mình phải tôn trọng và yêu thương, nâng đỡ. Trong thời cha làm Giám mục, các Linh mục, Tu sĩ từ các nơi đến đây nhiều, cỏ khi hai ba chục. Nhà tuy chật nhưng vui lắm!
3. Hội dòng chúng con hết lòng cám ơn tình thương của Đức cha dành cho chúng con.
– Sao lại cám ơn! Tất cả Hội dòng là con của Đức cha già (Đức cha Tổ phụ Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi – vị Tiền nhiệm của Đức cha Phanxicô tại Giáo phận Đà Nẵng). Đức cha già qua đi, thì Hội dòng là gia sản ngài đế lại – mà đã là gia sản cùa người chết để lại thì phải rất trân trọng, yêu thương. Vì thế, đối với Đức cha già, cha có tâm tình kính trọng, yêu mến và biết ơn, vì ngài đã sinh ra cha trong chức Giám mục. Ngài là cha của cha. Ngài thương ai thì cha thương tất cả những người thân của ngài. Vì thế, ngày nào cha cũng cầu nguyện cho ngài và cho chị em. Không ngày nào mà cha không cầu nguyện cho ngài và cho chị em.
Với chị em, cha thấy ngay cả các cháu nhiều người chưa biết cha mà vẫn giữ tình “ông – cháu” với cha. Cha tiếc không còn sức khỏe để có thể đi thăm chị em tại Tam Hiệp được, nhưng cha luôn cầu nguyện.
Đối với Đức cha Tri (Đức cha Giuse Châu Ngọc Tri – vị kế nhiệm Đức Cha Phanxicô tại Giáo phận Đà Nẵng) cũng thế, cha mừng vì Đức cha là “đệ tử” của cha, người sẽ tiếp tục thay cha mà “yêu thương và cầu nguyện cho Tam Hiệp.
4. Thưa Đức cha, chúng con sẽ ghi lại những lời tâm huyết của Đức cha và kể lại cho chị em nghe, để nhớ mãi tâm tình của Đức cha. Đức cha cố Phêrô Maria đã sinh ra chúng con, Đức cha tiếp tục là nghĩa phụ chúng con, và chúng con cảm thấy mình thực sự được sống trong tình hiền phụ của Đức cha.
– Ừ viết cũng được, nhưng đừng bao giờ đánh giá cao về cha. Cha không là gì cả, tất cả chi biết “TIN TƯỞNG VÀ PHÓ THÁC” cho Chúa thôi. Ý thức như thế, Cha không muốn tổ chức 50 năm Linh mục. 50 năm Chúa ban là một hồng ân cao cả, nhưng trong 50 năm, mình phản bội Chúa cũng nhiều lắm, chỉ âm thầm tạ ơn và xin lỗi Chúa thôi. Cha tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa. Tin tưởng phó thác trọn vẹn chừng nào tốt chừng ấy!
5. Hiện nay cuộc sống của Đức cha thế nào?
– Dầu nghỉ hưu, cha cũng vẫn giữ một chương trình sống, nhưng uyển chuyển khi có khách. Ví dụ như giờ này là giờ đọc kinh nhưng cha đang tiếp chị em. Tiếp khách cũng là một bổn phận. Đối với bổn đạo, nếu mình không tiếp họ, có thể mình thấy cũng bình thường thôi, nhưng đối với họ thì không như thế, vì họ có nhu cầu mới đến với mình. Chính vì thế, Cha vẫn sống đơn giản để mọi người có thể đến với mình, nhất là những người nghèo. Giám mục sang trọng quá không ai dám tới. Thánh Phaolô đã dạy như thế: Phải trở nên mọi sự cho mọi người.
6. Thưa Đức cha, Đức cha nghĩ gì về tuổi già?
– Thường nhiều người buồn vì tuổi già. Nhưng Cha thấy tuổi già là một hồng ân Chúa ban. Tại sao tuổi già lại là hồng ân? Vì khi còn trai trẻ, mình sai lỗi nhiều, nay Chúa cho có thời gian để cầu nguyện và sám hối. Như thế, tuổi già là một hồng ân đặc biệt.
Cha muốn nói vói các chị cao tuổi bệnh tật là đừng bao giờ phàn nàn vì tuổi già, vì đau bệnh, mà phải cám ơn Chúa vì Chúa cho mình có thời giờ lo phần rỗi.
Cha rất vui được nói chuyện với các con, nhưng giờ cha mệt rồi, cha muốn nghỉ chút, nhưng cha muốn nói lại cho chị em là ngày nào cha cũng cầu nguyện cho chị em với những ý chỉ:
1/ CẦU NGUYỆN CHUNG CHO HỘI DÒNG ĐỰỢC BÌNH AN VÀ THĂNG TIẾN VỀ MỌI MẶT.
2/ CẦU NGUYỆN CHO CHỊ EM ĐANG CÒN SỐNG ĐƯỢC TRUNG THÀNH VỚI ĐỜI DÂNG HIẾN CÁCH TRỌN VẸN.
3/ CẦU CHO CHỊ EM ĐÃ QUA ĐỜI.
Cha gửi lời chào thăm tất cả chị em và các cháu, các thành phần. Cha cầu nguyện cho được bình an. Xin chị em nhớ: “TAM HIỆP VẪN LUÔN LUÔN Ở TRONG TRÁI TIM CỦA CHA”. Tuy mình không thể gặp nhau ở Tam Hiệp, nhưng vẫn gặp ở trong Chúa.
(Bài phỏng vấn được ghi lại từ Tòa Giám mục Đà Nẵng – nơi Đức cha FX Nguyễn Quang Sách hưu dưỡng, vào ngày 27.10.2006)
Ban Truyền Thông