Ts. Trần Mỹ Duyệt
Trong những ngày đầu của biến cố Tin Mừng, Chúa Giêsu đã đích thân tuyển chọn 12 người để cộng tác với Ngài. Thánh Luca ghi lại: “Trong những ngày ấy, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, và suốt đêm, Người cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Sáng ngày, Người gọi các môn đệ và chọn mười hai vị mà Người gọi là Tông đồ: Ðó là Simon, mà Người đặt tên là Phêrô, và em ông là Anrê, Giacôbê và Gioan, Philipphê và Bartôlômêô, Matthêu và Tôma, Giacôbê con ông Alphê và Simon cũng gọi là Nhiệt Thành, Giuđa con ông Giacôbê và Giuđa Iscariot là kẻ phản bội” (Lk 6:12-16). Vậy “các tông đồ đã sống và chết như thế nào sau khi Chúa về trời?”
Thánh Kinh ghi lại, sau khi Chúa Giêsu chịu chết, sống lại và về trời, đặc biệt, sau ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống thì đời sống của các Tông Đồ đã thay đổi hoàn toàn. Các ông không còn rụt rè, nhút nhát, sợ sệt, nhưng đã mạnh dạn, can đảm ra đi để làm chứng nhân cho Tin Mừng. Sách Tông Đồ Công Vụ kể rằng sau khi Chúa Giêsu về trời, các Tông Đồ trở lại Giêrusalem và cầu nguyện 10 ngày như Ngài đã căn dặn (Acts 1: 4), để nhận lãnh Thánh Thần. Và lịch sử của Giáo Hội đã khai mở sau biến cố lễ Ngũ Tuần (Acts 2:1- 4).
Nhưng ngoài những gì được ghi trong các Phúc Âm, trong Tông Đồ Công Vụ, trong các Thánh Thư, đặc biệt là những thư của Thánh Phaolô, chúng ta biết rất ít về số phận các ông, mặc dù chúng ta vẫn tin rằng các ông đã đi rất xa để rao giảng Tin Mừng cho muôn dân (Mk 16:15), và đã sống và đã chết như những chứng nhân cho Tin Mừng mà các ông rao giảng. Sau đây là tóm lược lịch sử truyền giáo và những cái chết của các ông, theo thứ tự danh sách các Tông Đồ đã được Phúc Âm Thánh Luca ghi lại. Thêm vào danh sách đó là Phaolô (Tông Đồ Dân Ngoại) do Chúa Giêsu chọn trên đường đi Damas, và Matthias thay thế Giuđa Iscariot.
1. Simon/Phêrô – Quê ở Bethsaida gần biển Galilee.
Xuất thân ông là một ngư phủ chuyên nghiệp. Cha của ông cũng là ngư phủ chuyên nghiệp tên là Jona. Ông có người em là Andrê cũng là Tông Đồ trong nhóm 12 được Chúa Giêsu tuyển chọn. Căn nhà ông ở tại Capernaum vào thế kỷ thứ 5 người ta đã xây một thánh đường bao trên đó.
Sau 3 năm theo Thầy, và sau khi Chúa về trời, ông khởi đầu sứ vụ bằng bài giảng ngay trong ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (Acts 2). Một bài giảng gây tiếng vang, và đã thu hút 3000 người xin chịu phép Rửa cùng ngày. Ông chuyên chú vào người Do Thái, khác với Phaolô nhắm tới dân ngoại. Sau nhiều lần bị giam giữ tại Giêrusalem ông đã tới Rôma với Máccô thư ký của ông. Máccô đã biên Phúc Âm thứ nhất theo lời giảng của ông. Phần cá nhân, ông cũng viết 2 thư xuất hiện trong Tân Ước.
Ông được Chúa Giêsu đổi tên là Cephas (Phêrô) do lòng nhiệt thành của ông. Phêrô cũng là tên mà Chúa Giêsu nhắm tới việc xây dựng Giáo Hội của Ngài trên ông. “Con là Cephas nghĩa là đá, trên đá này Thày sẽ xây Giáo Hội Thầy” (Mt 16:18). Irenaeus (c.180A.D) dựa theo truyền thống cho rằng Phêrô và Phaolô đã xây dựng Giáo Hội ở Rôma. Ông là vị Giáo Hoàng tiên khởi của Hội Thánh Công Giáo.
