“QUẢ THẬT,
NGƯỜI NÀY LÀ CON THIÊN CHÚA!”
Kính thưa quý Bề trên và Chị em,
Hôm nay, cùng với tất cả anh chị em tín hữu Công Giáo trên toàn thế giới chúng ta bước vào Tuần Thánh—Tuần tưởng niệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô—Con Thiên Chúa. Tuần Thánh là tuần lễ cao điểm nhất, và là thời gian ân sủng trong năm Phụng vụ, giúp chúng ta đồng hành với Đức Giêsu trên con đường Thập giá để cùng được Phục Sinh với Người trong cuộc sống mới. Trong bầu khí thánh thiêng và ý nghĩa của Tuần Thánh, mời quý Bề trên và Chị em chìm vào thinh lặng nội tâm để chiêm ngắm Đức Giêsu—Con Thiên Chúa—hiến tế, hầu nhận ra Tình Yêu vô biên mà Thiên Chúa Cha đã dành cho mỗi người chúng ta.
I. LỜI CHÚA: Chúa Nhật Lễ Lá năm B (Mc 14,1-15, 47)
1) Hai ngày trước lễ Vượt Qua và lễ Bánh Không Men, các thượng tế và kinh sư tìm cách dùng mưu bắt Ðức Giêsu và giết đi; … (3) Lúc đó, Ðức Giêsu đang ở làng Bêtania, tại nhà ông Simon Cùi. Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người. (4) Có vài người lấy làm bực tức, nói với nhau: “Phí dầu thơm như thế để làm gì? (5) Dầu đó có thể đem bán lấy trên ba trăm quan tiền mà bố thí cho người nghèo”. Rồi họ gắt gỏng với cô. (6) Nhưng Ðức Giêsu bảo họ: “Cứ để cho cô làm. Sao lại muốn gây chuyện? Cô ấy vừa làm cho tôi một việc nghĩa. (7) Người nghèo thì lúc nào các ông chẳng có bên cạnh mình, các ông muốn làm phúc cho họ bao giờ mà chẳng được! Còn tôi, các ông chẳng có mãi đâu! (8) Ðiều gì làm được thì cô đã làm: cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng. (9) Tôi bảo thật các ông: Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô”….
(53) Họ điệu Ðức Giêsu đến vị thượng tế. Các thượng tế, kỳ mục và kinh sư, tất cả đều tựu lại. (54) Ông Phêrô theo Người xa xa, vào tận bên trong dinh thượng tế, và ngồi sưởi bên đống lửa với bọn lính canh. (55) Bấy giờ các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Ðồng tìm lời chứng buộc tội Ðức Giêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra, …(60) Bấy giờ vị thượng tế đứng lên giữa hội đồng hỏi Ðức Giêsu: “Ông không nói lại được một lời sao? Mấy người này tố cáo ông gì đó?” (61) Nhưng Ðức Giêsu vẫn làm thinh, không đáp một tiếng. Vị thượng tế lại hỏi Người: “Ông có phải là Ðấng Kitô, Con của Ðấng Ðáng Chúc Tụng không?” (62) Ðức Giêsu trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”. (63) Vị thượng tế liền xé áo mình ra và nói: “Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? (64) Quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?” Tất cả đều lên án Người đáng chết.
(65) Thế là một số bắt đầu khạc nhổ vào Người, bịt mặt Người lại, vừa đánh đấm Người vừa nói: “Hãy nói tiên tri đi!” Và bọn lính canh túm lấy Người mà tát túi bụi.
….(33) Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất mãi đến giờ thứ chín. (34) Vào giờ thứ chín, Ðức Giêsu kêu lớn tiếng: “Êlôi, Êlôi, lama sabácthani!” Nghĩa là: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (35) Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói: “Kìa hắn kêu cứu ông Êlia”. (36) Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển, thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: “Ðể xem ông Êlia có đến đem hắn xuống không. (37) Ðức Giêsu lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt thở. (38) Bức màn trướng trong Ðền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới. (39) Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Ðức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa.”
