Sr. Maria Thúy Kiều, OP
“Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy” (Lc 9,36).
1. Sự lặng thinh của các Tông đồ
Trong biến cố Hiển Dung, ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan được chứng kiến vinh quang Thiên Chúa khi Chúa Giêsu tỏ mình trên núi. Phêrô trong cơn xúc động tột cùng, đã thốt lên lời muốn dựng lều cho Chúa và các vị khách thiên quốc, dù chính ông cũng chẳng hiểu mình đang nói gì.
Thế nhưng, khi từ trên núi xuống, thay vì hăng hái loan báo điều kỳ diệu vừa chứng kiến, các ông lại giữ kín tất cả. Tại sao vậy?
Phải chăng vì họ chưa hiểu hết điều mình vừa trải nghiệm. Hoặc cũng có thể vì họ chưa biết phải diễn tả thế nào về mầu nhiệm lớn lao ấy. Sự im lặng này không phải là sự vô tâm, mà phản ánh giới hạn của con người trước sự khôn dò của Thiên Chúa.
2. Khi lý thuyết và thực tế gặp nhau
Là Kitô hữu, có lẽ bạn và tôi cũng giống như Phêrô: chúng ta có thể hăng say nói về Chúa trong những buổi học hỏi Giáo lý, những bài viết, những buổi thuyết trình… nhưng khi đối diện với những thực tế nghiệt ngã của cuộc sống, bỗng nhiên chúng ta lúng túng.
Một lần kia tôi được phân công chăm sóc hai bệnh nhân trong cùng một phòng: một người là cựu cán bộ công an đã về hưu, và người kia là tù nhân với hình xăm trổ kín người với chiếc còng sắt nặng nề trên giường bệnh. Hai con người với hai số phận đối lập, nhưng giờ đây, họ lại chung một cảnh: nằm chờ đợi tử thần gõ cửa, với những cơn đau ung thư giày vò thân xác.
Hằng ngày chăm sóc họ, biết bao lần tôi muốn nói với họ về lòng thương xót của Chúa, về sự hoán cải, về niềm hy vọng vĩnh cửu… Nhưng rồi tôi lại im lặng. Tôi sợ họ không đón nhận. Tôi sợ những tháng năm bon chen của họ đã làm cho chuyện về Đấng Cứu Độ trở nên xa lạ, thậm chí hoang đường. Tôi không biết phải bắt đầu từ đâu, không biết phải thuyết phục họ thế nào… Và cuối cùng, tôi không nói gì cả. Tôi đã đứng im, lặng lẽ nhìn họ ra đi với lời cầu nguyện thì thầm cho linh hồn họ được Lòng thương xót của Chúa chạm đến.
3. Học cách “nói” như Chúa muốn
Khi suy nghĩ về những lần mình đã lặng thinh, tôi chợt nhớ đến các Tông đồ. Sau này, khi được Chúa Thánh Thần biến đổi, các ông không còn giữ kín về Đức Kitô nữa. Họ sẵn sàng rao giảng về Ngài, dù có phải đối mặt với tù đày, bắt bớ, hay cả cái chết.
Tôi nhận ra rằng truyền giáo không chỉ là nói thật hay, thuyết phục thật giỏi, mà là để Chúa Thánh Thần hoạt động qua mình. Các Tông đồ cũng từng sợ hãi, cũng từng bối rối, nhưng họ đã dám mở lòng để Chúa sử dụng.
4. Làm thế nào để Chúa Thánh Thần có thể hoạt động nơi chúng ta?
a. Cầu nguyện và lắng nghe Chúa Thánh Thần
Trước hết, chúng ta cần dành thời gian cầu nguyện, xin Ngài soi sáng và dẫn dắt. Đôi khi, không cần quá nhiều lời, chỉ cần một tâm hồn tĩnh lặng, mở lòng với Chúa.
b. Khiêm nhường và tín thác
Nhiều khi, chúng ta ngần ngại vì nghĩ mình chưa đủ khả năng để truyền giáo. Nhưng Chúa không chọn người tài giỏi, Ngài chọn những ai biết phó thác. Càng sống khiêm nhường và để Chúa làm chủ, Chúa Thánh Thần càng dễ hoạt động trong ta. Hãy nhớ, chính thánh Phêrô—người từng chối Chúa ba lần—lại trở thành cột trụ của Giáo Hội nhờ ơn Chúa.
c. Sống chứng tá hơn là nói nhiều
“Thế giới ngày hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy” (ĐGH Phaolô VI).
Người khác không chỉ nghe những gì ta nói, mà còn quan sát cách ta sống. Nếu chúng ta thực sự sống đức tin, sống yêu thương và phục vụ như Chúa dạy, họ sẽ tự hỏi: “Điều gì làm cho người này sống như vậy?” Và đó chính là lúc Chúa Thánh Thần chạm đến họ.
d. Chấp nhận bị từ chối và kiên trì
Không phải ai cũng sẵn sàng đón nhận Tin Mừng ngay lập tức. Truyền giáo không phải là thắng một cuộc tranh luận, mà là gieo một hạt giống. Đôi khi, hạt giống ấy âm thầm lớn lên trong lòng ai đó mà ta không hề hay biết. Hãy kiên trì và để Chúa làm phần còn lại.
e. Xin ơn can đảm và nhạy bén
Chúa Thánh Thần ban cho ta ơn khôn ngoan để biết khi nào nên nói, khi nào nên im, và khi nào nên hành động. Hãy cầu xin Ngài hướng dẫn để chúng ta có thể truyền giáo cách phù hợp với từng con người, từng hoàn cảnh.
Kết luận: Dám bước ra!
Nói cách đơn giản, hãy cầu nguyện – sống chứng tá – phó thác – và dám bước ra! Khi đó, Chúa Thánh Thần sẽ tự do hành động qua chúng ta. Và biết đâu, chính trong sự lặng thinh của chúng ta, có những tâm hồn lại nghe được tiếng Chúa rõ hơn bao giờ hết.