Phêrô, theo Phaolô ghi lại trong thư gửi giáo đoàn Galatians, thì cũng đã một lần viếng thăm Antioch (Gal 2:11) và có thể ở Corinth (1 Cor 1:12). Cũng trong Tông Đồ Công Vụ, ông đã giảng đạo cho Cornelius ở Caesarea. Người đầu tiên được ông hướng dẫn mà không phải Do Thái (Acts 10).
Ông bị hoàng đế Rôma là Nero đã ra lệnh giết năm 66 AD, sau 33 năm Chúa về trời. Ông bị đóng đinh ngược và được an táng dưới hầm vương cung thánh đường Thánh Phêrô hiện nay ở Rôma, nơi ông đã lãnh phúc tử đạo.
2. Andrê – Ngư phủ từ Galilee, em của Phêrô.
Nguyên thủy ông là môn đệ của Gioan Tẩy Giả (Mk 1:16-18). Sau khi cùng anh là Phêrô bỏ nghề chài lưới theo Chúa Giêsu, ông thuộc số những tông đồ đầu tiên của Ngài.
Ông giảng đạo cho người Scythians và Thracians. Bị đóng đinh và an táng tại Patrae (Hy Lạp). Theo Hippolytus, Andrê giảng đạo tại Georgia/Bulgaria ngày nay, phần đất nối liền với Hắc Hải gần Thổ Nhĩ Kỳ. Ông bị đóng đinh tại Achaia. Cũng có tài liệu cho rằng ông bị treo trên một cây Olive tại Patrae, thành Achaia, Hy Lạp. Eusebius trong lịch sử của Giáo Hội đã dùng tài liệu của Origen xác định rằng Andrê giảng đạo tại Scythia. Trong Chronicle of Nestor thêm rằng, ông giảng đạo dọc theo Hắc Hải (Black Sea) và sông Dnieper tới mãi tận Kiev, và từ đó di chuyển đến Novgorod. Do đó, ông trở thành Bổn Mạng của nước Ukraine, Romania và Nga. Ông lập tòa ở Byzantium (Constantinople và Istanbul) năm 38 AD, mà sau này biến thành tòa thượng phụ Constantinople, và đã đặt Stachys là Giám Mục. Cả ông và thánh Stachys đều được coi là quan thầy của Tòa Thượng Phụ Constantinople.
Ở những tài liệu khác, cái chết của ông được miêu tả là bị đóng đinh ở Patras (Patrae) thuộc Achaea. Công Vụ của Andrê (Acts of Andrew) như Gregory of Tours lại cho rằng ông bị trói vào một loại thập giá gọi là thập giá Latin có hình chữ X. Nhưng theo Dorman Newman nhà sử học thuộc thế kỷ 15, là thì khi ở Patras thuộc đông Hy Lạp năm 69 AD, vị Tổng Đốc Rôma là Aegeates ở đây đã tranh luận với ông về tôn giáo. Aegeates đã cố gắng thuyết phục Andrê từ bỏ Kitô giáo để tránh bị tra tấn và xử hình. Cuối cùng ông bị đánh đòn và sau đó bị đóng đinh. Ông đã sống thoi thóp trên thập giá 2 ngày, và không ngừng rao giảng Tin Mừng cho những người qua lại. Tại Hy Lạp gần Ethiopia vẫn còn dấu tích ngôi mộ của ông.
Ngoài ra, Scots cũng cho rằng Andrê đã đến giảng đạo tại Picts (vì vậy họ dùng cây thập giá của Thánh Andrê trên quốc kỳ của họ).
3. Giacôbê – Con của Zebedee người làng Bethsaida.
Ông và em là Gioan là anh em họ với Chúa Giêsu. Để phân biệt với Giacôbê con ông Alphaeus, ông được gọi là Giacôbê Cả. Tên của ông không rời xa tên em ông là Gioan trong Mk 1:19-20; Mt 4:21, và Lk 5:1-11. Ông là Tông Đồ đầu tiên tử đạo năm 44 AD.
Là ngư phủ sinh sống quanh Bethsaida, Capernaum và Giêrusalem. Ông cùng em đã bỏ chài lưới đi theo Chúa Giêsu khi Ngài gọi hai ông, lúc cả hai đang vá lưới dưới thuyền với cha mình. Ông và em ông được Chúa Giêsu đặt cho biệt danh là con sấm sét.