II. SUY NIỆM
Bài Thương Khó hôm nay là đỉnh điểm của trình thuật loan báo về căn tính “Con Thiên Chúa” của Đức Giêsu. Theo thánh Mác-cô, càng tới gần cái chết đau thương trên Thập giá thì căn tính của Đức Giêsu càng bộc lộ rõ hơn. Thông thường, sau khi thực hiện những phép lạ hay chữa người bị quỷ ám, Đức Giêsu ngăn cấm không cho người được khỏi bệnh nói cho người khác biết Người chữa bệnh cho họ là ai (Mc 7,36). Ngay đến ông Phêrô, sau khi tuyên xưng Người là Đấng Kitô, Ngài cũng cấm ngặt các ông không được nói cho ai biết điều đó (Mc 8,30)… Nhưng hôm nay, giờ mạc khải về căn tính của Ngài đã đến. Trong cuộc khổ nạn, lúc đau thương và tăm tối nhất của cuộc đời Đức Giêsu, thì căn tính “Con Thiên Chúa” của Ngài lại tỏa sáng qua ba trình thuật: xức dầu tại Bêtania, trước Thượng Hội Đồng, và lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng Rôma. Trong ngày Tĩnh tâm này, chúng ta được mời gọi lắng sâu vào mỗi trình thuật và chiêm ngắm Đức Giêsu để nhận ra phẩm tính “Con Thiên Chúa” của Ngài.
1. Con Thiên Chúa—Lời tiên báo qua việc Xức dầu thơm tại Bêtania (Mc 14, 3-9)
Thánh sử Mác-cô dùng câu chuyện Đức Giêsu được xức dầu tại Bêtania như lời mở đầu cho trình thuật Thương Khó này. Bêtania một làng nhỏ gần Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu thường ghé lại nghỉ ngơi khi rời thành thánh (Mc 11,11) và người tiếp đón Đức Giêsu hôm nay không ai khác hơn là Simon, người được Chúa chữa khỏi phong cùi trước đây.
Đang khi Đức Giêsu dùng bữa tại nhà ông, thì một phụ nữ xuất hiện.Cô đã lấy dầu thơm đổ trên đầu Ngài. Thánh Mác-cô không nêu danh tánh người phụ nữ, mà chỉ ghi lại hành động của cô. Cô mang một bình bạch ngọc đựng dầu thơm quý giá, đập vỡ bình và “đổ dầu thơm trên đầu Người” (14,3). Thánh Mác-cô nhấn mạnh đến chi tiết người phụ nữ không ngần ngại đập bể bình dầu để đổ thật nhiều và thật nhanh, thay vì chỉ xức từng giọt như thường lệ. Cử chỉ của cô nói lên điều gì? Đối với người phụ nữ, việc xức dầu này là một cử chỉ tỏ lòng yêu mến và kính trọng của cô với Đức Giêsu. Lòng kính mến ấy chắc phải nồng cháy sâu đậm, khiến cô không chút tiếc rẻ, không ngần ngại đập bể bình dầu quý–bình dầu mà cô cất giữ đã lâu, để xức cho Đức Giêsu chỉ mong diễn tả được lòng kính yêu cô dành cho riêng Ngài (1).
Có lẽ người phụ nữ này đã nhận ra nơi Đức Giêsu một điều gì đó khác thường. Cô muốn mọi người công nhận Đức Giêsu là Đấng Messia—Đấng được xức dầu (Is 61,1). Vì theo phong tục Do Thái, “đổ dầu” trên đầu là dấu chỉ của việc phong vương (1 Sam 10,1-2); xức dầu trên đầu ai là tấn phong người đó làm Vua. Như thế, việc xức dầu của người phụ nữ là lời tiên báo Đức Giêsu là Vua dân Israel— vị Vua sẽ chịu đau khổ và chịu chết(2). Nói cách khác, việc xức dầu của cô là dấu chỉ cho việc mai táng một nhân vật quan trọng, một vị vua trời đất, đang hiện thân nơi con người của Đức Giêsu (3).
