Để nghe tiếng Chúa – Chúa Nhật II Thường Niên, Năm B

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (1,35-42)

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: “Ðây là Chiên Thiên Chúa”. Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: “Các ngươi tìm gì?” Họ thưa với Người: “Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Người đáp: “Hãy đến mà xem”. Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”. Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: “Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá”.

***

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói cho chúng ta về ơn gọi. Trong bài đọc I, Chúa gọi Samuel khi Samuel còn là một cậu bé và sống trong đền thờ với thầy tư tế Êli. Chúa gọi Samuel ba lần trong đêm khuya giữa lúc Samuel đang ngủ, nhưng cậu lại tưởng là thầy Êli gọi mình nên chạy lại thưa với thầy: Dạ, con đây, thầy gọi con”. Đến lần thứ tư, nhờ sự hướng dẫn của thầy Êli, Samuel đã nhận ra tiếng Chúa gọi mình và mau mắn đáp lời: “‘Lạy Ðức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Và Chúa đã chọn Samuel làm ngôn sứ cho Người.

Ơn gọi của Samuel gợi cho chúng ta hai điểm đáng chú ý: điểm thứ nhất, Thiên Chúa tỏ mình ra trong bản tính yếu đuối của con người. Samuel chỉ là cậu bé ngây thơ, không có kinh nghiệm sống, nhưng Chúa lại tín nhiệm và chọn cậu làm ngôn sứ của Người. Ðiểm thứ hai, sở dĩ Samuel nhận ra tiếng Chúa và biết đáp lại tiếng gọi của Người là nhờ có sự giúp đỡ của thầy tư tế Êli.

Còn bài Tin Mừng nói về ơn gọi của người môn đệ Chúa Giêsu. Vừa khi nghe Gioan Tẩy Giả giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa”, hai môn đệ của ông liền đi theo Chúa Giêsu. Sau khi đến và ở lại với Người, một trong hai môn đệ là Anrê, đi gặp anh mình là Simôn Phêrô và nói rằng: Chúng tôi đã gặp Ðấng Kitô”. Rồi ông dẫn anh mình đến gặp Chúa Giêsu.

Có thể nói nhờ lời giới thiệu của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu mà hai môn đệ đã tìm được ơn gọi đích thực của mình, để rồi sau đó chính các ông cũng trở thành những người đi nói về Chúa cho người khác. Trong cuộc sống hằng ngày, trước khi quyết định một việc quan trọng nào đó, chúng ta rất cần những ý kiến, những lời khuyên quý giá của người khác. Trong đời sống đức tin hay đời sống thiêng liêng cũng vậy, chúng ta cũng cần đến sự hướng dẫn của những người khôn ngoan và có kinh nghiệm để giúp chúng ta nghe và hiểu được tiếng gọi của Chúa. “Linh hướng” là một truyền thống đã có từ lâu đời trong Giáo Hội. Lúc đầu việc linh hướng chỉ dành cho các tu sĩ, nhưng sau này thì mọi giáo dân đều có thể tìm cho mình một vị linh hướng để giúp mình trong việc tìm ý Chúa. “Linh Thao” của thánh Inhaxiô cũng là một trong những cách thế giúp chúng ta lắng nghe và tìm ý Chúa.

Các bài đọc cho chúng ta thấy rằng,Thiên Chúa tỏ hiện một cách khiêm nhường qua tiếng nói của con người. Người mời gọi nhưng không ép buộc: “Các anh tìm gì thế?”. Chắc hẳn Gioan Tẩy Giả có nhiều môn đệ, nhưng chỉ có hai người nghe lời giới thiệu của thầy mình mà đi theo Chúa Giêsu. Có lẽ những môn đệ khác hoặc chưa sẵn sàng, hoặc họ không có ý tìm kiếm Chúa. Còn những ai tìm kiếm, Chúa mời họ đến với Người: “Hãy đến mà xem.”

Gioan Tẩy Giả, Anrê, Simôn và còn biết bao nhiêu người khác đã gặp và loan báo về Chúa. Chính trong lời nói và đời sống của con người mà Chúa tỏ hiện cho chúng ta ý muốn của Người. Trong mọi nơi, mọi lúc, ở mọi lứa tuổi, trong mọi hoàn cảnh, Chúa luôn nói và mời gọi chúng ta. Chúa luôn nói và mời gọi… Khẳng định như vậy nghe có vẻ mâu thuẫn với kinh nghiệm đức tin của chúng ta. Vì hẳn là nhiều người trong chúng ta đã từng nói: “Tôi cầu nguyện, khấn xin tha thiết nhưng có thấy Chúa trả lời đâu”. Phải chăng Chúa không đáp lời, hay Chúa nói mà chúng ta làm ngơ không lắng nghe, hoặc vì chúng ta không nhận ra tiếng Người, hoặc vì Người không nói theo ước muốn của chúng ta…?

Nếu chúng ta thực sự tìm kiếm ý Chúa thì Chúa luôn luôn đáp lời. Chúa nói trực tiếp với chúng ta nơi Lời Chúa trong Kinh Thánh; Người nói trong tâm hồn qua tiếng lương tâm. Nhưng Chúa cũng nói với chúng ta qua những trung gian khác nhau, như sau khi đọc một cuốn sách, nghe một bài hát, ngang qua những biến cố vui buồn, qua một cuộc gặp gỡ với một người nào đó, qua việc dấn thân trong các hoạt động tông đồ và xã hội, qua lời cầu nguyện và các bí tích, v.v…

Chúa nói cho những ai biết lắng nghe Người. Người không dùng những lời tuyên bố sấm vang. Kinh Thánh cho chúng ta biết, Thiên Chúa không ở trong những ồn ào của gió bão, động đất, lửa cháy, nhưng Người ở trong sự dịu êm như tiếng gió hiu hiu (1 V 19,11-12). Chúa không lớn tiếng như giữa phố chợ nhưng nhẹ nhàng trong chính tâm hồn ta. Ngày xưa, trong đêm khuya thanh vắng mà cậu bé Samuel nghe được tiếng Chúa. Trước tiếng gọi của Chúa, mỗi người tự do lắng nghe hay làm ngơ, mỗi người tự do trả lời: Lạy Chúa, con đây, xin Ngài phán”.

Từ “ơn gọi” hay “ơn kêu gọi” không chỉ dành riêng để nói về đời sống tu trì hay đời sống hôn nhân. Đã là Kitô hữu, tất cả chúng ta đều có ơn gọi làm “tư tế, ngôn sứ, và vương đế”. Hay nói cách khác, mỗi chúng ta đều được Chúa mời gọi sống gắn bó với Chúa để làm chứng cho Người bằng chính đời sống phục vụ yêu thương của mình.

Cầu chúc mỗi người chúng ta luôn nghe được tiếng Chúa và có được một cuộc gặp gỡ thâm sâu với Người, nhờ đó chúng ta trở nên chứng tá cho Chúa và dám nói với những người chung quanh bằng niềm xác tín: “Hãy đến mà xem”. Vì con người thời nay không thích những bài diễn văn suông, nhưng muốn những chứng từ sống động và đích thật.

Comments are closed.

phone-icon