Rao giảng tại Giuđêa và bị quận vương Herod Agrippa chém đầu và được an táng ở Giuđêa (Acts 12:2). Hippolytus xác nhận cái chết của Ông. Eusebius đã diễn tả chi tiết hơn: Đầu tiên là Stêphanô bị ném đá, rồi tiếp đến là Giacôbê bị chém đầu.
Lý do ông bị chết vì Herod Agrippa, quận vương mới của Judea muốn chứng tỏ mình trung thành với người Rôma bằng cách bắt bớ những thủ lãnh các tôn giáo. Sau khi Giacôbê bị bắt và bị dẫn đi hành hình, người tố cáo ẩn danh ông đã xúc động do lòng can đảm của ông, nên không những đã xin theo đạo, mà còn xin được chết chung cùng với Giacôbê. Đề nghị đã được chấp thuận và cả hai đã bị chém đầu.
4. Gioan – Con ông Zebedee, em của Giacôbê.
Ông và anh mình được Chúa Giêsu đặt cho biệt danh “Boanerges”, có nghĩa là con Sấm Sét, khi hai ông xin Chúa cho lửa bởi trời xuống thiêu hủy dân làng Samaritan vì đã không đón tiếp Ngài (Lk 9:51-54), và tham vọng do mẹ của hai ông muốn sắp xếp chỗ ngồi bên phải, bên trái Chúa cho hai ông (Mk 10:35-37). Nhưng ông cũng là người được Chúa Giêsu yêu cho dựa đầu vào ngực trong bữa tiệc ly, và trối Đức Mẹ lại trước khi Ngài tắt thở trên thập giá: “Này là mẹ con” (Jn 19:24-27).
Theo Hippolytus, trong cuộc bách hại của Domitian và giữa năm 90, ông bị lưu đày qua đảo Patmos. Bị lưu đày tại đảo Patmos, nhưng ông qua đời ở tuổi già tại Ephesus khoảng 100 AD. Ông viết Phúc Âm và viết 3 lá thơ. Cũng trong thời gian ở đảo Patmos, ông đã viết sách Khải Huyền là cuốn sau cùng chấm dứt bộ Tân Ước.
Ông là đầu của giáo hội tại Ephesus, và được diễm phúc phụng dưỡng Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu. Theo truyền thống Latin, trước đó ông được cho là đã thoát khỏi vạc dầu sôi sau khi bị vứt vào đó tại Rôma.
5. Philip – Quê làng Bethsaida.
Là một trong số những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Sau này truyền giáo ở Phrygia, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey). Ông bị đánh đòn, bỏ vào ngục và bị ném đá năm 80 AD tại Hierapolis, Thổ Nhĩ Kỳ.
Philip là người thứ sáu trong số 12 Tông Đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn (Jn 1:43). Liền sau khi trở thành môn đệ Chúa, ông đã đi giới thiệu Chúa Giêsu cho Nathanael (Bartholomew). Khi khi thấy Nathanael ngần ngại, nghi ngờ, ông đã bảo bạn mình: “Hãy tới mà xem” (Jn 1:46). Ông đã được Phúc Âm nhắc đến ở biến cố Chúa làm phép lạ bánh hóa nhiều, khi Ngài muốn thử xem ông phải làm gì (Jn 6:5-6). Phúc Âm cũng nói đến việc những người Hy Lạp Do Thái trong dịp lễ Vượt Qua (Passover) tại Giêrusalem nhờ ông giới thiệu họ với Chúa Giêsu (Jn 12:20-22). Nhưng xúc động nhất là câu hỏi của ông trong Bữa Tiệc Ly, khi đó ông xin Chúa Giêsu cho được thấy Chúa Cha (Jn 14:8-11).
Tông Đồ Công Vụ ghi, sau khi Chúa về trời ông đã tới Samaria rao giảng Tin Mừng và thực hiện những phép lạ (Acts 8:4-6). Ông đã cải đạo được cho Simon phù thủy (Acts 8:9-13). Trong khi nhận được lời truyền từ thiên thần, ông đã đi gặp một người Ethiopia tại Gaza, vị hoạn quan quyền thế dưới quyền hoàng hậu Candace, và đã rửa tội cho ông này (Acts 8:26-39). Sau cùng ông sống tại Caesarea (Acts 21:8). Cũng theo Tông Đồ Công Vụ, ông có 4 người con gái sống đời đồng trinh và đã được ơn nói tiên tri (Acts 21:9).