Tuy nhiên, hành động cao đẹp của người phụ nữ không được các môn đệ Đức Giêsu đánh giá cao mà trái lại còn làm các ông bực tức. Các ông cho rằng việc làm của cô quá phí phạm khi ước tính bình dầu thơm đó phải hơn ba trăm đồng bạc. Tại sao cô không bán bình dầu ấy lấy tiền giúp người nghèo có phải tốt hơn không? Lời phê phán này xem ra có vẻ có lý. Thế nhưng, Đức Giêsu đã nghiêm nghị sửa dạy những người bực tức về hành động của cô, Ngài khẳng định việc cô làm là tốt: “Cô ấy vừa làm cho Tôi một việc nghĩa” (Mc 14,6). Ngài còn cho các ông thấy, Ngài rất tôn trọng việc giúp đỡ người nghèo, vì theo luật Môsê, Thiên Chúa truyền cho dân Israel phải “mở rộng tay cho anh em ngươi, cho kẻ bần cùng và nghèo hèn trên đất ngươi” (Đnl 15,11). Khi thi hành sứ vụ, Ngài đã ưu tiên cho người nghèo. Chính Ngài cũng đã cắt Giuda Iscariôt, người môn đệ phản Thầy, đảm trách việc bố thí cho người nghèo. Hơn nữa, Đức Giêsu muốn các người đồng bàn với Ngài hôm ấy nhận ra rằng, các ông luôn có người nghèo bên cạnh để giúp đỡ, nhưng còn chính Ngài thì các ông sẽ không có mãi mãi (Mc 14,7). Qua đó, Đức Giêsu muốn minh định rằng lời phê phán của các ông, sự bực tức của các ông đối với người phụ nữ là không chính đáng.
Khi xức dầu cho Đức Giêsu, người phụ nữ không hiểu hết ý nghĩa việc mình làm. Vì thế, Đức Giêsu đã thay cô giải thích về hành động mang tính tiên tri ấy cho các môn đệ: “cô đã lấy dầu thơm ướp xác tôi, để chuẩn bị ngày mai táng” (Mc 14,8). Đức Giêsu đã không ngần ngại liên kết hành động của người phụ nữ vô danh với thảm kịch Ngài sắp phải chịu vì nhân loại trong cuộc khổ nạn và qua cái chết đau thương trên Thập giá. Cô ấy dường như đã thấy trước việc ướp xác Đức Giêsu sẽ xảy ra mấy ngày sau đó. Để ghi nhận lòng yêu mến và kính trọng của cô dành cho mình, Đức Giêsu còn long trọng tuyên bố: “Hễ Tin Mừng được loan báo đến đâu trong khắp thiên hạ, thì nơi đó việc cô vừa làm cũng sẽ được kể lại để nhớ tới cô” (Mc 14,9).
Trong trình thuật Tin Mừng này, người phụ nữ đã quảng đại dâng cho Đức Giêsu những gì quý nhất của cô. Bằng tất cả tâm tình kính yêu, cô đã yên lặng đập vỡ bình dầu và trút dầu thơm trên đầu Đức Giê-su. Tình mến nồng cháy của cô dành cho Đức Giêsu đã cho cô sáng kiến và can đảm thực hiện hành động mà cô mơ ước từ lâu, đó là được xức dầu thơm cho Đức Giêsu tiên báo việc “Con Thiên Chúa” sẽ chịu chết để đền tội cho nhân loại. Hành động của cô cũng giúp chúng ta nhìn lại chính mình. Mỗi người chúng ta đều có những bình dầu quý. Vậy bình dầu tôi đang có là gì? Tôi có dám dâng nó cho Chúa không? Tôi có can đảm đập vỡ bình dầu của tôi để xức cho Chúa và cho anh chị em mình một cách quảng đại không?
2. Con Thiên Chúa—Lời xác nhận của Đức Giêsu trước Thượng Hội đồng (Mc 14, 53-65)
Biến cố Đức Giê-su bị tra hỏi trước Thượng Hội Đồng là bước quyết định cho việc công bố công khai căn tính của Ngài. Theo lời kể của Mác-cô, sau khi bị bắt, Đức Giê-su được người ta dẫn tới dinh vị thượng tế. Tại đây, trước sự chứng kiến của các thượng tế, kỳ mục, kinh sư và dân chúng, vị thượng tế hỏi Đức Giêsu rằng: “Ông là Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng phải không?” (Mc 14,61). Đức Giêsu khẳng khái trả lời: “Phải, chính thế. Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Ðấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”(Mc 14,62).
Đến đây, vấn đề căn tính của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa, không còn là chuyện úp mở hay bí mật nhưng là vấn đề được công khai tuyên bố. Nếu như trước đây, căn tính này chỉ được bày tỏ qua tiếng phán từ đám mây, qua miệng các thần ô uế, hay gián tiếp qua hành động của Đức Giê-su… thì giờ đây, chính Đức Giê-su đã xác nhận và công bố một cách minh nhiên. Trước đây, Đức Giêsu đã yêu cầu những ai nhận ra Thiên tính của Ngài phải giữ bí mật và phải im lặng, vì con người chỉ có thể hiểu được Thiên Chúa là ai khi nhìn lên thập giá của Đức Giêsu: Ngài là “Con” nhưng không như con người nghĩ tưởng; Ngài là “Vua”, nhưng không như người ta chờ mong. Người “Con” ấy là hiện thân của một Tình Yêu trọn vẹn, một Tình Yêu không khép kín trong chính mình, nhưng đã hủy mình “ra không” để nên một với mọi người (Pl 2, 7)… Vị “Vua” ấy được tấn phong không phải để thống trị, nhưng là để “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10, 45).
Thật vậy, sau khi nhận danh hiệu “Đấng Ki-tô, Con của Đấng Đáng Chúc Tụng,” Đức Giêsu đã đón lấy cho mình những lời nhạo báng, chửi rủa và xỉ nhục thay vì những tiếng tung hô chúc tụng. Ngài đã chịu người ta tát vả, khạc nhổ, đấm đá vào mặt, vào thân mình thay những tiếng vỗ tay tán dương. Mặc cho loài người nhìn nhận và đối xử với “Con của Đấng Đáng Chúc Tụng” như vậy đó! Mặc cho tội lỗi hành hạ Con Chúa làm người như thế đó! Và mặc cho cảnh tượng bi thảm này đã được chính Chúa tiên báo trước, Đức Giêsu vẫn bình an đón nhận tất cả mà không một lời than trách.
Như thế, để sống đúng căn tính “Con Thiên Chúa” của mình, Đức Giêsu đã phải trả giá bằng chính cái chết của Ngài. Ngày hôm nay, Ngài cũng mời gọi chúng ta sống căn tính của mình giữa môi trường chúng ta đang hiện diện. Vậy chúng ta đã dám công khai xác nhận căn tính Kitô, căn tính người Tu sĩ Đa Minh của chúng ta qua lời nói, việc làm và cách sống của mình chưa?
3. Con Thiên Chúa—Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng (Mc 15, 33-39)
Chính lúc tối tăm bao trùm khắp mặt đất, chính vào thời khắc tuyệt vọng nhất trong cuộc đời Đức Giêsu, lúc Ngài tắt thở trên thánh giá, thì ánh sáng thiên tính lại bừng lên với lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng ngoại giáo: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa!” (Mc 15,39). Thật là bất ngờ! đáng lẽ lời tuyên xưng này phải thốt ra từ miệng các môn đệ hay trên môi của những người Do Thái là dân Thiên Chúa tuyển chọn. Nhưng không, lời tuyên xưng này xuất phát từ một người dân ngoại, một viên đại đội trưởng, người chỉ huy việc thi hành án tử hình đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá. Thật là nghịch lý! Khi các môn đệ và bao nhiêu người khác đã ở với Ngài, đã nghe Ngài giảng dạy, đã chứng chứng kiến bao phép lạ Ngài làm… nhưng lại không nhận ra và không dám tuyên xưng căn tính đích thực của Ngài; trong khi viên đại đội trưởng ngoại giáo này lại nhận được ánh sáng mặc khải để khám phá ra và nêu cao danh phận Đấng chịu đóng đinh là Con Thiên Chúa.