6. Bathôlômêô/ Nathanael – Người Cana, Galilee.
Trong Lịch Sử Hội Thánh của Eusebius, sau khi Chúa về trời, Barthôlômêô (Nathanael) sang truyền giáo tại Ấn Độ. Cũng có một truyền thuyết khác nói rằng ông đã truyền rao Tin Mừng tại Ethiopia, Mesopotamia, Parthia, và Lycaonia. Nhưng phần đông vẫn cho rằng ông giảng đạo tại Ấn Độ, và sau này đến Greater Armenia.
Cũng theo truyền tụng đại chúng của người Armenians, Tông Đồ Jude (Thaddaeus) là người đầu tiên đến truyền giảng Tin Mừng trong vùng này từ năm 43-66 AD. Năm 60 AD, Barthôlômêô mới đến cùng truyền đạo với ông. Khi đến đây, ông mang theo Phúc Âm của Mátthêu và đã dịch Phúc Âm này sang tiếng địa phương. Barthôlômêô tử đạo tại Albanopolis, Armenia năm 68 AD.
Có nhiều tài liệu khác nhau nói về cái chết của ông. Một số cho rằng ông bị chém đầu. Một số khác lại cho rằng ông bị lột da sống và chịu đóng đinh ngược đầu do lệnh truyền của Astyages. Lý do vì ông đã cải đạo Polymius em của Astyages, vua xứ Armenia.
7. Matthêu/Levi – Con của Alphaeus.
Là con của Alphaeus, vì thế ông bị cho là anh em với Giacôbê Trẻ. Trước khi được Chúa gọi, ông là người thu thuế ở Capernaum. Ông được Thánh sử Maccô gọi là Levi (Mk 2:14), trong khi đó, Phúc Âm Thánh Luca gọi ông Matthêu thu thuế, và ở Phúc Âm của mình tên ông viết là Matthêu. Theo tiếng Do Thái, Matthêu có nghĩa là “quà tặng của Jehovah”.
Ông viết Phúc Âm cho người Do Thái. Với mục đích viết Phúc Âm cho người Do Thái, nên Phúc Âm của ông được viết bằng tiếng Do Thái. Ông chết tại Hierees, một thành của Parthia (Iran). Eusebius coi ông là giám mục Papias của Hierapolis, trước năm 110 A.D.
Cũng có truyền thống cho rằng, ông giảng đạo và bị tử đạo tại Ethiopia. Ông bị đâm sau lưng bằng lưỡi đòng do một tên hành quyết được vua Heraclius cử tới bởi vì ông đã phê bình đời sống luân lý của vua.
8. Thomas – Ngư phủ, người Galilee.
Ông rao giảng Tin Mừng cho người Parthians/Medes/Hyrcanians (Iran), Bactrians (Afghanistan). Tử đạo bằng 4 mũi đòng đâm vào người. Ông đã bị 4 người lính dùng giáo đâm chết tại Mylapore, Ấn Độ ngày 21 tháng 12 năm 72 AD.
Thomas cũng gọi là Didymus. Có thể là một ngư phủ, thường được nhớ như Thomas đa nghi. Trong lúc Chúa Giêsu nói với các Tông Đồ tại Bữa Tiệc Ly, ông đã thẳng thắn hỏi Chúa: “Lạy Chúa, chúng con không biết Chúa đi đâu, thì làm sao biết được đường” (Jn 14:5). Cũng trong Tin Mừng của Thánh Gioan (20:25), khi nghe các Tông Đồ nói đã nhìn thấy Chúa sống lại, ông đã thẳng thừng từ chối, và cho rằng chỉ khi nào ông nhìn những vết đinh nơi tay Chúa, và thọc tay vào cạnh sườn Ngài, ông mới tin.
Nhưng Chúa đã thỏa mãn sự nghi ngờ của ông và qua đó, chúc lành cho mọi người sau này không được diễm phúc nhìn thấy Ngài như ông nhưng vẫn tin: “Tôma vì con đã thấy thầy và đã tin. Nhưng phúc cho những ai không thấy mà tin” (Jn 20:29). Cũng do thái độ hoài nghi của ông mà sau này mới được biết về cái chết và việc Đức Mẹ về trời cả hồn lẫn xác.
Theo Hippolytus, Thomas là một nhà rao giảng nhiệt thành. Ông được biết là đã rao giảng Phúc Âm cho người Parthians (Iran), Medes (Iran), Persians (Iran), Hyrcanians (Iran), Bactrians (Afghanistan), và Margians. Ông có lẽ năng động nhất ở đông Syria. Sử sách cũng ghi lại, ông đã giảng dạy mãi xa tận Ấn Độ, đã tử đạo trên ngọn “Đồi Lớn” gần Madras, và đã để lại một cộng đoàn ở đó cho đến khi người Bồ Đào Nha tới.
9. Giacôbê – Con của Alphaeus.
Ông không phải là con của Zebedee, và do đó, ông cũng không phải là anh em với Gioan. Tên của ông được xuất hiện trong Mt 10:1-3, Mk 3:14-19, Lk 6:13-16, và Acts 1:13. Mẹ của ông là Maria, một trong những phụ nữ ra viếng mộ Chúa Giêsu và thấy mộ trống vào buổi sáng Phục Sinh. Ông được gọi là Giacôbê Trẻ hay Giacôbê Hậu để phân biệt với Giacôbê Tiền hay Giacôbê Cả là anh của Gioan.
Cũng vì cha ông là Alphaeus, nên ông thường bị cho là anh em với Matthêu.
Sau khi Chúa về trời, ông truyền rao Tin Mừng trong phạm vy Giêrusalem. Ông là một trong những vị Tông Đồ sống lâu nhất, có lẽ còn hơn cả Gioan. Ông qua đời năm 94 tuổi. Trước hết bị đánh đòn, và bị ném đá, sau đó bị đánh vào đầu bằng một cây gậy. Tuy nhiên, theo Hippolytus, thì ông bị người Do Thái ném đá tại Giêrusalem. Và ông được mai táng bên cạnh đền thờ năm 62 AD.
10. Simon Nhiệt Thành – Con của Clopas.
Ông đến từ Cana và vì thế cũng được gọi là Simon người Canaanite, hoặc Simon Nhiệt Thành (nhưng không thuộc những người Do Thái nhiệt thành chống lại người Rôma). Ông là con của Clopas. Theo Hippolytus, ông là Giám Mục thứ hai của Giêrusalem kế vị Giacôbê. Thánh Demetrius thành Rostov đã xác nhận ông là Giám Mục thứ hai của Giêrusalem.
Ông qua đời hưởng thọ 120 tuổi. Ông được an táng tại Giêrusalem. Theo tài liệu thì ông đã bị đóng đinh như vị Giám Mục của Giêrusalem sau khi giảng Phúc Âm tại Samaria. Một tài liệu khác lại cho rằng khi truyền giáo tại Persia, ông đã bị cưa đôi vì từ chối không dâng lễ vật cho thần mặt trời.
Tuy nhiên nơi ông rao giảng Tin Mừng và cái chết của ông không được rõ ràng. Có tài liệu nói là ông đã giảng đạo tại Anh. Tài liệu bằng tiếng Hy Lạp thì cho rằng ông giảng đạo tại Hắc Hải (Black Sea), Ai Cập, và Bắc Phi. Nhưng theo tài liệu Latin “Passio Simonis et Judae”, ông truyền giáo tại Persia, và tử đạo tại Suanir. Nơi an táng của ông không được ghi lại. Sau khi giảng đạo tại Ai Cập, ông và Giuđa (Thaddaeus/Judas) được cho là đã cùng nhau đến giảng đạo tại Persia và Armenia, hoặc Beirut, Lebanon. Cả hai cùng tử đạo năm 65 AD.
Giáo Hội Tây Phương kính ông cùng với Jude (Thaddaeus). Ngược lại, ở Đông Phương hai ngài được kính riêng. Ông là bổn mạng những người thuộc da.
11.Thaddaeus/Judas – Con của Giacôbê.
Rao giảng Tin Mừng tới Edessa gần sông Euphrates và chung quanh khu vực Mesopotamia (Iraq, Syria, Turkey, Iran). Qua đời năm 72 AD. Ông bị bắn bằng tên tại Ararat.
Thánh Giêrônimô gọi Judas là “Trinomious” có nghĩa là người có 3 tên. Trong Máccô 3:18 ông được gọi là Thaddeus. Trong Matthêu 10:3, ông được gọi là Lebbeus. Và tên Thaddeus (Trái tim được sưởi ấm). Còn trong Luca 6:16 và Tông Đồ Công Vụ 1:13, ông được xem như Juda anh em của Giacôbê.