Chúng ta có thể đặt câu hỏi: Có lẽ viên đại đội trưởng này đã nhận ra điều gì khác lạ nơi kẻ tử tội, mang tên Giêsu? Dù Tin Mừng không ghi lại, nhưng chúng ta có thể đoán ra câu trả lời. Trong trách nhiệm thi hành án tử hình, viên sĩ quan này đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng của biết bao phạm nhân. Thông thường, những người ấy trước lúc bắt đắc dĩ phải từ giã cõi đời thường buông những lời tục tằn cay đắng, những cử chỉ bất nhã hận đời, những thái độ bất mãn, giận dữ, oán hờn người khác… Nơi Đức Giêsu thì hoàn toàn khác hẳn. Ông đã tận mắt chứng kiến Ngài quằn quại trong đau thương, cô đơn đến tột cùng, nhưng lại không hề phàn nàn, than trách. Trái lại, ngay trong cơn hấp hối khủng khiếp nhất, Ngài vẫn van nài ơn tha thứ cho kẻ làm khổ mình; Ngài khoan dung với những kẻ chế giễu mình; khích lệ người trộm lành; ân cần lo lắng cho mẹ và cho người môn đệ dấu yêu; và đặc biệt, Ngài đã thể hiện lòng tín thác tuyệt đối nơi Chúa Cha… Thật vậy, trong mọi hành vi nhất cử nhất động của Đức Giêsu đều đã được viện đại đội trưởng ngoại giáo này quan sát rất kỹ, để rồi ánh mắt của ông đã được chính ánh mắt nhân từ của Đức Giêsu trên Thập giá đã chạm đến, hoán cải ông khiến ông mạnh dạn thốt lên một lời tuyên xưng lịch sử: “Quả thật, Người này là Con Thiên Chúa” (Mc 15,39).
Lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng có ý nghĩa gì đối với tôi? Cách sống, cách ứng xử với tha nhân của tôi hôm nay có làm cho người đối diện nhận ra tôi là môn đệ của Thầy Giêsu không?
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, xin giúp chúng con trong Tuần Thánh này biết nhìn lên Chúa trên Thập giá để suy, để cảm và để nhận ra tình yêu vô biên của Chúa đã dành cho từng người chúng con. Đặc biệt trong những lúc chúng con gặp thử thách đau thương, những lúc chúng con đi trong đêm tối đức tin,… xin cho chúng con biết nhìn lên Chúa trong cuộc khổ nạn và tìm được ở nơi đó sức mạnh, nghị lực và niềm tin hầu đủ sức đi hết hành trình đức tin của chúng con trong niềm xác tín “Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài chính là Chúa của con.” Amen.
III. CÂU HỎI THẢO LUẬN CỘNG ĐOÀN
1. Duyệt quyết tâm tháng 03/2012.
2. Đức Giêsu nói về người phụ nữ xức dầu cho Người: “Điều gì làm được thì cô đã làm” (Mc14,8) . Còn tôi, có bao giờ tôi hỏi mình những câu hỏi này: “Tôi đã làm gì cho Chúa Giêsu chưa? Trong lúc này, tôi có thể làm gì cho Ngài, vì Ngài và với Ngài?” Trong môi trường tôi và cộng đoàn tôi hiện diện, người xung quanh có nhận ra căn tính “Con Thiên Chúa” của tôi và của cộng đoàn tôi không?
3. Chọn quyết tâm tháng 4/2012.
……………………………………
1. Đa Minh Trần Đình Nhi, Chúa Nhật Lễ Lá B, trích tạị: http://www.simonhoadalat.com/suyniem/chunhat/NamB/2005-06/LeLa-Nhi.htm
2. The New Interpreters Bible, Volume VIII. Nashville: Abingdon Press, 1995, p. 698.
3. The New Interpreters Bible, Volume VIII, p. 699.