Theo Hippolytus, sau khi Chúa về trời, ông ra đi rao giảng Tin Mừng cho người ở Edessa (bên trên Mesopotamica) và cả vùng Mesopotamia. Qua đời tại Berytus (Lebanon, gần Syria và Thổ Nhĩ Kỳ), và được an táng tại đó.
Trong Tân Ước, ông đã hỏi Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly, “Tại sao Chúa chỉ tỏ mình cho chúng con mà không cho thế giới” (Jn 14:22). Qua câu hỏi này ông muốn cho mọi người được biết Chúa Kitô.
12. Matthias – Thay thế Giuđa Iscariot.
Theo tiếng Hy Lạp, Matthias có nghĩa “Ân huệ của Giavê”. Ông là một trong 70 môn đệ theo Chúa Giêsu từ đầu, lúc Ngài chịu phép rửa bởi Gioan Tiền Hô trên sông Jordan cho đến khi Ngài về trời (Acts 1:21-22). Sau khi Chúa về trời, Phêrô đã triệu tập 11 Tông Đồ trên căn thượng lầu và đã bỏ phiếu giữa Matthias và Giuse còn gọi là Joseph Barsabbas, người có tên họ là Justus. Matthias được chọn thay thế cho Giuđa Iscariot để nâng con số các Tông Đồ thành 12, nhưng ông là Tông Đồ không do chính Chúa Giêsu tuyển chọn.
Ông được coi là đã tới Syria cùng với Andrê. Theo Nicephorus (Historia eccl., 2, 40), Matthias đầu tiên giảng Tin Mừng ở Judea, rồi sau đó ở Ethiopia (miền Colchis, thuộc Georgia ngày nay), và bị ném đá chết.
Một truyền thống khác cho rằng ông bị người Do Thái ném đá tại Giêrusalem, sau đó bị chém đầu. (cf. Tillemont, Mémoires pour servir à l’histoire ecclesiastique des six premiers siècles, I, 406-7). Cũng theo Hippolytus, Matthias chết ở Giêrusalem năm 80 AD. Ông là Giám Mục Giêrusalem. Và một truyền thống khác cho rằng ông đã rao truyền Phúc Âm trên bờ biển Caspian và Cappadocia.
Liên quan đến cuộc sống và cái chết của ông, theo Nicephorus (Lịch Sử Giáo Hội II.40), đầu tiên ông rao giảng Phúc Âm ở Judea, rồi tới Ethiopia, và ông bị đóng đinh. Nhưng theo Dorotheus thì Matthias rao giảng Tin Mừng cho những người man khai, mọi rợ ở trong Ethiopia, và hải cảng biển Hyssus tại cửa sông Phasis. Ông qua đời tại Sebastopolis, và được an táng gần Đền Thờ Mặt Trời. Thánh Helena đã đem hài cốt của ông về Rôma.
13. Phaolô – Tông Đồ Dân Ngoại.
Được Chúa Giêsu gọi khi ông đang trên đường ông đến Damas bắt các Kitô hữu. Ông có tên là Saul (Saulê). Ông sinh năm c.5 AD. Tại Tarsus, Cilicia thuộc Đế Quốc Rôma, ngày nay là Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tử đạo năm c. 64/65 AD., tại Roma, Ý, trong Đế Quốc Roma. Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô Ngoại Thành được xây trên nơi ông đã bị chém đầu.
Phaolô bị chặt đầu bằng gươm, vì ông có quốc tịch Rôma. Ông bị hành hình dưới thời hoàng đế Neron năm 33 AD. Cuộc đời của Phaolô, ơn gọi đặc biệt của ông, việc trở lại diệu kỳ của ông, hành trình truyền giáo của ông, cũng như những tư tưởng phi thường của ông đã được ghi rõ trong Tông Đồ Công Vụ và các thư do ông viết trong Tân Ước.
_______________
Tài liệu tham khảo
– Ken Curtis, Ph.D. Church History Timeline. 6000-1 BCAD 1-300301-600601-900901-
– Hippolytus of Rome – Birth unknown, died around 236 AD.
– Eusebius – Was the Bishop of Caesarea in Palestine, known as the “Father of Church History” because he wrote about the church history. Lived around 260-341 AD.